Các giá trị về di sản văn hóa vật thể biển đảo Cù Lao Chàm

Thứ ba - 20/05/2025 04:12
Cù Lao Chàm là tên gọi một cụm đảo gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Tai, Hòn Ông nằm cách Cửa Đại chừng 18km. Trong quá khứ cũng như hiện nay, Cù Lao Chàm có vai trò rất quan trọng về địa - sinh thái, địa chính trị - kinh tế - văn hóa, không chỉ đối với Hội An mà còn đối với cả miền Trung, cả nước và khu vực.
bai huong cù lao cham
Bãi Hương năm 2023 - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Vào những năm 1999 - 2000, một di chỉ khảo cổ học có niên đại cách ngày nay hơn 3000 năm đã được phát hiện, thám sát và khai quật ở Bãi Ông nằm về phía tây bắc, Hòn Lao. Địa điểm di chỉ nằm tại cồn cát sát chân núi, ở giữa 2 khe nước bắt nguồn từ núi cao của Hòn Lao đổ ra bãi Ông. “Từ kết quả thám sát và khai quật cho thấy đây là địa điểm cư trú kết hợp mộ táng. Nhưng dấu vết cư trú bộc lộ rõ hơn qua bộ sưu tập hiện vật gồm công cụ đánh bắt, đồ chế tác bằng đá, đồ gốm gia dụng, dấu tích bếp lửa. Những mẫu hạt cây cháy xuất hiện trong di chỉ đã được xác định niên đại và cho biết địa điểm Bãi Ông là di chỉ của cư dân Tiền Sa Huỳnh thời Sơ kỳ Kim khí với niên đại 3100± 60 BP. Cho đến nay, đây là di tích có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hội An.
Từ địa hình biển đảo đã hình thành phương thức sản xuất chủ yếu của cư dân Bãi Ông là săn bắn, hái lượm, đánh bắt. Kỹ thuật mài các công cụ sản xuất đã phát triển đến độ hoàn thiện và kỹ thuật chế tác gốm ở trình độ cao cho ra nhiều sản phẩm có loại hình phong phú. Dấu ấn văn hoá biển của cư dân Tiền Sa Huỳnh tại Bãi Ông đã in đậm nét trong các hoa văn trang trí trên gốm như hoa văn mép vỏ sò, sóng lượn[1]. Với di chỉ bãi Ông cho biết chắc chắn rằng cách đây trên 3000 năm tai cụm đảo Cù Lao Chàm đã có cư dân sinh sống, khai thác biển đảo để xây dựng và phát triển cuộc sống. Di chỉ này cung cấp những thông tin cần thiết về các nhóm cư dân thời Tiền Sơ sử tại các cụm đảo duyên hải ven bờ ở Nam Trung bộ nói riêng, nước ta nói chung.

     Vào những năm 1997, 1998, 1999 một số cuộc đào thám sát, khai quật khảo cổ đã được thực hiện tại Bãi Làng và thu được kết quả bất ngờ mới mẻ. Các hiện vật thu được trong các hố thám sát, khai quật khá phong phú, đa dạng. Nhiều nhất là đồ gốm gia dụng Champa thuộc các loại hình nồi, vò, kendy, chén, hủ cao cổ, bát bồng, lọ. Hoa văn trang trí của các hiện vật này đơn giản như văn thừng, chải, gờ tròn chạy quanh thân. Kỹ thuật sản xuất chủ yếu dùng bàn xoay kết hợp nặn tay, miết láng và gắn chắp các bộ phận. Các sản phẩm gốm có hình dáng cân đối, tròn, dày đều. Xương gốm thô, hơi thô và mịn.
 

     Trong các hố khai quật, thám sát tìm thấy nhiều đồ gốm sứ Trung Quốc thời Đường (thế kỷ VII - X) gồm các loại hình vò, bình, hủ, chậu, nồi, bát, chén sản xuất tại các lò Việt Châu (Triết Giang) Định Châu (Hà Bắc), Tương Âm, Trường Sa (Hồ Nam), Quảng Đông. Đặc biệt tại đây đã phát hiện một số mảnh gốm Islam thuộc các loại hình vò đựng, bình,… có xương gốm nhẹ, màu trắng đục, men màu xanh thẫm dày, bóng.

     Nhóm hiện vật thuỷ tinh cũng rất đặc biệt khi lần đầu tiên phát hiện ở Bãi Làng, Cù Lao Chàm, Hội An. Chúng có màu xanh, tím nhạt, vàng, một số mảnh có hoa văn nổi, gồm hai nhóm: đồ gia dụng và đồ trang sức. Đồ gia dụng thuộc các loại hình bát nông lòng, đĩa, lọ hình trụ, lọ có vai xuôi, cổ cao miệng hơi loe… Nhóm đồ trang sức khá phong phú như hạt cườm, hạt cườm vuông, hạt chuỗi đeo tai hình hạt lựu, hạt chuỗi thuỷ tinh ba màu, thuỷ tinh ghép, thuỷ tinh thắt hai đầu. Niên đại của các đồ Islam và thuỷ tinh này được xác định vào thế kỷ IX - X. và có nguồn gốc từ các nước Tây Á và Trung Cận Đông.

     Hệ thống hiện vật tại Bãi Làng cho thấy đây là di chỉ cư trú của cư dân Chăm vào thế kỷ VII - X. Diễn biến địa tầng và loại hình các hiện vật thu được cho thấy cư dân Bãi Làng thời Champa có đời sống kinh tế khá phát triển. Các hiện vật gốm sứ Trung Hoa, Islam, thuỷ tinh, Tây Á cùng một hiện vật gốm sứ, sắt đá có nguồn gốc từ bên ngoài kết hợp với các nguồn tư liệu thư tịch cho thấy vào thời Champa thế kỷ IX - X, Cù Lao Chàm là một tiền cảng hoặc một bến cảng nơi dừng chân của thương thuyền Trung Quốc, Trung Cận Đông và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bến cảng này rất tầm cỡ với sự xuất hiện của các hiện vật mang tính chỉ định cho một địa điểm giao thương mang tính quốc tế gồm đồ gốm sứ nổi tiếng thời Đường thế kỷ IX - X từ các lò Việt Châu, Định Châu, Trường Sa; gốm Islam Trung Cận Đông thế kỷ IX - X; đồ thuỷ tinh có nguồn gốc Tây Á thế kỷ IX - X. Các hiện vật này đều có mặt trong di chỉ Bãi Làng để minh chứng cho tính quốc tế của bến cảng này vào thời Champa thế kỷ IX - X.

     Tháng 4 năm 1997 đánh dấu một sự kiện quan trọng về khảo cổ học dưới nước của nước ta đó là việc tiến hành khảo sát, thám sát để tiến đến khai quật trong các năm 1997, 1998, 1999, một con tàu cổ bị đắm ở ngoài khơi Cù Lao Chàm. Cuộc khai quật đã thu về trên 240.000 hiện vật, không kể các mảnh vỡ, trong đó nhiều nhất là đồ gốm ngoài ra còn có một số ít đồ kim loại, đồ gỗ, dồ đá và di cốt người.

     Về đồ gốm nhiều nhất là gốm Việt Nam bao gồm nhiều dòng gốm như gốm hoa lam, gốm nhiều màu, gốm men xanh ngọc, gốm men xanh dương sẫm, gốm men trắng, gốm men trắng mỏng văn in, gốm men nâu, gốm sành. “Về loại hình có 18 loại hình chính và hơn 100 loại hình phụ như đĩa kích thước rất lớn (đkm: 46,2 cm), đĩa kích thước nhỏ, đĩa kích thước trung bình, đĩa cắt khắc cánh hoa, bát chân đế cao, bát chân đế thấp, bát cỡ rất lớn, chén hình quả đào có gắn tượng vẹt, cốc sâu lòng, cốc hình cầu, tước có hình cô tiên và con rùa, tước hoa lam, âu, liễn, liễn nhiều ngăn, chậu cỡ lớn, ken di cỡ nhỏ, bình rót hai đầu có quai, bình rót dáng thon… Trong các loại hình này, loại kích thước lớn nhất cao 56,8cm, đường kính miệng 24cm, loại có kích thước rất nhỏ, chỉ cao 2,7cm. Hoa văn trên gốm cực kỳ phong phú. Đề tài con người có các vị thần tiên, người phụ nữ quý tộc, cụ già câu cá, cụ già chèo thuyền… Đề tài động vật có rồng, phượng, sư tử, voi, hổ, trâu, bò, hươu, khỉ, chim đại bàng... Đề tài hoa lá có hoa sen, hoa cúc, mẫu đơn, tùng, mai, trúc, các loại cây cổ thụ. Các loại hoa văn khác có nhà cửa, chùa tháp, cung điện, cầu cống, sông nước, núi non, mây trời.”[2].

     Các đồ gốm Việt Nam này được xác định làm từ lò gốm Chu Đậu ở Hải Dương và một số lò gốm khác ở miền Bắc. Niên đại của chúng được xác định vào thế kỷ XV. Những đồ gốm này đã có mặt tại nhiều bảo tàng trên thế giới và trong nước, nằm trong nhiều bộ sưu tập của tư nhân và được gọi bằng một cái tên là “gốm vớt biển Cù Lao Chàm”.

     Dưới khía cạnh lịch sử - kiến trúc nghệ thuật, Cù Lao Chàm chính là một di tích vật thể minh chứng cho sự phát triển liên tục của vùng đảo này từ thời Tiền - Sơ sử cho tới ngày nay. Đặc biệt, Cù Lao Chàm còn là một dấu tích của sự phát triển mạnh mẽ về giao thương hàng hải trên biển Đông thời kỳ Champa mà sau này được kế thừa dưới thời Đại Việt.

     Tại Cù Lao Chàm hiện tồn nhiều di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật. Qua thống kê đến năm 2015, Cù Lao Chàm có 27 di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật. Các di tích này ghi dấu, minh chứng sự có mặt khá sớm của người Việt tại cụm đảo Cù Lao Chàm. Đình Đại Càn nay đã sụp đỗ hoàn toàn chỉ còn lại bức bình phong hình cuốn thư, một trụ biểu vuông và một tấm bia đá trang trí rồng mây mang phong cách Hậu Lê bị mưa gió bào mòn còn sót lại một số chữ Hán, có thể đọc được: “… Cù Lao xứ nguy nga… tán viết… Cảnh Hưng nhị thập nhị niên (1761)…”. Tuy chỉ còn vài chữ nhưng qua đó có thể xác định vào cuối thế kỷ XVIII tại đây đã có xứ Cù Lao của người Việt.

     Di tích đình Tiền Hiền liên quan đến sự có mặt của các tộc họ tiền hiền ở Cù Lao Chàm, trong đó có những tộc họ người Hoa, người làng Minh Hương. Di tích chùa Hải Tạng được khởi dựng vào năm 1758, đến năm Tự Đức nguyên niên (1848) do gió bão đánh sập nên dời đến vị trí hiện nay. Đây là di tích kiên quan đến sự phát triển Phật giáo dòng Đại thừa Tịnh độ tại Cù Lao Chàm nói riêng, Hội An nói chung.

     Lăng Ông Ngư nằm giữa khu chung cư ở Bãi Làng, bên cạnh đình Tiền Hiền. Di tích này liên quan đến sự phát triển của các ngành nghề khai thác, đánh bắt, buôn bán trên biển. 

     Miếu Tổ nghề yến nằm ở Bãi Hương Cù Lao Chàm trên một gò cát cao cách bồ biển chừng 150m. Đây là di tích gắn với nghề khai thác Yến sào của Hội An, một nghề có từ thời Champa và được tiếp nối dưới thời Đại Việt. Di tích cung cấp nhiều thông tin về lịch sử phát triển nghề và một số nhân vật liên quan đến quản lý, khai thác yến sào thời Nguyễn.

     Nhìn chung các di tích kiến trúc có đặc điểm chung là thấp nhỏ nhằm ứng phó với tình trạng gió bão xảy ra thường xuyên hàng năm, trừ chùa Hải Tạng có quy mô lớn hơn. Mái các di tích này lợp ngói âm dương, nhiều di tích có tường, nền được xây bằng đá san hô, một vật liệu đặc trưng của biển đảo. Chất liên kết là vôi vỏ hến, hàu, cát và một số phụ gia làm chất dẻo. Loại hợp chất này có khả năng chống lại sự xâm mòn của nước biển nên rất bền chắc. Các di tích có bình phong ở phía trước đắp vẽ hình cọp, long mã, ngư long, hí thuỷ, thuyền, sen - yến rất sinh động, thể hiện sự sáng tác đầy cảm hứng của các nghệ nhân dân gian. Bên trong trang trí các đề tài hoa lá, sóng nước, tứ linh, câu đối mang dáng nét riêng của biển đảo.

     Ngoài ra, tại Cù Lao Chàm hiện còn 4 di tích lịch sử Cách mạng liên quan đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ gồm: hang Cây Chọi và chùa Hải Tạng, hang Mái Nhà, miếu Hòn Dài, miếu Mũi Thờ.
 
[1] Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội (2007), “Khái quát về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân vùng chức năng kinh tế - sinh thái - du lịch Cù Lao Chàm”, in trong Kỷ yếu Cù Lao Chàm - Vị thế tiềm năng và triển vọng, Công ty cổ phần in và dịch vụ Quảng Nam xuất bản, tr.25-26.
[2] Phạm Quốc Quân, Tống Trung Tín, Nguyễn Đức Minh (2007), “Khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm Cù Lao Chàm – Hội An, Quảng Nam 1997 - 2000”, sđd, tr.153-154.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây