Mười năm bảo tồn Cù Lao Chàm: Gìn giữ giá trị thiên nhiên

Thứ hai - 26/05/2014 00:03
Tháng 10 năm 2003, Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập, mở ra một giai đoạn mới trong việc bảo tồn gìn giữ các sinh vật hoang dã trên đảo cũng như các giá trị thiên nhiên và nhân văn nơi đây.

 

Cù Lao Chàm trở thành điểm đến hấp dẫn sau 5 năm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. (Ảnh do Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cung cấp)
Cù Lao Chàm trở thành điểm đến hấp dẫn sau 5 năm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. (Ảnh do Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cung cấp)


           Đa dạng sinh học

          Cù Lao Chàm nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15km, là một cụm đảo với 8 đảo nhỏ gồm Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông (thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Nơi đây hiện diện đầy đủ hệ sinh thái đa dạng đại diện cho vùng cửa sông, ven bờ và biển đảo cũng như tập trung cao nhất về thành phần loài, các quần thể, quần xã sinh vật từ trên rừng xuống đến đại dương. Nổi bật, có thể kể đến rừng đặc dụng Cù Lao Chàm với 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6  ngành thực vật bậc cao có mạch của hệ thực vật Việt Nam. Ngoài ra, kết quả khảo sát ở độ cao dưới 100m còn phát hiện hơn 288 loài cây thuốc nam xen lẫn trong những cánh rừng với những cây cổ thụ như gõ mật, lim xanh, dầu lôn, chò nâu, huỷnh, bời lời đỏ... cùng một số loài thực vật quý hiếm khác như lan nhung, trầm hương...

        Ẩn mình dưới làn nước biển trong xanh là những rạn san hô rực rỡ màu sắc trải rộng trên diện tích 311ha cùng hơn 50ha thảm cỏ, rong biển và các vùng triều bờ đá tạo ra nơi cư ngụ, sinh trưởng, sinh sản của các loài cá, giáp xác, nhuyễn thể. Theo nhận định của các nhà khoa học, vùng biển Cù Lao Chàm đang trở thành vùng cung ứng giống và nguồn lợi cho địa phương, khu vực thông qua “hiệu ứng tràn”. Nổi bật, có thể kể đến loài cua đá Cù Lao Chàm bởi sự đặc biệt về tập tính sinh sản gắn liền với hệ sinh thái rừng và biển. Dù điều kiện sống và thiên nhiên khắc nghiệt nhưng mỗi năm Cù Lao Chàm vẫn cung cấp cho thực khách gần 10.000 con cua dán nhãn sinh thái, được khai thác theo một quy trình quản lý hợp lý.

          Ngoài vùng lõi Cù Lao Chàm, vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển được che phủ chủ yếu bởi rừng dừa nước và một số cây ngập mặn khác như đước đôi, vẹt dù, ráng đạ, ô rô và cây tra biển phân bố ở dọc các dòng sông, các cồn cát, bãi bồi ven sông, ven biển. Hệ thống rừng ngập mặn được ví như cửa ngõ quan trọng kiểm soát chất lượng nước trước khi tác động đến các hệ sinh thái, môi trường biển Cù Lao Chàm. Rừng dừa nước không chỉ đóng vai trò lọc sạch nước, tạo môi trường nuôi dưỡng ấu trùng của các loài thủy sản mà còn tạo được không gian sinh thái đặc sắc, gắn liền với các làng nghề truyền thống góp phần tạo ra một điểm đến thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách.

         Nỗ lực bảo tồn

       Qua hơn 10 năm triển khai các biện pháp bảo tồn Cù Lao Chàm đã mang lại những kết quả tích cực. Ngoài việc bảo vệ các giá trị nhân văn và sự đa dạng sinh học biển, phục hồi thành công các loài thủy hải sản như rạn san hô cứng; dán nhãn sinh thái cho cua đá Cù Lao Chàm hay nói không với túi nylon và phân loại rác tại nguồn…, hoạt động cũng đã góp phần hình thành một thương hiệu du lịch nổi bật, gắn kết với Đô thị cổ Hội An và các vùng phụ cận. Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thành công nổi bật của công tác bảo tồn Cù Lao Chàm chính là giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng từ chú trọng khai thác chuyển sang bảo vệ các nguồn lợi thủy hải sản. Đặc biệt, thông qua các hợp phần dự án bảo tồn biển của tổ chức MPA (Đan Mạch) đã hỗ trợ sinh kế cộng đồng như đào tạo hoạt động du lịch; chế biến hải sản khô; hỗ trợ kinh phí quy hoạch xây dựng vùng homestay…. “Dự án đã đạt được kết quả tốt khi người dân vẫn duy trì và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch dịch vụ trên đảo sau khi dự án kết thúc” - bà Thúy khẳng định.
 

Nhiều sinh vật biển như rạn san hô, trai tai tượng đã được bảo tồn phát triển tốt.
Nhiều sinh vật biển như rạn san hô, trai tai tượng đã được bảo tồn phát triển tốt.

        Thực tế cho thấy, dù đạt được những kết quả vượt bậc nhưng công tác bảo tồn Cù Lao Chàm vẫn đối diện với không ít thách thức, đó là sự phá vỡ cảnh quan môi trường biển, một số nguồn lợi thủy sản đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do ngư dân nơi khác đến khai thác lén lút. Ngoài ra, áp lực của phát triển du lịch; biến đổi khí hậu, sự ô nhiễm từ phía thượng nguồn nơi các con sông chảy về cũng góp phần tàn phá san hô, cỏ biển, nhất là phù sa vào mỗi mùa lũ lụt… “Giải pháp cấp thiết là xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp với cách tiếp cận đa ngành và định hướng phát triển du lịch bền vững theo hướng sinh thái nhằm giảm thiểu những tác động vào môi trường” - bà Thúy cho biết. Bên cạnh đó, việc bảo tồn cũng được triển khai đồng bộ thông qua các phương tiện truyền thông, tuyên truyền; nghiên cứu khoa học và ứng dụng; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng…. hướng đến mục tiêu kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học với sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu đáng chú ý là biến vùng lõi Cù Lao Chàm nói riêng và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm nói chung trở thành “phòng thí nghiệm sống” cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế… “Quan điểm chủ đạo để phát triển Khu dự trữ sinh quyển là sự gắn kết giữa bảo tồn và sinh quyển. Danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển chỉ được gìn giữ và phát huy  khi các giá trị nơi đây được bảo tồn tốt, đây cũng chính là sự phát triển song hành trong một thể thống nhất” - bà Thúy nói thêm.

 


Tác giả: KHÁNH LINH

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây