Sưu tầm hiện vật sắt trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Hội An

Thứ ba - 20/05/2014 21:26
Cùng với Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo thì văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi văn minh cổ xưa tạo thành tam giác văn hóa thời kim khí trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả các cuộc khai quật ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam đã cho thấy nền văn hóa này đã tồn tại cách đây hơn 2000 năm kéo dài từ thời hậu kì đồ đá mới đến sơ kì đồ sắt. Với sức sáng tạo mạnh mẽ, những cư dân Sa huỳnh cổ đã biết phát triển các nghề trồng trọt, đánh cá và đi biển, chế tạo đồ trang sức, thủy tinh, đồ gốm với kỹ thuật tinh xảo. Họ cũng đã biết tận dụng lợi thế để giao lưu kinh tế, văn hóa với những vùng khác nhau ở Đông Nam Á, Nam Trung Hoa và Ấn Độ.
Sưu tầm hiện vật sắt trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Hội An
 
         Các di tích văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở hầu khắp các dạng địa hình của các tỉnh miền Trung Việt Nam, từ vùng đồi gò, cồn cát ven sông, ven biển đến các đảo ven bờ, mỗi loại hình sinh thái đều có những nét riêng, tạo ra một số dạng địa phương của văn hoá này.

        Tại Hội An, các cuộc khai quật liên tiếp trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 đã phát hiện rất nhiều di tích văn hóa Sa huỳnh và các sưu tập, hiện vật được trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh số 149 đường Trần Phú - Hội An.

         Cùng với các bộ sưu tập hiện vật gốm, đồ trang sức khác đang trưng bày tại Bảo tàng thì bộ sưu tập hiện vật sắt được xem là có giá trị nổi bật. Bộ sưu tập này gồm 29 hiện vật được phát hiện ở 4 khu di chỉ: Hậu Xá I (5 hv), Hậu Xá II (18 hv), Xuân Lâm (3 hv), An Bang (3 hv). Dựa trên công dụng chức năng, bộ sưu tập hiện vật này được phân thành 2 nhóm: công cụ lao động và vũ khí.

        1. Nhóm đồ sắt - công cụ lao động có 22 hiện vật gồm các loại: rựa, đục, thuổng, dao.
         2. Nhóm đồ sắt - vũ khí có 6 hiện vật gồm các loại: qua, giáo, dao nhọn.

        Ở nhóm đồ sắt - công cụ lao động, thuổng chiếm số lượng lớn (9/22 hiện vật). Đây là loại công cụ lao động phổ biến trong nông nghiệp. Thuổng  có 2 dạng: vai xuôi và vai bầu, cả 2 loại này đều có họng tra cán hình trụ ống tròn, lưỡi thuổng mỏng, sắc có bề rộng từ 8 - 14cm.

        Dao, rựa (còn gọi là dao quắm) cũng là loại công cụ phổ biến trong nhóm công cụ lao động (10/22 hiện vật). Đây là công cụ tiêu biểu trong nông nghiệp nên được phát hiện khá nhiều trong các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An. Trong đó dao bầu là loại công cụ chủ yếu được dùng để cắt, chặt. Loại dao này có chiều dài từ 18 - 30cm, bản rộng từ 2,5 - 4,5cm. Rựa (dao quắm) có dạng cong hình lưỡi liềm, to bản, sống dày, mũi bằng, chiều dài từ 35 - 40cm, dùng để chặt, phác cây cỏ trong quá trình trồng trọt.

      Đục (3/22 hiện vật) có đặc trưng: lưỡi sắc, nhỏ (từ 1,6 - 4cm), dáng thẳng, thân trụ đứng. Đây là công cụ chủ yếu được dùng trong nghề mộc (làm nhà, đóng thuyền). Sự xuất hiện của loại công cụ này trong các di chỉ khảo cổ học Sa huỳnh ở Hội An đã minh chứng cho sự phát triển nghề mộc của cư dân Sa Huỳnh lúc bấy giờ.

     Ở nhóm đồ sắt - vũ khí, có thể nhận thấy được sự tương đồng với văn hóa Hán (Trung Hoa) thể hiện qua loại hình vũ khí có mũi sắc, nhọn như:  qua (1/6 hiện vật), dao có chuôi vành khăn, thân nhỏ, lưỡi sắc (2/6 hiện vật) có những điểm gần gũi với loại dao kiểu Tây Hán thời Chiến Quốc. Loại dao găm có chuôi tra cán nhọn và mũi giáo hình búp đa (3/6 hiện vật) có họng tra cán dài , tròn mang phong cách của các công cụ cùng loại trong văn hóa Đông Sơn.

      Về kỹ thuật chế tạo thì hầu hết được chế tạo từ kỹ thuật rèn, đặc biệt là rèn nóng. Bằng chứng là đa số các hiện vật có họng tra cán thường để lại dấu giáp mí (mí trái đè lên mí phải), ở một số hiện vật thuổng, thân dao có vết rèn đập từ miếng sắt. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy được dấu vết của các lò rèn hoặc các công cụ nghề rèn như búa, kẹp, kìm gắp, hòn kê… trong các di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An.

     Qua bộ sưu tập hiện vật sắt tại Bảo tàng, chúng ta có thể nhận thấy đối với cư dân Sa huỳnh ở Hội An, sắt đã trở thành công cụ thông dụng và thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày.
   
      Đồ sắt được phát hiện trong các di tích ở Hội An hầu hết nằm bên trong mộ chum, có kích thước lớn và đã qua sử dụng. Điều này cho thấy đây không phải là những hiện vật chế tạo dùng để chôn theo mà rất có thể đây là hiện vật mà lúc còn sống chủ nhân của chúng đã từng sử dụng.

      Sự đa dạng về loại hình của hiện vật sắt đã phần nào chứng minh trình độ phát triển nghề nông, nghề mộc của cư dân Sa huỳnh lúc bấy giờ đã đạt đến trình độ cao.

      Sự tương đồng của những hiện vật sắt Sa Huỳnh tại Hội An với các hiện vật sắt thời Hán (Trung Quốc) và các hiện vật đồng trong văn hóa Đông Sơn đã chứng minh  sự giao thương của cư dân Sa Huỳnh ở Hội An diễn ra từ khá sớm. Đây cũng là một trong những cơ sở bước đầu về sự ra đời của một cảng thị sơ khai và là tiền đề hình thành nên một thương cảng quốc tế Hội An sầm uất thời cận đại thế kỷ 17-18.

    Qua so sánh đồ sắt tìm thấy tại Hội An với những đồ sắt tìm thấy ở các địa phương khác: Đại Lãnh (Đại Lộc - Quảng Nam), Gò Mã Vôi (Duy Xuyên - Quảng Nam) thì có thể nhận thấy điểm chung của đồ sắt tại các địa điểm này là tính thống nhất về loại hình và kỹ thuật. Có thể nói, sắt đã đóng vai trò thống nhất và kết tinh văn hoá ở miền Trung Việt Nam thời Sơ sử.

     Việc nghiên cứu hiện vật sắt Sa Huỳnh là một điều vô cùng lý thú. Nó giúp chúng ta có thể tiếp cận được nền văn hóa này ở rất nhiều lĩnh vực: mỹ thuật, tư duy kỹ thuật, trình độ nhận thức….Tuy nhiên, do trải qua một thời gian dài nằm trong lòng đất, kết cấu các hiện vật sắt đang mất dần sự ổn định và có nguy cơ xuống cấp, mục nát. Chính vì vậy cần sớm tiến hành các biện pháp bảo quản phục chế hiện vật để đảm bảo cho việc nghiên cứu, phục vụ trưng bày giới thiệu hiện vật đến với công chúng. Đây là một trong những bộ sưu tập hiện vật cổ thuộc loại quý hiếm về một nền văn minh đã mất ở Việt Nam cần được gìn giữ, tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, phát huy giới thiệu đến với bàn bè quốc tế.
 
Tài liệu tham khảo:
1.Hán Văn Khẩn, 2008: Cơ sở khảo cổ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 213 - 244
2.Trung tâm QLBT Di tích Hội An, 2004: Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An, kỷ yếu Hội thảo khoa học, Công ty in Quảng Nam.
 

Tác giả: Trần Công Trung

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây