Về 12 Bà Mụ được thờ cúng ở Hội An

Thứ hai - 02/06/2014 05:22
Bà Mụ là từ dùng để chỉ chung cho 15 vị thánh gồm “Ba bà Chúa Sanh Thai” còn gọi là “Sanh Thai nương nương” và “12 bà mụ” còn gọi là “thập nhị Hoa Bà” hay “Kim Hoa nương nương”. Có nhiều nguồn tài liệu nhắc đến sự tích Bà Mụ, trong tác phẩm Lược khảo về thần thoại Việt Nam tác giả Nguyễn Đổng Chi viết: “Sự tích của 12 vị nữ thần này hiện nay chúng ta chỉ còn biết một cách lờ mờ. Có thuyết nói đó là các thần giúp việc cho Ngọc Hoàng từ lúc ông ta có ý định sáng tạo ra loại người…”, hay Lê Quý Đôn trong tác phẩm Vân đoài loại ngữ viết: “Tục nước ta, đẻ con được ba ngày, làm mâm cơm cúng Mụ. Đến hôm đầy tháng, hôm một trăm ngày, hôm đầy tuổi tôi, đều có làm cỗ cúng gia tiên, bày tiệc ăn mừng…”
            Theo quan niệm dân gian của cộng đồng người Việt, đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên - Bà chúa Đầu thai và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 Tiên Nương – hay còn gọi là 12 bà Mụ nặn ra ban cho. Tại Hội An, Bà Mụ được thờ cúng tại nhiều di tích tín ngưỡng như chùa Bà Mụ, lăng Bà Mụ tại Cù Lao Chàm, Hội quán Phước Kiến… Trong đó, nổi bật nhất là hoạt động thờ cúng tại Hội quán Phước Kiến.

          Tục thờ cúng bà Mụ là tín ngưỡng người Việt tiếp thu từ Trung Hoa. Theo truyền thuyết, lệ tục này có từ lâu đời và đã từng được giải nghĩa trong nhiều tác phẩm. Sanh thai nương nương là 3 bà Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu và Bích Tiêu, môn đồ của Quy Linh Thánh Mẫu; 3 bà đã được phong thần và có nhiệm vụ chuyên lo nặn tạo bào thai, 12 bà Mụ - Kim hoa nương nương thì chuyên lo việc dạy cho đứa trẻ sau khi sinh biết khóc, biết cười, biết ngủ, biết lật...

          Ở Hội quán Phước Kiến, hàng năm đến dịp vía bà Mụ vào ngày mồng 1 tháng 2 âm lịch, rất đông bà con đến dâng hương cầu cúng, cầu mong cho mẹ tròn con vuông, sinh đẻ thuận lợi, con cái phát triển khỏe mạnh, hay cầu tự, cầu có con. Theo lệ hàng năm, vào đầu tháng 2 âm lịch Hội quán Phước Kiến được vệ sinh, trang hoàng trang trọng, đặc biệt là bàn thờ 12 bà Mụ. Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, bắt đầu tổ chức lễ cúng do các bà trong Hội đảm nhận, nghi thức tế lễ rất đơn giản chỉ dâng lễ vật và thấp hương khấn vái, sau đó bà con và du khách thập phương đến dâng hương… Lễ chính diễn ra vào ngày 2/2 âm lịch, trong ngày này, sau khi cúng tế còn có tổ chức ăn uống và phát quà cho các cháu trong bang.

          Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng 12 bà Mụ tại Hội quán Phước Kiến nói riêng và ở Hội An nói chung là một nét đặc trưng văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Hội An, thể hiện niềm tin của nhân dân trong việc thờ cúng những vị thần bảo trợ cho các bà mẹ mang thai, mỗi đứa trẻ khi chào đời và lớn lên đều có các Bà Mụ đi theo làm nhiệm vụ chăm sóc, nâng đỡ. 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây