Theo “Cổ học tinh hoa văn tập” do Hội Cổ học tinh hoa Quảng Nam ấn hành năm 1962 nhân dịp khánh thành Khổng miếu và Kỷ niệm đài tỉnh Quảng Nam, Văn miếu tỉnh Quảng Nam đầu tiên được xây dựng ở phía Tây xã Câu Nhí thuộc huyện Diên Phước (nay là huyện Điện Bàn) từ thời vua Gia Long. Sau đó, bị sạt lở nên mới dời đến phía Đông của làng ấy rồi tiếp tục bị xói lở. Đến năm Minh Mạng thứ 6, khi đó thủ phủ của Quảng Nam nằm ở Thanh Chiêm (nay là thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) nên Khổng miếu của Tỉnh cũng được đặt ở đây và là trung tâm huấn học cho cả vùng Quảng Nam. Vào năm Đồng Khánh (Ất Dậu), quân Pháp đến đánh phá tỉnh Quảng Nam đã đốt đi Văn miếu, đến năm Nhâm Dần - Thành Thái thứ 2, ngôi miếu được xây dựng lại như trước. Năm 1945, do nhiều biến cố, ngôi miếu lại một lần nữa bị phá hỏng, mãi đến năm 1961, Hội cổ học tinh hoa tỉnh Quảng Nam đứng ra chủ trương xây dựng lại Khổng Tử miếu của tỉnh Quảng Nam, đồng thời nhằm tôn vinh các bậc danh nhân, chí sĩ của Tỉnh nên kết hợp xây dựng Đài kỷ niệm tỉnh Quảng Nam nằm đối diện với Khổng Tử miếu. Thời kỳ này do vị trí Tỉnh lỵ được dời chuyển về Hội An nên ngôi Thánh miếu được xây dựng trên đất Hội An và vẫn giữ vai trò là trung tâm huấn học của cả Tỉnh.
Cũng theo mô tả trong “Cổ học tinh hoa văn tập”, trước đây nhìn bao quát, ngôi Thánh miếu này làm theo kiểu điện Đại thành ở Đài Bắc, cửa tam quan tòa Khổng miếu y hình cửa Khuyết lý ở Khúc phụ tỉnh Sơn Đông.
Hiện tại, di tích Khổng Tử miếu được xây dựng trên một khoảng đất rộng, với quy mô tráng lệ bao gồm tam quan; cầu bán nguyệt, hồ sen; trụ biểu; bình phong; tiền đường, hậu tẩm; nhà đông, nhà tây và hậu điện. Mặt tiền di tích quay hướng Nam, giáp đường Trần Hưng Đạo, phía Bắc giáp đường bê tông và nhà dân, phía Đông giáp đường Lê Quý Đôn và nhà dân, phía Tây và một phần phía Bắc giáp lạch nước nhỏ.
Tam quan của Khổng Tử miếu gồm ba lối đi được tạo thành bởi bốn trụ tròn bằng xi măng, đá táng chân cột hình quả bí. Lối giữa là đại trung môn, lớn hơn hai lối bên, hai cột chính giữa đắp cặp câu đối bằng sành sứ (*):
得 其 門 見 宗 廟 之 美 百 官 之 富
由 斯 道 如 日 月之 明 四 辰 之 行
- Phiên âm:
Đắc kỳ môn kiến tôn miếu chi mỹ bách quan chi phú,
Do tư đạo như nhật nguyệt chi minh tứ thời chi hành.
- Dịch nghĩa:
Vào cửa được mới biết cung miếu tôn nghiêm trăm quan đầy đủ,
Theo đường ấy như thấy trời trăng tỏ rạng, bốn mùa lưu hành.
Hai trụ bên, với cặp câu đối:
廣 被 儒 風 柴 水 行 山 名 教 地
南 來 晢 學 杏 壇 檜 宅 泰 和 天
- Phiên âm:
Quảng bị nho phong, Sài thuỷ, Hành sơn danh giáo địa,
Nam lai triết học, Hạnh đàn, Cối trạch, Thái hòa thiên.
- Dịch nghĩa:
Rộng mở đường văn, Sài thủy, Hành sơn, nơi danh giáo,
Đem về triết học, Hạnh đàn, Cối trạch, cõi Thái hòa.
Bên trên, chính giữa đại trung môn là tấm biển cẩm thạch với ba chữ 孔 子 廟 “Khổng Tử Miếu” (cả bên trong và bên ngoài đều đề ba chữ Khổng Tử Miếu), phía trên là đồ án Khổng Tử giảng đạo, hai bên trang trí hai chữ thọ. Toàn bộ mái của cổng lợp ngói ống bằng đất nung, bờ nóc tạo hình ô hộc trang trí đề tài hoa. Bờ mái uốn cong mềm mại, phần đuôi mái trang trí hình hoa dây rất sắc xảo. Ngoài cổng tam quan chính này, phía Đông và phía Bắc của di tích cũng có một cổng nhỏ để đi vào di tích.
Từ cổng tam quan nhìn vào, cầu bán nguyệt lát gạch bát tràng, hai bên có lan can theo hình cầu vồng, trong hồ thả hoa hoa súng. Tiếp theo là bốn trụ biểu đứng sừng sững giữa sân, đều đặn, hiên ngang, trên mỗi đầu trụ có một con Kỳ Lân. Trước và sau bốn trụ biểu đều có các vế đối.
Mặt trước của hai trụ biểu ở giữa:
淵 源 有 自 來 檜 宅 杏 壇 名 教 億 年 傳 道 統
精 神 長 在 此 行 山 柴 水 清 高 終 古 樹 文 風
- Phiên âm:
Uyên nguyên hữu tự lai Cối Trạch, Hạnh đàn, danh giáo ức niên truyền đạo thống,
Tinh thần trường tại thử Hành sơn, Sài thủy thanh cao chung cổ thọ văn phong.
- Dịch nghĩa:
Nguồn gốc có từ lâu, Cối trạch, Hạnh đàn, danh giáo nghìn xưa truyền đạo thông,
Tinh thần còn mãi đó, Hành sơn, Sài thủy thanh cao muôn thuở rạng văn phong.
Mặt sau của hai trụ biểu ở giữa:
文 在 斯 乎 涅 而 不 緇 磨 而 不 磷
德 其 盛 矣 仰 之 彌 高 鑽 之 彌 堅
- Phiên âm:
Văn tại tư hồ, niết nhi bất tri, ma nhi bất lân,
Đức kỳ thạnh hĩ, ngưỡng chi di cao, toàn chi di kiên.
- Dịch nghĩa:
Nhân văn chính ở đây, mài cũng chẳng mòn, nhuộm cũng chẳng lầm,
Thánh đức thật rất thịnh, dùi vào càng cứng, trông vào càng cao.
Mặt trước hai trụ biểu hai bên:
繼 往 開 来 屹 立 中 天 砥 柱
化 民 成 俗 普 爲 大 地 完 維
- Phiên âm:
Kế vãng khai lai, ngật lập trung thiên để trụ,
Hóa dân thành tục, phổ vi đại địa hoàn duy.
- Dịch nghĩa:
Nối trước mở sau, dựng vững giữa trời cây trụ cả,
Hóa dân đổi tục, rãi cùng mặt đất mối dây liền,
Mặt sau hai trụ biểu hai bên:
道 原 出 於 天 傳 在 聖 賢 用 在 萬 世
人 心 同 此 理 蕴 爲 道 德 著 爲 五 倫
- Phiên âm:
Đạo nguyên xuất ư thiên, truyền tại thánh hiền, dụng tại vạn thế,
Nhơn tâm đồng thử lý, uẩn vi đạo đức, trứ vi ngũ luân.
- Dịch nghĩa:
Nguồn đạo gốc ở trời, truyền cho Thánh hiền, dùng cho muôn thuở
Lòng người đồng một lẽ, trong là đạo đức ngoài là năm giềng.
Án ngữ phía trước nhà tiền đường là bình phong được đắp mảnh sành rất tinh xảo, màu sắc hài hòa. Ngay chính giữa bình phong đắp hình một con Long Mã theo điển “Long mã phụ hà đồ”. Mặt trước từ ngoài nhìn vào, một bên đắp hình một tiều phu và một bên là chú mục đồng ngồi trên lưng trâu. Mặt sau, một bên có một ông già ngồi câu cá và một bên có một người đi cày. Hai bên phía trên cùng bình phong, một bên đắp hình cây bút, một bên đắp hình thanh kiếm. Kiếm và bút là những đồ dùng của học trò đời xưa. Qua việc đắp vẽ theo mô hình Tứ dân (ngư, tiều, canh, mục) và mô hình “Thủ - quyển” nhằm nói lên sự kiên tâm của kẻ sĩ, ca ngợi những gương hiếu học, đồng thời đề cao văn võ song toàn của Nho sĩ thuở xưa.
Qua khỏi khoảng sân rộng được lát gạch bát tràng vuông, có lan can hai bên, phía ngoài lan can là khu vườn, chúng ta bắt gặp nhà tiền đường với dáng vẻ nguy nga tráng lệ, từ bậc cấp bước lên hai bên có hai con rồng chầu rất sắc sảo, hai trụ tròn phía trước đắp nổi rồng mây, các trụ xung quanh đều đắp vân mây uyển chuyển, bên dưới là đá táng chân cột hình quả bí. Ba lối vào bên trong chính điện là hệ cửa gỗ bản, bên trên có khung sắt và lắp kính, hai bên không có cửa sổ mà lắp khuôn bông hình chữ thọ. Bên trên là các bức hoành bằng xi măng đắp nổi chữ Hán, bức giữa đề 萬 世 師 表 “Vạn thế sư biểu”, bức phía Đông 道 串 古 今 “Đạo quán cổ kim”, Bức phía Tây 德 配 天 地 “Đức phối thiên địa”, qua đó nhằm tán dương đạo đức và công đức của Thánh hiền.
Hai cặp câu đối đắp nổi hai bên cửa giữa:
可 仕 可 止 可 久 可 速 聖 之 時 也
毋 意 毋 必 毋 固 毋 我 安 而 行 之
- Phiên âm:
Khả sĩ khả chỉ khả cửu khả tốc thánh chi thời dã,
Vô ý vô tất vô cố vô ngã an nhi hành chi
- Dịch nghĩa:
Đúng mức thời trung, đáng làm, đáng thôi, đáng nhanh, đáng chậm,
An theo ý muốn, không chấp, không nệ, không riêng, không tư.
Trụ cửa bên tả và bên hữu có cặp câu đối:
愽 學 多 聞 生 民 以 来 未 有
著 書 垂 訓 百 世 之 下 莫 違
- Phiên âm:
Bác học đa văn sanh dân dĩ lai vị hữu,
Trứ thư thùy huấn bách thế chi hạ mạc vi.
- Dịch nghĩa:
Học rộng nghe nhiều tự có loài người chữa thấy,
Làm sách để dạy, noi theo muôn thuở chẳng sai.
Điều đặc biệt là mặt trước của tiền đường trang trí nhiều đồ án, mỗi đồ án mang ý nghĩa giáo dục rất lớn như: Lân Thổ Ngọc Thư, Ngũ Lão Giáng Đình, Song Long Giáng Hạ, Mạnh Mẫu Vị Tử Trạch Lân, Tử Lộ Vị Thân Phụ Mễ, Khổng Tử Tác Hiếu Kinh, Mẫn Tử Đan Y Thuận Mẫu, Nhan Hồi An Bần Lạc Đạo. Những đồ án trang trí trên Khổng Tử Miếu Hội An không chỉ là những đồ án trang trí thông thường nhằm tăng vẻ đẹp cho di tích, mà đây còn là những bài học, những tấm gương hiếu hạnh của các bậc hiền nhân đáng để cho đời sau suy ngẫm và học tập.
Hệ mái theo kiểu cổ diêm, lợp ngói ống đất nung. Chính giữa bờ nóc trang trí đồ án lưỡng long (cách điệu) triều nguyệt đắp sành sứ, các đầu hồi trang trí hoa dây. Tiền đường có không gian kiến trúc rộng rãi, thoáng mát. Phía Đông và phía Tây, mỗi bên có một cửa đi và hai cửa sổ, xung quanh có các hành lang thông nhau. Mặt sau nhà tiền đường có lối thông ra hậu tẩm bằng lối đi hẹp, hai bên có lan can, trên có mái che kiểu nhà cầu. Chính giữa hậu tẩm có bức hoành 大 成 殿 “Đại thành điện”, hai bên là cặp câu đối:
作 之 謂 聖 述 之 謂 明 道 傳 有 自 来 矣
雝 於 在 宮 肅 邡 於 在 廟 靈 爽 實 式 憑 之
- Phiên âm:
Tác chi vị thánh, thuật chi vị minh, đạo truyền hữu tự lai hĩ,
Ung ư tại cung túc ư tại miếu linh sản thiệt thức bằng chi.
- Dịch nghĩa:
Sáng tác là thánh, trước thuật là minh, đạo thống lưu truyền từ trước,
Ung dung ở cung, nghiêm chỉnh ở miếu linh sản nương tựa vào đây.
Qua hệ cửa gỗ bốn cánh, lát gương là tượng Khổng Tử rất to đặt trên bệ lớn. Xung quanh bệ, trang trí nhiều đề tài “ngư long hý thủy”, kỳ lân, hoa cúc, chim, trúc... rất công phu, khéo léo.
Cách biệt nhà tiền đường, hậu tẩm có một khoảng sân rộng là đến khu hậu điện và nhà Đông, nhà Tây rất quy mô. Hệ khung chịu lực bằng gỗ, tường bao bằng gạch, hệ cửa mặt tiền kiểu thượng song hạ bản. Hệ mái lợp ngói âm dương, bờ nóc, đầu hồi trang trí nhiều đề tài: lưỡng long triều nguyệt, cuốn thư...
Từ xa xưa, hai làng lớn ở Hội An là Cẩm Phô và Minh Hương đã có văn chỉ thờ Khổng Tử, vì thế với việc xây dựng Khổng Tử Miếu và Đài kỷ niệm Danh nhân Chí sĩ Quảng Nam ở Hội An vào các năm 1961 - 1962 đã làm tôn vinh thêm cho mảnh đất Hội An - văn vật và làm sáng danh vùng đất “Địa linh nhân kiệt” của Quảng Nam. Đồng thời đây cũng là Trung tâm huấn học, tín ngưỡng của giới trí thức, của mọi tầng lớp nhân dân cả Tỉnh và còn lưu giữ nhiều kỷ niệm của nhiều nhân tài đất Quảng qua các thời kỳ. Qua thời gian, di tích Khổng Tử miếu đã bị hư hại và lần tu bổ gần đây nhất là vào năm 2005.
Nằm ở vị trí thoáng đãng, sát đường chính, di tích là nơi thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa liên quan, đồng thời thuận tiện cho sự tham quan, thưởng lãm của du khách cũng như của người dân địa phương.
Trong số các di tích Nho học ở Hội An, mặc dù có lịch sử hình thành muộn nhưng Khổng Tử Miếu là di tích có nhiều đồ án trang trí đẹp, vừa phản ánh những điển tích của Nho giáo vừa mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc; là công trình kiến trúc liên hoàn có giá trị về mặt mỹ thuật. Về mặt lịch sử, di tích là công trình kiến trúc gắn liền với quá trình phát triển dân cư, ghi đậm những dấu ấn lịch sử, văn hoá của đô thị cổ Hội An và của tỉnh Quảng Nam, khẳng định vị trí của mảnh đất Hội An trong lịch sử. Đây là nơi tưởng niệm, nhằm ghi dấu về những tấm gương hiếu học, những danh nhân, chí sĩ của cả tỉnh Quảng Nam. Qua đó, đề cao truyền thống học tập, tạo nơi gặp gỡ, trao đổi góp phần giáo dục tinh thần hiếu học, vươn lên vượt khó cho lớp trẻ Hội An nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung, làm rạng danh mảnh đất hiếu học của cả tỉnh Quảng Nam.
Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, di tích đã được UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xếp hạng vào ngày 27/12/2013. Đây là cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy tốt di tích này trong thời gian tới♥
Chú thích:
(*) Tất cả các bản dịch câu chữ Hán trên bức hoành, câu đối trong bài viết này trích theo sách “Cổ học tinh hoa văn tập” do Hội Cổ học tinh hoa Quảng Nam ấn hành năm 1962.
Tài liệu tham khảo:
- Cổ học tinh hoa văn tập, do Hội Cổ học tinh hoa Quảng Nam ấn hành năm 1962.
- Ký sự Khổng Tử miếu Quảng Nam của Trúc Sơn (tài liệu này hiện đang được lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hội An).
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền