Tri thức khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt của cư dân Cù Lao Chàm

Chủ nhật - 22/12/2024 22:38
Những bằng chứng khảo cổ học cho biết, cách đây hơn 3000 năm con người đã đến cư trú, sinh sống tại vùng đảo Cù Lao Chàm. Trải qua nhiều thời kỳ, các lớp cư dân Tiền Sơ sử, Champa và sau này là người Đại Việt đã biết khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên biển đảo nơi đây để phục đời sống sinh hoạt thường nhật và hoạt động sản xuất, trao đổi. Trong đó, việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt tự nhiên là một trong những nét nổi bật.
chua hai tang
Canh tác lúa từ nguồn nước ngọt tại ruộng bậc thang trước chùa Hải Tạng - Ảnh: Hồng Việt
 
     Cụm đảo Cù Lao Chàm có 8 hòn đảo gồm hòn Ông (hòn Nồm), hòn Tai, hòn Lao, hòn Lá, hòn Khô Mẹ, hòn Kho Con, hòn Dài và hòn Mồ. Trong đó, hòn Lao là hòn đảo có diện tích lớn nhất và cũng duy nhất là hòn đảo có cư dân sinh sống từ lâu đời. Địa hình hòn Lao dốc ở sườn Đông, thoải ở sườn Tây. Các điểm cư trú cổ xưa cũng như các khu dân cư hiện nay như Bãi Hương, Bãi Làng, Bãi Ông, Xóm Cấm hay những khu vực sản xuất nông nghiệp đều nằm ở sườn Tây, gắn với các dòng chảy tự nhiên (các khe suối) bắt nguồn từ các đỉnh núi cao xuống. Đó là các thủy hệ: khe Cây Chè và khe Giâm, khe Cây Cừa, khe Cồn ở Bãi Hương; suối Bìm ở Bãi Bìm; suối Chồng ở Bãi Chồng; khe Ông Thơ - Suối Tình, khe Xóm Mới ở Bãi Làng; khe Ông Thơ, khe Am, khe Ông Khương, khe Chùa Cũ, khe Ông Dợt, mương Cây Thị chảy về Đồng Chùa - Xóm Cấm; khe nà Bà Tân, khe Cây Cắt, khe Ông Son ở Bãi Ông;… Với lượng mưa hơn 2000mm/năm, độ bao phủ rừng lớn, cấu tạo địa chất có nhiều khe nứt, hang hốc, hố trũng,… nên trữ lượng nước ngọt bề mặt và nước ngầm ở Cù Lao Chàm là rất lớn, nhất là mùa mưa. 

     Trong lịch sử, tàu thuyền đánh cá của cư dân từ đất liền hay các thương thuyền nước ngoài trên hành trình hàng hải ven biển Đông thường dừng tại Cù Lao Chàm để lấy nước ngọt sử dụng. Tài liệu Ả Rập vào thế kỷ X chép rằng: “Tàu từ Hind (Ấn Độ) đến Sanf (Champa) mất 10 ngày. Ở đây có nước ngọt và trầm hương xuất khẩu... Họ dừng lấy nước ngọt ở Sanf-Fulaw, Cham Pulaw (Cù Lao Chàm) rồi định hướng đi đến Sin (Trung Quốc)[1]. Quốc sử quán triều Nguyễn viết trong Đại Nam nhất thống chí như sau: “ở cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưởng giữa biển gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm. Dân phường Tân Hiệp ở phía Nam núi, ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền biển nước ta và nước ngoài thường trông núi này làm chừng, đi về đều đỗ ở đấy để lấy củi, nước[2].

     Từ lâu đời, cư dân Cù Lao Chàm đã biết tận dụng, khai thác hiệu quả các nguồn nước ngọt bề mặt và nước ngầm để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt và sản xuất. Năm 1696, Thiền sư Thích Đại Sán có dịp ghé Cù Lao Chàm đã cho biết rằng cư dân Cù Lao Chàm lấy nước ngọt từ các con suối về để uống và chế biến thức ăn, việc tắm giặt diễn ra ngay tại các con suối. Trong Hải ngoại kỷ sự, Thiền sư Thích Đại Sán chép rằng: “Trực tiếp dưới hòn núi chính có miếu Bản Đầu Công, phía tả miếu chừng một trăm bước, có một suối đá, nước trong và ngọt, người trong thôn ra múc uống. Đàn ông, đàn bà đến suối tắm rửa suốt ngày, không khi nào hở…

 
khai thoat nươc
Cư dân Cù Lao Chàm sử dụng nguồn nước ngọt để canh tác nông nghiệp - Ảnh: Hồng Việt
 
     Đợt điền dã khảo cổ trong những năm từ 1997-1999 ở Cù Lao Chàm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số thủy hệ do người xưa tạo nên bằng cách xếp đá để giữ và dẫn nước ngọt từ các con suối dùng vào việc cúng tế, sinh hoạt và trồng trọt. Những thủy hệ này nằm ven chân núi, gần khu dân cư hoặc khu canh tác ruộng nước, nương rẫy. Đó là những dải kè bằng đá nhằm phân dòng chảy thành nhiều khoang chứa khác nhau để lấy nước dùng vào các mục đích cụ thể, đồng thời điều tiết sự ổn định của lượng nước cho quá trình sử dụng lâu dài. Các thủy hệ phát hiện được gồm loại chỉ mang chức năng cung cấp nước sinh hoạt, trồng trọt như thủy hệ ở suối Tình; loại khác đa chức năng hơn như thủy hệ ở sau chùa Hải Tạng cung cấp nước cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, ăn uống, tắm giặt, trồng trọt và chăn nuôi. Theo các nhà nghiên cứu, có lẽ các thủy hệ này do cư dân Chăm tạo nên và được người Việt kế thừa, sử dụng. Hiện nay, hình thức xếp đá vẫn được cư dân Cù Lao Chàm sử dụng để giữ, lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Đặc biệt, người dân tạo các hồ hay những hục nước nhỏ bằng cách đắp chắn dòng chảy tại các con suối lớn và lắp hệ thống ống dẫn nước tự chảy xuống các khu dân cư dùng cho sinh hoạt thường nhật, ăn uống, chế biến các món ẩm thực đặc sản.

     Trong địa bạ triều Nguyễn ghi rất nhiều địa danh liên quan đến đất ruộng/ rẫy sản xuất nông nghiệp như: Ruộng Trên, Bên Mang, Cầu Đá, Cây Chỏi, Cây Búa, Cây Cắt, Cây Kiến, Cây Dông, Cây Thị, Cây Tre, Chà Bố, Cửa Mang, Cùi Đá, Đại Thạch, Đôi Đũa, Dưới Vực, Dãi Cùng, Dốc Cùng, Đồi Trảng, Khoảnh Biển, Khoảnh Cao, Khoảnh Cồn, Khoảnh Én, Khoảnh Sum, Khoảnh Rộc, Khoảnh Rén, Khoảnh Xa, Khoảnh Vườn, Mít Nài, Nà Khuê, Ông Quốc, Ông Thuộc, Ông Vanh, Rộc Cùi, rộc Kèo, Trồng Dừa, Truông Doi,… Các ruộng/rẫy ở đây tạo hình theo kiểu bậc thang, tận dụng nguồn nước chảy tự nhiên của các khe suối để canh tác lúa và trồng các loại cây rau củ quả như khoai môn, sắn, chuối, mít, xoài,… Ở những nơi địa hình thuận lợi, cư dân thường xếp kè đá như đã đề cập ở trên để dẫn nước vào ruộng. Những nơi không thể xếp kè đá dẫn nước, cư dân dùng thân cây đủng đỉnh khô, loại bỏ hết phần ruột tạo thành ống hoặc máng để dẫn nước. Điều này cho thấy sự sáng tạo trong việc tận dụng các vật liệu sẵn có trong tự nhiên để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt.

     Bên cạnh việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt ở dạng nước mặt, cư dân Cù Lao Chàm còn đào giếng để khai thác nước ngầm. Qua khảo sát ghi nhận hiện nay ở Cù Lao Chàm còn 4 giếng cổ xây bằng gạch để khai thác nguồn nước ngầm, gồm: kiểu hình tròn có giếng chùa Hải Tạng, giếng Xóm Cấm, giếng Xóm Đình; kiểu hình vuông có giếng miếu Tổ nghề yến. Những giếng này nằm gần các di tích tín ngưỡng, giữa khu dân cư. Nguồn nước ngọt từ giếng chủ yếu phục vụ cho mục đích tín ngưỡng tại di tích và nấu ăn uống của cư dân.

 
giem xom cam
Giếng Xóm Cấm - Ảnh: Hồng Việt
 
     Trong lịch sử cũng như hiện nay, nguồn nước ngọt giữ vai trò rất quan trọng đối với cư dân đảo Cù Lao Chàm. Bên cạnh việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước ngọt phục vụ hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt thường ngày và sản xuất bằng những tri thức, kinh nghiệm dân gian phong phú tích lũy lâu đời, việc bảo về nguồn nước ngọt cũng được cư dân hết sức quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an ninh nguồn nước trên đảo, chống sạt lở của các khe suối và bảo tồn, phục hồi cảnh quan nông nghiệp hay xây dựng công viên nông nghiệp phục vụ du lịch cần được các cấp chính quyền quan tâm sâu sắc hơn.
 
[1] Hoàng Anh Tuấn, “Cù Lao Chàm và hoạt động thương mại ở biển đông thời vương quốc Champa”, Kỷ yếu Hội thảo Cù Lao Chàm - Vị thế, tiềm năng và triển vọng, Trung tâm QLBT Di tích Hội An xuất bản, 2007, tr.121.
[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, năm 2006, tập 2, tr 418 - 419.
 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây