Đến tháng 10/1942, cơ quan Liên Tỉnh - Thành ủy được xây dựng tại Kim Bồng, cơ quan chính đặt ở nhà đồng chí Nguyễn Hàng, ấp Vĩnh Hưng. Cơ quan dự bị đặt tại nhà bà Thủ Khóa - mẹ đồng chí Trương Tòng ở ấp Trung Châu. Việc này cho thấy sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ đối với gia đình đồng chí Trương Tòng. Từ đây, đồng chí Trương Tòng cùng gia đình đã nhiều lần làm nhiệm vụ cảnh giới, phục vụ các đồng chí lãnh đạo là Võ Toàn - Bí Thư Liên tỉnh thành ủy, Nguyễn Sắc Kim đến làm việc, viết báo. Đồng chí Trương Tòng cùng chị là Trương Thị Nuôi còn bí mật in ấn, phát hành những bài báo “Cờ độc lập” do các đồng chí Võ Toàn, Nguyễn Phe, Võ Văn Đặng viết.
Từ những hoạt động tích cực trong công tác vận động quần chúng, in ấn tài liệu nên trong năm 1942, đồng chí Tòng đã được kết nạp Đảng, năm 1943 đồng chí trở thành đảng viên chính thức của Chi bộ Kim Bồng do đống chí Trần Tân làm Bí thư. Đầu năm 1943, phong trào cách mạng của thành phố đang bị đàn áp, đồng chí Nguyễn Phe, Bí thư chi bộ Kim Bồng giữa lúc này đã kịp thời củng cố Chi bộ. Đồng chí Trương Tòng cùng các thành viên của Chi bộ thường xuyên đến từng nhà dân vận động nhiều người tham gia Mặt trận Việt Minh..
Tích cực gây dựng phong trào và nhận được sự tin tưởng của tổ chức, vào cuối năm 1943, đồng chí Nguyễn Phe quyết định chọn nhà đồng chí Trương Tòng để mở hội nghị thống nhất thành lập Thành ủy lâm thời Hội An. Thành ủy lâm thời gồm có đồng chí Nguyễn Phe - Bí thư và đồng chí Trần Tân, Võ Văn Thắng. Đến đầu năm 1943, đồng chí Trương Tòng được bổ sung vào Thành ủy.
Do chính sách độc canh nông nghiệp của Nhật nên nông dân ở Quảng Nam, Hội An gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh thiếu đói, nhiều thợ thủ công ở Kim Bồng phải mua gạo với giá đắt nên đời sống cũng lâm vào cảnh khó khăn. Chi bộ Kim Bồng cử đồng chí Trương Tòng cùng một số cụ già đến gặp Lý trưởng của xã, Tri huyện Duy Xuyên, Tòa sứ Hội An yêu cầu chính quyền bán gạo cho dân. Cuộc đấu tranh không có kết quả nhưng đã tạo ra phản ứng quyết liệt đối với sự cai trị hà khắc của chính quyền phong kiến, thực dân.
Mặc dầu gặp khó khăn về kinh tế nhưng phong trào cách mạng Kim Bồng vẫn được giữ vững, nhiều quần chúng yêu nước tiếp tục làm cơ sở cho Chi bộ Kim Bồng, tạo điều kiện cho các đồng chí đảng viên an tâm hoạt động.
Các đảng viên Cẩm Kim nắm bắt được chủ trương xây dựng lại tổ chức Đảng, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền của hội nghị tái lập Tỉnh ủy lâm thời được tổ chức tại Chùa Kim Bửu ở tháng 4 năm 1944 nên đã nhanh chóng thành lập Ủy ban vận động Việt Minh với bí danh “Cẩm Thạch” vào tháng 6/1944. Đồng chí Trương Tòng là thư ký Ủy ban vận động Việt Minh đã góp phần vận động quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị đánh đổ quân Nhật, Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân và đã tác động đến sự ra đời của Ủy ban Mặt trận Việt Minh ở địa phương lân cận là ấp Xuân Lâm, Tu Lễ, Trường Lệ của Cẩm Phô.
Vào ngày 17/8, trong không khí sôi sục của những ngày tổng khởi nghĩa, tại nhà đồng chí Trương Tòng, các đồng chí Lưu Quý Kỳ, Phan Trí đã nhanh chóng may xong lá cờ Việt Minh cỡ lớn cho đoàn quân khởi nghĩa. Đến rạng sáng 18/8/1945, lá cờ Việt Minh đã tung bay trên Tỉnh đường báo hiệu cách mạng tháng Tám ở Hội An thành công.
Sau những đóng góp trong công tác tuyên truyền, đoàn thể cho phong trào cách mạng Tiền khời nghĩa ở Kim Bồng, Hội An, sau cách mạng Tháng Tám đồng chí Trương Tòng tiếp tục công tác trong ngành quân đội và Lao động Thương binh xã hội cho đến khi về hưu và qua đời vào những cuối 1980 tại Hà Nội.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền