Tiểu đoàn 2 (mật danh V25) thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà được thành lập ngày 05/8/1965 tại một địa phương thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc ngày nay. Khi thành lập, tiểu đoàn biên chế thành 04 đại đội chiến đấu và đầy đủ các tiểu ban tham mưu, chính trị, hậu cần, trinh sát, thông tin, vận tải,… Tổng quân số khi thành lập gần 400 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Văn Thành giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng. Nhiệm vụ được giao của tiểu đoàn là giữ vai trò mũi nhọn, liên tục cơ động thọc sâu, tiến công tiêu diệt các mục tiêu của Mỹ - ngụy trên khắp các địa bàn của tỉnh bằng các hình thức tác chiến như tập kích bí mật, tập kích kết hợp với xung hỏa lực, phục kích kết hợp với vận động tiến công,… Việc thành lập tiểu đoàn đã bổ sung thêm sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang tỉnh nhà lúc bấy giờ, nhất là trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang chuyển sang giai đoạn cam go, quyết liệt với sự hiện diện của quân đội viễn chinh Mỹ trên chiến trường. Trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành (1965 - 1975), tiểu đoàn đã cơ động chiến đấu ở nhiều chiến trường trọng yếu của tỉnh, đã phối hợp với lực lượng vũ trang các địa phương liên tục đánh địch, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Riêng với Hội An, tiểu đoàn cũng có khoảng thời gian gắn bó hơn 1 năm cùng quân và dân địa phương kề vai sát cánh chiến đấu và chiến thắng nhiều trận đánh lớn. Những thắng lợi đó đã trở thành mốc son chói lọi không chỉ trong truyền thống của tiểu đoàn mà còn cả trong phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương Hội An anh hùng.
Cách đây gần 50 năm, vào đầu năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân viễn chinh vào tham chiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam, chuyển cuộc chiến tranh xâm lược sang một chiến lược mới: Chiến tranh cục bộ. Được sự tiếp sức của quân viễn chinh Mỹ, ngụy quân ra sức đánh phá phong trào đấu tranh cách mạng của ta. Để giành thế chủ động trên chiến trường, đế quốc Mỹ và tay sai mở đợt phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965 - 1966). Thế nhưng đợt phản công này đã bị thất bại nặng nề. Với quân đông, trang bị hiện đại, chúng không chịu thua trận. Chúng lại ráo riết tăng quân mở đợt phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966 - 1967). Cũng như nhiều địa phương khác ở miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai đẩy mạnh hai gọng kìm tìm diệt và bình định vào vùng giải phóng của tỉnh Quảng Đà với mức độ đánh phá ngày càng các liệt hơn. Cùng thời gian này, ở Hội An, chúng nống ra càn quét dồn dân vào các khu dồn ở Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Hà,…, đóng thêm cứ điểm Mỹ ở Cẩm Thanh. Phong trào cách mạng ở Hội An lúc bấy giờ gặp khó khăn. Trong tình hình đó, “tỉnh ủy Quảng Đà quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1966 - 1967 với hướng trọng điểm là chiến trường Hội An, vùng đông Điện Bàn và Hòa Vang. Tiểu đoàn 2 (V25) về đứng chân tại vùng đông Duy Xuyên để phối hợp tác chiến. Thị ủy Hội An chủ trương đồng loạt tấn công địch ở cả vùng nông thôn, vùng ven và nội ô, đánh những trận đau và hiểm vào sào huyệt của địch, buộc chúng phải co vào thế bị động phòng thủ, hạn chế tối đa mức độ đánh phá các vùng ngoại ô” (2).
Đầu năm 1967, tiểu đoàn nhận mệnh lệnh chuyển lực lượng sang địa bàn vùng đông Duy Xuyên hoạt động, hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở Hội An (riêng đại đội 2 còn ở lại hoạt động ở vùng trung Duy Xuyên, sau đó mới xuống Khu Đông). Tiếp nhận chủ tương mới, Đảng ủy - Bộ chỉ huy tiểu đoàn chủ trương lấy các xã vùng đông Duy Xuyên làm nơi đứng chân chủ yếu, lấy các xã Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Hà làm nơi trú quân để tiến công vào Thị xã, chọn Bình Dương, Bình Giang (thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm hậu cứ.
Chiến đấu trên một địa bàn tương đối phức tạp như Hội An với địa hình đồng bằng trống trải, nhiều sông lạch, lực lượng địch đông,… là những trở ngại không nhỏ đối với cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn. Nhưng với lòng dũng cảm, quyết tâm cao, tiểu đoàn đã nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn phía trước. Một mặt, tiểu đoàn ra sức luyện tập kỹ chiến thuật tác chiến, một mặt tích cực quan hệ chặt chẽ với địa phương nắm bắt tình hình địch cũng như giải quyết các vấn đề liên quan trong mỗi trận đánh. Đặc biệt trước mỗi trận đánh diễn ra, lực lượng trinh sát của tiểu đoàn được phân công tiền trạm về các căn cứ vùng ven Thị xã trú chân như thôn Trà Quế (Cẩm Hà), … để chuẩn bị chiến trường. Tại những nơi này, nhân dân luôn tin yêu, che chở giúp cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn an tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Không lâu sau khi chuyển sang địa bàn mới hoạt động, tiểu đoàn bắt đầu triển khai kế hoạch tác chiến trên chiến trường Hội An với những trận đánh lớn, đầy táo bạo vào các mục tiêu trọng yếu của địch ở vùng nội ô. Trận đánh lớn đầu tiên mà tiểu đoàn thực hiện là trận tập kích cơ quan quận lỵ và chi khu quân sự Hiếu Nhơn lần thứ nhất diễn ra vào đêm ngày 5/3/1967. Trong trận này, tiểu đoàn cùng lực lượng vũ trang Hội An đã san bằng cơ quan quận lỵ và chi khu quân sự Hiếu Nhơn, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây. Đây là một trong những chiến công vang dội của quân và dân tỉnh Quảng Đà trong chiến dịch Đông Xuân năm 1967. Với chiến công này, tiểu đoàn được tặng huân chương chiến công hạng Nhất, 01 đồng chí được tặng huân chương chiến công hạng Nhì và 04 đồng chí được tặng huân chương chiến công hạng Ba.
Về lại căn cứ củng cố lực lượng, tiểu đoàn vẫn tiếp tục điều tra tình hình địch tại các mục tiêu khác ở Hội An để sẵng sàng nhận lệnh chiến đấu. Mục tiêu tiếp theo được cấp trên giao là nhà lao Hội An, nơi đang giam cầm hàng nghìn cán bộ chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta. Chấp hành mệnh lệnh, tiểu đoàn đã phối hợp với lực lượng vũ trang Hội An nhanh chóng điều tra, nắm bắt tình hình địch có liên quan để đề ra phương án hợp đồng chiến đấu phù hợp. Bộ chỉ huy trận đánh được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Thành, tiểu đoàn trưởng làm chỉ huy trận đánh. Đêm ngày 14/7/1967, lực lượng tiểu đoàn nằm trong đội hình chiến đấu chung đồng loạt nổ súng tấn công tiêu diệt địch trong nhà lao, giải thoát hơn 1.200 đồng bào chiến sĩ, sau đó rút lui an toàn. Tiểu đoàn được tặng thưởng huân chương quân công hạng Hai, 04 chiến sĩ được tặng huân chương chiến công hạng Ba cho chiến công này.
Hơn 1 tháng sau thắng lợi ở trận tập kích nhà lao Hội An, tiểu đoàn tiếp tục nhận mệnh lệnh phối hợp với lực lượng vũ trang Hội An mở đợt tập kích vào các mục tiêu của địch ở nội ô vào đêm ngày 26/8/1967, trọng điểm là đánh chiếm khu tiểu đoàn công binh 102 của ngụy. Trong trận đánh này, các tổ xung kích của tiểu đoàn 2 thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu bên trong, tiêu diệt và bắt giữ toàn bộ quân địch, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng. Không lâu sau thắng lợi này, tiểu đoàn lại tiếp tục phối hợp với lượng vũ trang Hội An mở cuộc tấn công vào cơ quan quận lỵ và chi khu quân sự Hiếu Nhơn lần thứ hai vào đêm ngày 10/9/1967. Trên hướng tấn công chủ yếu do tiểu đoàn đảm trách, các đơn vị đã nhanh chóng đánh chiếm các cứ điểm bên trong, tiêu diệt toàn bộ quân địch. Sau những thắng lợi này, tập thể và các cá nhân của tiểu đoàn được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công các hạng.
Sau thắng lợi của trận tập kích vào cơ quan và chi khu quân sự Hiếu Nhơn lần thứ hai, tiểu đoàn tạm xa chiến trường Hội An để hành quân về vùng B Đại Lộc chiến đấu theo mệnh lệnh của cấp trên. Đến đầu năm 1968, tiểu đoàn lại trở về vùng đông Duy Xuyên đứng chân chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 ở Hội An. Quân số tiểu đoàn lúc này có tổng cộng 215 đồng chí do đồng chí Mạc Như Tung làm tiểu đoàn trưởng. Rút kinh nghiệm qua các trận tập kích vừa qua ở Hội An, trên cơ sở phương án tác chiến chung, tiểu đoàn đã tích cực luyện tập chuẩn bị cho trận đánh lớn sắp đến.
Đêm ngày 29/1/1968, tiểu đoàn vượt sông sang trú quân ở Cẩm Thanh, một bộ phận trinh sát sang Cẩm Châu, Cẩm Hà chuẩn bị chiến trường. Đêm ngày 30/1/1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Hội An bắt đầu. Theo kế hoạch hợp đồng tác chiến, lực lượng tiểu đoàn nổ súng tấn công vào nội ô từ hướng Đông Bắc, đánh vào các mục tiêu quan trọng của địch, nhất là tiểu khu. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Cũng như các hướng tấn công khác, hướng tấn công của tiểu đoàn đã gặp phải khó khăn do địch sau khi bị bất ngờ đã dần ổn định và chuyển sang phản công dữ dội. Để bảo toàn lực lượng, đêm ngày 31/1/1968, tiểu đoàn đã cùng sở chỉ huy chiến dịch rút về căn cứ Trà Quế (Cẩm Hà) để bố trí trận địa, sẵng sàng chống trả khi địch phản kích. Sau trận này, tiểu đoàn còn góp công vào thắng lợi giòn dã của quân và dân Hội An trong chiến dịch Xuân Hè (mật danh X1) diễn ra đêm ngày 4/5/1968.
Hòa vào thắng lợi chung của phong trào đấu tranh cách mạng ở Hội An trong những năm 1967 - 1968 có đóng góp công sức không nhỏ của tiểu đoàn 2 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Đà. Cùng với lực lượng vũ trang Hội An, tiểu đoàn đã liên tục cơ động, liên tục tấn công vào các mục tiêu quan trọng của địch ở nội ô, gây cho chúng những tổn thất nặng nề. Trong những trận đánh đó, tiểu đoàn luôn là lực lượng mũi nhọn luồn sâu, tiến sát đánh mạnh vào đội hình địch. Nhiều tấm gương chiến đấu gan dạ, dũng cảm đã xuất hiện như trong trận tập kích vào khu tiểu đoàn công binh 102 ngụy, đồng chí Thái Văn Xuân, đại đội phó đại đội 3 mặc dù bị thương nặng ở bụng nhưng đã tự băng bó vết thương và tiếp tục chiến đấu, tiêu diệt thêm 26 tên địch, thu 11 súng, đến khi bị gãy thêm cánh tay không thể chiến đấu được mới để đồng đội đưa ra tuyến sau cứu chữa. Với những thành tích xuất sắc lập được trong chiến đấu trên chiến trường Hội An riêng, của tỉnh nói chung, ngày 30/8/1995, tiểu đoàn vinh dự được Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang - phần thưởng cao quý ghi nhận đóng góp của đơn vị cho sự nghiệp đấu tranh chung bảo vệ quê hương, thống nhất nước nhà./.
* Chú thích:
(1): Tháng 7/1962, địch chia Quảng Nam thành 2 tỉnh: Quảng Nam và Quảng Tín, Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam. Tháng 12/1962, ta chia Quảng Nam thành 2 tỉnh: Quảng Đà và Quảng Nam, Hội An thuộc tỉnh Quảng Đà.
(2): Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An, 1996, trang 270.
* Tài liệu tham khảo:
1 - Tiểu đoàn 2 anh hùng, BCH quân sự thành phố Đà Nẵng, 1997.
2 - Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An, 1996.
3 - Hội An - thị xã anh hùng, Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An, NXB Đà Nẵng, 1999.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền