Các ngôi mộ táng xưa trên địa bàn xã Cẩm Hà

Thứ hai - 01/07/2024 05:34
Xã Cẩm Hà là một trong những địa phương mang đậm yếu tố văn hóa cồn bàu ở Hội An. Một trong những yếu tố làm nên đặc trưng đó là sự hiện diện của nhiều ngôi mộ táng xưa, đa phần là những ngôi mộ vôi hợp chất với nhiều mốc niên đại, thành phần chủ nhân và hình thức kiến trúc phong phú, đa dạng, phân bố chủ yếu ở khu vực thôn Đồng Nà, Trảng Suối và Bàu Ốc.
mo tang
Mộ ông họ Trần, bà họ Nguyễn ở thôn Trảng Suối - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      Đây là nguồn cung cấp nhiều thông tin có giá trị nghiên cứu, bảo tồn về lĩnh vực di sản văn hóa ở Hội An. Hiện nay với quá trình phát triển đô thị hóa, các công trình công cộng hoặc dân dụng đã và đang xâm lấn các khu vực có sự hiện diện của các ngôi mộ này. Nhiều ngôi mộ hiện nằm lẻ loi ven đường hoặc bên trong vườn nhà dân. Một số ngôi mộ đã bị di dời đi nơi khác, nhường chỗ cho những ngôi nhà hiện đại (khu dân cư). Hầu hết mộ trong tình trạng xuống cấp nặng hoặc hư hoại nghiêm trọng bởi thời gian tồn tại quá lâu, không còn thân nhân chăm nom hương khói, bị cây cối xâm thực, đất cát vùi lấp, nhiều mộ chỉ còn lại mỗi bia đá. Việc khảo sát, làm tư liệu để tạo cơ sở dữ liệu lưu trữ phục vụ công tác nghiên cứu; đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn những ngôi mộ có giá trị cao bằng những hình thức phù hợp trên địa bàn xã là cấp thiết.

      Vì thế, trong thời gian qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa đã tiến hành khảo sát, làm tư liệu các ngôi mộ này (tổng cộng 46 mộ) có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật (không thuộc Danh mục di tích lịch sử - văn hóa của Thành phố). Khá nhiều mộ nằm khuất hoàn toàn trong bụi rậm, phải thực hiện phát quang mới có thể khảo sát được một phần của ngôi mộ. Có 19/46 ngôi mộ không thể xác định được kiểu dáng cụ thể do bị hư hoại rất nghiêm trọng, chỉ còn bia đá và bao bia/nhà bia, hoặc mộ đã được di dời (chỉ còn văn bia) hay đã bị cải tạo, kiến trúc có phần chắp vá. Qua so sánh, đối chiếu nội dung thông tin trên văn bia, kiến trúc mộ, xin có một số nhận định như sau:

      1. Về địa thế, địa hình an táng, hướng mộ

      Người xưa có câu “thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần”, ngôi mộ (nơi yên nghỉ) dành cho người đã khuất cũng quan trọng không kém ngôi nhà dành cho người đang sống, do đó, việc xây cất một ngôi mộ cũng được thực hiện hết sức thận trọng, chỉn chu như việc xây cất một ngôi nhà, việc lựa chọn vị trí an táng người quá cố là rất quan trọng. Qua khảo sát, có thể thấy việc lựa chọn vị trí an táng người quá cố ở xã Cẩm Hà cũng tương tự các địa phương khác ở Hội An. Phần lớn các ngôi mộ cổ này nằm trong các khu vực trước đây từng là nghĩa địa, xa khu dân cư, một số ít nằm gần kề các ngôi cổ tự là Phước Lâm, Vạn Đức. Các ngôi mộ hầu hết được an táng trên những gò đất cao ráo, bằng phẳng, hướng đầu mộ đa số gối vào gò đất, chân đạp ra vùng đất thấp, đồng ruộng trũng, kênh mương… theo phương thức phong thủy truyền thống “chẩm hậu án tiền”. Có thể nói đây là quan niệm chung của người dân Hội An trong việc chọn “long mạch” để an táng những người quá cố[1]. Các ngôi mộ được xây theo nhiều hướng khác nhau, tùy theo địa thế khu đất, và có thể tùy theo sự lựa chọn phù hợp về phong thủy, tín ngưỡng liên quan đến người quá cố. Hiện nay, do quá trình đô thị hóa cũng như canh tác nông nghiệp của người dân, cảnh quan có ít nhiều thay đổi so với trước đây, tuy nhiên, địa hình khu vực vẫn còn thể hiện khá rõ ý đồ lựa chọn vị trí an táng đảm bảo yếu tố phong thủy của người xưa.

      2. Về chủ nhân ngôi mộ

      Hầu hết là những ngôi mộ của người Việt, người Hoa Ngũ Bang và người làng Minh Hương. Dựa vào quy mô của những ngôi mộ này, có thể suy đoán chủ nhân là những người có điều kiện kinh tế khá giả lúc bấy giờ. Đa số là mộ của thường dân, ngoài ra còn có một số ngôi mộ của các quan chức, như: Mộ của ông họ Lê được sắc tặng Hàn Lâm viện Thị giảng (thôn Đồng Nà), một số quan chức thấp và các chức sắc của làng như: mộ ông Cửu phẩm họ Lâm (thôn Trảng Suối), mộ ông Hương trưởng họ Trương (thôn Bàu Ốc); hoặc thân thích (vợ) của các quan chức như: Mộ bà họ Mai thụy Đoan Cẩn, chánh thất Phó bảng Hồng lô tự khanh họ Nguyễn (thôn Đồng Nà), mộ bà Vương An, là kế thất của Tri phủ phủ Quảng Ninh họ Nguyễn hiệu Vận Điền (thôn Bàu Ốc), mộ bà họ Châu vợ ông Thủy quân Chánh quản họ Lê (thôn Trảng Suối)

      Một số bia mộ có khắc dòng quê quán người quá cố, như: Bình Hòa, Phổ Ấp, Hầu Giang, Tấn Ấp, Chiếu An.

      3. Về niên đại

      Phần lớn các ngôi mộ ghi niên đại được tạo lập (căn cứ theo nội dung bia mộ) trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, nhiều bia mộ chỉ ghi năm can chi trên thượng khoản, không có niên hiệu triều đại nên khó xác định được chính xác niên đại tạo lập mộ (lập bia), chỉ có thể dựa vào dấu vết kiến trúc hiện tồn mà tạm đoán niên đại tương đối. Ngôi mộ có niên đại sớm nhất mà chúng tôi ghi nhận được là năm Canh Tí, Minh Mạng thứ 21 (tức năm 1840), thuộc về mộ ông họ Lô hiệu Thiên Cát ở thôn Bàu Ốc. Được biết, ngôi mộ này trước đây từng có quy mô rất đồ sộ, xây bằng vữa vôi, không có thân nhân chăm sóc, hương khói, sau được người dân di dời đến vị trí hiện tại để dựng nhà mới, hiện chỉ còn bia đá. Một ngôi mộ khác có niên đại muộn hơn một chút, Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843), thuộc về mộ bà họ Lê ở thôn Đồng Nà (tên gọi trong dân gian là Mả 3 Xóm) có quy mô khá lớn, các hạng mục kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn. Ngôi mộ có niên đại muộn nhất (năm 1964) mà chúng tôi chọn khảo sát là mộ ông Châu Phi Cơ, một người nổi tiếng tài hoa, hay chữ đã từng sinh sống trong Khu phố cổ trước đây; ngôi mộ được cải táng vào năm 2002.

      4. Về loại hình, quy mô kiến trúc

      Hầu hết là mộ đơn táng. Có 04/46 mộ đã khảo sát là mộ đôi (song táng), thường là mộ của cặp vợ chồng, tuy nhiên có một ngôi mộ chôn cất hai bà (là mộ bà họ Dương và bà họ Thường ở thôn Trảng Suối). Đặc biệt, có một ngôi mộ tập thể của người Hoa được tạo lập năm 1939[2]

      Các ngôi mộ này (đối với các ngôi mộ còn tương đối đầy đủ các thành phần kiến trúc) có quy mô từ vừa đến lớn. Mộ đôi thường có quy mô lớn hơn mộ đơn. Các ngôi mộ có quy mô lớn thường là mộ của người Hoa. Mộ của người Việt thì quy mô có phần khiêm tốn hơn.

      Thông thường một ngôi mộ táng xưa thường sẽ có các hạng mục cơ bản sau: nấm mộ, bia mộ (+ bao bia/nhà bia), quynh bao/thành bao quanh nấm mộ, tay ngai ở phía trước. Hầu hết được xây bằng vữa vôi hợp chất (vôi ghè), gạch. Một số ít mộ có nấm mộ, nhà bia được làm bằng đá. Nấm mộ đa số được làm theo kiểu hình yên ngựa, hình hộp chữ nhật, một số nấm có dạng hình bầu dục, hình bán noãn. Vài ngôi mộ có nấm được đắp lại bằng đất hình bát úp (có thể trước đây có nấm xây bằng vôi gạch, nay không còn). Nhiều ngôi mộ có nấm bị hư hại hoàn toàn hoặc cây cối xâm thực nghiêm trọng, chúng tôi không thể xác định được hình dáng cụ thể.

      Một số ngôi mộ có các hạng mục kiến trúc bị mất, hư hoại một phần hoặc chỉ còn ít dấu vết, tuy nhiên, dựa vào tính chất đăng đối của kiến trúc mộ táng, phần nào có thể hình dung được kiến trúc ban đầu của ngôi mộ. Qua khảo sát những ngôi mộ với các hạng mục cấu thành còn (dấu vết) tương đối hoàn chỉnh, chúng tôi nhận thấy có hai kiểu mặt bằng phổ biến nhất là:

      - Nấm mộ có mặt bằng hình yên ngựa, bao quanh là quynh (có thể là một hoặc hai lớp) cũng có dạng hình yên ngựa, xây thấp dần từ đầu mộ về chân mộ. Tay ngai bắt đầu từ khối trôn ốc của quynh, vươn ra phía trước và mở rộng về hai bên. Tay ngai có thể có một cấp hoặc chia thành nhiều cấp, thấp dần về phía trước.

      Quynh thường gồm một mảng lớn và một gờ nhỏ ở phía trong. Phần cuối của quynh được uốn cong, xây cuốn tròn hình trôn ốc bao bọc hai bên bao bia. Hai khối xoắn ốc có hướng xoắn ngược nhau. Giữa quynh và nấm mộ có một rãnh thấp để phân tách hình khối, đồng thời để thoát nước mưa. Giữa quynh ngoài (nếu mộ có nhiều hơn một lớp quynh) và quynh trong cũng có rãnh thoát nước tạo dốc xuôi về phía trước, hình dạng tương tự quynh trong.

      Tay ngai nằm phía trước quynh, thấp hơn, mở rộng ra hai bên. Hình thức tay ngai tương đối đa dạng. Một số mộ có tay ngai là các đường gãy khúc vuông góc chữ L, một số mộ khác có tay ngai là những đường uốn cong mềm mại. Đoạn cuối tay ngai thường được tạo hình cuộn xoáy trôn ốc hoặc xoáy hình thoi. Số ít mộ có mặt trên tay ngai đắp vữa trang trí họa tiết cuộn mây, dơi, sóng nước…

      - Nấm mộ có mặt bằng hình hộp chữ nhật, bao quanh là thành bao (thường là một lớp tường thành, số ít mộ có hai lớp tường thành) cũng có dạng mặt bằng chữ nhật nhưng vát chéo nhẹ ở 4 góc (tạo hình bát giác không đều cạnh).

 
mo
Mộ bà họ Lê (mả 3 xóm) thôn Đồng Nà. Ảnh: Hoàng Phúc

      Chính giữa, phía trước là hai trụ biểu có tiết diện tròn hoặc vuông với kích thước khá lớn, giữa hai trụ không xây nhằm tạo lối vào viếng mộ. Mở rộng ra hai bên có hai trụ biểu (có thể giống hình thức trụ chính) với kích thước tương đương hoặc nhỏ hơn một chút. Liên kết các trụ biểu ở mỗi bên là tường xây. Tường thành phía sau (thường) xây cao, tạo bình phong hậu. Mặt trên hai góc giao giữa thành bao và bình phong hậu đắp nổi hình đầu thú (rồng?) chầu vào bình phong (phần thân thú chạy dọc theo tường bao).

      Tay ngai là những mảng tường xây bắt đầu từ tường ngang phía trước của thành bao, xây giật nhiều cấp vươn ra phía trước và mở rộng về hai bên. Tay ngai cũng có thể có trụ biểu, tạo hình có phần thô cứng hơn so với kiểu mộ có nấm, quynh hình yên ngựa.

      Trong hai kiểu mộ này, kiểu mộ có mặt bằng (hoặc còn dấu vết) nấm, quynh hình yên ngựa chiếm số lượng đáng kể nhất, với 18/46 ngôi mộ được khảo sát. Niên đại các ngôi mộ này trải dài từ khoảng giữa thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX, tuy vậy, hình thức kiến trúc của chúng lại không có quá nhiều khác biệt. Cá biệt có mộ ông họ Nguyễn, thụy Minh Viễn ở thôn Đồng Nà có nấm mộ hình hộp chữ nhật, bao quanh lại là quynh hình yên ngựa. Thực tế, trên địa bàn xã Cẩm Hà còn có một số ngôi mộ có mặt bằng hình yên ngựa khác (niên đại muộn hơn) nhưng chúng tôi chưa khảo sát hiện trạng, đưa vào thống kê. Có thể nhận định rằng kiểu mộ có nấm, quynh hình yên ngựa được sử dụng phổ biến hơn.

      Mộ có thành bao hình chữ nhật chiếm số lượng khiêm tốn hơn: 09/46 mộ đã khảo sát, nấm có thể có dạng hình hộp chữ nhật hoặc hình bán noãn. Bình phong hậu ở các ngôi mộ kiểu này thường có kiểu dáng đơn giản, đắp vữa tạo kiểu cuốn thư. Chúng tôi không tìm thấy nhiều chi tiết đắp vẽ trang trí ở bình phong hậu, có thể trước đây có nhưng nay không còn do bị bong mờ hoàn toàn, hoặc đã bị hư hoại. Duy nhất một ngôi mộ có gắn bia ký, trang trí khá đặc sắc ở bình phong hậu là mộ ông Cửu phẩm họ Lâm hiệu Đa Văn ở thôn Trảng Suối.

      Đặc điểm chung của cả hai kiểu mộ này là thường xây thấp, các hạng mục kiến trúc dàn trải trên mặt bằng, tay ngai gồm nhiều cấp vươn rộng ra hai bên tạo thành khoảng sân phía trước mộ. Với mộ có nấm, tường thành hình hộp chữ nhật thì thường có quy mô lớn hơn một chút so với mộ có quynh bao hình yên ngựa. Mộ đơn táng hay mộ song táng đều có thể sử dụng hai kiểu thức kiến trúc nêu trên. So sánh địa hình an táng hai kiểu mộ thì lại có chút khác biệt. Mộ có thành bao hình chữ nhật thường tọa lạc trên khu đất khá bằng phẳng. Mộ có quynh bao hình yên ngựa thì thế đất cao thấp rất rõ rệt, luôn có một độ chênh cao nhất định giữa phần đầu mộ và phần chân mộ, thường tọa lạc tại triền của các gò đất.

      Trong 46 ngôi mộ đã khảo sát, chỉ có duy nhất một ngôi mộ có bình phong tiền (là hạng mục kiến trúc độc lập, không liên kết với thành bao), đó là mộ ông họ Lê được sắc tặng Hàm Lâm viện Thị giảng (thôn Đồng Nà).

      5. Về văn bia

      Bia của những ngôi mộ này được làm bằng cẩm thạch (33/46 mộ) và sa thạch (13/46 mộ). Bia đa số có dạng hình chữ nhật, được vát xéo hoặc bo tròn nhẹ ở cạnh trên. Nội dung được khắc bằng chữ Hán, ghi quê quán, thông tin người được an táng, niên đại lập bia và người lập bia. Bia thường đặt ở phía trước (chân mộ), chỉ có 02 mộ đặt bia ở phía sau (phía đầu mộ). Duy nhất 01 ngôi mộ có bia ký ghi chép thân thế, sự nghiệp của người quá cố (mộ ông Cửu phẩm họ Lâm). Hình thức bia khá đa dạng: không có diềm bia (15/46 mộ); có diềm bia nhưng chỉ có các đường gờ chỉ chạy song song, không có chạm trổ hoa văn trang trí (11/46 mộ); có diềm bia và có chạm trổ họa tiết trang trí (20/46 mộ, trong số này có một văn bia chạm câu đối chữ Hán thay cho đồ án trang trí, đó là trường hợp mộ ông Diệp Ngộ Xuân ở thôn Đồng Nà). Chỉ một ngôi mộ có bia Hậu thổ để thờ Thần là mộ ông Bang trưởng Triều Châu họ Trần ở thôn Trảng Suối, đặt phía đầu mộ.

      Với các ngôi mộ có diềm bia và chạm trổ, có thể nói đây là những bia mộ được trang trí rất đặc sắc nếu so sánh với các ngôi mộ táng xưa tại các địa phương khác ở Hội An. Có thể kể đến: mộ bà họ Lê (mả 3 xóm), mộ bà họ Thái vợ ông Tạ Hiệp Ký, mộ bà họ Võ hiệu Nghi Phạm vợ ông Lưu Thúc Huệ, mộ bà họ Dương và bà họ Thường… Một số bia có diềm tạo kiểu cuốn thư, hai bên có tai bia (dạng tam sơn). Đặc biệt, mặt sau bia mộ ông Cửu phẩm họ Lâm còn được chạm bài thơ. Họa tiết trang trí diềm bia rất phong phú, là các loại hoa văn truyền thống phổ biến, mang ý nghĩa cát tường như: lưỡng long (dây lá hóa rồng) triều dương, dơi, hoa dây, hồi văn, ô da quy, hoa sen, hoa cúc dây, quả đào, Phật thủ… hoặc ít phổ biến hơn như chim hạc ngậm dải lụa + khánh, hổ phù ngậm chữ (Thọ), chim phượng ngậm quả đào… Số ít bia mộ không có diềm đế, thay vào đó là trang trí đỉnh hương đặt trên lá bối, hoặc bộ tam sự. 

      Bia đặt trên bệ xây bằng gạch vữa hoặc bằng đá. Với bệ bia bằng đá, mặt trước thường có chạm trổ đơn giản kiểu chân quỳ, hoặc trang trí rất cầu kỳ, tinh xảo với đồ án sư tử hí tiền, lý ngư hóa long… Ở nhiều ngôi mộ, phần bệ đặt bia bị vùi lấp, chúng tôi không thể khảo sát được. 

      Các ngôi mộ táng xưa trên địa bàn xã Cẩm Hà là nguồn tư liệu giúp chúng ta hiểu hơn về kiến trúc mộ táng xưa, về tập quán tang ma - tống táng của cư dân Hội An trước đây; đồng thời cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Hội An nói chung.

Tài liệu trích dẫn: 
[1] Dẫn theo Tống Quốc Hưng (2003), đề tài: Điều tra, nghiên cứu bước đầu về các mộ cổ ở Hội An, Tư liệu lưu trữ Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[2] Văn bia đề cập đến vụ chìm tàu năm Mậu Dần (có thể là năm 1938). Dựa vào một bài báo tìm được trên internet, chúng tôi đối sánh thông tin liên quan, xác định niên đại tạo lập mộ (Kỷ Mão) là năm 1939. Nguồn tham khảo: http://baochi.nlv.gov.vn
Điễn tín, Số 1164, 10 Tháng Mười Hai 1938 - Vì trận bão lở ở Quảng Nam, một chiếc tàu buồm của khách Hải Nam đắm, 6 người chết.
Hôm vừa rồi một chiếc tàu buồm của khách Hải Nam chở hàng hóa chạy qua Trung kỳ buôn bán.
Đang lúc thuận buồm xuôi gió bỗng gặp một trận bão lớn, sóng đánh mạnh quá làm cho chiếc tàu phải đắm và trôi vào cửa biển thuộc địa phận làng Tân An.
Nghe đâu trên tàu đi cả thảy có 12 người thì còn sống sót được 6 người lần hồi vào các làng xin ăn. Nhà chuyên trách ở Faifoo được tin có đến nơi điều tra và thu hồi mấy khẩu súng để ở trong tàu, còn những người sống được đưa ra Faifoo nhờ Hoa kiều ở đấy giúp đỡ. 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây