Một số chính sách của triều đình nhà Nguyễn đối với các thuyền buôn người Hoa gặp nạn qua các tài liệu Hán Nôm lưu trữ

Chủ nhật - 11/08/2024 22:19
Do có nguồn tài nguyên phong phú và dồi dạo, lại nằm ở vị trí thuận lợi bên bờ Biển Đông nên từ rất sớm, hoạt động thương mại bằng đường biển của Việt Nam với các nước trong khu vực diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, vào thời kỳ Trung đại, với sự phát triển sôi động của mạng lưới hàng hải quốc tế, nhiều cảng thị thuyền buồm ở Việt Nam được hình thành và phát triển hưng thịnh, trong đó có Hội An. Lúc bấy giờ, Hội An là một trong những cảng thị mậu dịch quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực, thu hút thương thuyền nhiều nước Đông, Tây đến giao thương, trong có không ít thương thuyền Trung Hoa.
     Biển cả mênh mông, mặc dù đem lại lợi thế về giao thương bằng thuyền buồm, song cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, nhất là những lúc bão tố bất ngờ hay va phải đá ngầm,… Chính vì vậy, không ít thương thuyền Trung Hoa bị gặp nạn trôi dạt vào bờ Hội An, Quảng Nam. Đối với những thương thuyền bị nạn nói chung, của người Hoa nói riêng, các chúa Nguyễn cho đến các vua Triều Nguyễn đều có chính sách cứu nạn, cứu trợ phù hợp, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Điều này được phản ánh rõ nét qua những tài liệu Hán Nôm về xã Minh Hương ở Hội An hay trong châu bản triều Nguyễn qua các đời vua từ Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… cũng như trong các bộ sử sách do Nội cát triều Nguyễn hay Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.
Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đề cập đến vấn đề Tuất nạn (cứu giúp khi hoạn nạn) như sau: “Năm Gia Long thứ hai, chuẩn y lời bàn cho các thuyền buôn bị gió hoặc có bị gió bão trôi giạt phá vỡ ván thuyền, hàng hóa mất hết quả là thuyền buôn bị nạn, quan sở tại nên chiếu theo nhân khẩu trong thuyền ấy đều cấp gạo lương mỗi người một phương cho thuyền ấy sinh sống, đợi hôm gió thuận cho tùy tiện đáp theo thuyền buôn về nước. Như vậy để tỏ ý thương xót người buôn bị nạn”.

     Qua các văn bản sưu tầm liên quan đến Hội An cho thấy chúa Nguyễn và triều Nguyễn có nhiều chỉ thị về chính sách đối với thương thuyền bị nạn như: Cứu hộ, cứu nạn những thuyền viên và cho phép cư ngụ tại phố Hội An để chờ có thuyền buôn khác đến có thể theo về cùng, nhưng phải chịu sự quản lý của Bang trưởng ở phố; cấp phương gạo, quần áo sinh hoạt, hàng hóa; trục vớt các thuyền gặp nạn, hay hỗ trợ cung cấp các vật liệu để sửa chữa thuyền,…

     Trong tờ truyền cho viên chức xã Minh Hương vào năm Cảnh Hưng thứ 25 cho biết: “Những tàu gỗ xiêu đến đây, nếu thuyền trưởng có lễ xin đồ ăn, mua đồ ăn, và tạp vật để về Đường thì cho họ, những người đi trong tàu, nếu có đơn xin mua vật hạng chở về Đường thì cho, nếu không có đơn xin thì không cho. Nếu ai mua bán riêng tư thì phải chịu tội”.

 
Lệnh truyền cho xã Minh Hương
Lệnh truyền cho xã Minh Hương giúp đỡ các tàu thuyền gặp nạn vào năm Cảnh Hưng thứ 25
 
     Việc giúp đỡ lo toan hậu sự cho người khách phiêu bạt đến ở tại hội quán: “Thừa truyền tra xét những người phiêu bạt vì sóng gió, nay còn một số tôn nhân vì sóng gió phiêu bạc mới đến ở miếu Hội quán chưa kịp xét ghi bộ. Ngày 19 tháng này sáng sớm người thủ miếu Hương Công là Lý An nương cùng thuyền trưởng đến trình báo rằng: trong đêm có người khách phiêu bạt gió tên là Châu Liên Phụng chết treo trên cây lớn trước sân miếu hội quán. Chúng tôi cùng các chức xã Minh Hương đến thấy sự việc như vậy, y như lệ cũ khách phiêu phong bạt gió mà chết tại hội quán thì do Ngũ bang cùng các thuyền trưởng lo việc chôn cất, không can sự gì đến chúng tôi. Nay sự thể như vậy chúng tôi không dám làm ngơ mà xin đợi lệnh”.

     Trong tài liệu xã Minh Hương có tờ sai của bộ Hiệp đồng truyền cho các xã, ấp Minh Hương trong việc bị mất vật dụng trên tàu: “về việc có tàu buôn của Anh Lê trình về việc: vào đêm 19 có kẻ trộm lấy mất các thứ trên tàu nên xin tra bắt cho kịp, để được tra xét, hiệp truyền cho bổn xã, ấp nào có tên nào bị án tiết thì nội trong ngày gấp đem sách bộ đến trình để tiện việc tra xét bắt hỏi, không được trì trệ”.

     Châu bản triều Nguyễn, tấu của Công đường quan dinh Quảng Nam xin miễn thuế và hỗ trợ lương thực cho thuyền của tàu hộ Trần Thăng Thái xứ Đài Loan đến Hội An buôn bán, vì năm trước không may bị gió lớn trôi dạt đến cửa biển Đại Chiêm, và đã được mong ân cấp cho tiền lương. Năm nay, y chuẩn cho được mua các vật kiện và ban tráp cấp xuống cho quan Cai tàu: “Hễ Trần Thăng Thái đưa tráp cấp trình lên thì nên chiếu theo y các vật kiện và tạp hóa ghi trong tráp mà cho phép Trần Thăng Thái được mua. Hễ Trần Thăng Thái mua bao nhiêu tạp hóa vật kiện cũng như chở bao nhiêu khách quá giang thì phải truyền xuống ghi chép khai báo rõ thực số, nộp cho Công đường quan để kiếm tra có đúng sai thế nào rồi chuyển về Kinh trình cho quan Cai tàu chuyển lên trình tấu. Còn như khi xuất cảng thì chuẩn xá miễn cho các lệ cảng thuế và lãnh lại tráp để về Đường. Ân ban thêm cho tiền lương để chi dùng nhằm tỏ lòng ưu ái”.

     Bản tấu vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) cho biết có thuyền người Thanh chủ thuyền là Trần Cấp ở huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến xin tạm trú tại Hội An và xin chi các khoản hỗ trợ khi thuyền gặp gió bấc, thân thuyền bị hư gãy, chủ thuyền, tài phó không biết trôi đi đâu, hàng hóa đều bị chìm,… nên đồng ý cho đoàn thương khách được trú ngụ tại phố Hội An để chờ khi có thuyền người Thanh thì xin trở về nước: “Để giúp cho 6 người họ tạm thời chi dùng sinh sống nên đã chu cấp mỗi người 1 phương gạo và các phương tiện sinh hoạt tối thiểu, đồng thời đã đề nghị Bang trưởng nhận lãnh quản lý, chờ đợi có thuyền người Thanh đến buôn bán thì cho họ tháp tùng mà về nước… Lại phụng chi tiền cho các quan và mua vật liệu tu bổ trụ cờ, chi tiêu các khoản là 37 quan. Lại chi tiền gạp, sửa thuyền bè, các thứchi tiền là 552 quan, 61 phương gạo….

     Bên cạnh đó, vào năm Tự Đức thứ 10 (1857), công văn của Lãnh đốc Nam Ngãi tâu về việc xin xem xét hỗ trợ các thương nhân người huyện Quỳnh Châu, Quảng Đông, bỗng gặp gió mạnh, sóng lớn thân thuyền bị phá gãy không có khả năng điều khiển, hàng hóa lưu tán, mong nhờ thuyền sở tại của địa phương đến giúp đỡ. Trong châu bản chép rằng: “khi thuyền sở tại đến cứu, thủy thủ có 20 người, 2 thủy thủ bị chết chìm lạc mất xác. Hiện tỉnh đã sức cho dân chúng cứu hộ vớt được bao bì 1 vạn cái, sào 3 cây, áo quần 10 thùng cùng ván gỗ các thứ linh tinh được giữ, các thứ khác đều bị thất lạc, nhiều đồ vật bị nước phá nát khó có thể dùng được. Vì việc khẩn cấp họ xin cứu trợ, nên đã cấp gạo và phương tiện các thứ có sẵn để sinh hoạt. Đồng thời đã có công văn để họ tiện đến Khánh Hòa, Bình Thuận các hạt để tìm thân quyến mượn thêm vật dụng, tiền bạc chi dùng chờ khi về nước, và cũng đã cho người tìm kiếm ven biển nhưng không tìm thấy tử thi. Hiện đã thu thập được các vật hạng giao lại cho chủ thuyền và sao giữ thuyền bài để hồi bẩm. Hiện tại sinh hoạt của 20 người bị nạn gió được cấp cho mỗi người 1 phương gạo, giao cho ban Quảng Đông nhận về phố Hội An quản lý. Hiện cơ quan quản lý cửa biển cũng đang giữ 3 cây sào để sau này sẽ chuyển giao lại. Riêng việc họ có nguyện vọng xin đến Khánh Hòa, Bình Thuận để tìm thân quyến và mượn tiền bạc chờ ngày trở về nước, thiết nghĩ hợp tình nên cấp văn kiện, cấp lương thực, gạo để tạm chi dùng.

     Qua các văn bản trên có thể thấy, chính sách của triều đình nhà Nguyễn cũng như của cá chúa Nguyễn vào các thế kỷ trước đó liên quan đến về việc cứu hộ, cứu nạn các thương thuyền, giúp đỡ thuyền viên không chỉ thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, tương thân tương ái trong quan hê ứng xử của con người mà qua đó góp phần tạo lập nên môi trường thương nghiệp thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế khu vực nói chung, tại Hội An nói riêng.

 

Tác giả: Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây