Giá trị và vai trò của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Nghề đan võng ngô đồng

Chủ nhật - 11/08/2024 23:24
Cù Lao Chàm là một cụm đảo nằm cách bờ biển Hội An 15km, có tổng diện tích đất tự nhiên là 15,2km² chiếm 1/4 tổng diện tích của Hội An. Cư dân Cù Lao Chàm nổi tiếng với nghề đan võng ngô đồng có lịch sử từ trăm năm trước. Ngày 21/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 381/BVHTTDL công nhận nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng khẳng định giá trị nghề đan võng đặc trưng của xứ đảo này.
     Giá trị lịch sử - văn hóa

     Đã nhiều thế kỷ trôi qua, nghề đan võng ngô đồng vẫn tồn tại và phát triển ở Cù Lao Chàm. Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần, chiếc võng ngô đồng còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Cù Lao Chàm, trong đó, gắn bó, ẩn chứa những tâm tư, tình cảm của người dân xứ đảo. Sản phẩm của nghề là kết quả của quá trình lao động và sáng tạo liên tục của cư dân nơi đây. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài, những chiếc võng ngô đồng truyền thống đã trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của đảo Cù Lao Chàm, là một thành tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cư dân địa phương. Những thế hệ cư dân trên đảo, dẫu qua bao khó khăn thăng trầm, vẫn truyền nhau “ngọn lửa nghề” của cha ông để lại. Đây không chỉ là gạch nối giữa con người với con người, giữa truyền thống và hiện đại mà còn là cơ sở cho sự tiếp tục gắn bó của cộng đồng cư dân sinh sống trên mảnh đất này.

     Sản phẩm nghề đan võng ngô đồng truyền thống của cư dân Cù Lao Chàm là một dạng thức văn hóa dân gian, hàm chứa nhiều thông tin, vì vậy thông qua sản phẩm làng nghề, chúng ta có thể hiểu phần nào nếp sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Từ đó, cho thấy rằng, từ xa xưa cư dân Cù Lao Chàm đã biết sử dụng những nguyên liệu từ cây rừng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Chính vì vậy, nghề đan võng ngô đồng đã góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây.

 
vong ng
Bà Lê Thị Kề trong Hội thi sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ TP.Hội An năm 2023
 
     Nghề đan võng ngô đồng là một nghề thủ công truyền thống hàm chứa nhiều công đoạn, kỹ thuật phức tạp nhưng mang đậm tính dân gian, thủ công, tạo nên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng ở vùng biển đảo Cù Lao Chàm. Và hơn hết những kinh nghiệm, kỹ thuật được xem là những tri thức dân gian đã được cộng đồng cư dân tích lũy và gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác, góp phần làm phong phú, đa dạng loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Cù Lao Chàm nói riêng, Hội An - Quảng Nam nói chung. Với bàn tay khéo léo và tài tình, sự cần cù, sáng tạo trong lao động, những thợ thủ công tại địa phương đã tạo ra những chiếc võng tinh tế, thẩm mỹ. Chính vì vậy, sản phẩm võng ngô đồng hôm nay không còn là hàng thủ công với nghĩa thông thường mà là những tác phẩm nghệ thuật, có giá trị văn hóa kết tinh ở trong đó.

     Giá trị kinh tế

     Với những chỉ số thống kê ban đầu qua khảo sát thì mỗi người thực hành nghề hàng năm tiêu thụ trung bình khoảng từ 4 – 6 cái võng, thu nhập khoảng 26 – 42 triệu đồng. Với khoản thu này góp phần làm tăng thu nhập của những người phụ nữ cao tuổi và làm việc kết hợp nhiều công việc như nội trợ, đan võng ngô đồng, hái lá lao, hái rau rừng...

     Ngoài tạo thu nhập cá nhân, những người đan võng ngô đồng đang góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân gian gắn với du lịch, tạo nên một sản phẩm du lịch mới có nhiều giá trị kinh tế trong tương lai nếu được bảo tồn, phát huy phù hợp.

     Đồng thời để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, những người thợ đan võng ngô đồng đang làm ra những sản phẩm mẫu mã mới, phong phú, nhiều chủng loại phù hợp với nhu cầu sử dụng như: túi xách, giỏ đựng bình nước,... Bên cạnh đó, làm các mặt hàng lưu niệm để bán cho khách du lịch. Từ đó, những người thợ đan võng ngô đồng có thu nhập đảm bảo cuộc sống và họ cũng gắn bó với nghề hơn.

     Nghề đan võng ngô đồng gắn liền với phong tục tập quán xã hội của con người nơi đây. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với quảng bá, giới thiệu nghề đan võng ngô đồng trong thời gian gần đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp. Phát triển du lịch văn hóa, trong đó có hoạt động trải nghiệm nghề đan võng ngô đồng đem lại nguồn lợi cho địa phương, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc, giải quyết công ăn việc làm cho những lao động tại chỗ và cải thiện đời sống người dân.

     Vai trò của Di sản đối với đời sống cộng đồng hiện nay

     Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, địa thế rừng núi và biển, thiên nhiên ưu đãi, người dân Cù Lao Chàm đã tận dụng ưu thế của rừng và biển để sinh tồn và phát triển. Trong cộng đồng, nghề đan võng ngô đồng được truyền từ đời này sang đời khác, với sự phân chia trách nhiệm, công việc rõ ràng trong từng khâu của quá trình làm võng như đàn ông, thanh niên thì đốn cây lấy sợi, đàn bà xe sợi, đan võng, cho thấy công việc được chia sẻ cho từng thành viên phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và hơn hết tạo sự liên kết với các thành viên, tính kế thừa và tiếp cận nghề truyền thống đảm bảo sự trao truyền nghề, tạo dựng niềm đam mê, gắn bó với nghề của các thế hệ trong gia đình nói riêng, cộng đồng làng nghề nói chung. Chính vì vậy, nghề đan võng ngô đồng đã góp phần minh chứng cho truyền thống văn hóa biển – đảo Cù Lao Chàm.

     Có thể nói nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm là nghề truyền thống đặc trưng của địa phương nói riêng, của dân tộc nói chung. Với nguyên liệu từ núi rừng, qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ, từng sợi ngô đồng được đan vào chính xác, cân đối đến không ngờ, cho ra sản phẩm cuối cùng đạt độ tinh xảo và hoàn thiện. Vì vậy, những tri thức dân gian trong việc khai thác nguyên liệu và đan võng ngô đồng là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự tồn tại của nghề truyền thống này ở Cù Lao Chàm, duy trì bền vững di sản văn hóa của tiền nhân để lại. Do đó,đây là một nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng đối với đời sống cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm nói riêng.

     Với những giá trị mang lại từ nghề đan võng ngô đồng của cư dân Cù Lao Chàm không chỉ góp phần tạo thu nhập cho những người thực hành nghề mà còn góp phần tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa biển đảo Cù Lao Chàm. Đặc biệt, bên cạnh việc đan võng ngô đồng, trong thời gian gần đây, Hợp tác xã du lịch làng nghề truyền thống Cù Lao Chàm đã tổ chức tour du lịch tham quan trải nghiệm “Điểm trải nghiệm đan võng ngô đồng” góp phần khai thác, quảng bá giá trị của nghề và làm phong phú thêm các loại hình du lịch của xã đảo nói riêng, của Hội An nói chung.

     Trải qua hàng trăm năm, dù có nhiều thay đổi và ap lực, nhưng ngọn "lửa nghề" vẫn cháy từ đời này qua đời khác, những kinh nghiệm, tập tục truyền thống trong việc khai thác, bảo vệ cây ngô đồng, kỹ thuật, tri thức dân gian trong việc đan võng… đã và đang được bảo tồn và tiếp diễn, như gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, càng khẳng định giá trị và vai trò của nghề đan võng ngô đồng trong đời sống xã hội hiện nay.

Tác giả: Khánh Vân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây