Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An Bốn thập kỷ trong sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Hội An

Thứ ba - 01/07/2025 03:54
     1. Những nét son của một chặng đường

     Ngày 19/3/1985, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)  ban hành quyết định xếp hạng Khu phố cổ Hội An là di tích cấp quốc gia. Đến tháng 7/1985, Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An được tổ chức tại Trường Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Nông Quốc Chấn, GS.VS. Phạm Huy Thông, GS. Trần Quốc Vượng, KTS. Hoàng Đạo Kính. Hội nghị với sự tham dự của rất đông nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cả nước đã đồng lòng khẳng định “giá trị văn hóa vô giá của Khu phố cổ Hội An là báu vật của tiền nhân trao truyền lại”.

 
pho co hoi an
Phố cổ Hội An - Ảnh Tư liệu
 
     Từ nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của Khu phố cổ Hội An nói riêng, di sản văn hoá Hội An nói chung, và trước những yêu cầu về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngày 16/2/1986, UBND thị xã Hội An (sau này là thành phố Hội An) đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An, tiền thân của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An ngày nay. Ban có nhiệm vụ: Tổ chức sưu tầm, quản lý, bảo vệ các hiện vật, di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng của địa phương; đồng thời xây dựng phương án và thực hiện công tác trùng tu tôn tạo, khai thác sử dụng tham mưu UBND thị xã Hội An phát huy giá trị nhiều mặt của di tích; giới thiệu di tích, hướng dẫn tham quan và tổ chức các hình thức dịch vụ du lịch. Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An có vai trò và đóng góp quan trọng trong phối hợp và đồng hành để tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990. Tháng 5/1992, theo chủ trương sáp nhập, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An nhập vào Phòng Văn hóa - Thông tin, trở thành Bộ phận Quản lý Di tích, nơi làm việc tại số 12 Phan Châu Trinh. Trước yêu cầu của việc xây dựng hồ sơ Đô thị cổ Hội An đệ trình UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới theo theo chủ trương thống của Bộ Văn hoá, cũng như yêu cầu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ, ngày 09/10/1996 UBND thị xã Hội An ban hành Quyết định số 10/QĐ-UB về thành lập Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An. Trung tâm đã nỗ lực phối hợp tham mưu xây dựng hồ sơ đệ trình để ngày 4/12/1999 Đô thị cổ Hội An chính thức được UNESCO vinh danh Di sản văn hoá thế giới. Danh hiệu cao quý này là niềm tự hào không chỉ của Hội An mà của cả nước và bạn bè quốc tế yêu mến Hội An. Sau khi Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, hoạt động bảo tồn phát huy di sản này được đẩy mạnh trên nhiều phương diện. Đến năm 2011, theo đề nghị của Chủ tịch UBND thành phố Hội An và của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, ngày 21/4/2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An trực thuộc UBND thành phố Hội An trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An. Theo đó, ngày 08/6/2011, UBND thành phố Hội An đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-UBND về thành lập Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Đến ngày 06/11/2024, UBND thành phố Hội An ban hành Quyết định số 1995/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 08/6/2011 của UBND thành phố Hội An về thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, bộ máy của Trung tâm Quản lý Bảo tồn  Di sản Văn hóa Hội An.

     Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An là đơn vị sự nghiệp loại 2 thuộc UBND thành phố Hội An, có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước của UBND Thành phố về Di sản Văn hóa Hội An; nghiên cứu khoa học, bảo tồn, phát huy các giá trị của Di sản Văn hóa trên địa bàn thành phố Hội An; tu bổ di tích; quản lý dự án; bảo quản, phục chế, tu sửa hiện vật, thuyết minh, giáo dục, dịch vụ tại bảo tàng, di tích; truyền thông, đối ngoại; tư vấn bảo tồn; hợp tác cộng đồng; tham gia phối hợp phục vụ công tác quản lý Nhà nước về Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An[1]. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm gồm:

     - Quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Hội An; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành để tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn giá trị Văn hóa Hội an, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, xã hội hóa trong công tác bảo tồn, bảo vệ, tu bổ di tích; tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.

     - Tham gia phối hợp phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát huy giá trị Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

     - Chủ trì, trực tiếp tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động cấp Giấy phép, xử phạt vi phạm hành chính và giám sát việc tu bổ di tích trong Khu Phố cổ;

     - Triển khai chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới; tư vấn, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, lập dự án, quản lý dự án và tổ chức thực hiện dự án các công trình lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật; ứng dụng khoa học công nghệ vào việc bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di sản thế giới; tham gia nghiên cứu đề xuất quy trình, quy phạm bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản thế giới;

     - Quản lý các điểm bảo tàng, di tích do thành phố giao; hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách tham quan; tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động dịch vụ, trải nghiệm phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại các điểm bảo tàng, di tích do đơn vị trực tiếp quản lý; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, kiểm kê và trưng bày tư liệu, hiện vật tại các điểm bảo tàng, di tích và tổ chức triển lãm lưu động khi có yêu cầu; tổ chức bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ tại các di tích, bảo tàng khi được UBND Thành phố giao; quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật;

     - Tổ chức nghiên cứu khoa học, sưu tầm, tư liệu hóa, số hóa trong lưu trữ tài liệu về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể liên quan phục vụ công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di sản thế giới; thực hiện dịch vụ tư vấn về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa;

     - Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa;

     - Phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới theo quy định hiện hành; tổ chức thông tin, thảo luận, thu thập ý kiến của cộng đồng về quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến di sản thế giới.

     - Tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là với tổ chức UNESCO; tranh thủ sự hợp tác và trợ giúp của quốc tế, của các Chính phủ, các tổ chức Phi Chính phủ và cá nhân người nước ngoài; quản lý và sử dụng đúng mục đích có hiệu quả mọi nguồn vốn theo quy định của Nhà nước.

     - Thực hiện dịch vụ tư vấn về quản lý và bảo tồn giá trị văn hóa;

     - Quản lý chuyên môn, nghiệp vụ, vốn, tài sản, cơ sở vật chất, nhân sự theo sự phân công, phân cấp của UBND thành phố Hội An;

     - Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao.

     Trong gần 4 thập kỷ qua, từ tiền thân là Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An đến Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hội An và các cơ quan cấp trên; sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn; sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các chuyên gia và bạn bè yêu mến Hội An, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của tập thể Ban Giám đốc và toàn thể viên chức - người lao động, Trung tâm đã đạt được nhiều thành tựu lớn, ghi dấu những nét son rực rỡ trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá thế giới. Cụ thể:

     - Nghiên cứu nhận diện các giá trị di sản văn hóa để tham mưu cho công tác quản lý Thị xã Hội An lúc bấy giờ, tham mưu xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.

     - Đô thị cổ Hội An sớm xây dựng các dự án tu bổ khẩn cấp và quy hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị. Đã kịp thời cứu nguy, hồi sinh khu phố cổ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, ngân sách Nhà nước và các nguồn tài trợ. Ngoài ra các di tích vùng ven khu phố cổ cũng đã được quan tâm đầu tư, tu bổ tôn tạo để thực hiện tốt sứ mệnh bảo tồn Đô thị cổ Hội An - một di tích quốc gia đặc biệt - một di sản văn hóa thế giới.

     - Phân cấp, xây dựng mô hình quản lý phù hợp với đặc thù Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. UBND thành phố Hội An trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản; phân công chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng được tạo cơ chế thuận lợi tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy di sản.

     - Xây dựng chính sách phù hợp để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An được quản lý nghiêm ngặt bởi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh 3 văn bản tạo khung pháp lý theo quy định , đã có 10 quy chế và cơ chế phù hợp với đặc thù “Di sản sống” được ban hành, mang lại hiệu quả kịp thời, tích cực để quản lý di sản. Đặc biệt, Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ ban hành năm 1997 là bước đột phá trong công tác quản lý do chưa có một quy chế tương tự được ban hành trên cả nước để đối chiếu, rút kinh nghiệm. Nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ ngân sách đầu tư tu bổ di tích xuống cấp trong Nhân dân được chủ di tích đồng thuận; trong đó di tích tư nhân - tập thể trong khu phố cổ được ngân sách hỗ trợ từ 40 đến 75% kinh phí, di tích ngoài khu phố cổ được ngân sách đầu tư tùy theo giá trị và hình thức sở hữu.

     - Công tác nghiên cứu khoa học, in ấn, xuất bản được đẩy mạnh. Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu về di sản văn hóa Hội An, mang lại nhiều kết quả mới, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử - văn hóa, tạo cơ sở khoa học để thực hiện các nguyên tắc trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Riêng cơ quan chuyên môn ở Hội An giai đoạn 2001 - 2021 đã thực hiện 20 đề tài nghiên cứu các cấp, 67 chương trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật, xuất bản 52 ấn phẩm sách, 61 tập Thông tin nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa Hội An,… góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ và Nhân dân, quảng bá giá trị di sản đến du khách trong nước và quốc tế.

     - Công tác tuyên truyền, giáo dục di sản được quan tâm. Từ đó giúp nâng cao nhận thức của cán bộ trong hệ thống chính trị và Nhân dân, nhất là với chủ di tích, cộng đồng di sản; tạo chuyển biến tích cực về hành động bảo tồn di sản trong mỗi công dân. Nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định về bảo tồn di sản hiệu quả; những nội dung quan trọng được tổ chức thành hội nghị tập trung tại địa bàn dân cư, in ấn tài liệu phát đến từng hộ dân. Giáo dục di sản được lồng ghép mạnh vào các trường học bằng chương trình giáo dục bàn bản, gắn giáo dục với hành động thực tế cho học sinh.

     - Hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa vật thể được nhiều kết quả. Công tác kiểm kê, phân loại, xếp hạng di tích sớm thực hiện, đưa vào danh mục kiểm kê 1.439 di tích; trong đó ngoài di tích cấp Quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An còn có 27 di tích cấp Quốc gia, 49 di tích cấp Tỉnh, 104 di tích thuộc Danh mục bảo vệ của Tỉnh. Công tác đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích được ưu tiên, đã “cứu nguy khẩn cấp”, từng bước phục hồi và tạo dựng lại diện mạo ban đầu của Đô thị cổ. Cơ sở hạ tầng và cảnh quan của nhiều di tích từng bước được tôn tạo, đẩy lùi không gian hoang phế. Nguyên tắc bảo tồn về hình thức kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật, mỹ thuật truyền thống đảm bảo chất lượng; các phương pháp trùng tu di tích được phát triển, gắn chặt giữa phương pháp luận khoa học và kỹ năng, kỹ thuật truyền thống.

     - Hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư. Các loại hình di tích văn hóa phi vật thể dần được nhận diện, kiểm kê để quản lý. Nhiều loại hình di sản có giá trị tiêu biểu, mang bản sắc địa phương được duy trì, thực hành trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Cốt lõi của tài nguyên văn hóa Hội An là truyền thống “Nhân tình thuần hậu” với nếp sống giản dị, hiếu khách, nếp sống truyền thống mang đậm ký ức cư dân đô thị được quan tâm bảo vệ. Hội An là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy tốt nghệ thuật hô hát Bài chòi đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội An đã có 08 di sản được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ; 06 nghệ nhân được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trên lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Nhiều loại hình di sản đã và đang có nguy cơ mai một được đầu tư phục hồi, duy trì tốt.

     - Nhiều nguồn lực được huy động, đầu tư hiệu quả. Nguồn nhân lực hoạt động trực tiếp trên lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ngày càng kiện toàn ở các cơ quan chuyên môn; chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, có trình độ, có tâm huyết và kinh nghiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy di sản được đầu tư ngày càng nhiều. Dần hình thành lực lượng đông đảo cộng tác viên tham gia, gồm nhiều lĩnh vực: bảo tồn, lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, khảo cổ, mỹ học, nhân văn, lực lượng tư vấn lập dự án, giám sát và thi công, hướng dẫn viên…

     - Cộng đồng phát huy vai trò tích cực, tham gia hiệu quả vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Lối sống, nếp sống truyền thống của cư dân đô thị - phần hồn của di sản được người dân trong khu phố cổ gìn giữ cẩn trọng trong ngôi nhà, nếp phố. Mọi chính sách về bảo tồn di sản được người dân tham gia, tích cực bàn thảo và bày tỏ sự thống nhất, đồng thuận cao, quyết định đến hiệu quả thực thi của nhiều hoạt động.

     - Hợp tác quốc tế về lĩnh vực bảo tồn di sản được đẩy mạnh. Chủ động thiết lập, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh bảo tồn di sản văn hóa; nhiều tổ chức của UNESCO, các tổ chức của chính phủ và phi chính phủ nước ngoài, nhất là đối với đối tác Nhật Bản được gắn kết, mở rộng và ngày càng hiệu quả.

     2. Tên gọi mới - Triển vọng mới

     Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính, tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp của Bộ Chính trị, ngày 27/6/2025, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2012/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An trên cơ sở tiếp nhận thêm chức năng phát huy giá trị di sản văn hoá từ Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An để thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá thế giới Hội An trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Quyết định có hiệu lực từ ngày ban hành. Theo đề án tổ chức lại, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá thế giới Hội An là đơn vị sự nghiệp loại 1, có quyền hạn và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An, bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, cụ thể như sau (được quy định rõ trong Nghị định 109 và Luật Di sản Văn hóa 2024):

     - Quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.

     - Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành để tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, xã hội hóa trong công tác bảo tồn, bảo vệ, tu bổ di tích; tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An; trong công tác tổ chức các sự kiện, lễ hội và các nội dung việc tham gia Mạng lưới các thành phố Sáng tạo Toàn cầu.

 
Uốn be ghe - Ảnh: Quảng Văn Quý
 
     - Tham gia phối hợp phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

     - Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích - nhà ở trong Khu phố cổ; giám sát việc xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích trong Khu phố cổ; hỗ trợ kinh phí trùng tu cho di tích tư nhân và tập thể.

     - Thực hiện công tác quản lý về kế hoạch, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản trong lĩnh vực trùng tu tôn tạo di tích và phát huy Khu Di sản theo quy định hiện hành; thực hiện nhiệm vụ bảo trì bảo trì công trình di tích, xử lý chống mối mọt các công trình di tích trong và ngoài khu phố cổ; bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, cảnh quan Khu phố cổ; quản lý Nhà điều hành Đô thị Di sản Thông minh; tư vấn, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, lập dự án, quản lý dự án và tổ chức thực hiện dự án các công trình lịch sử - văn hóa theo quy định củapháp luật; ứng dụng khoa học công nghệ vào việc bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phụchồi, tôn tạo di sản thế giới; tham gia nghiên cứu đề xuất quy trình, quy phạm bảoquản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản thế giới;

     - Quản lý các điểm bảo tàng, di tích thuộc Khu Di sản do UBND tỉnh Quảng Nam giao; hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách tham quan; tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động dịch vụ, trải nghiệm phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại các điểm bảo tàng, di tích do đơn vị trực tiếp quản lý; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, kiểm kê và trưng bày tư liệu, hiện vật tại các điểm bảo tàng, di tích và tổ chức triển lãm lưu động khi có yêu cầu; tổ chức bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ tại Khu phố cổ Hội An; quản lý, sử dụng nguồn thu theo
quy định của pháp luật;

 
khanh thanh chua cau
Lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu - Ảnh: Hồng Việt
 
     - Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các loại nghệ thuật truyền thống của văn hóa Hội An; tổ chức lập hồ sơ di tích; hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích; hồ sơ di sản tư liệu; hồ sơ văn hóa phi vật thể; hồ sơ bảo vật quốc gia trình các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận; triển khai các kế hoạch quản lý phát huy các bộ phận di sản này theo quy định; thực hiện công tác nghiên cứu khảo cổ học về di sản văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An;

     - Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, trao truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống, tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống Hội An;

     - Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa;

     - Phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới theo quy định hiện hành; tổ chức thông tin, thảo luận, thu thập ý kiến của cộng đồng về quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến di sản thế giới;

     - Tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. Thực hiện các nội dung nhiệm vụ đã cam kết tại hồ sơ Xây dựng Hội An-Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO;

     - Tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là với tổ chức UNESCO trong việc tham gia Mạng lưới các thành phố Sáng tạo toàn cầu; tranh thủ sự hợp tác và trợ giúp của quốc tế, của các Chính phủ, các tổ chức Phi Chính phủ và cá nhân người nước ngoài; quản lý và sử dụng đúng mục đích có hiệu quả mọi nguồn vốn theo quy định của Nhà nước;

     - Tham mưu kế hoạch tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa dân gian truyền thống, đương đại, các sự kiện văn hoá đối ngoại và hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch Hội An đến với công chúng, du khách trong và ngoài nước. Phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội trên địa bàn. Kết nối, triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông, giới thiệu quảng bá các sản phẩm văn hoá dịch vụ du lịch của các địa phương. Phát huy các danh hiệu trên lĩnh vực văn hoá du lịch mà Hội An đã đạt được trong thời gian qua như Làng Du lịch tốt nhất, Điểm đến văn hoá hàng đầu Châu Á, Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á, Điểm Du lịch đáng giá bậc nhất Thế giới...;

     - Tổ chức các sự kiện văn hóa, hoạt động lữ hành, dịch vụ du lịch, thực hiện công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, khai thác phát huy các tiềm năng kinh tế của quần thể Di sản Đô thị cổ Hội An bằng các hình thức phù hợp để tăng nguồn thu cho ngân sách;

     - Thực hiện nhiệm vụ giáo dục di sản; quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… của các Di sản Văn hóa Hội An, Quảng Nam - Đà Nẵng đến với các tầng lớp nhân dân trong nước và ngoài nước; phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu các giá trị văn hóa, môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với di tích nhằm giáo dục giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng liên quan;

     - Tham gia vào việc huy động nguồn lực đóng góp và quản lý Quỹ Bảo tồn Di sản Văn hóa Đô thị cổ Hội An;

     - Quản lý chuyên môn, nghiệp vụ, vốn, tài sản, cơ sở vật chất, nhân sự theo sự phân công, phân cấp của cấp trên;

     - Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định hiện hành; thực hiện một số nhiệm vụ khác do cấp trên giao;

     - Có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An và các hoạt động du lịch, sự kiện, lễ hội có liên quan.

     Việc tổ chức lại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An trên cơ sở tiếp nhận thêm chức năng phát huy giá trị di sản văn hoá từ Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An để thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá thế giới Hội An trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, và kể từ ngày 1/7/2025 trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng sẽ mở ra những vận hội mới để sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thế giới Hội An tiếp tục đạt được những thành tựu mới to lớn hơn. Kể từ ngày 1/7/2025, thành phố Đà Nẵng với 3 danh hiệu di sản thế giới: Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cùng với danh hiệu Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn và nhiều danh thắng, di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, các di sản văn hoá phi vật thể quốc gia,… sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng góp phần phát triển thành phố Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
 
[1] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An là đơn vị chủ trì tham mưu lập hồ sơ đề nghị công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An vào ngày 26/5/2009.

Tác giả: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây