Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Đức

Chủ nhật - 11/05/2014 21:52
Trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên mảnh đất Hội An thân yêu đã ghi dấu nhiều chiến công vẻ vang của quân và dân Hội An. Trong số đó không ít chiến công liên quan đến những người xuất thân làm nghề truyền thống của gia đình, rồi dưới vỏ bọc ấy đã tham gia hoạt động cách mạng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó phải kể đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Đức.
Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Đức
           Anh hùng lực lượng vũ trang  nhân dân Lê Văn Đức sinh năm 1926, tại khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu trong một gia đình ngư dân nghèo. Gia đình sống bằng nghề lưới, đánh cá và đi làm thuê cho bọn địa chủ giàu có nên bị bọn chúng hành hạ đủ điều. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Lê Văn Đức đã sớm thấy rõ sự bất công của xã hội. Năm 1939, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm đông anh em, nên đồng chí đã rời gia đình đi theo những người bạn trong xóm nhằm làm ăn xa với mong ước giúp gia đình khá hơn và khỏi phải thấy cảnh áp bức, bóc lột của bọn địa chủ ác bá. Nhưng đã trong cùng một xã hội thì ở đâu cũng như nhau, và đồng chí đã phải đi làm thuê cho bọn chủ ghe bầu ở Phan Thiết. Trên đường mưu sinh những năm xa gia đình, đồng chí đã chứng kiến rõ sự áp bức bóc lột của bọn địa chủ cường hào, đồng thời sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của phong trào đấu tranh yêu nước lúc bấy giờ.

        Đầu năm 1946, đồng chí trở về quê và tham gia phong trào cách mạng tại địa phương. Sau khi giặc Pháp phản bội Hiệp ước Sơ bộ ngày 06/03/1946 và Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, đồng chí Đức tình nguyện vào đội quân du kích mật tại Cồn Chài, len lỏi hoạt động, bám trụ đánh địch cho đến ngày kí hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí được phân công ở lại cùng với các đồng chí Trương Bút, Nguyễn Khoa hoạt động xây dựng cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử.

       Năm 1957, tình hình trở nên phức tạp và ác liệt, địch ra sức khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân ta, nhưng đồng chí vẫn kiên định lập trường, vừa động viên gia đình vừa tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó, vận động nhân dân đấu tranh chống tố cộng và bảo vệ cơ sở. Cũng trong năm nay, đồng chí Đức bị bọn bình trị bắt giam, tra tấn đánh đập dã man nhưng đồng chí vẫn không khai báo. Đến năm 1958 vì không khai thác được gì nên địch thả đồng chí về và quản thúc tại địa phương. Tuy bị theo dõi, nhưng tấm lòng sắc son nguyện theo Đảng đến cùng, đồng chí vẫn chắp nối lại cơ sở cũ hoạt động và tìm mọi cách liên hệ với lãnh đạo.

       Đến năm 1963, đồng chí Đức bắt được liên lạc và được giới thiệu về công tác binh vận tại thị xã Hội An do đồng chí Đặng Ngọc Châu (Trưởng ban binh vận năm 1968) phụ trách, xây dựng cơ sở ngay trong hàng ngũ địch. Nắm rõ những hoạt động của địch, sự dao động của binh lính ngụy mỗi lần đi càn, nên trong thời gian nhận công tác mới từ năm 1963 – 1968, đồng chí Đức tự tay xây dựng trên 10 cơ sở nội tuyến, sử dụng cơ sở này đánh địch 5 trận và chuyển hàng trăm lựu đạn, súng ống chất nổ ra vùng giải phóng. Tháng 2/1968, đồng chí Đức vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

      Trong những năm tháng gian khổ ác liệt, khi địch phản kích và đánh phá, đồng chí Đức đã tỏ ra dũng cảm và khôn ngoan trong đấu tranh cách mạng. Đồng chí đã vận động gia đình, người thân tham gia cách mạng và có thể thay thế đồng chí xử trí mọi tình huống, vợ thì đào hầm che giấu cán bộ, 3 con thì trực tiếp cầm súng chiến đấu trên mặt trận thầm lặng này. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (1968 và 1969), đồng chí Đức vẫn thường căn dặn vợ con “Nếu tôi hy sinh thì gia đình đừng buồn cứ tiếp tục hoạt động vì cách mạng sẽ chiến thắng, nếu cần hy sinh cả gia đình cũng là niềm vinh dự cho con cháu sau này”.

       Những năm bám trụ xây dựng khu lõm ở Cồn Chài, đồng chí Đức chủ yếu hoạt động mật dưới vỏ bọc phụ giúp gia đình đánh cá và đã nhiều lần vào sinh ra tử. Phương tiện chính để đồng chí hoạt động là chiếc ghe. Theo thông tin từ gia đình thì chiếc ghe được gia đình mua năm 1962, tại làng mộc Kim Bồng, ghe có chiều dài 450cm, rộng 85cm, cao 30cm, dày 2cm vốn được dùng để làm nghề đánh cá sinh sống trong gia đình.
 
       Đến năm 1964, ghe được đồng chí Đức sử dụng để hoạt động cách mạng  chuyên chở hàng hóa, cán bộ từ vùng địch về vùng giải phóng. Chiếc ghe đã gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Đức và đã cùng với đồng chí lập nên nhiều chiến công, tiêu biểu như: trận chiến đấu vào tháng 5/1968 đồng chí Đức nhận nhiệm vụ chuyển tài liệu, vũ khí và xây dựng đường dây giao liên từ vùng địch ra vùng giải phóng (bấy giờ là Cẩm Thanh) để phục vụ tình hình cho đồng chí Châu. Vào một đêm tối trời, đồng chí Đức đã cùng con trai Lê Văn Nhựt đem tài liệu và 20 quả lựu đạn từ nhà xuống ghe ra vùng giải phóng, đây là tài liệu vẽ sơ đồ đồn bốt và vũ khí do cơ sở nội tuyến của đồng chí Đức cung cấp nhằm đem ra báo cáo lãnh đạo nghiên cứu và phục vụ bộ đội tấn công địch. Khi đồng chí Đức vừa bước xuống ghe thì bị một tiểu đội của Trung Đoàn 51 vây bắt. Biết mình lọt vào ổ phục kích của địch, đồng chí Đức vẫn bình tĩnh tiếp tục cùng con đẩy ghe ra bến giả vờ đi đánh cá. Thế là súng nổ, bọn địch bắn xối xả xuống ghe, đồng chí Đức bị thương nặng ở tay và bụng, nhưng đồng chí vẫn tỉnh táo rút hết tài liệu để trong mình rồi cột vào 20 quả lựu đạn thả chìm xuống lòng sông rồi bảo con “Con cứ chèo vào bờ, đừng sợ”. Bọn địch ào xuống lục soát nhưng không có gì cả, trong khi đó đồng chí Đức và con trai phản đối chúng bắn phá không cho cha con mình đi đánh cá, đấu tranh buộc chúng phải đưa đồng chí vào bệnh viện băng bó, cứu chữa và bồi thường. Trên đường đến bệnh viện, dù bị thương nặng, nhưng đồng chí Đức vẫn miên man suy nghĩ phát hiện nơi địch phục kích, đó là bờ tre quanh bến cá. Đêm đó nằm tại bệnh viện, suy nghĩ duy nhất của đồng chí Đức vẫn là tìm cách diệt địch tại bờ tre này, nên sáng hôm sau, vợ con vào thăm, đồng chí đã căn dặn vợ con về gài 2 quả mìn tại bờ tre, bảo anh em du kích khi phát hiện địch thì bắn một loạt, như thế nào chúng cũng nhảy vào bụi tre để đánh, cứ thế mà bấm mìn. Kế hoạch của đồng chí Đức đã được thực hiện. Hai hôm sau địch ăn quen phục kích tại bến đò đã bị con của đồng chí Đức gài mìn diệt 12 tên.

         Một chiến công khác diễn ra vào sáng ngày 25/04/1969. Nhà đồng chí Đức bị địch phát hiện do một tên cơ sở mật (tên Thít) phản bội chỉ điểm, địch vây ráp quanh nhà đồng chí, bắt trói cả gia đình, chúng đánh đập tra tấn đồng chí Đức cực kỳ dã man. Nhưng đồng chí vẫn chỉ bảo “công sự này để cất đồ đạc và mành lưới thôi, chớ không có ai ở cả”. Bọn giặc không tin chúng xuống lục soát thì ngoài rớ cá còn một số tài liệu binh vận bọn Nam Triều Tiên mà đồng chí chưa kịp cất giấu. Thế là chúng tiếp tục đánh đập đồng chí, nhưng một lần nữa đồng chí vẫn không nhận mà nói ngược lại “của địch đem bỏ vào để vu khống gia đình chúng tôi”. Trước sức gan lì của đồng chí Đức, bọn giặc đành chịu thua, chỉ còn cách tịch thu toàn bộ tài sản và bắt giam toàn bộ gia đình đồng chí. Thời gian bị giam cầm, địch đã đưa đồng chí Đức ở nhiều nhà lao, trong đó có nhà lao Hội An. Ở đâu đồng chí cũng cùng với tập thể tù chính trị tham gia đầy đủ các cuộc đấu tranh trong nhà tù và tận tình giúp đỡ anh em.

        Ngoài ra, đồng chí còn sáng tạo trong việc lãnh đạo cơ sở nội tuyến của mình đánh địch. Mỗi lần theo dõi địch đi càn mà có đụng độ với giải phóng thì cứ ném lựu đạn vào địch để tiêu diệt và bảo là giải phóng ném. Như trận đánh năm 1968, cơ sở nội tuyến của đồng chí Đức ném lựu đạn diệt 5 tên Mỹ ở Thanh Tây trong lúc ban đêm địch đi phục kích.

        Trong những năm 1967 - 1972, dù biết địch đã phát hiện và ngày đêm theo dõi phục kích những nơi mình hay đi lại để sát hại, nhưng đồng chí Đức vẫn nhiều lần hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí nhiều lần dùng ni lông lặn sâu xuống nước qua khỏi phạm vi phục kích của địch, lội về vùng giải phóng để báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ. Hoặc khi cơ sở nội tuyến báo địch có âm mưu gì, hay một số cơ sở bị địch bắt đánh đập không chịu nổi phải khai báo, thì đồng chí Đức không bao giờ ngại nguy hiểm, bất kể ngày đêm dù tình hình có khó khăn đến mấy cũng tìm cách ra vùng giải phóng để báo cáo về trên kịp thời.

         Cho đến ngày 22/12/1973, trên đường ra vùng giải phóng nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Văn Đức đã bị phục kích tại Cồn Chài và đồng chí đã hy sinh trên chính chiếc ghe mà mình đã gắn bó.

        Suốt quá trình đấu tranh cách mạng của mình đồng chí Lê Văn Đức đã lập được những thành tích vang dội:
       - Không những xây dựng được khu lõm ở vùng sát nách thị xã, mà còn đảm bảo được trục đầu mối liên lạc từ Điện Thành đến Cồn Chài và tỏa ra 6 xã vùng ven suốt những năm 1964 - 1973 để phục vụ cho những trận tiến công vào những cơ quan đầu não của địch ở Hội An.

      - Vận động nhân dân mua hàng trăm tấn gạo chuyển ra vùng giải phóng. Nổi bật nhất là năm 1969, trong lúc tình hình ngày càng căng thẳng, địch phong tỏa nghiêm ngặt các vùng giải phóng để bình định, dồn dân lập ấp, đồng chí trong một lần ra vùng giải phóng nhận công tác thấy các đồng đội của mình thiếu gạo phải ăn độn rong câu mà chiến đấu đã nhanh chóng trở về lại vùng yếu (vùng tranh chấp), vận động nhân dân tiếp tế hàng trăm ký gạo và chính minh tìm cách chuyển ra cho anh em.

     - Tổ chức 15 cơ sở nội tuyến ngay trong hàng ngũ địch, 7 cơ sở quần chúng, vận động cơ sở nội tuyến chuyển 270 quả lựu đạn, 7 súng, 20 ký thuốc nổ, lãnh đạo cơ sở nội thành đánh 2 trận, diệt 10 tên sĩ quan địch. Dẫn đường bộ đội diệt 2 tên ác ôn, tự tay làm 3 hầm bí mật để nuôi dấu cán bộ - trong đó có một cái trong nhà đồng chí.

     - Tháng 4/1967 dẫn đường bộ đội đánh tan rã một trung đội địch tại Cồn Chài, tháng 12/1967 phục vụ cơ sở đánh tiêu diệt 1 đại đội Mỹ ngụy tại  cầu Phước Trạch. Cũng trong năm này, đã phục vụ cơ sở đánh diệt 1 đại đội Bảo An ở Cẩm Kim.

    - Năm 1968, phục vụ cơ sở đánh tiêu diệt 1 đại đội hỗn  hợp tại lăng Bà Tuấn, đánh hủy diệt kho đạn của bọn biệt kích Tây Hồ, đồng thời phục vụ cơ sở đánh tiêu diệt hoàn toàn quận lỵ Hiếu Nhơn lần thứ 2.

     - Ngoài ra đồng chí còn chuyển thương binh, chôn cất liệt sĩ và nuôi dấu cán bộ trong nhà đều an toàn. Điển hình vào năm 1967, đồng chí Kim du kích Cẩm Thanh lên Cồn Chài công tác bị địch gài lựu đạn hy sinh, xác đồng chí Kim chìm xuống sông. Được tin đồng chí Đức không ngại lạnh lẽo, nguy hiểm, một mình ra tìm và đem chôn cất đồng đội kỹ lưỡng.

       Tóm lại, đồng chí Lê Văn Đức đã dành trọn cuộc đời chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng Hội An, với những chiến công lập được cho đến ngày hy sinh, đồng chí Lê Văn Đức đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 06/11/1978 cùng với nhiều phần thưởng và huân huy chương cao quý khác.

         Hiện nay, nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí được bảo quản và giữ gìn cẩn thận, đặc biệt là chiếc ghe, gắn liền với đồng chí trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Chiếc ghe hiện đang được bảo quản kỹ lưỡng và trưng bày tại Phòng truyền thống Cách mạng Hội An. Hiện vật này là minh chứng cho một cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ và kiên trì của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Đức./.
 
      * Tài liệu tham khảo:
- Lý lịch liệt sĩ Lê Văn Đức được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do gia đình cung cấp.
- Hồ sơ hiện vật chiếc ghe.
- Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An (1996), Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An 1930 -1975.

Tác giả: Huyền Vy

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây