Khu phố cổ Hội An

Thứ sáu - 08/08/2014 03:09
(Cinet) – Trong số những di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã được Unesco công nhận tại Việt Nam, cùng với Vịnh Hạ Long, khu phố cổ Hội An là 1 trong 2 di sản thu hút khách du lịch nhất từ trước tới nay.

           Lý do Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn với những bình chọn như: thành phố du lịch mới nổi hấp dẫn tại Châu Á; Thành phố du lịch tốt nhất; Thành phố du lịch lãng mạn nhất…là bởi nơi đây không chỉ là một di sản có cảnh quan đẹp, mà hơn thế nữa Hội An còn có một dấu ấn văn hóa đặc sắc riêng không nơi nào có được.

           Dấu ấn văn hóa đặc sắc đó được thể hiện trên từng kiến trúc nhà cửa, đền, chùa, nhà thờ tộc…được biểu hiện qua lối giao thiệp ứng xử của người dân nơi đây, qua từng món ăn truyền thống và thậm chí cả những món quà lưu niệm bé bé được bày bán khắp các con phố nhỏ.

          Tờ tạp chí Indiatimes của Ấn Độ khi giới thiệu về Hội An đã viết: Đây là thành phố lãng mạnh nhất thế giới, một đô thị cổ được hình thành từ thế kỷ 15 với những nét duyên dáng và vẻ hoài niệm mà không nơi nào trên thế giới có được…

         Quả đúng như vậy, được hình thành từ thế kỷ 15, đô thị cổ Hội An vốn là một thương cảng buôn bán sầm uất, thời kỳ hưng thịnh nhất của Hội An là khoảng thế kỷ 17,18. Mặc dù bắt đầu thoài trào vào khoảng giữa thế kỷ 19 song may mắn là Hội An vẫn giữ được dáng vẻ vốn có từ thời hưng thịnh với những công trình cổ hàng trăm năm tuổi.

        Đường phố trong khu phố cổ Hội An nhỏ và hẹp, những ngôi nhà cổ nằm xem kẽ cùng với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như để minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển của vùng đất này. Hội An cũng là vùng đất ghi dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa giữa các nền văn hóa. Nếu như các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa, các ngôi nhà truyền thống đậm nét của người Việt thì một số biệt thự cổ lại mang dáng vẻ kiến trúc Pháp.

       Ở Hội An cái gì cũng đẹp từ mái nhà cổ, cho đến con phố nhỏ hay một cửa hàng bán đồ lưu niệm, một quán ăn bình dân đều rất thu hút khách thăm quan, vì vậy dù có đến với Hội An nhiều lần du khách cũng không cảm thấy nhàm chán. Hiện nay, có 21 di tích được khai thác phục vụ du lịch trong quần thể khu phố cổ Hội An gồm: Chùa Cầu, đình Cẩm Phô; Tụy Tiên Đường Minh Hương; Miếu Quan Công. Nhà cổ Quân Thắng; Đức An; Phùng Hưng; Nhà thờ tộc Trần; Tấn Ký. Hội quánTriều Châu; Quảng Đông; Phúc Kiến. Bảo tàng Lịch sử văn hóa; Gốm sứ mậu dịch; Văn hóa Sa Huỳnh và bảo tàng Văn hóa dân gian. Mộ các thương gia người Nhật Gu Sokukun, Tani Yajirobei, Banjiro và Xưởng thủ công - mỹ nghệ, Xưởng thêu XQ Hội An.
 


Chùa Cầu Nhật Bản - di tích tiêu biểu tại Hội An

           Tất cả 21 di tích trên đều là những di tích đặc biệt với kiến trúc, lịch sử riêng song trong số đó có 1 số điểm không thể và không nên bỏ qua khi đến với Hội An đó là; Chùa Cầu Nhật Bản; Hội quán Ngũ Ban; Nhà cổ Phùng Hưng; Nhà cổ Tân Ký…

           Chùa Cầu được xem là biểu tượng của vùng đất Hội An và rất đỗi quen thuộc đối với khách du lịch khi có dịp qua đây. Đây là cây cầu do các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Thiết kế ban đầu của cầu mang đậm dấu ấn văn hoá Phù Tang với mái ngói mềm mại có độ dốc xuống, những cột vuông, hoa văn trang trí hình chiếc quạt xòe, hình mặt trời…Cầu dài 18m, có mái che, lợp ngói âm dương, mặt cầu bằng ván gỗ, hình dáng cong cong ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Thu Bồn. Với lối kiến trúc khá độc đáo nên rất nhiều du khách tỏ ra thích thú khi dừng chân tham quan cây cầu đặc biệt này.
 

Hội quán Ngũ Bang

           Cũng mang trên mình lối kiến trúc Trung Hoa, hội quán Ngũ Bang (hội quán Dương Thương hay Trung Hoa hội quán) toạ lạc ngay tại trung tâm khu phố cổ Hội An, là một trong năm hội quán do các thương khách người Hoa gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng xây dựng vào năm 1741. Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng hội quán vẫn giữ được lối kiến trúc nguyên thuỷ ban đầu. Hội quán Trung Hoa được xây dựng theo hình chữ “Quốc”, gồm nhà tiền điện, chánh điện, tả vu và hữu vu. Đây là nơi thờ Thiên Hậu Ngũ Bang và là điểm sinh hoạt tín ngưỡng hay hội họp đồng hương của cả 5 bang để giúp đỡ nhau trong làm ăn buôn bán.
 

Nhà cổ Phùng Hưng

            Nhà cổ Phùng Hưng cũng là một trong những ngôi nhà nổi tiếng nhất trong quần thể kiến trúc cổ tại Hội An. Ngôi nhà cũng được xây dựng và trang trí bằng nhiều chất liệu quý nhưng không điêu khác, chạm trỗ cầu kỳ mà được giữ thô một cách cố ý. Nhà cổ Phùng Hưng thường dùng chủ yếu làm nơi trao đổi, giao thương buôn bán các mặt hàng như tơ tằm, thủy tinh, hạt tiêu, muối. Đặt chân đến ngôi nhà cổ Phùng Hưng, du khách không khỏi ngạc nhiên bởi sự pha trộn tinh tế và hài hòa của lối kiến trúc Á Đông. Với sự giao thoa của ba trường phái kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa, ngôi nhà cổ này được đánh giá là ngôi nhà có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh.
 
  Nhà cổ Tấn Ký
 
            Nhà cổ Tấn Ký được xem là ngôi nhà cổ nhất Hội An với gần 200 năm tồn tại. Ngôi nhà được xây dựng vô cùng độc đáo với những đường nét kiến trúc đa quốc gia. Tổng thể kiến trúc của ngôi nhà theo kiểu hình ống – đặc trưng của loại nhà phố Hội An, với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Đồng thời, vật liệu trang trí nội thất trong ngôi nhà chủ yếu dùng các loại gỗ quý được chạm trỗ, điêu khắc rất tinh xảo thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân. Du lịch Hội An qua những ngôi nhà cổ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ Tấn Ký – một ngôi nhà cổ còn lại nguyên vẹn và đẹp nhất Việt Nam hiện nay.




Từ kiến trúc nhà cửa;các công trình đền chùa; cho đến các quán ăn, nhà hàng; những ngõ nhỏ;
thậm chí cả những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc và những món quà lưu niệm nho nhỏ tại
Hội An cũng thu hút du khách một cách kỳ lạ. Ảnh Hương-Cinet 

 
          Khu chợ đêm cũng là một phần không thể không nhắc đến bởi đây cũng là một trong những điểm đặc biệt hấp dẫn của Hội An. Trước kia những dãy phố bán lưu niệm nằm ngay trong trung tâm phố cổ nhưng đến nay do nhu cầu khách thăm quan du lịch tăng, khu chợ đêm được mở rộng hơn qua cả bên kia cầu. Hầu hết các cửa hàng lưu niệm tại Hội An đều treo rất nhiều đèn lồng dù rằng cửa hàng đó bán quần áo thời trang, giầy dép, đồ lụa, đồ bạc hay mỹ nghệ...Những dãy phố dài treo đèn lồng đã tạo nên một hình ảnh, một dáng vẻ riêng cho Hội An mà không có thành phố nào có được.

          Sẽ là thiếu sót nếu như nói đến Hội An mà không nói đến những món ăn nổi tiếng nơi đây như Bánh bèo, Bánh Vạc, Hoành thánh, Cao lầu…Chính những món ăn truyền thống này đã góp phần không nhỏ tạo nên một văn hóa rất riêng của mảnh đất Hội An. Có lẽ hiếm có du khách nào đã đến với Hội An mà không nếm thử những món ăn đặc biệt này, cũng không khó để tìm một quán ăn bán những thứ đặc sản này. Trong những con phố nhỏ, xen giữa những cửa hàng lưu niệm là những quán ăn nho nhỏ, những hàng cà phê đậm chất Hội An mà ít ai có thể cưỡng lại mong muốn dừng chân khi ghé qua..

          Di sản Hội An còn thu hút khách du lịch bởi không gian tĩnh lặng có vẻ trái ngược với sự ồn ào vốn có của 1 thành phố du lịch, bởi mùi rêu phong thời gian, bởi vẻ giản dị thân thiện của người dân nơi đây và cả bởi vẻ lãng mãn cuốn hút khó diễn tả bằng lời…Cứ như vậy, Hội An lặng lẽ chinh phục du khách trong và ngoài nước để trở thành một điểm đến nổi danh tại khu vực Châu Á và là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Việt Nam.

 

Tác giả: Lan Hương

Nguồn tin: Trích sách Đô thị cổ Hội An và những di tích tiêu biểu, Nguyễn Phước Tương, tr 129 - 137, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2007

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây