Phố cổ Hội An - Ảnh: Quang Ngọc
Vào thời kỳ Lâm Ấp - Champa, Hội An đã là một thương cảng có thuyền buôn nước ngoài đến thường xuyên và đã có một số tác phẩm mô tả, giới thiệu nhiều thông tin quý giá về Hội An trong Tấn thư, Đường thư, một số thư tịch cổ Ả Rập. Đặc biệt lúc Hội An là thương cảng quốc tế phát triển cực thịnh vào thời kỳ các chúa Nguyễn, rồi đến thời kỳ Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn đã có nhiều tác phẩm trong nước và nước ngoài ghi chép về Hội An như Xứ Đàng Trong năm 1621, Hải ngoại kỷ sự, Hành trình và truyền giáo, Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục... Bên cạnh đó, một số tư liệu Hán Nôm liên quan đến Hội An như châu bản triều Nguyễn, địa bạ, tư liệu về các dòng họ, văn bia,… và các tư liệu tiếng Việt, tiếng Pháp lưu trữ tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia đã ghi chép nhiều thông tin quý về Hội An. Tất cả các tư liệu này là nguồn sử liệu độc đáo, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung vào thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 20. Trong nội dung bài viết này, xin giới thiệu một số thông tin, sự kiện liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An vào năm Tỵ được ghi chép trong trong các nguồn tư liệu, tài liệu sưu tầm được.

Văn bản của Công sứ Hội An về việc xin phép xây dựng một nhà lao tại Hội An. Nguồn: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
Đinh Tỵ - năm 1617
William Adams - người Anh đã nhận Shuinjo (giấy phép thông hành có dấu triện đỏ) từ Hirado sang buôn bán ở Hội An. Trong chuyến hành trình này ông đã viết và để lại nhật ký hàng hải của mình. Trong nhật ký ông cho biết ngày 17/4 đã đến Cù Lao Chàm. Đến ngày 20/4, ông đi vào Faifo. Ngày 27/4, ông đi thăm khu vực của những người Nhật Bản cư trú và sinh sống tại Faifo[1].
Tân Tỵ - năm 1641
Về các mặt hàng buôn bán, xuất cảng tại Hội An, Đàng Trong theo bảng kê khai hàng hóa của một chiếc thuyền đi từ Đàng Trong tới Nhật Bản năm 1641 như sau: “Sa tanh, đường phổi, da cá mập, tơ sống Quảng Nam, dừa, da đanh, hồ tiêu, hạt nhục đậu khấu, sừng trâu, sáp ong, long não, gỗ trầm hương, sừng tê, thủy ngân, quang dầu Cao Mên, gấm thêu kim tuyến, nhung, thiếc...”[2]. Có thể thấy, sản vật và hàng hoá tại Đàng Trong rất phong phú và đa dạng, được thương nhân các nước ưa chuộng và đem về nước, trong đó có thương nhân Nhật Bản.
Quý Tỵ - năm 1833
Trong Hải trình chí lược do Phan Huy Chú biên soạn và được xuất bản vào năm 1833, trong đó có những ghi chép về Cù Lao Chàm (Hội An) như sau: “Đảo Đại Chiêm ở Quảng Nam là một ngọn núi tiêu chí thứ nhất của hải trình tục gọi là Cù Lao Chàm. Đảo này cách Cửa Đại hơn một canh đi bằng thuyền. Trên đảo có phường Tân Hiệp, dân cư khá trù mật. Trên núi có nhiều yến sào. Triều trước đặt ra đội Hoàng Sa để lấy tổ yến…”[3].
Đinh Tỵ - năm 1857
Vào tháng 12, chiếc thuyền buôn của người Tây dương bị bão giạt vào phần cửa biển Đại Áp, tỉnh Quảng Nam. Trên thuyền có 8 người nước Thanh xin ở lại phố Hội An, đợi thuyền của người Thanh đến thì đáp nhờ. Còn 8 người Tây dương thì xin đi Gia Định đáp thuyền của người nước Thanh về Hạ Châu (Singapore). Vua dụ cho sai cấp tiền lộ phí hàng ngày, các tỉnh luân chuyển nhau đưa đi và cấp cho áo quần. Miễn thuế lệ và cấp đỡ cho thuyền buôn người nước Thanh bị nạn bão[4].
Quý Tỵ - năm 1893
Theo tư liệu lưu trữ cho biết, ngày 25/7/1893, Công sứ Faifo đã có Công văn số 583 đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho phép xây dựng một nhà tù ở Hội An[5]. Đến năm 1914, Công sứ Hội An lại có công văn về việc xin xây dựng cổng nhà lao Hội An. Năm 1915, Toàn quyền Đông Dương có Nghị định về việc cấp tiền để sửa chữa mái nhà lao Hội An[6].
Ất Tỵ - năm 1905
Ngày 9/10/1905, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An chính thức được mở ra cho người dân sử dụng, gọi là Tramway de l’Ilot de l’Observatoire à Faifoo.
Trên tuyến đường này, người Pháp đã cho đặt 5 chặng đỗ và mỗi ngày có 3 chuyến vận chuyển. Tuy nhiên, do tình trạng bị gió cát vùi lấp khiến hoạt động của tuyến đường này ngày một khó khăn và ít hiệu quả. Đặc biệt, do ảnh hưởng cơn bão năm Thìn (1916) thì tuyến đường này hoàn toàn bị tê liệt, dẫn đến ngưng hoạt động. Trước tình trạng đó, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra nghị định cho phép phát mãi các thiết bị còn lại của tuyến đường sắt này vào năm 1917[7]. Như vậy, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An chỉ duy trì trong vòng 11 năm (1905 - 1916) thì chấm dứt hoạt động.
Đinh Tỵ - năm 1917
Vào ngày 3/2, Khâm sứ Trung Kỳ ra Quyết định cho phép thi công công trình xây dựng bờ kè ở Faifo. Tổng chi phí thi công 1.500$00, được tính vào chi ngân sách địa phương.
Cũng trong năm này, Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định trợ cấp thiệt hại là 42$00, được trao cho chủ sở hữu của 19 căn nhà tranh ở trung tâm Faifo bị phá hủy để phòng dịch bệnh[8].
Kỷ Tỵ - năm 1929
Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Hội An có sự phát triển và lớn mạnh về hội viên và cơ sở. Địa bàn hoạt động không chỉ bó hẹp ở Hội An mà còn vươn tới các huyện khác như Điện Bàn, Duy Xuyên. Trước tình hình đó, tháng 3/1929, Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội quyết định thành lập Tỉnh bộ lâm thời Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Quảng Nam tại Hội An do đồng chí Trần Văn Tăng làm Bí thư, đồng chí Phan Văn Định và Nguyễn Thái làm ủy viên[9].
Tân Tỵ - năm 1941
Chùa Kim Bửu là một trong những ngôi chùa làng có quy mô bề thế, có lối kiến trúc cổ xưa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Kim Bồng xưa, xã Cẩm Kim ngày nay. Chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII, do dân làng xây dựng nên và có tên là Bửu Kim tự[10]. Vào năm 1941, dân làng hiến cúng ngôi chùa cho Hòa thượng Phổ Thoại - Trụ trì chùa Long Tuyền. Hòa thượng đã đứng ra đại trùng tu ngôi chùa và đổi tên thành “Kim Bửu tự”, sau đó chùa được vua Bảo Đại ban sắc tứ vào năm 1943.
Trong năm này, vào tháng 10, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại và đóng cơ quan tại Quảng Nam. Đồng chí Trương Hoàn, Xứ ủy viên được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Được sự nhất trí của Xứ ủy, cuối năm 1941, đồng chí Trương Hoàn triệu tập cuộc họp tại nhà của đồng chí Hoàng Kim Ảnh ở ấp Ngọc Thành, Kim Bồng. Cuộc họp đã quyết định thành lập Thành ủy lâm thời Hội An gồm các đồng chí Hoàng Kim Ảnh, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Duy Đề do đồng chí Hoàng Kim Ảnh làm Bí thư. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu thời kỳ Đảng bộ Hội An hình thành, tổ chức Đảng được khôi phục[12].
The log-book of William Adams, 1614-19 with the journal of Edward Saris, and other documents relating to Japan, Cochin China, The Transactions of the Japan Society of London. Vol.XIII. London: The Eastern presss, tr.230-232, dẫn theo Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An (2024), Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam, Sđd, tr.175.
Daghregister des Comptoirs Nangasaque, bản dịch tiếng Nhật của Murakami Masajiro, Iwanami Shoto, Tokyo, 1938, quyển 1, tr.32-34, dẫn theo Li Tana, Xứ Đàng Trong - Lịch sử, kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr.133.
Phan Huy Chú (2021), Hải trình chí lược, Phan Huy Lê, Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, Nxb. Hà Nội, tr.44.
Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.538-541.
Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ, số hồ sơ: 2824. Bản sao lưu tại Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, phông Công báo, số hồ sơ: J.1283, J.1284. Bản sao lưu tại Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
Nhóm nghiên cứu Viện Sử học,… (2001), Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, tr.77.
Tư liệu Trung tâm lưu trữ Quốc gia I – Hà Nội. Bản sao lưu tại Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
Thị ủy Hội An (1989), Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An, Nxb Đà nẵng, tr.41-42.
Theo tập tư liệu “Long Thơ Tịnh Độ” khắc in năm 1746, hiện do đại đức Thích Như Tịnh lưu giữ.
Theo Bản khai về thân thế và sự nghiệp của Hòa thượng Phổ Thoại (đại đức Thích Như Tịnh sưu tầm) và hoành phi hiện lưu giữ tại chùa Kim Bửu.
Thị ủy Hội An (1989), Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An, Sđd, tr.83-84.