Giáo sư Trần Quốc Vượng với Hội An

Chủ nhật - 03/08/2014 22:21
Trên hành trình đến với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, ngoài sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, Hội An còn được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước. Trong đó, trước tiên phải kể đến những đóng góp của giáo sư Trần Quốc Vượng trong việc nhận diện bức tranh văn hóa khảo cổ Hội An và những vấn đề về vị thế địa lịch sử, bản sắc địa văn hóa của mảnh đất Hội An.
Giáo sư Trần Quốc Vượng - Ảnh: vnu.edu.vn
Giáo sư Trần Quốc Vượng - Ảnh: vnu.edu.vn
       Mười năm sau ngày giải phóng, Hội An vẫn là vùng trắng trên bản đồ khảo cổ về thời kỳ tiền sơ sử và Champa. Tuy vậy, lần đầu tiên đến Hội An vào năm 1984, với cảm quan khoa học sâu sắc, giáo sư Trần Quốc Vượng đã đề nghị tìm bằng được di tích Chăm ở Hội An, đồng thời nhận định rằng Hội An có thể có các di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Những kết quả điền dã, nghiên cứu khảo cổ trong những năm sau đó của giáo sư cùng cộng sự ở khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng như của các nhà khảo cổ khác trong và ngoài nước đã thiết lập được bản đồ khảo cổ học ở Hội An với mật độ dày đặc các dấu tích, di tích Văn hóa Sa Huỳnh và Chăm. Mùa điền dã khảo cổ năm 1989 với sự phối hợp giữa Trung tâm Văn hóa Việt Nam - Đại học Tổng hợp Hà Nội và Ban Quản lý Di tích Hội An do giáo sư Trần Quốc Vượng chủ trì đã phát hiện 03 di tích văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên ở Hội An là di tích An Bang, Thanh Chiếm và Hậu Xá. Những phát hiện này là cơ sở dữ liệu quan trọng để thiết lập và thực hiện dự án “Khai quật khảo cổ về di tích văn hóa mộ chum Sa Huỳnh ở thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng” từ năm 1993-1995 do Toyota Foundation tài trợ. Trong dự án này, giáo sư Trần Quốc Vượng được mời làm cố vấn khoa học và là người chủ trì hội thảo khoa học kết thúc dự án. Trong bài Tổng luận về Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An trình bày tại hội thảo, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh “Hội An là một trong những nơi lý tưởng về nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh” và Hội An “từ thời Sa Huỳnh đã là một Tiền cảng thị hay là một Cảng thị sơ khai, sớm có giao lưu kinh tế - văn hóa với các không gian văn hóa” lân cận và khu vực. Trong những năm 1997-2000, giáo sư Trần Quốc Vượng cùng với các cộng sự tiến hành điền dã khảo cổ tại cụm đảo Cù Lao Chàm và đã phát hiện, 02 di tích khảo cổ quan trọng gồm di tích khảo cổ Bãi Ông và di tích khảo cổ Bãi Làng. Ngoài ra còn phát hiện một số vấn đề khác liên quan đến việc khai thác nguồn nước từ các khe, suối và các thủy hệ của cư dân cổ ở Cù Lao Chàm.

     Nhận diện, làm nổi bật các giá trị về lịch sử, văn hóa của Hội An một cách thấu đáo là công tác hết sức quan trọng đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu và tiến hành qua nhiều hội thảo khoa học. Năm 1985, hội thảo khoa học cấp quốc gia về Hội An được tổ chức do giáo sư Trần Quốc Vượng chủ trì. Năm năm sau, hội thảo khoa học quốc tế về Hội An cũng được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước. Những tham luận khoa học trong hai cuộc hội thảo này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa Hội An. Tại hai hội thảo này có những đóng góp hết sức quan trọng của giáo sư Trần Quốc Vượng với các bài nghiên cứu “Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt”, “Vị thế địa - lịch sử, bản sắc địa – văn hóa của Hội An”.

     Có thể nói, sinh thời giáo sư Trần Quốc Vượng đã dành cho Hội An nhiều tình cảm đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Giáo sư đã vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn khi lặn lội điền dã, khảo sát trên những nổng cát nắng bỏng ở vùng Thanh Hà, Cẩm Hà hay băng rừng, lội suối ở hải đảo Cù Lao Chàm xa xôi. Và chính vì thế giáo sư Trần Quốc Vượng mới có một đúc kết khoa học hết sức tinh tế về Hội An “Đó là một sự hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng”. 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây