Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dưới nước ở Hội An

Thứ hai - 10/06/2024 03:52
     Theo Công ước 2001 của UNESCO, di sản văn hóa dưới nước “có nghĩa là tất cả các dấu vết của sự tồn tại của nhân loại mang tính văn hóa, lịch sử hoặc khảo cổ nằm một phần hoặc hoàn toàn dưới nước, theo chu kỳ hoặc liên tục, trong ít nhất 100 năm”. Đây là “một bộ phận mật thiết của di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với lịch sử các dân tộc, quốc gia, và các mối quan hệ liên quan tới kho tàng di sản chung”. Nghị định 86 năm 2005 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước định nghĩa, di sản văn hóa dưới nước “là di sản văn hóa vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng”.

     Hội An là thành phố nằm ở cửa sông - ven biển tỉnh Quảng Nam. Mặc dù có diện tích tự nhiên không lớn nhưng Hội An lại sở hữu hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể da dạng, phong phú và cũng vô cùng đặc sắc, trong đó Khu phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999, có 27 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 08 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 
trng bay
Phòng trưng bày "Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm" - Ảnh: Hồng Việt
 
     Có thể thấy, bên cạnh hệ thống di sản văn hóa hiện diện trên mặt đất và nằm dưới lòng đất đã được ghi nhận, nghiên cứu, quản lý, xếp hạng, phát huy giá trị, Hội An còn có tiềm năng dồi dào về di sản văn hóa dưới nước. Trước hết là do Hội An nằm ở vị trí địa lý là vùng cửa sông - ven biển, nơi tụ hội - hợp lưu của các nguồn/hệ thống sông lớn của xứ Quảng trước khi đổ ra biển qua Cửa Đại, địa hình địa mạo chằng chịt sông hói, mương lạch, đầm, hồ… Hội An lại có đường bờ biển dài hơn 7km và ngoài khơi là cụm đảo Cù Lao Chàm được bao quanh bởi vùng biển rộng lớn. Thêm nữa, điều đặc biệt quan trọng đó là Hội An có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, đời sống văn hóa - kinh tế của cộng đồng cư dân gắn liền với môi trường sông - biển. Từ thời Tiền - Sơ sử, Hội An đã là một cảng thị sơ khai; đến thời kỳ Champa, nhất là thế kỷ 9 - 10, Hội An là điểm dừng chân trên con đường hàng hải quốc tế từ Trung Hoa đến Trung Cận Đông, là cửa ngỏ giao thương quan trọng của vương quốc Champa mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nơi đây có lẽ chính là Lâm Ấp phố được ghi chép trong sử liệu; đặc biệt, dưới thời Đại Việt từ thế kỷ 16 - 18, Hội An là Đô thị thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực, hoạt động buôn bán nội ngoại thương bằng thuyền buồm diễn ra sôi động. Tuy vậy, hoạt động buôn bán không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là bão tố trong điều kiện kỹ thuật hàng hải còn hạn chế làm cho không chỉ ghe thuyền đánh bắt thủy hải sản mà còn không ít thương thuyền đầy ắp hàng hóa bị hư hại chìm đắm ở trong sông, ngoài biển ở Hội An. Điều này từng được ghi chép trong sử liệu triều Nguyễn và trong ghi chép của nhiều tác giả nước ngoài. Ngoài ra là do sự biến đổi dòng chảy sông biển và thủy triều, nhất là mỗi khi lũ lụt đã làm cho không ít khu vực cư trú, công trình kiến trúc, hiện vật tại Hội An và khu vực lân cận dọc các con sông bị sạt lở, trôi chìm xuống sông, trầm tích về vùng Cửa Đại; nhiều khu vực dân cư ven biển cũng bị sạt lở nhấn chìm xuống biển.

     Thực tế, từ thập niên 80 thế kỷ 20 đến nay, nhiều di vật, di tích liên quan đến di sản văn hóa dưới nước đã được phát hiện, khai quật, nghiên cứu và trưng bày phát huy tại các bảo tàng chuyên đề ở Hội An. Đó là long cốt ghe, lô và bánh lái ghe, mỏ neo, súng thần công, đồ gốm sứ, cọc cừ/kè gia cố bờ sông bến cảng, tàu đắm cổ,...

     Qua việc phát hiện và cào vớt đồ gốm sứ của ngư dân, từ năm 1997 - 1999, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng đối tác nước ngoài phối hợp với tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An tổ chức thám sát và khai quật, nghiên cứu tàu đắm cổ Cù Lao Chàm. Kết quả đã thu thập được khối lượng hiện vật đồ sộ với 240.000 đơn vị bao gồm đồ gốm men (chủ yếu là gốm Chu Đậu với 18 loại hình chính và hơn 100 loại hình phụ như: Đĩa, bát, chén, cốc, tước, liễn, chậu, bình, kendi, ấm trà, hộp, các loại tượng,…), đồ sành, đồ kim loại, đồ gỗ, đồ đá và di cốt người… Qua cuộc khai quật này đã góp phần nhận thức sâu sắc thêm về đồ gốm men Việt Nam thế kỷ 15, đặc biệt là đồ gốm Chu Đậu và vai trò, vị trí của Việt Nam trong con đường hàng hải quốc tế thời Trung đại. Sau này, việc khai quật tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm tiếp tục được Bảo tàng Quảng Nam và Công ty Đoàn Ánh Dương thực hiện. Bên cạnh đó, năm 2016 Viện Khảo cổ học cũng tổ chức tập huấn thám sát khảo cổ học dưới nước bằng hình thức viễn thám tại Cù Lao Chàm và ghi nhận nhiều thông tin thú vị về di sản văn hóa dưới nước ở đây.

     Cuối năm 2023, xác của một con thuyền khá lớn cũng xuất lộ ở vùng bờ biển Thịnh Mỹ phường Cẩm An - Hội An. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã phối hợp với cơ quan chuyên môn Trung ương khảo sát lấy mẫu xét nghiệm xác định niên đại, chất liệu gỗ để có phương án nghiên cứu, bảo tồn phù hợp.

     Công tác vận động nhân dân bảo vệ, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng liên quan đến di sản văn hóa dưới nước được chú trọng thường xuyên. Mới đây, một số bà con nhân dân ở Cẩm An đã hiến tặng cho bảo tàng Hội An 18 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến di sản văn hóa dưới nước mà ngư dân vớt được ở vùng biển địa phương như đĩa, bát, mỏ neo, bánh lái, chì lưới, thân hộp.

     Hiện nay, hầu hết các di vật liên quan đến di sản văn hóa dưới nước mà Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sưu tầm đều được bảo quản, trưng bày phát huy giá trị tại các bảo tàng chuyên đề ở Hội An như Bảo tàng Hội An, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Dân gian.

 
ghe
Long cốt, lô ghe, mỏ neo được trưng bày tại Bảo tàng Hội An - Ảnh: Hồng Việt
 
     Đặc biệt năm 2022, Trung tâm đã thiết lập phòng trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Hội An với chủ đề “Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm”. Phòng trưng bày đã giới thiệu 120 hiện vật gốm thuộc nhiều loại hình với hoa văn trang trí đa dạng, đặc sắc khai quật được tại tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, tạo thêm điểm nhấn, sức hấp dẫn của bảo tàng đối với du khách, đồng thời khẳng định tầm quan trọng Cù Lao Chàm - Hội An trên con đường gốm sứ trên biển trong quá khứ.

     Có thể thấy, đến nay, những di vật, di tích liên quan đến di sản văn hóa dưới nước ở Hội An được phát hiện, nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng vốn có của vùng đất đô thị thương cảng này. Trong tương lai, Hội An cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương và quốc tế để tiến hành kiểm kê, nhận diện tổng thể di sản văn hóa dưới của địa phương, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực để có thể sớm hình thành Bảo tàng Thương thuyền ấp ủ lâu nay.

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây