Vai trò, giá trị của của các thủy hệ cổ ở Cù Lao Chàm - Hội An

Thứ hai - 21/04/2025 05:17
Kết quả của các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là kết quả khai quật khảo cổ học tại di chỉ Bãi Ông khẳng định cách đây hơn 3.000 năm đã có con người cư trú tại Cù Lao Chàm. Diễn trình lịch sử diễn ra trên đảo Cù Lao Chàm từ đó đến nay có sự kế tục của các thế hệ cư dân, thông qua quá trình sinh sống, lao động sản xuất đã để lại kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, thể hiện sự thích ứng của con người nơi đây với môi trường sống đặc thù của vùng biển đảo.
he thuy co cu lao cham
Khe Cây Thị theo hệ thống mương chính về Đồng Chùa, năm 2014 - Ảnh: Hồng Việt
 
     Trong số các giá trị di sản ở Cù Lao Chàm, có một loại hình khá đặc trưng riêng có so với các địa phương ở Hội An, đó là những thủy hệ cổ. Dựa vào dòng nước ngọt tự nhiên từ khe suối, con người nơi đây đã tạo nên các thủy hệ độc đáo để đảm bảo 2 nhu cầu thiết yếu duy trì cuộc sống con người là nước và lương thực. Đây là kết quả của quá trình lao động sản xuất đầy sáng tạo có tính lịch sử kế thừa từ nhiều thế hệ cư dân, chứa đựng những trầm tích văn hóa gắn với đời sống cư dân trên đảo, hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích, góp phần làm giàu thêm giá trị về môi trường, cảnh quan vùng biển đảo ở Cù Lao Chàm - Vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

     Thủy hệ cổ ở Cù Lao Chàm là một phần quan trọng đối với hệ sinh thái của vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Men theo nguồn nước của các khe/suối là nơi sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật tự nhiên, cùng nhiều loại cây ăn trái lâu năm đã được người dân trồng; đặc biệt là cây xoài, hiện ở suối ông Son, rẫy ông Bàng, khe Giâm, rẫy ông Cống... có nhiều cây xoài cổ thụ, một số cây có chu vi gốc khoảng 2 người ôm.

     Cảnh quan ở các khu vực sản xuất nông nghiệp cũng góp phần tạo sự phong phú, đa dạng về cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học cho Cù Lao Chàm; đặc biệt nhất là khu vực cánh đồng Chùa, rẫy ông Thơ, rẫy ông Bàng hiện nay.

 
dong chua
Đồng Chùa năm 2012 - Ảnh: Hồng Việt
 
     Tại các thủy hệ cổ đã ghi nhận/phát hiện những di vật có yếu tố Chăm, di vật thuộc thế kỷ XVIII - XIX; cùng với đó, các dấu tích còn lại cho đến hiện nay là các bờ kè đá ở một số thủy hệ cổ là nguồn tài liệu thực địa có giá trị để khẳng định lịch sử cư trú, khai phá lâu dài của cư dân ở Cù Lao Chàm (ngoài di tích khảo cổ học Bãi Ông xác nhận cách ngày nay hơn 3.000 năm đã có con người cư trú) và tiếp tục nghiên cứu về lịch sử Cù Lao Chàm nói riêng, về dấu ấn văn hóa Champa ở Hội An nói chung.

     Bên cạnh lợi thế về tài nguyên rừng và biển dẫn đến xuất hiện các ngành nghề liên quan, thì với môi trường của các thủy hệ cổ cũng đã tạo nên một nền sản xuất nông nghiệp khá sớm và phổ biến ở Cù Lao Chàm. Cùng với đó, những tri thức, kinh nghiệm liên quan cũng đã được hình thành, trao truyền trong đời sống văn hóa cư dân Cù Lao Chàm qua nhiều thế hệ, thể hiện sự thích ứng, hòa hợp của con người với điều kiện tự nhiên nơi đây.

     Địa danh dân gian liên quan đến thủy hệ cổ ở Cù Lao Chàm cũng khá phong phú, đa dạng thông qua tên gọi của nhiều thủy hệ cổ (tên khe/suối, tên ruộng, tên rẫy); một số địa danh mang đặc trưng phương ngữ ở Cù Lao Chàm. Ca dao, tục ngữ, chuyện kể, tín ngưỡng... dù không thực sự phong phú nhưng cũng góp phần làm giàu giá trị văn hóa bản địa của địa phương.
Các thủy hệ cổ đã khẳng định vai trò quan trọng trong suốt thời gian dài đối với đời sống kinh tế, xã hội của cư dân trên đảo, đảm bảo tại chỗ 2 nhu cầu thiết yếu của người dân là lương thực và nước uống trong điều kiện khó tiếp cận với đất liền.

     Việc hình thành và duy trì canh tác lúa, làm rẫy giúp cho nông nghiệp từng giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.

     Các thủy hệ cổ tạo khoảng không gian sống rộng mở, giữ gìn môi trường tự nhiên trong lành đối với cuộc sống người dân.

     Một số thủy hệ cổ có cảnh quan sinh thái và văn hóa đẹp; nhiều hệ đá xếp vẫn còn khá tốt, như: Đồng Chùa, khu ruộng bậc thang trên khe cây Thị (mương chính), rẫy ông Pha ở khe ông Son, rẫy ông Thơ, rẫy ông Bàng, rẫy ông Dũng ở khe Giâm;… trong đó một số khu rẫy nay vẫn còn canh tác tạo thêm nguồn thu nhập cho đời sống kinh tế của một số hộ dân. Đặc biệt tại rẫy ông Bàng, ngoài khai thác nguồn lợi cây trồng từ rẫy, những năm qua, đã có sự chuyển hướng khai thác lợi thế của khu rẫy thành điểm tham quan du lịch kết hợp mở dịch vụ giải khát ngay tại khu rẫy, vừa tạo thêm thương hiệu du lịch cho Cù Lao Chàm, vừa phát triển kinh tế gia đình. Tại rẫy ông Thơ, chính quyền địa phương đã định hướng khai thác ưu thế về cảnh quan để hình thành điểm du lịch trong tương lai.

     Qua khảo sát bước đầu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An hiện nay nhiều thuỷ hệ cổ đã bị biến đổi theo hướng tiêu cực (sạt lở...) sẽ gây hậu quả rất lớn đến nhiều mặt đối với Cù Lao Chàm, như về môi trường sống của các loài động, thực vật; về biến đổi địa hình, cảnh quan; về bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước; ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng; đời sống kinh tế, sinh hoạt, an toàn của nhân dân...

     Do vậy, việc đề ra giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị các thủy hệ cổ trong điều kiện hiện nay là cần thiết nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; góp phần bảo tồn giá trị vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với những định hướng phát triển tại Cù Lao Chàm, của thành phố, của xu hướng du lịch hiện nay.

Tác giả: Văn Quý – Hoàng Phúc – Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây