1. Đặt vấn đề
Có thể nói rằng, Đô thị cổ Hội An xưa là một cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới với trên 1.439 di tích kiến trúc cổ đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn bao gồm: các khu phố, nhà cửa, các hội quán, nhà thờ họ tộc, đình chùa, miếu, giếng cổ… Các kiến trúc hầu hết được xây bằng vật liệu truyền thống như gạch, gỗ, phong cách kiến trúc vừa mang yếu tố nghệ thuật Việt Nam vừa có sự tiếp thu tinh hoa kiến trúc của các nước phương Đông (như Nhật Bản, Trung Hoa) và phương Tây. Điều đặc biệt của Hội An là mặc dù đã trải qua bao thế kỷ nhưng những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lễ hội, nếp sống thị dân, văn hóa làng xã, những món ăn truyền thống, nghề thủ công truyền thống,… vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Hội An từng là một thương cảng, nơi có điều kiện giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau nên người Hội An ngoài những giá trị văn hóa truyền thống đã tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa các dân tộc khác hình thành nên một bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng rất riêng và độc đáo. Người Hội An hiền hậu, dễ gần và rất mến khách. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách khi tới khám phá khu đô thị cổ Hội An. Ngoài ra giá trị nổi trội của Đô thị cổ Hội An, sự song tồn và tương ứng sâu sắc trong một cơ thể gắn quyện hữu cơ, không tách rời kiến trúc đô thị (phần cứng) và đời sống của cộng đồng dân cư truyền thống (phần mềm). Ngày 04/12/1999, UNESCO quyết định ghi danh Đô thị cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới do đáp ứng được 02 tiêu chí: “Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế” và “Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo”.
Hiện nay, Hội An là một trong số ít di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam có cộng đồng nhân dân sinh sống dày đặc và đan xen. Do đó, yêu cầu và áp lực trong công tác quản lý là rất lớn và ngày càng cao hơn trong điều kiện mật độ khách tham quan tập trung trong khu vực phố cổ ngày càng gia tăng. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Những vấn đề phát sinh trong quản lý như: phòng cháy chữa cháy, quản lý xây dựng, tu bổ di tích, giữ gìn trật tự văn minh trong kinh doanh, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường,... đã đặt ra vấn đề bức xúc hằng ngày, đòi hỏi chính quyền địa phương phải tập trung giải quyết. Sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đối với đô thị cổ. Tình trạng xuống cấp của các di tích, sự biến đổi, thay đổi nếp sống thị dân, văn hóa người Hội An. Quá trình phát triển du lịch trong thời gian dài tạo ra nguồn thu ngân sách lớn cho chính quyền và đem lại nguồn lợi cộng đồng dân cư địa phương nhưng chúng ta phải làm gì để đổi mới mình để tiếp tục phát triển,… tất cả những vấn đề trên đang là thách thức rất lớn đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Với tính chất đặc thù trong công tác quản lý nêu trên, địa phương cần phải làm gì, có cơ chế chính sách pháp lý như thế nào cho phù hợp, tính đặc thù trong công tác quản lý như thế nào; nguồn ngân sách, vốn đầu tư cho công tác quản lý, tu bổ và phát huy các giá trị di tích từ đâu; đặc biệt, yêu cầu về đầu tư mở rộng không gian phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven nhằm giãn mật độ khách du lịch, dân số, giảm áp lực đối khu vực trung tâm phố cổ cũng là yêu cầu cấp bách cần được ưu tiên giải quyết, nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng trong bài toán Quy hoạch thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam.
2. Về định hướng trong quy hoạch
Có thể nói rằng, thành phố Hội An luôn xác định chặng đường phát triển hiện nay và sắp đến dựa vào tiềm năng, lợi thế lớn nhất có được là Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được kết nối nhau trong một chỉnh thể đa dạng và nổi trội về các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa - nhân văn, hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tạo nên sự đắc sắc của một vùng đất “hội thủy, hội nhân, hội văn”. Ngoài ra, Hội An có ưu thế trong mối liên kết với khu vực; đó là nằm trên “Con đường di sản văn hóa miền Trung”; có ưu thế là một điểm đến hấp dẫn của tam giác Di sản văn hóa thế giới Huế - Hội An - Mỹ Sơn; nằm trong chuỗi đô thị ven biển dài hơn 500km vùng duyên hải miền Trung từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Ngãi. Những tiền năng, lợi thế này là điều kiện hết sức quan trọng và cơ bản để Hội An phát triển, kỳ vọng tạo sự bứt phá theo những nét đặc thù rất riêng có của mình.
Theo định hướng Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024, Hội An phấn đấu xây dựng và phát triển để đạt Đô thị loại II vào năm 2030. Ngày 31/7/2023, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TU về xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch đến năm 2030. Theo đó, quan điểm của tỉnh là “đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch” nhằm hướng đến mục tiêu “đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân. Tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giao lưu văn hóa, đối ngoại, thành phố sự kiện - lễ hội của tỉnh; xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới”.
Thực hiện định hướng của tỉnh, Quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của Hội An xác định 3 trụ cột là: Sinh thái, Văn hóa và Du lịch để định hình hướng phát triển cho thành phố trong tương lai; trong đó, Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An là trung tâm để hoạch định tầm nhìn quy hoạch chung, hướng đến những mục tiêu lớn để phát triển thành phố gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An như:
- Hội An là thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, mang tính nhân văn, có bản sắc truyền thống và hiện đại, trên nền tảng phát triển năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững về các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.
- Hội An là Đô thị loại II, có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, du lịch; là thành phố đáng sống, chất lượng cao.
- Hội An là đô thị di sản thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước, tham gia mạng lưới thành phố di sản thông minh toàn cầu.
- Xây dựng thành phố Hội An và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị trong giai đoạn sau năm 2030 trở thành khu vực đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Nam và miền Trung nhằm thích ứng với khủng hoảng toàn cầu và dịch bệnh trong tương lai.
- Thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hướng đến một thành phố phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững.
Một số mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho quy hoạch chung để hiện thực hóa tầm nhìn trên là:
- Định hướng phát triển không gian thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch dựa trên yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống, đặc trưng về cảnh quan, kiến trúc, bảo tồn và phát triển được bản sắc riêng có của Hội An.
- Bảo tồn cấu trúc không gian đô thị cổ và các công trình kiến trúc hiện hữu thuộc di sản văn hóa thế giới. Khai thác hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc thù phục vụ du lịch.
- Ứng phó hiệu quả với vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề về khủng hoảng toàn cầu, dịch bệnh hiện nay và trong tương lai.
- Tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố. Tổ chức hiệu quả hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại, đáp ứng tốt vấn đề giao thông cho du lịch.
- Tăng cường liên kết phát triển Hội An trong mối liên hệ vùng, liên vùng ở trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.
- Xây dựng mô hình chính quyền đô thị, tự chủ nhằm tạo sự năng động trong công tác quản lý đô thị và thu hút đầu tư.
3. Các giải pháp triển khai
Để thực hiện các định hướng trên cần có các giải pháp phát triển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An trong sự tổng hòa, đồng bộ của nhiều giải pháp khác nhau chủ yếu như sau:
- Một là, lấy không gian bảo tồn di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An để quy hoạch không gian phát triển thành phố. Riêng khu vực khoanh vùng bảo vệ của Đô thị được bảo tồn nguyên trạng, nghiêm ngặt; vùng tiếp giáp bao quanh tạo thành vùng đệm để chuyển tiếp sang các vùng phát triển bên ngoài. Vùng chuyển tiếp và vùng phát triển bên ngoài ưu tiên gìn giữ các dấu tích lịch sử, văn hóa của Đô thị cổ, không gian các làng nghề, cảnh quan nông thôn và đặc trưng tự nhiên từng vùng: sông ngòi, cồn bãi, biển...
- Hai là, định hình không gian Đô thị di sản tương thích với không gian phát triển theo định hướng thành đô thị Sinh thái - Văn hóa - Du lịch và không gian phát triển của các loại hình đô thị đang được Hội An hướng đến: Thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo, Thành phố du lịch, Thành phố đối ngoại,…
- Ba là, xây dựng các định hướng quy hoạch mang tầm nhìn dài hạn về bảo tồn và phát huy di sản làm bệ đỡ cho sự phát triển của thành phố. Đô thị cổ Hội An đã có “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 12/01/2012, với mục tiêu: Bảo tồn vững chắc và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Hội An; bảo tồn cảnh quan vốn có và môi trường cảnh quan liên hệ; nâng cao và phát huy vai trò cộng đồng trong công cuộc bảo tồn di sản, giáo dục người dân ý thức bảo tồn di sản cộng đồng; hài hòa giữa công tác bảo tồn đô thị và phát triển đô thị mới mang tính chất của một đô thị Sinh thái - Văn hóa - Du lịch; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị cổ để phù hợp với bảo tồn di sản văn hóa, giảm thiểu các tác động xấu của môi trường đến di tích Hội An, hướng tới phòng chống thảm họa do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra; đồng thời đáp ứng quy hoạch mới thành phố Hội An, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, di sản đang tiếp tục được xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy theo hướng kéo dài thời gian thực hiện quy hoạch tổng thể trên đến năm 2035 để phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố trong giai đoạn đến.
- Bốn là, thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững. Ưu tiên hàng đầu, thường xuyên và liên tục của Hội An là phải kiên quyết giữ gìn nguyên vẹn những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An cả về cảnh quan, kiến trúc lẫn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể - phần hồn, mang tính cốt lõi của di sản; đồng thời khai thác hợp lý tài nguyên di sản dựa trên phát triển du lịch để thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố được lâu dài, bền vững.
- Năm là, xây dựng mô hình đô thị di sản thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, quản lý hoạt động dịch vụ - du lịch, quản lý môi trường, giao thông, nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân đô thị di sản, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, xây dựng một số công trình xanh dựa trên phương pháp điện tử, công nghệ. Phát triển nền tảng dữ liệu đô thị di sản thông minh để xây dựng dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng vào công tác quản lý quy hoạch đô thị phức hợp trong hệ thống quản lý đô thị thông minh của thành phố.
- Sáu là, phát triển hạ tầng đô thị nhằm giảm sức chịu tải của di sản trước sự phát triển của hoạt động du lịch. Chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông cửa ngõ thành phố, tập trung phát triển mạng lưới giao thông nội thành, đồng bộ hệ thống bãi đỗ xe du lịch và điểm đón tiếp khách tham quan trước khi vào di sản; phát triển giao thông đường thủy tiếp cận tham quan khu di sản; ưu tiên khuyến khích phát triển giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh; điều tiết giao thông hợp lý khu vực vùng đệm để giảm tải tiếng ồn, khói bụi; ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo ra vào khu vực bảo tồn di sản.
- Bảy là, triển khai các chương trình, dự án bảo vệ thành phố, đặc biệt là cho khu di sản trước các rủi ro gây ra do quá trình biến đổi khí hậu, như vấn đề xói lở bờ biển, bờ sông, xâm thực, nhiễm mặn; hạn chế tối đa tình trạng ngập úng và giảm thiểu thiệt hại do bão hàng năm gây ra.
Hội An vốn dĩ mang trong mình những đặc tính phức tạp và độc đáo vốn có. Đặc tính phức tạp và độc đáo thể hiện trên phương diện vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của một vùng đất nằm ở cửa sông, ven biển và hải đảo; phức tạp và độc đáo về cội nguồn hình thành nên Hội An từ trong lịch sử; phức tạp và độc đáo trên phương diện văn hóa, kinh tế, xã hội bắt nguồn từ sự hợp cư của nhiều bộ phận cư dân dù có nguồn gốc khác nhau nhưng đã giao thoa, tiếp biến, hòa quyện trong suốt chiều dài lịch sử đến nay; và sự phức tạp và độc đáo đan xen giữa vấn đề bảo tồn và phát triển gắn với phát triển du lịch trên một diện tích khiêm tốn như Hội An.
Phát triển thành phố Hội An không thể tách rời mà yêu cầu phải dựa vào di sản để hoạch định đường hướng cho phù hợp, theo phương châm “bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn”. Trên cơ sở định hướng quy hoạch chung của tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và định hướng xây dựng và phát triển thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch của Tỉnh ủy Quảng Nam, thành phố Hội An quyết tâm bảo tồn và phát huy tốt giá trị của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An nhằm tạo bệ đỡ vững chắc để thành phố phát triển, hướng đến xây dựng, phát triển thành một đô thị giàu bản sắc văn hóa, vừa hiện đại, có sức lan tỏa vươn tầm quốc tế./.
Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Những tin cũ hơn