Cây Ngô đồng đỏ ở Cù Lao Chàm

Thứ hai - 21/07/2014 03:42
(VACNE) - Nghe tên cây ngô đồng, người ta nhớ đến loài cây nổi tiếng của Trung Quốc cũng có hoa đẹp và lá vàng rụng khi mùa thu đến. Hai câu thơ cổ về loài cây này vẫn được nhiều người nhắc đến : Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu (dịch ra tiếng Việt: Ngô đồng một lá rơi ra/ Báo cho thiên hạ biết là thu sang)
    Từ Hội An, nhìn về phía biển Đông ta thấy những  hòn đảo nhỏ nhấp nhô in trên nền trời xanh thẳm. Đó là Cù Lao Chàm, một quần  đảo xinh đẹp, nằmcách bờ biển Cửa Đại, Hội An  15 km. Đến Cù Lao Chàm, du khách sẽ được cư dân trên  đảo giới thiệu  về một loài cây gỗ đa tác dụng và có hoa đẹp: cây Ngô đồng. Nghe tên cây, người ta nhớ đến loài cây nổi tiếng của Trung Quốc cũng có hoa đẹp và lá vàng rụng khi mùa thu đến. Hai câu thơ cổ về loài cây này vẫn được nhiều người nhắc đến : Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu ( dịch ra tiếng Việt: Ngô đồng một lá rơi ra/ Báo cho thiên hạ biết là thu sang).Cây Ngô đồng trong hai câu thơ này cũng chính là cây Ngô đồng được trồng  ở Huế và đã được vua Minh Mạng cho khắc hình cây vào Cửu đỉnh đặt trong sân Nội Điện.

     Cây Ngô đồng ở Cù Lao Chàm, nhìn qua rất giống cây Ngô đồng ở Huế, thân có vỏ màu xám, nứt dọc; cây vừa có lá nguyên, vừa có lá xẻ thuỳ chân vịt; lá vàng  rụng hết trước khi cây ra hoa và nở đồng loạt trên  cành; quả  hình lá phát tán khắp nơi theo gió khi chín ; vỏ cây cho sợi  đan võng và các hàng mỹ nghệ. Về mặt Phân loại học thực vật, hai loài cây này cùng thuộc họ Trôm ( Sterculiaceae). Nhưng quan sát kỹ cây Ngô đồng Cù Lao Chàm  khác Ngô đồng Huế ở các đặc điểm : hoa cây Ngô đồng ở Huế ( tên khoa học Firmiana simplex W. Wight) có màu vàng nhạt hay tím hồng, còn hoa cây Ngô đồng Cù Lao Chàm ( tên khoa học Firmiana colorata R. Br.)  màu đỏ - da cam . Cấu tạo hoa của hai loài cũng khác nhau : hoa của Ngô đồng Cù Lao chàm có đài hình ống, nhiều lông , trên đỉnh có 5 răng nhỏ, còn đài hoa của Ngô đồng Huế nhẵn, xẻ sâu .Qủa của Ngô đồng Cù Lao Chàm chỉ mang 1-2 hạt, còn quả của Ngô đồng Huế mang 2-4 hạt. Để phân biệt hai loài cây cùng mang tên Ngô đồng khá giống nhau này, chúng tôi đề nghị gọi tên cây Ngô đồng mọc ở Cù Lao chàm là Ngô đồng đỏ

      Ở Cù Lao Chàm, Ngô đồng đỏ mọc rải rác khắp  đảo từ độ cao 50m đến gần 500m, tập trung trên sườn núi phía tây, từ dốc  xóm Mới đến bãi  Cụt với chiều dài khoảng 1km. Ở đây, Ngô đồng mọc thành từng dải cây gỗ, gần như thuần loại hoặc mọc xen lẫn với Thanh thất, Tim lang, Trôm bài cành và một số loài Đa chịu hạn. Ngô đồng đỏ mọc ở độ dốc từ 10-30o và phân bố ở sườn phía tây nhiều hơn sườn phía đông. Cây Ngô đồng đỏ ưa đất phát triển trên đá granít có đá lộ đầu lớn. Ở đây, gió bão nhiều, đất khô, tầng mỏng nên cây chỉ cao khoảng 5-10m; thân cây to,đường kính trung bình: 60-80cm, phân cành sớm, gốc thân vặn vẹo, xù xì, giống như thân các cây đại cổ thụ được trồng ở đình chùa.

      Đầu mùa hạ,vào khoảng tháng 4, lá cây bắt đầu ngả màu vàng, tháng 5, lá vàng bắt đầu rụng  đến hết tháng 6, tháng 7,8 cây trổ hoa đẹp trên cành đã trút hết lá. Nhìn lên sườn núi lúc này, ta thấy  từng vệt màu đỏ tươi rực rỡ, chính là  hoa Ngô đồng nở rộ, toàn cây như được bao phủ bởi hoa.Tháng 9 cây ra lá non và kết quả vào tháng 10 khi mùa khô kết thúc. Mùa mưa đến, quả Ngô đồng chín đều và phát tán khắp nơi, hạt tiếp đất có độ ẩm cao sẽ nảy mầm thành cây con.
  
     Cây Ngô đồng đỏ, ngoài giá trị trang trí cảnh quan, hấp dẫn khách du lịch, vỏ cây  còn được người dân trên đảo dùng làm sợi đan võng, hạt ngô đồng, rang lên ăn rất bùi  vì  chứa nhiều dầu . Nghề  đan võng bằng sợi lấy từ vỏ cây ngô đồng là một nét độc đáo, và là một trong những  mục tiêu tham quan hấp dẫn của khách du lịch khi đến thăm Cù Lao Chàm.Theo các cụ cao niên ở đây cho biết, võng đan từ sợi vỏ cây Ngô đồng đỏ  rất bền, nằm êm và có tác dụng chữa  bênh đau lưng. Tuy nhiên hiện nay, nghề đan võng đang dần bị  mai một, một phần do nguyên liệu sợi  lấy từ cây ngô dồng ngày càng khan hiếm , giá thành cao,nên nghề này chỉ còn rất ít gia đình duy trì như gia đình cụ Nguyễn thị Môn, nay trên 80 tuổi, sống ở thôn Cấm, xã đảo Tân Hiệp thuộc Cù Lao Chàm . Người biết nghề này cũng chỉ còn năm, sáu cụ bà, hầu hết tuổi đã cao.

       Qua khảo sát loài cây Ngô đồng đỏ và thu thập các kiến thức truyền thống của người dân ở Cù Lao Chàm, chúng tôi thấy đây là một loài cây bản địa, đa tác dụng, rất đặc trưng cho hòn đảo xinh đẹp này.Việc bảo vệ và phát triển chúng, sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở đảo.  Rồi đây Cù Lao Chàm sẽ qui hoạch những đoạn đường mang tên Ngô đồng đỏ trên con đường bao quanh đảo để  tăng hấp dẫn du khách .Tháng 6-7 khi mùa hoa Ngô đồng nở rộ sẽ trở thành “ngày hội hoa” của đảo,thông tin này sẽ được phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng mời gọi khách du lịch bốn phương đến Cù Lao Chàm thưởng ngoạn mùa hoa Ngô đồng nở rộ. Khách du lịch đến đảo vào tháng 9-10 sẽ được chiêm ngưỡng cảnh những quả Ngô đồng bay theo gió như những đàn én lượn và cùng thưởng thức  hương vị của hạt Ngô đồng . Khi rời khỏi đảo du khách sẽ  mua quà lưu niệm là những chiếc võng và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ sợi vỏ cây ngô đồng để kỷ niệm chuyến du lịch ra đảo. Trong đất liền, tại Hội an, Ngô đồng cũng có thể được  trồng phổ biến trên đường phố, trong các công viên, vườn gia đình  để tạo  cảnh quan vô cùng rực rỡ và ấn tượng cho khách du lịch khi đến thăm thành phố cổ trong mùa hoa Ngô đồng. Hy vọng Ngô đồng sẽ được chọn làm loài cây tiêu biểu cho phố cổ Hội An và Cù Lao Chàm. Đầu tháng năm vừa qua, khi từ đảo trở về đất liền, chúng tôi có đến thăm đồng chí Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Thành phố Hội An. Chúng tôi nói với ông về cây Ngô đồng, về triển vọng của loài cây gỗ quí giá này. Đồng chí cười vui và nói : sẽ sớm có kế hoạch bảo tồn và phát triển cây Ngô đồng đỏ, một loài cây quý, đa tác dụng ở Cù Lao Chàm và phố cổ Hội An.,.
 

 
Ảnh 1. Rặng Ngô đồng  mọc  ở phía tây Cù Lao Chàm . (Ảnh Vũ  Dũng)

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây