Rắn là con vật quen thuộc với đời sống con người và cũng là con vật cầm tinh năm Tỵ trong 12 địa chi theo quan niệm Phương Đông, trong đó có Việt Nam. Ở Hội An, hình tượng con rắn cũng là con vật gắn liền với văn hóa và tín ngưỡng. Trong văn hóa - tín ngưỡng ở Hội An, hình ảnh con rắn xuất hiện trong nhiều tuồng tích, ca dao tục ngữ, trò chơi dân gian cũng như liên quan đến hoạt động thờ cúng, phong thủy…
Một góc Chùa Cầu nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
Từ xưa, trong các vở tuồng hát bội, cải lương người Hội An đã sử dụng nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích liên quan đến rắn dàn dựng kịch bản tuồng hát như Thạch sanh Lý thông (Thạch Sanh chém xà tinh); Thanh xà Bạch xà (rắn xanh rắn trắng)… Những vở tuồng này đã nhận được sự ái mộ của quần chúng, nhất là những người lớn tuổi.
Tuồng Thạch Sanh Lý Thông kể về hai vợ chồng ở quận Cao Bình vốn rất hiền lành, tuổi đã cao nhưng vẫn chưa có một mụn con. Ngọc Hoàng thấy họ tốt bụng liền sai Thái tử đầu thai xuống làm con. Cậu bé vừa sinh ra đã mồ côi cha, về sau mẹ cũng qua đời. Kể từ đó, cậu sống một mình dưới gốc đa. Gia tài chỉ có lưỡi búa của cha để lại. Người ta gọi cậu là Thạch Sanh. Một hôm, Lý Thông đi ngang qua thấy Thạch Sanh khỏe mạnh liền tới hỏi chuyện rồi gạ kết nghĩa huynh đệ. Sau đó, Thạch Sanh dọn về ở cùng mẹ con Lý Thông. Trong vùng có một con chằn tinh tác yêu tác quái. Nó bắt dân làng mỗi năm phải nộp cho nó một mạng người. Năm ấy đến lượt nhà Lý Thông, hắn liền lừa Thạch Sanh đi canh miếu thay. Vốn tốt bụng nên chàng đã giúp đỡ Lý Thông mà không hay biết mình bị lừa gạt. Đêm ấy, Thạch Sanh đánh nhau với con quái vật, rồi chặt đầu con quái vật đem về. Lý Thông lại lừa khiến Thạch Sanh trốn đi, còn mình đem đầu chằn tinh vào cung nhận thưởng.
Nhà vua có công chúa đến tuổi lấy chồng, cho mở hội kén rể. Trong buổi hội, công chúa bị một con đại bàng khổng lồ quặp đi. Thạch Sanh dùng cung tên bắn nó rồi lần theo vết máu biết được hang của đại bàng. Lý Thông được nhà vua cử đi tìm công chúa, tình cờ gặp Thạch Sanh. Biết chuyện, Thạch Sanh xin được đi cùng. Đến hang, Thạch Sanh xin xuống hang cứu công chúa. Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng, dùng cung tên bắn mù mắt nó, vung búa bổ đôi đầu con vật. Chàng cứu được công chúa. Nhưng lại bị Lý Thông bỏ lại hang đại bàng. Ở đây, chàng cứu được hoàng tử, con trai vua Thủy Tề và mời xuống thủy cung chơi, tiếp đãi chu đáo. Sau khi trở về, chàng bị oan hồn chằn tinh và đại bàng hãm hại, bị bắt vào ngục tối. Công chúa sau khi được cứu trở về liền không nói, không cười. Khi nghe tiếng đàn của Thạch Sanh, công chúa bỗng cười nói vui vẻ. Vua thấy lạ bèn cho gọi Thạch Sanh vào gặp. Chàng liền đem hết nỗi oan kể cho vua nghe. Bấy giờ mọi người liền hiểu ra, Thạch Sanh được vua gả công chúa cho, còn Lý Thông thì bị trừng trị thích đáng. Thấy lễ cưới tưng bừng, quân sĩ mười tám nước chư hầu kéo quân sang. Thạch Sanh đem đàn ra gảy, tiếng đàn của chàng vừa cất lên đã khiến quân sĩ mười tám nước bủn rủn chân tay xin hàng. Chàng sai nấu cơm thiết đãi, quân sĩ thấy niêu cơm bé xíu liền khinh thường. Quân sĩ ăn mãi không hết niêu cơm bé xíu liền cảm ơn rồi kéo nhau về nước. Về sau, vua không có con trai nên đã nhường ngôi cho Thạch Sanh.
Tuồng Thanh xà Bạch xà kể rằng, ở tận sâu thẳm trong một khu rừng nguyên sinh nọ, có rất nhiều yêu tinh và quái vật sinh sống, trong đó có một con rắn xanh (Thanh xà) và một con rắn trắng (Bạch xà) đã tu luyện hàng ngàn năm. Mặc dù là loài yêu quái nhưng Thanh xà và Bạch xà không hề làm điều ác hay hại người. Một ngày nọ, chàng thư sinh trẻ Hứa Tiên vào rừng hái thuốc và bất cẩn ngã xuống hồ. Bằng sức mạnh ngàn năm tu luyện của mình, Bạch xà đã hóa thân thành một cô gái xinh đẹp và bay đến cứu Hứa Tiên. Ngay lần gặp đầu tiên, Bạch xà đã đem lòng yêu Hứa Tiên. Cùng với sự giúp đỡ của Thanh xà, Bạch xà đã mạo hiểm bước vào thế giới của loài người và kết hôn cùng chàng thư sinh họ Hứa. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì trong làng của Hứa Tiên xảy ra một căn bệnh lạ. Là một lương y tốt bụng, Hứa Tiên rất lo lắng vì không biết làm sao để cứu chữa cho dân làng. Để giúp phu quân, Bạch xà đã sử dụng sức mạnh của mình để bào chế thuốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chân khí của Bạch xà bị tổn hại nghiêm trọng. Lúc bấy giờ, có một vị pháp sư nổi tiếng trừ yêu diệt ma của Lôi Phong tự là Pháp Hải đi ngang qua làng của Hứa Tiên. Nhận thấy trong “thần dược” chữa bệnh của Hứa Tiên ẩn chứa yêu khí, Pháp Hải quyết định ở lại làng để thu phục yêu quái. Trong ngày hội thuyền rồng, với phong tục uống rượu trừ tà, Hứa Tiên đã vô tình cho Bạch xà uống rượu và khiến nàng phải hiện nguyên hình. Cùng lúc đó, Pháp Hải xuất hiện. Trong lúc còn đang hoang mang, Hứa Tiên đã vô tình sử dụng kiếm trừ tà của Pháp Hải và làm Bạch xà bị thương, phải chạy trốn. Hối hận vì việc đã gây ra cho Bạch xà, Hứa Tiên đã liều mạng mình tìm thuốc cứu chữa cho vợ trong rừng sâu và bị tà ma nhập thể. Để cứu Hứa Tiên, Pháp Hải đã nhốt Hứa Tiên trong Lôi Phong tự. Sau khi uống thuốc, Bạch xà đã lấy lại được công lực và tức tốc đến Lôi Phong tự để cứu Hứa Tiên. Sau nhiều lần kìm nén phẫn nộ vì không thể vào trong Lôi Phong tự, Bạch xà đã nổi giận và hô mưa gọi gió tạo thành một trận lụt khủng khiếp cướp đi nhiều sinh mạng…
Trong hoạt động tín ngưỡng của người Hội An, hình tượng rắn cũng được dân gian thờ cúng với tên gọi là ông Lốt. Tuy nhiên, việc thờ ông Lốt của người Hội An không rõ nét như ở các địa phương thuộc vùng Thừa Thiên Huế là ông Lốt cũng chính là Xà thần trong Thanh Xà Bạch xà, được thờ cùng với Ngũ Hổ ở dưới gầm ban Công Đồng. Ở Hội An thì ông Lốt chủ yếu xuất hiện ở văn tế của một số địa phương.
Chùa Cầu Hội An, nơi thần vị thần Huyền Thiên Bắc Đế, vị thần được xem là chủ của phương Bắc, quản việc trị thủy trừ tai. Việc thờ cúng Bắc Đế Trấn Vũ cũng liên quan đến hình tượng rắn đó là Xà tướng trong Quy Xà nhị tướng, là bộ thần của thần Bắc Đế Trấn Vũ. Tượng Bắc Đế Trấn Vũ được thờ ở Chùa Cầu là hình tướng một vị nam thần tướng mạo quắc thước, mình mang giáp trụ, tay chống kiếm thất tinh, châm đạp con rùa và con rắn, đó chính là Quy Xà nhị tướng lạ bộ tướng của Bắc Đế Huyền Thiên.
Trong Tứ du ký phần Bắc du Chơn võ, mục Thâu nhị quái Chơn Võ diễn oai có chép rằng Chơn võ Bắc đế (Bắc Đế Trấn Vũ, Huyền Thiên Bắc Đế…) vốn là Huyền Nguyên thái tử con trai của Tịnh Lạc quốc vương, Thiện Thắng hoàng hậu; Ngài vào núi Võ Đương tu luyện tu hành thành chánh quả. Diệu Lạc thiên tôn ở trên mây nhìn xuống, thấy Thái tử đã thành tiên, song ngũ tạng chưa được tinh sạch vì còn ăn trái cây uống nước suối. Nên Diệu Lạc thiên tôn niệm chú hóa phép làm cho Thái tử ngủ mê, sai bảo thần tướng vén áo Thái tử, mổ bụng lấy ruột và bao tử ra, đem xa xa bỏ dưới hang đá, lấy đá lấp đậy lại. Rồi đưa một cái áo tiên, hóa ra bao tử mà thế vào. Lại lấy một sợi dây đai, hóa ra ruột mà may lại, rồi hàn lành lặn như xưa. Diệu Lạc thiên tôn lấy một viên thuốc kim đơn cho vào miệng Thái tử, rồi truyền thần tướng lui về. Sau này ruột ấy hóa ra con rắn, bao tử hóa ra con rùa tức là Quy, Xà, hai con yêu quái ở tại động Thủy Hỏa và đều thành tinh đi phá thiên hạ, bắt cóc nữ nhi là Lâm Kim Cúc, con gái quan Thái thú Tào Châu là Lâm Bửu và Triệu Hoàng Nương, con gái của Triệu Mô; rồi còn đánh phá Thành hoàng và các vị Thổ địa, Sơn thần. Ngọc Hoàng thượng đế lệnh cho Chơn Võ tổ sư hạ phàm thu phục nhị quái Quy Xà. Hai yêu quái hiện nguyên hình là mãng xà một sừng vảy vàng hực, với con linh quy ba con mắt ba đuôi, trên lưng có bát quái. Tổ sư lấy hai hạt hỏa đơn bảo hai con quái nuốt, rồi nói rằng: “Hai ngươi đã nuốt hỏa đơn vào bụng, nếu ngày sau mong lòng làm phản, thì lửa trong bụng cháy ra”. Sau khi thu phục Quy Xà nhị quái thành công Ngọc đế phong Tổ sư làm Ngọc Hư sư tướng Bắc Phiên Huyền Thiên Thượng Đế, cho cai trị ba mươi sáu vị thiên tướng. Mỗi năm ngày mùng chín tháng chín, và hai mươi lăm tháng chạp, đi giáng hạ xem xét kẻ nhân gian dữ lành. Ngọc đế phong cho Quy Xà làm Thủy Hỏa nhị tướng, theo phò Tổ sư Bắc Đế Huyền Thiên.
Trong quan niệm về phong thủy của người Hội An, rắn cũng được đề cập thông qua hình tượng Huyền vũ trong Tứ tượng: Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ. Theo thiên văn học, Nhị thập bát tú là 28 chòm sao có tên gọi liên quan đến Tứ tượng như 7 sao Thanh Long ở phương Đông, 7 sao Bạch Hổ ở phương Tây, 7 sao Chu Tước ở phía Nam và 7 sao Huyền Vũ ở phương Bắc. Trong đó, Huyền Vũ là một cung gồm 7 chòm sao phương Bắc gồm Ngưu Kim Ngưu (sao Ngưu): con trâu hoặc con bò; Đẩu Mộc Giải (sao Đẩu): giải trãi hoặc con cua; Nguy Nguyệt Yến (sao Nguy): chim én; Thất Hỏa Trư (sao Thất): con lợn; Nữ Thổ Bức (sao Nữ): con dơi; Hư Nhật Thử (sao Hư): con chuột; Bích Thủy Du (sao Bích): cừu dư. Huyền Vũ được cho là sự kết hợp giữa hình ảnh rắn quấn quanh con rùa có màu đen là màu của hành Thủy ở phương Bắc, tương ứng với mùa đông và còn là vị thần linh quan trọng của Đạo giáo.
Ngoài ra, trong văn hóa - tín ngưỡng của người Hội An còn có truyền thuyết về con Cù gắn liền với truyền thuyết Cù dậy hay truyền thuyết việc xây dựng Chùa Cầu - Lai Viễn kiều là công trình kiến trúc, công trình tín ngưỡng tiêu biểu trong quần thể kiến trúc của khu Di sản văn hóa thế giới Hội An.