Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì
Đến nay, vẫn nhiều người ngâm ngợi bài ngũ ngôn tứ tuyệt này của thần đồng thơ Uông Thù thời Bắc Tống, Trung Hoa. Đại ý thơ nói về bốn thời khắc hạnh phúc hiếm có của đời người: Việc thứ nhất là nắng hạn lâu ngày gặp cơn mưa ngọt lành, thứ hai là ở chốn đất khách mà được gặp người quen biết cũ, thứ ba là đêm động phòng đèn đuốc lung linh và cuối cùng là danh tính được đề trên bảng vàng.
Ông mai đi đầu đoàn dẫn dâu - Ảnh: Tư liệu
Trong bốn niềm vui lớn đó, việc cưới xin, dựng vợ gả chồng còn được người xưa xem là vô cùng hệ trọng: “Tậu trâu lấy vợ dựng nhà, trong ba việc đó đều là khó thay”. Nếu như Con trâu là đầu cơ nghiệp, thì việc dựng vợ gả chồng can hệ đến cả cuộc đời, gia đình và đôi bên dòng họ: Làm trai lấy đươc vợ hiền/ Như cầm đồng tiền mua được miếng ngon/ Phận gái lấy được chồng khôn/ Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.
Chính vì thế, hôn nhân đại sự phải do cha mẹ đặt đâu con ngồi đó và việc sắp đặt này cũng tuân theo quy ước, định kiến xã hội môn đăng hộ đối. Nam nữ thụ thụ bất thân, không được quyền tự do tìm hiểu hay định đoạt xây dựng gia đình. Tất cả đều do cha mẹ quyết định và thông qua việc mai mối mà thành. Đã từ lâu đời trong dân gian, tục mai mối gần như không thể thiếu trong việc cưới hỏi. Ở Hội An, chúng ta có thể hình dung về phong tục này qua những bài ca, lời hát còn lưu truyền đến ngày nay.
Ba ngày hội họp sui gia ở đời
Nói chi cho có chuyện mà chơi
Có tiền mà đi cưới vợ
Phải cầu dời ông mai dong
Khi đã dò hỏi tuổi tác và đến thầy xem được tuổi hợp rồi, nhà trai mới chọn một người thân thiết với bên nhà gái và sắm trầu, rượu đến nhà nhờ làm mai. Làm mai phải là người có đức vọng, còn đủ vợ chồng, con cái song toàn. Ông/bà mai không những làm cầu nối giữa hai họ đi đến hôn nhân của con cái, mà còn là người hòa giải sau này nếu có việc gì trắc trở giữa vợ chồng và hai họ.
Khi thay mặt gia đình nhà trai đến dò hỏi ý tứ nhà gái, nếu thuận lợi, hợp ý đôi bên, người mối lái sẽ nhận được một tín hiệu bằng lòng đồng ý như thách cưới, hẹn ngày giờ thực hiện những bước tiếp theo… Xét tình ý trong câu ca dao sau đây thì chính là phía nhà gái đã bằng lòng, ưng thuận:
Làm mai như ai chứ làm mai như tôi chừ kẹp nách cây dù
Dạo bước đi mua dâu hỏi thăm ổng với bã bí bầu có trúng không
Nhà tôi lục cục lòng còng
Con tôi năm bảy đứa có vợ có chồng hay chưa
Có chồng năm ngoái kỳ xưa
Năm ni chồng bỏ cũng như chưa có chồng
Những đám thách cưới quá cao hoặc ý nhà gái còn chờ mong mối khác thì ông/bà mai dù có khéo ăn khéo nói, giỏi bề vun vén, cũng đành tay không ra về:
Làm mai như ai làm mai như tôi thì
Ăn nói tắc trách ngọn rau
Nói bao nói bóng bày màu làm mai
Nói với ông với bà khi sai
Tóc mới bao quanh ai ai cũng ngó nhòm
Khay trầu chén rượu cũng giả
Như con cá vô hang mắc lờ
Làm chi bên kia đợi bên ni chờ
Con tui khôn lớn để tui nhờ đôi năm
Ông/bà mai tham gia và chủ trì hầu hết các phần lễ nghi để đôi trẻ được chính thức về chung một nhà. Đầu tiên là lễ bỏ trầu cau, rồi lễ vấn danh (lễ hỏi), lễ cưới, lễ thỉnh kỳ trong ngày cưới; đến khi sau đám cưới ba ngày, nhà trai làm lễ lại quả (phản diện) ở nhà gái, đều nhờ cậy ông/bà mai thay mặt gia đình thực hiện những phần việc mở ý, trao lời, gắn kết mối quan hệ ban đầu với sui gia.
Gió đưa trái mít qua rào
Chiều mai họ tới họ hỏi không biết chào mần răng
Chào thời chào mẹ chào cha
Chào ông bưng quả chào bà mai dong
Làm mai phải tính cho xong
Tiền heo, tiền giẽ, tiền bông tai (ớ) tiền vàng
Đất đi thỉnh lễ hết bốn sào dài
Thăm dâu lạy họ hết hai trăm đồng
Nhà em chật hẹp không dám mời đông
Mời hai mươi họ nửa ông nửa bà
Đàn ông mang guốc dép da
Đàn bà đội nón cảnh Huế (mà) đem tra coi (quai) điều
Cô gái sắp sửa về nhà chồng hồi hộp, vui sướng, sợ lo lẫn lộn. Thật khó mà tả cho cặn kẽ cảm xúc ấy. Vậy nhưng tác giả dân gian đã diễn đạt khéo léo, nêu bật được tâm lý người trong cuộc, lại dệt nên cả một bức tranh ngày cưới rộn ràng, đầy sắc màu với những tục lệ, lễ nghi, sính lễ, trang phục cổ truyền. Cũng có thể người con gái ấy, như rất nhiều cô gái thời xưa, mãi đến trước ngày cưới vẫn chưa tường tận mặt chú rể. Hạnh phúc hay khổ đau đang đợi chờ cô ở phía trước, vẫn chưa lấy gì làm chắc được.
Những lần gặp gỡ riêng tư của các cặp đôi chỉ được phép bắt đầu từ khi có câu chuyện thưa gửi chính thức của người mai mối và được nhà gái nhận lời. Họ không có nhiều cơ hội hẹn hò tâm sự riêng tư để tìm hiểu tâm tính, tình cảm của nhau. Vậy nên, không được toại nguyện trong hôn nhân cũng là một lẽ thường xảy ra. Mà thua thiệt thường thuộc về phía phụ nữ, bởi vì quan niệm xã hội lúc bấy giờ rất khắc khe với đàn bà, con gái: trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Đến lúc ván đã đóng thuyền, họ chỉ còn biết than thân trách phận, trách ông Tơ bà Nguyệt, trách ông mối bà mai cho qua một kiếp người:
Tay tôi cầm cái bánh ít ngọt
Tay tôi bưng chén rượu bọt miệng kêu
Bớ ông mai ơi, đèn treo trước gió, ngọn chói sáng ngời
Ưng không tự bụng ông trời nào ép duyên
Nào ai lên đến cung giăng
Hỏi ông nguyệt lão se dây tơ hồng
Nào dây se Bắc se Đông
Nào dây se vợ se chồng ở đâu
Hoặc như những người thương nhau không đến được với nhau cũng hờn trách ông mai bà mối, bởi cái lẽ trăm sự cưới xin đều khởi từ việc dẫn dắt mai mối mà ra:
Gió nam thổi xuống lò vôi
Nghe rằng bạn đã có đôi ta sầu
Ta sầu mượn tiếng đàn bầu
Tình tang tang tích gởi sầu cho ai
Cũng do ông mối bà mai
Làm cho bướm rã ong phai bất bình
Ý mẹ cha như cột đóng đinh
Em đâu có phải bạc tình cùng ai
Bởi chúng mình không duyên nợ trúc mai
Anh âm thầm nuốt lệ tiễn ai đi lấy chồng
Em lấy chồng là vâng mệnh song thân
Em vui duyên mới còn nhớ chăng lối về
Lối về xóm cũ làng quê
Có vầng trăng soi bóng hẹn thề lứa đôi
Giờ anh sống cảnh cút côi
Bởi vầng trăng ai xẻ làm đôi dặm trường
Anh giờ như con quốc kêu sương
Em làm thân con lá liễu vẫn còn vấn vương nợ tình
(Bài chòi: con bài Lá Liễu)
Không hiếm cảnh éo le ngang trái do quan niệm áp đặt hôn nhân trong xã hội xưa gây nên, người làm mai cũng là đối tượng hứng chịu nhiều lời hờn dỗi, trách móc của những kẻ bất hạnh. Nhưng xét về mặt ý nghĩa, làm mai là việc gầy dựng nên đôi nên cặp cho người đời, chung cuộc vẫn là một phong tục đầy tốt đẹp mà người xưa đã đặt ra.
Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng, tr 215.