Theo các nguồn tư liệu và thông tin ghi trên bia mộ thì khu mộ này là nơi yên nghỉ của những người thuộc tộc Hồ ở làng Thanh Châu xưa kia - một làng được thành lập khá sớm ở Hội An. Tộc Hồ cùng với tộc Trần là hai tộc có vai trò quan trọng trong việc phát triển nghề khai thác yến sào không chỉ ở làng Thanh Châu Hội An trước đây mà còn ở cả một số địa phương ở miền Trung Việt Nam.
Khu mộ gồm 5 mộ là nơi an táng vợ chồng ông Hồ Văn Học cùng ba người con là ông Hồ Văn Phú, Hồ Thị Lê và Hồ Thị Đào. Theo tư liệu thư tịch cổ của gia tộc thì vào năm 1804, thời vua Gia Long, ông Hồ Văn Hòa người làng Thanh Châu có đơn xin quy tập ngoại dân lập thành Thanh Châu yến đội và được chuẩn y làm Yến đội Đội trưởng, có nhiệm vụ canh giữ và khai thác yến ở đảo Cù Lao Chàm. Đến năm Minh Mạng nguyên niên, 1820, triều đình ban lệnh đổi Thanh Châu Yến đội thành Thanh Châu Yến hộ và ông Hồ Văn Hòa vẫn giữ chức Hộ trưởng. Sau đó, con ông Hồ Văn Hòa là Hồ Văn Học - một trong những chủ nhân trong khu mộ được vua Tự Đức năm thứ 8 tức năm 1855 được bổ nhiệm làm Yến hộ Hộ trưởng, quản Tam tỉnh Yến hộ Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Những người khác trong tộc Hồ sau đó tiếp tục giữ chức quản Tam tỉnh yến hộ ở 3 tỉnh này, trong đó có ông Hồ Văn Phú - con ông Hồ Văn Học.
Trong số các ngôi mộ này, đáng chú ý là tại bia mộ bà Hồ Thị Lê có ghi người đứng tên tạo lập là ông Văn Sung. Ông này được bà Hồ Thị Lê nhận làm con nuôi. Ông có 3 người con, trong đó có bà Nguyễn Thị Kỳ Nam (gọi bà Hồ Thị Lê là bà nội) là phu nhân của hoàng thân Xu-pha-nu-vông của nước Lào.
Năm ngôi mộ nằm song song, mặt tiền đều xoay về hướng Tây Nam. Thứ tự các ngôi mộ tính từ Đông sang Tây gồm: mộ ông Hồ Văn Học, mộ vợ ông Học, mộ ông Hồ Văn Phú, mộ bà Hồ Thị Lê và mộ bà Hồ Thị Đào. Tất cả những ngôi mộ này đều là mộ nấm đất với kích thước không đều nhau. Trong đó mộ ông Hồ Văn Học và mộ vợ ông Học lớn hơn cả. Các mộ đều có bia đá xây áo bia bên ngoài và tay ngai hai bên. Hình thức áo bia và tay ngai giống nhau giữa các mộ: mặt ngoài áo bia xây dạng mái vòm, tay ngai hình cánh cung. Mỗi mộ đều có bia đá bằng chất liệu cẩm thạch, xung quanh có diềm bia chạm khắc nổi đề tài Rồng dây trán bia khắc hình Lưỡng nghi. Mặt bia khắc chữ Hán hiện được bảo tồn khá tốt, vết chạm sâu, nét chữ chân phương. Ngoài ra, trước đây khu mộ còn có một nhà bia dựng tấm bia lịch đại của tộc Hồ. Tuy nhiên, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khu mộ bị bom đạn tàn phá, nhà bia cũng bị hư hỏng, chỉ còn lại tấm bia đá, loại sa thạch, màu trắng, mặt bia khắc chữ Hán với nội dung ghi tên một số con cháu của tộc Hồ.
Di tích đã phần nào minh chứng cho vai trò quan trọng của tộc Hồ đối với nghề khai thác yến sào ở Hội An nói riêng, ở tam tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa nói chung trong giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, di tích còn lưu giữ bên trong những thông tin về quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Hy vọng trong thời gian đến, những giá trị của di tích này sẽ được phát huy mạnh mẽ, giúp cho du khách gần xa hiểu hơn về mảnh đất và con người Hội An trong những chặng đường lịch sử đã qua.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền