Miếu cây Dông - Ảnh: Hồng Việt
Miếu cây Dông do bà con ngư dân vạn mành Kim Bồng (nay là xã Cẩm Kim) xây dựng nên vào năm 1932, đến nay đã tồn tại được 92 năm. Đây là nơi thờ các vị thần biển nhằm cầu mong phù hộ cho ngư dân được bình an trong hành trình mưu sinh trên biển cả đầy sóng gió, hiểm nguy. Trên ban thờ trong miếu còn thờ thần vị của Tứ vị Long hải thần được chế tác bằng gỗ, bề mặt khắc chìm dòng chữ Hán Nôm: 威 靈 四 位 龍 海 神 (Uy linh Tứ vị Long hải thần). Trong khuôn viên miếu còn có khám nhỏ thờ Cô Chín, tương truyền xưa kia có một người con gái tên là Đỗ Thị Lành chẳng may chết trôi trên biển, thân xác trôi dạt vào Hòn Dài, ngư dân vạn mành Kim Bồng nhìn thấy, thương xót trước số phận bất hạnh, nên đã vớt thi thể cô gái và chôn cất tử tế, về sau linh hồn của cô gái có sự linh ứng nên ngư dân vạn mành Kim Bồng xây một khám thờ nhỏ bên cạnh miếu Cây Dông để thỉnh Cô về ngự.
Trước đây, ngư dân vạn mành Kim Bồng tổ chức 03 lễ cúng liên quan đến nghề trong năm. Vào đầu tháng 12 âm lịch, vạn tổ chức cuộc họp để bàn bạc, phân chia các ban lo liệu lễ cúng, đến ngày mồng 6 tháng giêng, vạn cử người ra mở cửa miếu Cây Dông, dọn vệ sinh, cúng tế. Đứng lễ cúng là những bậc cao niên trong vạn, người hợp tuổi trong năm, không vướng tang chế, sức khoẻ tốt; lễ cúng tế bài bản, có cúng đầu heo, gà giò/trống tơ và có chiêng trống. Lễ cúng chính thức đầu tiên trong năm diễn ra vào ngày 6 tháng 2 âm lịch tại Cửa Đại nhằm mục đích cầu bình an cho tàu thuyền ra vào; lễ cúng thứ 2 vào ngày 01 tháng 3 âm lịch tại miếu Cây Dông cầu cho vạn làm ăn được mùa; lễ cúng lần thứ 3 vào ngày 20 tháng 8 âm lịch là lễ cúng mãn mùa tại bến sông thôn Đông Hà (thuộc địa phận tổ 4), xã Cẩm Kim nhằm tạ ơn các vị thần linh đã bảo hộ cho ngư dân của vạn trong một năm qua. Hiện nay, bà con ngư dân chỉ còn duy trì việc ra mở cửa lăng thắp hương, phẩm vật đơn giản do nghề mành vạn Kim Bồng không còn phổ biến như xưa nữa.
Để đến được ngôi miếu, trước tiên đi thuyền đến cách Hòn Dài khoảng 100m, sau đó di chuyển bằng thúng chai đến sát các mỏm đá rồi mới leo lên được miếu, đường đi lên miếu khá nguy hiểm, phải cẩn thận từng bước chân vững chắc khi di chuyển.
Ngôi miếu có mặt tiền xoay theo hướng Đông Nam, tọa lạc trên tảng đá cao, cách mặt nước biển khoảng 4m. Miếu được xây dựng trên mặt bằng tương đối hẹp. Khu vực xung quanh ngôi miếu có nhiều cây vông đồng khá lớn, do đó người dân ở Cù Lao Chàm và ngư dân ở Cẩm Kim thường gọi là miếu Hòn Dài hay miếu Cây Dông (theo ngữ âm Quảng Nam).
Tổng thể công trình gồm có hạng mục: bình phong, miếu và khám thờ. Bình phong dạng cuốn thư, xây bằng gạch, tô trát vữa, hai bên xây trụ vuông, trên đầu trụ trang trí hình hoa sen. Mặt trước bình phong trang trí đồ án “Long mã phụ hà đồ” bằng kĩ thuật đắp nổi kết hợp lẳn các mảnh sành sứ. Mặt trong bình phong có xây khám thờ, trán khám thờ được vẽ màu đồ án “Lưỡng long chầu nhật”, hình tượng rồng được thể hiện theo kiểu thức “dây lá hóa long”, hình tượng mặt trời được tạo tác bằng chiếc đĩa sứ trắng vẽ lam, xung quanh đĩa sứ được vẽ hình các cánh hoa; các cạnh của khám thờ được vẽ màu trang trí các đồ án hoa lá, quả lựu, quả bầu hồ lô, quạt ba tiêu và bút lông; bên trong khám thờ đề 2 chữ Hán Nôm: 敬 誠 (Kỉnh thành). Hai cạnh bình phong (đăng đối qua khám thờ) trang trí đồ án dơi theo kiểu thức cách điệu “lá hóa dơi”. Cách bình phong và miếu là khoảnh sân nhỏ.
Miếu cây Dông - Ảnh: Hồng Việt
Ngôi miếu có diện tích khá nhỏ (3m x 3m), kiến trúc kiểu 1 gian 2 chái, có hiên và không gian thờ tự bên trong. Kết cấu chịu lực chính của miếu bằng gạch, tô trát vữa vôi, ciment. Phía trước là hiên có diện tích khá hẹp, được tạo thành bởi 04 trụ (02 trụ biên xây gạch, 02 trụ giữa bằng gỗ tiết diện tròn), hai trụ biên đề cặp câu đối bằng vôi màu: 錦 繡 江 山 萬 物 盛 灵 靈 感 應 ; 金 珠 鉅 玉 千 秋 晋 積 湧 財 源 (Cẩm tú giang sơn vạn vật thịnh linh linh cảm ứng; Kim châu cự ngọc thiên thu tấn tích dũng tài nguyên).
Hệ cửa ngăn cách giữa hiên với không gian thờ tự được làm bằng gỗ, gồm có 04 cánh theo kiểu cửa “thượng song hạ bản”. Tường sau và hai bên được xây tạo thành khám thờ. Hai cạnh tường biên trước khám thờ giữa có cặp câu đối Hán Nôm: 保 佑 百 年 長 富 貴 ; 護 扶 千 載 永 興 隆 (Bảo hựu bách niên trường phú quý; Hộ phù thiên tải vĩnh hưng long); quần bàn trang trí đồ án kiểu chân quỳ; bàn thờ được giật thành 3 cấp, sát tường hậu xây khám thờ, chính giữa đề chữ: 神 (Thần), hai cạnh bên là cặp câu đối Hán Nôm bằng bột màu: 聖 德 巍 峩 畱 萬 古 ; 神 恩 顯 赫 永 千 秋 (Thánh đức nguy nga lưu vạn cổ; Thần ân hiển hách vĩnh thiên thu), diềm trên được chia thành 03 ô hộc trang trí khảm xà cừ, trong đó ô chính giữa trang trí đồ án chùm lựu, ô hộc hai bên trang trí đồ án hoa lá; diềm bao quanh khung khám thờ được trang trí bằng một dải liên hoàn chi tiết hoa lá bằng bột màu. Trán khám thờ được tạo hình gấp khúc, bề mặt khảm xà cừ các đồ án tinh xảo như “Lưỡng long chầu nhật” ở trung tâm, hai góc trang trí đồ án “phụng vũ”, cạnh dưới trang trí đồ án “hoa dây lá”; phần đế khám thờ được vẽ tạo hình chân quỳ. Tường biên bên trái vẽ hình khám thờ dạng vuông, chính giữa đề chữ: 右 班 (Hữu ban), hai góc trên của diềm được trang trí hồi văn gấp khúc, các cạnh còn lại trang trí đồ án thuộc bát bửu. Tường biên bên phải vẽ khám thờ kiểu thức giống bên tường biên trái, chính giữa đề chữ: 左 班 (Tả ban), hai góc trên của diềm được trang trí hồi văn gấp khúc, các cạnh còn lại trang trí đồ án thuộc bát bửu. Trên bàn thờ này bố trí 03 bát hương bằng sứ trắng vẽ lam, trong đó tại vị trí bệ khám thờ 01 bát, cấp thờ dưới 01 bát hương ở vị trí trung tâm, bệ thờ dưới bên phải 01 bát hương và thần vị bằng gỗ khắc chìm dòng chữ Hán Nôm: 威 靈 四 位 龍 海 神 (Uy linh Tứ vị long hải thần). Trên bề mặt đòn tay sát tường giao nhau với hậu tẩm có khắc dòng chữ Hán Nôm nội dung về việc xây dựng miếu:
Nguyên văn: 保 大 七 年 歲 次 壬 申 三 月 十 六 日 未 牌 上 樑 廣 南省 維 川 府 美 溪 總 金 蓬 州 四 政 澫 本 澫 仝 造.
Phiên âm: “Bảo Đại thất niên, tuế thứ Nhâm Thân tam nguyệt thập lục nhật mùi bài thượng lương, Quảng Nam tỉnh, Duy Xuyên phủ, Mỹ Khê tổng, Kim Bồng châu, Tứ chánh vạn bổn vạn đồng tạo”.
Dịch nghĩa: Ngày 16 tháng 3 năm Nhâm Thân (1932), niên hiệu Bảo Đại thứ 7, Tứ chánh vạn thuộc châu Kim Bồng, tổng Mỹ Khê, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cùng tạo lập miếu.
Bên trái, phía sau ngôi miếu khoảng 5m có một khám nhỏ thờ Cô Chín (Đỗ Thị Lành), tuy kích thước nhỏ nhưng nhưng được tạo hình, trang trí nhiều đồ án công phu, đẹp mắt, bên trong khám có bài vị gỗ đề dòng chữ: “Phụng thỉnh Kinh triệu quận Đỗ thị tính chi chánh vị”. Hai cạnh khám thờ đề cặp câu đối Hán Nôm: 萬 古 英 靈 在 ; 千 秋 寳 鼎 香 (Vạn cổ anh linh tại/ Thiên thu bửu đỉnh hương).
Đến nay, mặc dù đã trải qua thời gian tồn tại gần 100 năm nhưng miếu cây Dông (miếu Hòn Dài) vẫn sừng sững trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, trước những “phong ba bão táp” giữa biển cả rộng lớn. Sự hiện hiện của ngôi miếu không chỉ có giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc mà còn phản ánh giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc của bà con ngư dân trong cuộc mưu sinh vất vả, gian truân trên biển cả, niềm tin gửi gắm vào ơn trên gia hộ được bình an trên biển cả, tình nghĩa giữa con người với con người trong cuộc đời vô thường. Với những giá trị độc đáo đó, miếu Cây Dông đã được UBND thành phố Hội An ghi vào Danh mục di tích bảo vệ của thành phố vào năm 2000.