Cù Lao Chàm là tên gọi một cụm đảo gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Tai, Hòn Ông nằm cách Cửa Đại chừng 15km, cách trung tâm Hội An chừng 19km.
Âu Thuyền nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
Các hòn đảo này nằm trên biển Đông theo hình cánh cung, phần lõm quay vào đất liền, có toạ độ địa lý 15015’ vĩ Bắc, 108023’ kinh Đông với diện tích chừng 15,6km2 dân số lúc cao nhất chừng 2.900 người. Trong quá khứ cũng như hiện nay, Cù Lao Chàm có vai trò rất quan trọng về địa - sinh thái, địa chính trị - kinh tế - văn hoá, không chỉ đối với Hội An mà còn đối với cả miền Trung, cả nước và khu vực.
Về địa chất, địa mạo
Cù Lao Chàm là phần kéo dài về Đông Nam của khối núi đá granit Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà mà các nhà địa chất gọi là “phức hệ Hải Vân” được hình thành cách nay khoảng 230 triệu năm. Chúng được lộ trên bề mặt trái đất và tạo hình núi trên đảo bởi quá trình vận động nâng lên của vỏ trái đất dọc các đứt gãy kiến tạo phương Tây Bắc - Đông Nam. Các nhà địa chất đánh giá Cù Lao Chàm là tấm gương phản chiếu rõ ràng các hoạt động kiến tạo: khe nứt, đứt gãy, chuyển động khối tảng và là một điển hình tiêu biểu nhất về mặt hình thái - cảnh quan của một đảo núi đá granit trong hệ thống đảo ven bờ Việt Nam.
Trên phương diện địa mạo, Cù Lao Chàm có các bãi biển thoải với nền cát trắng mịn, sạch nằm xen giữa các mỏm đá với những hình thù kỳ lạ. Từ Tây Bắc xuống Đông Nam, Cù Lao Chàm có các Bãi Bấc, Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Xép, Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Hương. Các bãi biển này xen kẻ với các vách đá, bãi đá tạo thành những cảnh quan ngoạn mục và những bãi tắm lý tưởng.
Cùng với các bãi biển và vách đá tại Cù Lao Chàm còn có một hệ thống hang động phân bố chủ yếu tại sườn Đông, Đông Nam của các hòn đảo. Tại một số hang đã trở thành nơi chim yến cư trú, làm tổ. Chim yến làm tổ những nơi có hang đá trơ trọi, nơi đầu sóng gió, nhất là những hang có đáy ngập nước biển như hang Tò Vò, hang Trăn, hang Khô, hang Cả, hang Kỳ Trâu…
Về đất đai và nguồn nước
Do sự phong hoá, biến đổi của hệ thống đá granit nên đất đai ở Cù Lao Chàm khá hạn hẹp. Các nhà địa chất học cho biết tại Cù Lao Chàm có sự tồn tại của 6 nhóm đất chính: Nhóm đất tàn tích, đất tàn tích thềm bóc mòn, đất tầng mỏng sườn Đông Bắc, đất sườn tích tụ Tây Nam, đất dốc tụ chân sườn và nhóm đất cát. Trong đó đất dốc tụ chân sườn và đất sườn tích tụ là nguồn tài nguyên quý giá của đảo tuy không nhiều nhưng hết sức quan trọng để các lớp dân cư dựa vào để tổ chức, phát triển cuộc sống.
Không như tài nguyên đất ít ỏi, nguồn tài nguyên nước ngọt ở Cù Lao Chàm lại rất phong phú do diện tích đảo đủ lớn (khoảng 16km2), lượng mưa hàng năm lớn trên 2000 mm/ năm và cấu tạo địa chất có nhiều khe nứt, hang hốc nên đảo có khả năng lưu giữ một lượng nước mưa dồi dào về mùa mưa để cung cấp lại vào mùa khô cho các mạch ngầm ở chân núi. Với cấu tạo địa chất và lượng mưa như vậy nên trước đây ở Cù Lao Chàm có nhiều con suối lớn, nguồn nước dồi dào đủ dùng để sinh hoạt và canh tác. Hầu như các bãi cát lớn từ Bắc xuống Nam đều có các khe suối, lớn thì gọi là suối, nhỏ thì gọi là khe như suối Bãi Ông, khe cây Thị, khe Ông Thơ, khe Xóm Trên, khe Xóm Dưới, khe Bãi Xếp, khe Bãi Chồng, khe Bãi Bìm, khe Ngoài, khe Cây Dừa, khe cây Dâm/Giâm (khe Trong)… Các khe suối này chính là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và canh tác. Ngoài ra người dân nơi đây còn đào một số giếng ở bãi Làng, bãi Hương để lấy nước ngọt dùng cho cúng kính, xây dựng lăng miếu, chế biến một số món ăn thức uống, dùng cho sinh hoạt và có thể còn để bán nước ngọt cho các thương thuyền vãng lai.

Bãi Hương - Ảnh: Quang Ngọc
Về hệ động thực vật
Động vật ở Cù Lao Chàm có hai nhóm: Nhóm dưới biển và nhóm trên cạn. Nhóm động vật dưới biểu rất phong phú và đa dạng về giống loài. Các nhà nghiên cứu về biển đã tập hợp được một danh mục gồm 947 loài sinh vật sống ở vùng biển quanh các đảo. Trong đó cá biển sống trong rạn san hô: 178 loài, 80 giống và 32 họ; Rong biển: 122 loài; Động vật phù du: 87 loài; San hô: 134 loài thuộc 40 giống; Thân mềm 144 loài; Giáp xác: 25 loài; Da gai: 21 loài; Giun: 21 loài. Đây thật sự là một kho nguyên liệu vô tận để các lớp cư dân địa phương cả trên đảo và trong đất liền tiếp cận, khai thác, sử dụng kể cả trao đổi, buôn bán.
Nhóm động vật trên cạn có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, 5 loài ếch nhái. Trong số này có hai loài đặc hữu được đưa vào Sách đỏ động vật Việt Nam là khỉ đuôi dài và chim yến. Chúng sinh sống chủ yếu trong các cánh rừng nhiều tầng tại các hòn đảo ở Cù Lao Chàm.
Nhóm thực vật ở Cù Lao Chàm cũng chia làm hai: Nhóm thực vật dưới biển và nhóm thực vật trên cạn. Nhóm thực vật dưới biển bao gồm các loại Rong tảo gồm 122 loại, Thực vật phù du 215 loài. Nhóm thực vật dưới biển này từ lâu cũng đã được cư dân bản địa khám phá, khai thác và sử dụng để làm phong phú bữa ăn hàng ngày. Thực tế này được một nhà du hành phương Tây ghi nhận tại Nam Hà, Đàng Trong vào cuối thế kỷ 18: “Họ dùng làm thức ăn, mọi chất keo có nguồn gốc động vật hoặc thực vật lấy được từ biển. Trên nguyên tắc đó, họ ăn mọi loại rong biển, tảo biển…”.
Về thực vật trên cạn, “Cù Lao Chàm là một trong số rất ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, khoảng 60% - 70%. Kiểu thảm chiếm diện tích lớn nhất là rừng thường xanh cây lá rộng nhiệt đới, phân bỏ chủ yếu ở độ cao từ 50m đến 500m. Đây là kiểu thảm rừng có nhiều cây gỗ quý như gõ biển, huỷnh, lim xẹt,…. Ngoài gỗ đây cũng là nơi có nhiều loài lâm sản phụ như song, mây, cây làm thuốc, làm vật liệu xây dựng… Thảm thực vật Cù Lao Chàm có nhiều nét đặc trưng. Ngoài kiểu rừng thường xanh như đã nêu ở trên, tại sườn phía Đông của đảo, nơi địa hình rất dốc, lớp đất phủ trên bề mặt hầu như không có, vẫn tồn tại một kiểu thảm thực vật cây bụi và trảng cỏ với những loài đặt trưng như Sến đất, Huyết giác và Cỏ cứng. Tại sườn Tây Bắc, đặc trưng nhất là thảm Phong lan với loài Huyết Nhung tía gần như thuần loại…
Hệ thực vật Cù Lao Chàm gồm 342 loài có ích tức là trên 60% tổng số loài có thể được sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Nhóm cây làm thuốc có sự tập trung nhiều nhất, có 116 loài (chiếm 22,8% số loài thống kê được). Trong nhóm làm cây thuốc, đáng chú ý có họ Hoàng Nan, cỏ Xước, Bách Lộ, Lạc Tiên, Mã Đề và một số loài trong họ Gừng.
Nhóm cây cảnh đáng chú ý nhất là Tuế và Huyết Nhung tía. Trên đảo Cù Lao Chàm, Tuế phân bố ở phía Đông Nam gần khu vực có đảo yến. Hòn Dài là một trong những đảo có số lượng cá thể Tuế phong phú nhất và cũng đa dạng nhất. Ngoài ra còn có cây Vông Nem, đường kính gần 2m, có bạnh lớn đặc trưng cho rừng nhiệt đới…”.
Về địa – sinh thái
Cùng với các giá trị về địa chất, địa mạo, đất đai, nguồn nước, hệ động thực vật, Cù Lao Chàm còn có vai trò quan trọng về địa - sinh thái, không chỉ với Hội An, Quảng Nam mà còn với cả vùng biển trong nước và khu vực biển Đông.
Về địa lý, có thể nói Cù Lao Chàm là chiếc cầu nối để Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung vươn ra biển Đông. Đồng thời Cù Lao Chàm cũng là một địa điểm cuối về phía biển trong tuyến quy hoạch các trung tâm kinh tế - chính trị - tín ngưỡng của người Chăm kết nối từ núi thiêng Hòn Đền đến khu đền tháp Mỹ Sơn - Kinh đô Trà Kiệu - Lâm ấp phố (nằm ở khu vực Hội An ngày nay) - Cửa biển Đại Chiêm (Cửa Đại) - Cù Lao Chàm và biển Đông. Trong các địa điểm này thì Cù Lao Chàm chính là tiền cảng để người Chăm vươn ra biển Đông mở rộng quan hệ giao thương với các nước Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á…
Dưới khía cạnh địa sinh thái, Cù Lao Chàm chính là bức bình phong ven biển Đông che chắn cho đất liền Hôi An trước những cơn gió bão vốn xảy ra thường xuyên ở đây. Tàu thuyền các nước cũng thường ghé vào Cù Lao Chàm để tránh gió bão. Một số trường hợp tàu thuyền các nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc… bị bão đã giạt vào Cù Lao Chàm và được cư dân nơi đây cứu giúp, đưa vào đất liền để về nước. Cùng với đó Cù Lao Chàm cũng là nơi tàu thuyền nước ngoài ghé lại để lấy nước ngọt, củi đốt, lương thực. Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “…Cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưỡng giữa biển, gọi là đảo Ngoạ Long cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm - bất - lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm, dân phường Tân Hợp ở phía Nam núi, ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền biển nước ta và nước ngoài thường trông núi này làm chừng đi về đều đỗ ở đấy để lấy củi, nước…”
Một đặc điểm khác về địa - sinh thái của Cù Lao Chàm và vùng biển Cù Lao Chàm nằm ở chỗ nơi đây chính vùng gặp gỡ của các dòng hải lưu vào mùa nóng và mùa lạnh trên biển Đông, nơi gặp gỡ giao nhau giữa biển và các dòng sông lớn của xứ Quảng như Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò. Ngoài việc thuận lợi về giao thông đường thuỷ, sự gặp gỡ này còn tạo điều kiện về nguồn thức ăn đa dạng, phong phú để hình thành môi trường sinh trưởng tốt cho các loại thuỷ hải sản. Thực tế này được một giáo sĩ phương Tây từng sống nhiều năm ở Hội An vào đầu thế kỷ 17 ghi nhận “… cá ở đây có hương vị tuyệt diệu và rất đặc biệt, tôi đã đi qua nhiều đại dương, đã đi nhiều nước, nhưng tôi cho rằng không nơi nào có thể so sánh được với xứ đàng Trong”.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội (2007), “Khái quát về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân vùng chức năng kinh tế - sinh thái - du lịch Cù Lao Chàm”, in trong Kỷ yếu Cù Lao Chàm – Vị thế tiềm năng và triển vọng, Công ty cổ phần in và dịch vụ Quảng Nam xuất bản, tr.15-17.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội (2007), “Khái quát về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân vùng chức năng kinh tế - sinh thái - du lịch Cù Lao Chàm”, sđd, tr.21.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội (2007), “Khái quát về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân vùng chức năng kinh tế - sinh thái - du lịch Cù Lao Chàm”, sđd, tr.27-31.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội (2007), “Khái quát về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân vùng chức năng kinh tế - sinh thái - du lịch Cù Lao Chàm”, sđd, tr.27-31.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội (2007), “Khái quát về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân vùng chức năng kinh tế - sinh thái - du lịch Cù Lao Chàm”, sđd, tr.27-31.
J. Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 – 1793; Nxb thế giới, 2011.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội (2007), “Khái quát về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân vùng chức năng kinh tế - sinh thái - du lịch Cù Lao Chàm”, sđd, tr.25-26.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hoá, 1997, tr.358-359.
Gristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.27-28.