Lịch sử - văn hóa Hội An là một quá trình diễn tiến gắn với biển - đảo, với vùng cửa sông, ven biển. Hay nói cách khác biển - địa sinh thái biển đã chi phối, quyết định đời sống kinh tế - văn hóa của con người vùng đất nơi đây. Bởi vốn là một vùng đất có nhiều ưu thế vượt trội về vị thế - vị trí địa lý, địa lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị ở Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á và cả vùng châu Á. Do Hội An nằm ở trung điểm trong hệ thống bờ biển miền Trung - Việt Nam, trên tuyến đường hàng hải trong nước và cả thế giới Đông - Tây.
Một góc phố cổ Hội An - Ảnh: Quang Ngọc
Cửa Đại - Hội An, ra cách xa bờ khoảng 15km có cụm đảo Cù Lao Chàm và ngoài xa cụm đảo này là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Theo quan điểm Khu vực học, Hội An nằm ở trung điểm của một trong những tuyến chính của hệ thống giao thương châu Á (tuyến giao thương duyên hải Đông Á hay còn gọi là Tây dương châm lộ). Đồng thời, từ Hội An có thể dễ dàng tiếp xúc và kết nối với tuyến giao thương đại dương (còn gọi là Đông dương châm lộ). Gồm các tuyến giao thương chính: Tuyến giao thương vùng duyên hải kết nối cảng biển, cửa sông; Tuyến giao thương đại dương kết nối quốc tế Đông - Tây; Tuyến giao thương lục địa kết nối với cả Đông Nam Á bán đảo. Ở đây bao gồm cả tuyến di cư; truyền bá văn hóa/văn minh Hoa - Ấn; giao thương - mậu dịch. Hội An, là tâm điểm ở miền Trung và miền Trung là vùng lãnh thổ duy nhất ở Việt Nam có những con đường ngắn nhất nối liền các đường hàng hải quốc tế ở biển Đông với những tuyến giao thông đường bộ và thủy trong Đông Nam Á lục địa. Cùng với các tuyến giao thương trên biển này mà hình thành những “con đường tơ lụa”, “con đường hương liệu”, “con đường gốm - sứ”, “con đường lúa gạo”, “con đường muối” trên biển,… mà Hội An cũng là một trung điểm, luôn đóng vai trò quan trọng trên các con đường thương mại đó giữa phương Đông và phương Tây. Với ý nghĩa đó, Hội An không chỉ là một Trung tâm kinh tế vùng mà còn trở thành Trung tâm kinh tế liên vùng và ở một mức độ nào đó còn thể hiện như một Trung tâm liên thế giới. Với vị thế địa lý này, Hội An đã được biết đến trong các di tích khảo cổ học thời kỳ Tiền - Sơ sử ở miền Trung, Việt Nam, với nền văn hóa Sa Huỳnh - muộn “điển hình”; vùng đất trọng yếu về ngoại thương trong suốt thời kỳ nhà nước Lâm Ấp, Hoàn Vương, Vương quốc Champa. Đặc biệt vùng đất này khá nổi tiếng, được mô tả, ghi chép, đánh dấu trên các thư tịch, họa đồ, bản đồ hàng hải xưa ở trong nước và quốc tế với các tên gọi: Faifo, Haifo, Faicfo, Haiso, Faiso, Faifoo…; hoặc gắn với Đại Chiêm Hải khẩu - Cửa Đại Chiêm - Cửa Đại…; Lâm Ấp phố (phố của người Lâm Ấp - Champa); hay Cù Lao Chàm với các tên gọi: Pullu Ciam pello, Sanf - FuLaw, Cham-pu-lau, Chiêm Bất Lao… Nhìn chung, vùng đất nơi đây luôn đóng vai trò là một Đô thị thương cảng thuyền buồm - trung tâm thương mại quốc tế nổi tiếng trong các thời kỳ lịch sử Cổ - Trung - Cận đại, từ thời vương quốc Champa đến thời kỳ Đại Việt, Đại Nam ở khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói, dựa vào vị thế địa lý - địa lịch sử, văn hóa, các lớp cư dân bản địa nơi đây đã biết hướng biển, dựa vào biển, mở ra nhiều phương thức mưu sinh đa dạng, đủ khả năng tạo ra nhiều nguồn lực, trở thành trung tâm của các lộ trình mậu dịch quốc tế, khai thác xuất nhập khẩu tài nguyên khoáng sản, nông lâm thổ - thủy/hải sản và nhập khẩu hàng hóa. Nơi đây, mạng lưới trao đổi từ vùng cao xuống thấp và ngược lại; những bến, cảng thị cửa sông ven biển như cầu nối Bắc - Nam, giữa lục địa và hải đảo; đồng thời, tạo thành những dòng chuyển tải con người, hàng hóa, tư tưởng,... từ biển lên nguồn, từ nguồn xuống biển, một mạng lưới trao đổi dọc, ngang nhộn nhịp, sôi nổi gần suốt 2.000 năm. Từ lúc sơ khai - tiền cảng thị (thuộc cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh) vào thế kỷ I - II trước công nguyên, rồi tăng trưởng mạnh mẽ, sôi động hơn 10 thế kỷ sau công nguyên (thời kỳ vương quốc Champa. Và cực thịnh trong suốt hơn 3 thế kỷ (XVI, XVII, XVIII) với cảng thị quốc tế Faifo - Hội An. Hơn nữa, thông qua giao thương kinh tế - thương mại quốc tế dẫn đến hội nhập dân cư, hội nhập - tiếp biến văn hóa mạnh mẽ. Đặc biệt Hội An là nơi/nôi tiếp nhận, phát triển của dòng Phật giáo Lâm Tế Chúc Thánh, một trong cái nôi của Thiên Chúa giáo và hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.
Ngoài ra, các lớp cư dân trên vùng đất Hội An, không chỉ có hoạt động nội, ngoại thương - thương mại - buôn bán thông qua đường biển với tư cách là một đô thị thương cảng thuyền buồm nổi tiếng ở Đông Nam Á, mà còn tham gia vào hoạt động vận tải biển bằng ghe bầu với nghề buôn ghe bầu từ Hội An đến nhiều địa phương trong nước, cùng một số nơi trong khu vực Đông Nam Á. Mặt khác về phương diện các hoạt động kinh tế khác và đời sống tinh thần, tôn giáo - tín ngưỡng ở đây cũng đậm chất yếu tố biển từ trong lịch sử cho đến ngày nay. Những biểu hiện của những nhân tố này (yếu tố biển), ngày nay đã là phần di sản văn hóa phi vật thể độc đáo đang được các lớp thế hệ dân cư Hội An nâng niu, trân trọng bảo tồn và phát huy.
Về hoạt động kinh tế, với kinh nghiệm khai thác, đánh bắt hải sản rất đa dạng, sáng tạo, thích ứng với từng mùa vụ/thời tiết, từng địa điểm trên biển (ngoài khơi xa, gần,ven bờ biển khác nhau) và từng loại cá,… với rất nhiều nghề/cách thức khác nhau như: nghề lưới quát, lưới xâm/xăm, lưới trích, lưới bén, lưới ruốc, lưới kéo, lưới vây, lưới rê...; nghề mành chà, mành mòi, mành chuồn; nghề câu (câu chạy, câu tay, câu bủa, câu mực)... Ngoài ra còn một số nghề khai thác đặc biệt khác như: khai thác yến sào (tổ con chim yến) ở hang đá thuộc các hòn đảo trên cụm đảo Cù Lao Chàm, hay khai thác/mò ngọc trai… Và phương tiện đi lại trên biển để đánh bắt có các loại ghe mè/ghe nan: dưới đan tre, trên gỗ; Ghe săng: toàn bộ bằng gỗ; Ghe bơi: toàn bằng tre; và mủng chai. Sản phẩm của các hoạt động này ngoài đáp ứng nhu cầu của địa phương còn có nhiều sản phẩm tham gia vào thị trường thương mại - xuất khẩu như: hải sâm, đồi mồi, bào ngư, vây cá, da cá mập, ốc hương, tôm khô, tổ yến (yến sào),… và cùng với một số sản phẩm chế biến/sơ chế bán đi thị trường ở địa phương, trong nước như: các loại mắm, cá muối, hấp, kho, cá khô… Các ngư dân hoạt động kinh tế trên lĩnh vực này hình thành một số làng/vạn ngư nghiệp hay còn gọi là làng/vạn chài khá đặc trưng trong khối cộng đồng cư dân ở Hội An.
Biển, đảo không chỉ tác động sâu sắc đến đời sống vật chất mà còn chi phối mạnh mẽ và để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống tinh thần của cả cộng đồng cư dân ven biển - Hội An. Sự chi phối, dấu ấn biển/đảo này thể hiện rất rõ trong đời sống, sinh hoạt tín ngưỡng và trong tâm thức sùng bái, kiêng kỵ các hiện tượng siêu nhiên liên quan đến biển/đảo Hội An. Như tín ngưỡng thờ các vị thần biển/liên quan đến biển. Những vị thần này là nhiên thần (như Vũ sư - thần mưa, Lôi thần - thần sấm, Phong bá - thần gió, Điển mẫu - thần chớp); Các vị thần liên quan đến cửa biển, gành rạn, một số loài động vật biển, đứng đầu là cá voi/cá Ông hay các loại rái biển như Đông Nam Sát hải nhị đại tướng quân; là nhân thần như Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương (tên gọi dân gian là bà Đại Càn, một nữ thần); Thủy Long thần nữ (Bà Thủy Long); Tứ Dương hầu; Phi Vận tướng quân; Thiên Hậu Thánh Mẫu (một vị thần được cộng đồng người Hoa, chuyên đi lại buôn bán trên đường biển ở Hội An rất tôn thờ)… Đặc biệt, cho đến nay, tri thức dân gian liên quan đến biển về khí hậu, thời tiết, hiện tượng tự nhiên (sóng, gió, nắng, mưa, bão tố…); về ẩm thực; và văn hóa - văn nghệ dân gian,… được lưu giữ, bảo tồn khá tốt trong đời sống của các lớp thế hệ cộng đồng dân cư Hội An. Có thể nói, Hội An là trường hợp điển hình về một cộng đồng cư dân biển, hướng biển, có lịch sử hình thành và phát triển nhờ/dựa vào biển từ thời Cổ - Trung - Cận đại.
Quả thực, “biển đã nuôi dưỡng, tôi rèn bản lĩnh và sức sáng tạo của các nền văn hóa. Do vậy, các quốc gia ven biển đều chịu ơn thần biển, biển không chỉ là môi trường sống, môi trường khai thác mà còn là không gian trao đổi kinh tế; cửa ngõ giao tiếp văn hóa đồng thời là nơi đối diện thường xuyên với những thách thức chính trị từ bên ngoài”
Tuyến hải trình “Tây dương châm lộ” xuất phát từ các cảng miền Nam Trung Quốc chảy qua vùng biển Giao Châu đến Champa, các quốc gia vùng vịnh Thái Lan, eo Malaca, sau đó nối kết với vùng Tây Nam Á. Tuyến “Đông dương châm lộ” (tuyến Đại dương) từ chuỗi các đảo trải dài từ Bắc xuống Nam, từ vùng Đông Nam Trung Quốc đến Luzon (Philippines) và từ đó tiến về phía Nam qua quần đảo Indonesia, Malaysia và cuối cùng hội nhập ở Malacca. (Dẫn theo Nguyễn Mạnh Dũng (2017), “Vài nét về vị trí của miền Trung Việt Nam trong tuyến hải trình Đông Á thời kỳ cổ trung đại”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Hệ thống thương cảng miền Trung với con đường tơ lụa trên biển và các mối quan hệ, tr.80.)
Lê Bá Thảo (2006), Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr.391.
Nguyễn Văn Kim (2017), “Hệ thống thương cảng miền Trung nhìn từ các không gian kinh tế”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Hệ thống thương cảng miền Trung với con đường tơ lụa trên biển và các mối quan hệ, tr.22.
Để minh chứng xin tham khảo kết quả nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, văn hóa,… về cảng thị Hội An qua các thời kỳ/giai đoạn được công bố trong các kỷ yếu hội thảo: Hội thảo quốc gia về Đô thị cổ Hội An năm 1985; Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990; Hội thảo quốc tế về Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An năm 1995; và Hội thảo Cù Lao Chàm - Vị thế tiềm năng và triển vọng năm 2008.
Theo thống kê trong một bài văn tế cúng Ông Ngư, có 21 vị thần trên tổng số 40 vị thần.
Tước hiệu/danh thần được các vua triều đại nhà Nguyên phong tặng: Lúc ông Sanh - ở biển, là thần hộ mạng,
được suy tôn là “Đông Hải Ngọc Lân thần”; lúc ông Tử (chết), đã hóa thân, được thờ phụng suy tôn là “Nam Hải
Ngọc Lân thần”.
Nguyên Văn Kim (2011), Người Việt với biển, Nxb Thế giới, tr.57.