Ngay sau khi đánh chiếm Hội An, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động tuần tra, canh gác bảo vệ vùng chiếm đóng, phát triển lực lượng ngụy quân, thành lập chính quyền bù nhìn các cấp, … thực dân Pháp còn chú trọng đến việc xây dựng hệ thống các đồn, bốt ở vùng ngoại ô bao quanh bảo vệ cho vùng chúng chiếm đóng. Đầu năm 1948, cùng với các đồn Phước Trạch, Xóm Mới, Lai Nghi thì đồn Cẩm Phô Nam cũng được thực dân Pháp lập nên ở khu IV (khu Lương Như Bích - 1 trong 8 khu phố do chính quyền cách mạng lập nên sau cách mạng tháng 8/1945). Địa điểm này hiện là trụ sở UBND phường Cẩm Nam.
Do nằm trên địa bàn có vị trí chiến lược là vành đai bảo vệ khu vực nội ô Hội An từ phía Nam; là hành lang nối liền giữa hậu cứ của ta và vùng chiếm đóng của địch nên thực dân Pháp tập trung xây dựng đồn này khá kiên cố. Lực lượng địch bố trí ở đây có 45 tên, trong đó có 5 tên Pháp và 40 tên Vệ Binh Đoàn, trang bị 1 máy FM và 26 súng trường. Ngoài nhiệm vụ canh phòng, khống chế địa bàn; lực lượng địch ở đây còn thực hiện các đợt càn quét, cướp bóc tài sản của nhân dân; vây bắt thanh niên để bổ sung vào hàng ngũ của chúng.
Những hoạt động của địch ở đây gây cho lực lượng của ta nhiều khó khăn, nhất là trong việc phát triển phong trào đấu tranh ở phía Nam cũng như tổ chức các trận tấn công vào những mục tiêu trong vùng địch chiếm đóng. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Thị ủy về “đẩy mạnh hoạt động quân sự trong vùng địch, mở rộng các vùng du kích áp sát nội ô”, lực lượng du kích ở các địa phương đã tổ chức những trận đánh bất ngờ, gây cho địch hoang mang, lo sợ. Ở mục tiêu ở đồn Cẩm Phô Nam, ngày 17/6/1948, một đơn vị của tiểu đoàn 39 bộ đội chủ lực của Liên khu V phối hợp với du kích Thị xã mở cuộc tấn công quy mô vào địa điểm này. Kế hoạch được chuẩn bị chu đáo, cùng với sự mưu trí, dũng cảm giúp cho lực lượng của ta nhanh chóng khống chế quân địch trú trong đồn. Trận này ta tiêu diệt 1 trung đội Việt Binh đoàn, bắt sống 6 tên và thu toàn bộ vũ khí. Đây được xem là trận đánh lớn đầu tiên của quân ta vào địa điểm quan trọng ở sát trung tâm đầu não của địch, làm chúng thêm phần khiếp sợ. Sau đó, vào năm 1949, được sự hỗ trợ của cơ sở nội ứng trong hàng ngũ địch, du kích địa phương phối hợp với lực lượng Thị xã tiếp tục tấn công vào địa điểm này, tiêu diệt 12 tên, thu toàn bộ vũ khí và bắt sống một số tên.
Có thể nói những thắng lợi này có ý nghĩa quan trọng, bên cạnh khẳng định ý chí quyết tâm đánh giặc của quân dân Hội An trong những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến còn góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của quân và dân địa phương trên chặn đường đấu tranh giải phóng quê hương đầy chông gai phía trước.
* Tài liệu tham khảo:
- BCH Đảng bộ thị xã Hội An, Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), 1996.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền