Chuyện kể về lư hương, miếu Đôi ở Bãi Hương, Cù Lao Chàm

Thứ tư - 23/10/2024 21:57
Cù Lao Chàm, ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng đặc trưng của một vùng biển đảo còn có hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật (đình, chùa, miếu…) và kho tàng văn hóa dân gian (phong tục, tập quán, văn học, diễn xướng…) phong phú, đa dạng.
     Trong số chuyện kể, truyền thuyết được lưu truyền trên đảo, có một vài chuyện kể ít nhiều liên quan đến địa danh, lịch sử hình thành vùng đất hoặc về di tích đình, miếu… như sự tích Hòn Chồng, chuyện về chùa Hải Tạng, về miếu bà Cúc[1]… Ở thôn Bãi Hương có một câu chuyện được lưu truyền từ lâu mà nhiều vị cao niên thường kể, đó là chuyện về chiếc lư hương[2] trôi dạt vào nơi đây. Theo lời kể của ông Trần Hiếu[3], câu chuyện ly kỳ của chiếc lưu hương không những liên quan đến tên gọi xứ đất Bãi Hương mà còn lý giải sự hình thành di tích miếu Đôi ở đây.  

     Ông Trần Hiếu cho biết các cụ đời trước ở Bãi Hương kể rằng[4]: Vào khoảng thế kỷ 17, không biết ở đâu trôi đến xứ An Lương (Duy Hải bây giờ) một cái lư hương bằng sắt, to cỡ cái bàn, trong đó có hai thủ cấp, một cái mặt xanh, một cái mặt đỏ. Người dân khi phát hiện lư hương, nhìn thấy hai thủ cấp thì quá sợ hãi, chạy về báo dân làng ra sắm lễ cúng, xin đưa hai ngài đi nơi khác. Họ đẩy cái lư hương ra lại biển theo hướng mặt trời mọc, và cứ thắc mắc mãi, tại sao lư hương bằng sắt nhưng cứ trôi dạt lâu ngày như vậy mà lại không bị chìm? Lư hương trôi dạt từ An Lương đi ra hướng Cù Lao Chàm, tấp vào bãi cát khu vực phía dưới Hòn Lao. Cũng vì chuyện này mà người dân ở đây mới đặt tên cho xứ đất là Bãi Hương (tương ứng thôn Bãi Hương ngày nay). Lúc đó trong làng này chỉ có vài ngôi nhà thôi.  

     Người dân Bãi Hương thỉnh hai thủ cấp lên để an táng. Họ cũng không rõ ai để thờ cúng vì không biết thông tin gì liên quan. Một thời gian sau, có một đứa trẻ chạy đi chơi, trưa về tự nhiên nhảy múa tứ tung, nói toàn tiếng Tàu hoặc thứ tiếng gì đó mà không ai hiểu được. Bà con bèn sắm lễ cúng, xin chư vị tha cho con trẻ vì đã dại dột quậy phá, nghịch ngợm. Đứa trẻ đột ngột đứng im lại, nói rằng: “Ta đại diện cho huynh đệ của ta là Bích và Tứ, là hai tướng ở phương Bắc, một quan văn, một quan võ. Bị thất trận, giặc chặt đầu, hai ta nương về hướng Nam. Người Nam có phụng thờ ta thì ta sẽ hộ trì cho, dân ở đây sẽ bớt ốm đau, bệnh tật. Các ngươi xây hai ngôi miếu nhỏ riêng biệt nhưng gần nhau, vì hai ta là huynh đệ, gần như một bàn tay” [có thể tạm hiểu ý “gần như một bàn tay” ở đây theo thành ngữ “Huynh đệ như thủ túc”]. Từ đó người dân mới lập miếu thờ hai ông Bích, Tứ, gọi là miếu/lăng Đôi. Cũng nhờ đó mà dân ở đây bớt đau bịnh hơn so với trước. Sau này lư hương được đem về để ở lăng/đình Tiền hiền, thôn Bãi Làng [câu chuyện này không thể hiện rõ lý do và mốc thời gian mang lư hương lên đặt tại lăng Tiền hiền].    

 
hu huong
Lư hương sưu tầm ở lăng Tiền hiền, Cù Lao Chàm, hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Hội An - Ảnh: Hoàng Phúc

     Chiếc lư hương liên quan đến câu chuyện trên được Bộ phận Nghiệp vụ Quản lý Di tích (tiền thân của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An hiện nay) sưu tầm, mang vào đất liền năm 1985. Hiện nay, lư hương đang được trưng bày tại Bảo tàng Hội An (số 10B Trần Hưng Đạo). Lư hương được đúc bằng hợp chất gang và sắt, hình hộp chữ nhật, có 4 chân quỳ và hai tai (quai xách), màu nâu. Phần trên chân quỳ đúc hình đầu Toan nghê (là 1 trong số 9 con của rồng theo truyền thuyết, có mình sư tử, đầu rồng, thích khói lửa, mùi thơm, nuốt khói phun sương, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút). Chiều cao toàn bộ 107cm, phần thân cao 44,5cm, miệng lư rộng 57cm x 80,5cm. Hiện trạng lư hương bị mất một chân, gãy một chân, bị rỉ sét, đáy thủng nhiều lỗ. Mặt ngoài hai bên lư hương trang trí hình hoa mẫu đơn, sen (mảng chính), hoa cúc và dây lá (khung viền). Mặt trước lư hương trang trí hình hai con chim phượng hoàng đang dang rộng cánh, tư thế đối xứng ở hai bên (mảng chính), hoa cúc và dây lá (khung viền). Chính giữa là văn bản khắc bằng chữ Hán, có nội dung[5] như sau:    
 

     + Nguyên văn:

     廣東洋船客商原福建福泉所人氏。沐恩弟子張台南,張台元仝鑄香爐一座,重叁佰餘觔在于伏波將軍案前,祈求出外平安,永遠恭奉。
康煕二十八年歲次己巳孟春吉日立。佛山粤勝爐鑄。

     + Phiên âm:

     Quảng Đông dương thuyền khách thương, nguyên Phúc Kiến Phúc Tuyền sở nhân thị. Mộc ân đệ tử Trương Đài Nam, Trương Đài Nguyên đồng chú Hương Lư nhất tòa, trọng tam bách dư cân tại vu Phục Ba tướng quân án tiền, kì cầu xuất ngoại bình an, vĩnh viễn cung phụng.
Khang Hy nhị thập bát niên, tuế thứ Kỷ Tỵ mạnh xuân cát nhật lập. Phật Sơn Việt Thắng Lư chú.

     + Dịch nghĩa:

     Khách thương trên thuyền biển Quảng Đông, vốn là người Phúc Tuyền, Phúc Kiến. Đệ tử được tắm gội ân là Trương Đài Nam, Trương Đài Nguyên cùng nhau đúc một lư hương, nặng hơn 300 cân, đặt trước bàn thờ Tướng quân Phục Ba, cầu mong bình an khi đi xa, mãi mãi tôn kính phụng thờ.

     Lập vào ngày tốt tháng đầu mùa xuân năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Khang Hy thứ 28. Do lò Việt Thắng ở Phật Sơn đúc.

     Theo nội dung trên, hương có niên đại Khang Hy 28 (tức năm 1689), tính đến nay đã được 335 năm. hương được đúc tại Việt Thắng ở Phật Sơn, Trung Quốc, được dâng cúng đặt trước bàn thờ Tướng quân Phục Ba nhằm cầu mong bình an khi đi xa.

     Phục Ba tướng quân là tướng chinh phục được sóng gió, là tước vị của những người có công chinh phục sóng gió hoặc có tài hàng hải mà không bị tổn thương bởi phong ba trong các chuyến đi biển… được nhà nước phong kiến phong cho tước vị trên. Những người làm ăn trên biển như đánh cá, buôn bán, hàng hải đều phải thờ các vị tướng quân này với một mục đích là cầu bình an, thuận buồm xuôi gió[6]. Qua tìm hiểu, được biết hiện nay ở Cù Lao Chàm có hai di tích có thờ Phục Ba tướng quân, đó là miếu Tổ nghề Yến, thôn Bãi Hương (niên đại kiến trúc khoảng đầu thế kỷ 19) lăng Tiền hiền, thôn Bãi Làng (niên đại kiến trúc khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19).

     Tuy nhiên, theo Hải ngoại kỷ sự” của Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) thuật lại hành trình đến Đàng Trong vào năm Ất Hợi (1695), khi về, do gặp bão gió phải ghé vào Cù Lao Chàm có ghi chép về miếu thờ Phục Ba ở đây:   “Ngôi miếu cũng khá rộng lớn, thần rất thiêng. Thuyền bè qua lại đều lên cầu cúng. Ta khiến Cai Xã mở khóa cửa, người theo hầu thắp hương; xem thần tượng, đọc phong hàm, mới biết miếu thờ Hán Phục Ba Tướng quân, người trong nước tôn xưng thụy hiệu làm Bản đầu Công vậy. Kéo màn xem thần tượng, thấy rất nho nhã phong lưu. Mộc Loan thất kinh nói rằng: “Người trong mộng tôi thấy đêm trước, giống hệt tượng này vậy”. Mới nhớ ra, “Giới Tứ Thư” là sách của Phục Ba làm. Ngài cởi dây da đưa cho, là lấy nghĩa “Bội vi”. Thần báo mộng rõ ràng, cho biết nhơn duyên còn nên hoãn lại, năm nay chắc chẳng được về vậy[7].

     Do vậy, có phải lư hương trên được Trương Thai Nam, Trương Thai Nguyên dâng cúng đặt tại miếu thờ Phục Ba ở Cù Lao Chàm mà Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) ghi chép hay không, điều này cần tiếp tục tìm hiểu thêm.

     Trong câu chuyện do ông Trần Hiếu kể có đề cập đến 2 vị thần là ông Bích và ông Tứ liên quan đến việc hình thành di tích miếu Đôi ở Bãi Hương. Ngôi miếu Đôi hiện nay đã bị hư hại nặng, trở thành phế tích nên không rõ đối tượng thờ cúng tại ngôi miếu trước đây. Theo lý lịch di tích được lập năm 1997[8], miếu có mặt tiền xoay hướng Nam - Đông Nam. Tọa lạc trên nền đất cao, cách bờ biển 50m, lưng dựa vào núi, trước mặt là khe nước… Miếu gồm 2 ngôi: Ngôi phía Tây bằng vôi, gạch, đá san hô, nền bằng đá san hô. Tường gạch, san hô dày 53cm... Ngôi miếu này bị sập toàn bộ, chỉ còn 2/3 tường trở xuống nền. Tất cả các chi tiết kiến trúc khác đều không còn. Ngôi phía Đông móng bằng san hô tảng lớn, tường bằng đá san hô. Từ lăng tô trở lên xây bằng gạch, vôi… Ngôi miếu này bị rễ cây che phủ, mái bị hỏng nặng, tường, móng sụt lở; bố trí nội thất không còn. Bản vẽ mặt bằng phác họa mô tả sơ bộ di tích cho thấy mỗi ngôi miếu có mặt bằng gần như hình vuông. Ngôi phía Tây có kích thước: 2,7m x 2,75m, ngôi phía Đông có kích thước: 2,4m x 2,45m. Khoảng hở giữa hai ngôi rộng 1,6m.

 
mieu doi
 Hiện trạng miếu Đôi - Ảnh: Hồng Việt
 
     Hiện nay, tại Cù Lao Chàm, 2 di tích có bài vị thờ ông Tứ và ông Bích. Tại miếu Tổ nghề Yến, bài vị có ghi: Phục Ba đại tướng quân Tứ Dương Hầu Quốc công, Phục Ba đại tướng quân Bích Sơn hầu quận công; tại lăng Tiền hiền, bài vị ghi: Sắc phong Phục Ba Tứ Dương thành Quốc công Đại tướng quân, Sắc phong Phục Ba Bích Sơn hầu Quận công.

     Trong chuyện kể dân gian làng Thanh Hà có nhắc đến câu chuyện liên quan đến Cù Lao Chàm, đồng thời đề cập đến hai nhân vật cũng có tên gọi Bích và Tứ, đó là truyền thuyết về Ông Cụt. “Câu chuyện kể rằng ngày xưa tại Thanh Hà có một cặp vợ chồng sau thời gian chung sống, người vợ có thai mãi ba năm mới sinh. Quái lạ thay, người vợ không sinh con bình thường mà sinh ra ba quả trứng. Vợ chồng cho là quái dị nên bỏ ba cái trứng ấy vào một cái om (nồi nhỏ bằng đất nung), thả xuống sông. Chiếc om trôi ra Cù Lao Chàm thì tấp vào và nở ra ba ông rắn. Khi trưởng thành ba ông rắn về quê thăm cha mẹ, gặp lúc người cha đang dọn ruộng cuốc phải làm đứt đuôi một ông nên gọi là ông Cụt. Ông hóa một luồng gió xoáy bay về Cù Lao Chàm. Hai ông còn lại một ông gọi là Bích, một ông gọi là Tứ. Ba ông chọn Cù Lao Chàm làm nơi sinh trưởng, Thanh Hà là quê mẹ, và làng Đại Lợi là quê cha. Ở Cù Lao Chàm hiện có bài vị thờ Bích sơn hầu quận công và Tứ dương hầu quốc công tại đình Tiền hiền và miếu Tổ nghề Yến, có lẽ cũng xuất phát từ truyền thuyết này[9].

     Có phải di tích miếu Đôi được xây dựng để thờ ông Tứ và ông Bích như trong chuyện kể về chiếc lư hương hay không? Ông Tứ và ông Bích trong câu chuyện này có liên quan đến ông Tứ và ông Bích trong chuyện về Ông Cụt ở làng Thanh Hà, cũng như liên quan đến các bài vị thờ tại lăng Tiền Hiền và miếu Tổ nghề Yến hay không, đó là vấn đề đặt ra cần tiếp tục làm sáng tỏ.
 
[1] Đó là khám thờ nhỏ, đặt phía trước lăng Bà Bạch ở thôn Bãi Ông.
[2] Lư hương, có người còn gọi là đỉnh hương, bồn hương. Trong bài viết này, xin được dùng từ “lư hương” (là từ được khắc trên hiện vật) để mô tả.   
[3] Ông Trần Hiếu (81 tuổi), hiện cư trú tại thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp. Ông Hiếu người gốc Cẩm An, sau tản cư ra Cù Lao Chàm, sinh sống tại thôn Bãi Hương khoảng từ năm 1968 cho đến nay. Mặc dù không phải cư dân gốc địa phương nhưng ông rất đam mê tìm hiểu các tri thức dân gian, sưu tầm những thông tin về lịch sử, văn hóa liên quan đến Bãi Hương nói riêng, Cù Lao Chàm nói chung.
[4] Câu chuyện này của ông Trần Hiếu được chúng tôi sưu tầm, ghi lại vào tháng 7/2024.
[5] Ký tự, phiên âm do Đại đức Thích Đồng Dưỡng – Trú trì chùa Ba Phong, huyện Duy Xuyên thực hiện, dịch nghĩa do thầy Hải Hạnh thực hiện.
[6] Dẫn theo Lý lịch di tích lăng Tiền hiền xã Tân Hiệp, Tư liệu lưu trữ của Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
[7] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII (bản dịch của Hải Tiên Nguyễn Duy Bột), Viện Đại Học Huế, Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế, 1963, tr. 162, 163.
[8] Theo Lý lịch Di tích Miếu Đôi, Hồ sơ lưu trữ của Trung tâm QLBT DSVH, lập năm 1997, người lập: Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An.
[9] Dẫn theo Trần Văn An (2021), Truyện kể dân gian liên quan đến biển đảo ở Hội An, nguồn: https://hoianheritage.quangnam.gov.vn/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/truyen-ke-dan-gian-lien-quan-den-bien-dao-o-hoi-an-965.html   

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây