Hội An qua một số ký kiến của người nước ngoài

Thứ ba - 20/05/2014 21:34
Trong các năm qua, nhất là sau khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, thành phố Hội An vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu nhờ vào vẻ đẹp vốn có của khu phố, định hướng đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành và quản lý của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An và sự phối hợp thực hiện của các ban ngành chức năng. Theo thống kê, hằng năm Hội An đón trên 1 triệu lượt khách đến thưởng ngoạn, tham quan khu phố cổ và các điểm thu hút khác trong thành phố và con số này dường như không chỉ dừng lại mà ngày càng có chiều hướng tăng lên. Đây quả là một tin vui tốt đẹp trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
    
          Bản thân tôi là một người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất an lành này và được may mắn chứng kiến nhiều đổi thay đa sắc màu của Hội An. Khu phố trong ngày xưa ấy của tôi là những con phố nhỏ yên ả ban ngày và buồn bã về đêm, thỉnh thoảng đâu đây vọng lại tiếng guốc khua, tiếng rao đêm của những người bán hàng rong quanh phố. Phố cổ lúc ấy dường như có vẻ già hơn bây giờ nhiều. Đó là cảm nhận riêng của bản thân tôi. Khi làm việc tại Trung tâm, tôi đã có cơ hội gặp nhiều người, có khi là du khách, nhà nghiên cứu hay nhà quản lý và tìm hiểu cảm nhận của họ về khu phố cổ. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ ý kiến hay cảm nhận của một số người nước ngoài đã từng đến tham quan khu phố cổ. Những trải nghiệm của họ có thể là những ý kiến tham vấn mà chúng ta những người làm công tác bảo tồn di sản cần lắng nghe, nhìn nhận độ chính xác của các ý kiến cũng như về tình hình hiện nay trong khu phố cổ của chúng ta.

       Trong một chuyến công tác của bà Katherine Muller Marin – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đến Hội An, tôi được phân công cùng làm việc và qua câu chuyện với bà, bà đã chia sẻ “Chính quyền thành phố Hội An đã có hướng đi đúng trong phát triển bền vững kinh tế xã hội trên nền tảng văn hoá. Kết quả thấy rõ là số lượng du khách tăng cao hàng năm, văn hóa, kinh tế, xã hội ổn định, qua đó thu nhập của cộng đồng dân cư được cải thiện nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, chính quyền thành phố cũng cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động kinh doanh du lịch tại các di tích trong khu phố, nhất là các di tích tư nhân. Đa số các chủ di tích tư nhân ít quan tâm đến trải nghiệm của du khách về tìm hiểu di tích nên việc giới thiệu, trình bày giá trị của di tích chỉ vỏn vẹn vài phút đầu và tiếp ngay sau đó là dẫn du khách sang khu hàng lưu niệm ngay trong di tích để mời khách mua quà lưu niệm. Rõ ràng điều này sẽ để lại trải nghiệm không hay đối với du khách và chính bản thân tôi là một người có được trải nghiệm này”.

       Một ý kiến khác là của chị Gill Eborn, quốc tịch Úc.  Chị đến Hội An 2 lần. Lần đầu vào năm 1997 và lần thứ hai là năm 2013. Chị tâm sự với tôi về những cảm nhận thật khác biệt của chị giữa lần đầu tiên và lần này. Chị nói “Tôi đến Hội An lần đầu vào năm 1997, phố cổ lúc đó rất im ắng, trầm mặc và như đang suy tư điều gì bởi lúc đó tôi nhìn trên mái ngói các ngôi nhà cổ chỉ thấy một màu rêu phong, nhiều mái ngói còn bị xô lệch, nghiêng về một phía, cửa nhà thì bạc phết, nhìn đâu cũng thấy một màu cổ kính. Nhưng lần này tôi đến lại Hội An và thật sự bất ngờ về khu phố. Phố rộn ràng, náo nhiệt hẳn lên, trên đường rất nhiều người qua lại, nhà cửa khang trang hơn, tươi sắc hơn. Hội An đã thay da đổi thịt và dường như đâu đó đã quên đi cái trầm mặc xinh đẹp của mình rồi, nhìn đâu tôi cũng thấy lung linh đa sắc màu của đèn lồng, nhất là ban đêm. Tôi nghĩ rằng việc phát triển kinh tế là rất cần thiết nhưng cũng cần nghĩ đến việc giữ lại hồn phố rêu phong thì khu phố cổ sẽ giữ được giá trị bền vững”. 

      Còn khá là nhiều cảm nhận hay, chưa hay về khu phố cổ Hội An của những người nước ngoài mà tôi gặp, tuy vậy bài viết này tôi chỉ xin chia sẻ hai ý kiến mà tôi rất tâm đắc, một người là nhà quản lý di sản thế giới, một người là khách du lịch bình thường để chúng ta, những người sống và làm việc về sự nghiệp bảo tồn di sản tại mảnh đất Hội An sẽ suy nghĩ thêm. Qua đó, sẽ đề xuất nhiều ý kiến, chương trình hay trong tương lai để khu phổ cổ luôn là điểm sáng và là một trải nghiệm thú vị cho du khách trên hành trình du lịch tại Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung♥

Tác giả: Thu Thủy

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây