Sự biến đổi của địa hình kèm theo sự biến đổi khí hậu, gần đây có thêm sự xả lũ ồ ạt của các đập thủy điện làm cho tình trạng lũ lụt ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Khu phố cổ Hội An có nhiều tuyến đường nằm trong khu vực thấp trũng, thường xuyên chịu tác động mỗi khi có lũ lụt diễn ra, như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, một phần đường Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu… và cứ vài ba năm một lần, nước lụt lại dâng cao tới đường Trần Phú. Bão lụt đe dọa đến cuộc sống của người dân, đe dọa đến các di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị trong khu phố cổ, đặc biệt là các công trình kiến trúc gỗ. Bão phá hoại, làm sụp đổ di tích, bão thường đi kèm với lũ lụt, ngâm nước lụt nhiều ngày khiến các di tích nhanh xuống cấp.
Do nằm trong vùng bão lũ, và tình trạng này đã diễn ra từ lâu đời, ông cha ta khi dựng nhà đã tính đến chuyện “sống chung với lũ lụt” một cách khéo léo, đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp để giảm tác động của gió bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể gây ra. Có thể nói, người dân phố Hội đã quá quen thuộc với chuyện lũ lụt và luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó với nó. Năm nào không có lũ lụt thì quả là chuyện lạ, đáng lo hơn là đáng mừng, bởi sự biến đổi khí hậu, chắc hẳn người dân sẽ thấy “thiếu thiếu” và “nhớ nhớ” một cái gì đó. Bởi thế, mỗi khi có lụt lớn, một số chủ di tích thường ghi nhớ lại bằng cách đánh dấu mực nước lụt ở trên tường nhà hoặc trên cột gỗ, như một dấu mốc, một sự kiện khó quên trong đời. Hãy xem xét những ngôi nhà trên các tuyến đường thấp lụt trong khu phố cổ để làm rõ vấn đề này.
Trước hết là về phương án mặt bằng sử dụng: sự sắp đặt của các dãy nhà thành cụm tựa sát vào nhau vững chắc và các nhà bố trí so le nhau (một cách ngẫu nhiên) góp phần hạn chế tác động của gió bão và dòng chảy nước lũ. Nền nhà ở khu vực thấp lụt thường được xây cao từ 2 đến 3 bậc cấp so với vỉa hè, hoặc nhiều hơn (từ 0,30m trở lên). Hầu hết, những ngôi nhà trên các tuyến đường này thường được làm thêm gác lửng hoặc kiểu nhà 02 tầng để đảm bảo sinh hoạt của gia đình trong thời gian lũ lụt. Tầng 1 thường là không gian sinh hoạt chung, mang tính mở, thường là phòng khách, nơi buôn bán, bếp ăn; gác lửng hoặc tầng 2 là không gian mang tính riêng tư hơn, như phòng thờ, thư phòng, hay kho chứa hàng. Phòng ngủ có thể được bố trí ở cả hai tầng, khi có lũ lụt thì tầng 2 thành chỗ ngủ của cả gia đình. Với những ngôi nhà không có đủ điều kiện để xây gác lửng hoặc 02 tầng, chủ nhà thường tích trữ sẵn một số ván gỗ, gác lên các thanh trính, xiên để tạo một cái gác tạm, sử dụng làm kho tạm chứa đồ đạc khi có lũ lụt, những người cư ngụ cũng có thể trú tạm trên đó hoặc di tản đi nơi khác. Cách tổ chức mặt bằng như trên phù hợp với điều kiện sống, kinh doanh buôn bán của người dân nơi đây.
Với các ngôi nhà 02 tầng, sàn tầng 2 thường chừa sẵn một ô thông tầng (có thể để trống, lan can bảo vệ hoặc có cánh cửa bằng các thanh gỗ đóng mở được) để khi lũ lụt, hàng hóa, vật dụng được chuyển lên trên một cách nhanh chóng thông qua một ròng rọc đặt chính giữa ô thông tầng này. Tùy vào nhu cầu sử dụng, ô thông tầng có thể được bố trí ở nếp nhà trước hoặc ở cả hai nếp nhà trước, sau. Cầu thang lên tầng 2 bằng gỗ, ba hoặc năm bậc đầu tiên của cầu thang xây gạch để cách ẩm, hạn chế phần gỗ bị ngâm trong nước lụt.
Ngoài yếu tố hợp lý về phân bố mặt bằng sử dụng, việc chống chọi tốt với bão lũ phải kể đến hệ khung, kết cấu của ngôi nhà. Mái ngói âm dương có cách lợp đặc thù khiến hệ mái trở nên rất chắc chắn trước bão to, gió lớn. Mái còn, di tích còn. Điều này đã được kiểm chứng qua các trận bão lớn trong những năm gần đây như bão Xangsane (2006), bão Nari (2013)… Mái lợp tôn, lợp ngói móc ở những ngôi nhà khu vực đệm khu phố cổ bị bay, tốc mái, nhưng riêng những di tích lợp bằng mái ngói âm dương thì gần như không suy suyển. Độ dốc mái lớn còn giúp thoát nước mưa nhanh chóng. Tường bao xây dày từ 0,3m đến 0,4m (hoặc hơn), rất chắc chắn (với những ngôi nhà loại III, IV mới tu bổ sau này có hệ khung BTCT chịu lực, tường xây mỏng hơn, chỉ dày 0,2m). Hệ khung gỗ chịu lực (cột, kèo, trính, xiên, đòn tay) liên kết vững chắc giúp ngôi nhà chống chọi tốt trước sức cuốn của dòng nước lũ. Các cấu kiện gỗ được neo, giằng bằng các hình thức liên kết mộng, hệ khung liên kết cứng vào tường gạch tạo thành một khối liên tục để tăng khả năng chống trượt, chống xô đổ cho ngôi nhà.
Vật liệu sử dụng trong công trình cũng rất hợp lý. Ngói lợp, gạch xây tường (thường là gạch thẻ) được sản xuất từ làng gốm Thanh Hà. Gạch được nung rất già lửa, không có lỗ, do đó ít thấm nước và không ngấm giữ nước giúp tường ráo nước nhanh chóng khi nước lụt rút đi. Với ưu điểm đó, những di tích loại III, IV trong khu vực thấp lụt mới tu bổ sau này, gạch thẻ thường được sử dụng để xây tường tầng 1, có thể dùng gạch ống xây tường tầng 2 để tiết kiệm chi phí. Hiện nay, một điều đáng buồn là chất lượng gạch, ngói Thanh Hà không còn tốt như trước nữa, ảnh hưởng khá lớn đến tuổi thọ công trình.
Tường được tô trát bằng vữa vôi. Loại nguyên liệu này không chỉ có công dụng kết dính mà còn có khả năng chống thấm rất cao. Tuy nhiên, loại vữa này chế tạo khá phức tạp (dùng vôi, cát trộn với các chất phụ gia như mật mía, giấy, keo của cây bời lời, keo da trâu... để tạo thành chất kết dính), do đó ngày nay ít được sử dụng trong việc tu bổ các di tích ở Hội An nữa, thay vào đó là vữa xi măng, tiện lợi và kinh tế hơn nhiều (nhưng lại không đảm bảo nguyên tắc bảo tồn).
Gỗ được sử dụng trong công trình (hệ khung, cửa, vách ván…) thường là các loại gỗ sẵn có tại các vùng núi Quảng Nam, vừa có khả năng chịu lực cao vừa có khả năng chịu ngâm nước dài ngày như lim, mít, kiền kiền… Tuy nhiên, ngâm nước lụt nhiều ngày, nhiều lần trong năm khiến các cấu kiện gỗ suy giảm khả năng chịu lực, làm di tích nhanh xuống cấp hoặc hư hỏng.
Ngoài việc sử dụng phần lớn vật liệu truyền thống tại địa phương, việc các ngôi nhà được tạo dựng, tu bổ tôn tạo bởi bàn tay của những người thợ thủ công của các làng nghề truyền thống quanh khu vực Hội An cũng là một yếu tố cần kể đến, bởi hơn ai hết, họ cũng là những người dân bản địa, hiểu rõ khí hậu vùng đất này, và cũng đang phải “sống chung với lũ lụt”, do đó, họ hiểu rõ ngôi nhà cần phải làm như thế nào để có đủ khả năng chống chọi với bão lũ.
Với các di tích đang xuống cấp, việc chèn chống, gia cố công trình cũng là biện pháp góp phần giảm nguy cơ hư hại trong gió bão và ngập lụt. Vì vậy, trước các đợt bão lớn, ngoài việc người dân chủ động tự chống đỡ, cán bộ Trung tâm QLBT DSVH thường có các cuộc khảo sát, cung cấp gỗ và hướng dẫn, giúp người dân chèn chống nhà cửa.
Việc phân chia mặt bằng sử dụng hợp lý, hệ kết cấu khung vững chắc, vật liệu xây dựng phù hợp… tất cả làm nên một ngôi nhà phố Hội An an toàn, vững chãi trước các đợt bão lũ♥
* Tài liệu tham khảo:
1. Kiến trúc phố cổ Hội An, Việt Nam. 2003. Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế Trường ĐH Nữ Chiêu Hòa, NXB Thế Giới, Hà Nội, Việt Nam
2. Nhà gỗ Hội An – Những giá trị và giải pháp bảo tồn. 2005. Trần Ánh, Trung tâm QLBT Di tích Hội An (nay là Trung tâm QLBT DSVH Hội An)
3. Khiếu Thị Hoài (2013), Sống chung với lũ, bài học từ Hội An, Báo thể thao và văn hóa.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền