Thông tin về di tích giếng Đùi ở Cẩm Thanh

Thứ sáu - 17/05/2024 04:20
     Thanh Châu là một trong những làng/xã được hình thành từ khá sớm ở Hội An (khoảng đầu thế kỷ XVII) với các tộc tiền hiền Trần, Hồ, Lê, Nguyễn, Phạm, Huỳnh[1]. Theo địa bạ xã Thanh Châu được lập năm Gia Long thứ 14 (năm 1815) cho biết xã Thanh Châu thuộc tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn[2]. Đến cuối thế kỷ XIX, xã Thanh Châu được chia thành các làng Thanh Đông, Thanh Nam, Thanh Tây. Do diện tích làng Thanh Đông khá rộng lớn nên đến đầu thế kỷ XX, làng Thanh Đông tiếp tục được chia thành các làng Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn[3]. Trà Quân là một trong những ấp thuộc làng Thanh Đông, là nơi có nhiều công trình văn hóa, thiết chế tín ngưỡng quan trọng của làng, trong đó có giếng Đùi. Hiện nay, phần lớn diện tích xã Thanh Châu xưa thuộc xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An.
 
quan canh gieng dui
Giếng Đùi ở Cẩm Thanh - Ảnh: Trần Phương
     Vào năm 2015, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa đã thực hiện khảo sát và ghi nhận tại xã Cẩm Thanh có 07 giếng cổ/xưa[4], trong đó có giếng Đùi. Di tích giếng Đùi hiện tọa lạc tại xóm Trà Quân, tổ 2, thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh. Từ UBND xã Cẩm Thanh, rẽ phải theo đường Tống Văn Sương về phía Tây 847m, rẽ trái vào đường bê tông dẫn vào xóm Trà Quân 300m, nhìn theo hướng bên phải sẽ thấy giếng (trong khu vực nghĩa địa, gần di tích miếu Trà Quân).
     Qua thông tin hồi cố từ một số vị cao niên sinh sống lân cận di tích[5] cho biết từ lúc nhỏ đã nhìn thấy giếng này, bà con trong ấp thường gọi là giếng Đùi. Tên gọi dân gian này các vị cũng chỉ được nghe lại từ các tiền bối truyền lại. Có giả thuyết cho rằng, nguồn gốc tên gọi giếng Đùi có thể xuất phát từ vị trí tọa lạc của giếng thuộc khu vực rừng Đùi của ấp Trà Quân xưa, trước đây khu vực này không có nhiều mồ mả như bây giờ, chỉ có một vài ngôi mộ xưa bằng hợp chất. Điều đặc biệt là nguồn nước trong giếng này trước đây rất ngon, là nơi cung cấp nguồn nước sạch chính cho người dân ấp Trà Quân xưa. Ông Lê Ni cho biết: “Lòng giếng trước đây rất sâu, khoảng từ 7m đến 8m vì mỗi khi tôi thả gàu xuống giếng để lấy nước, khi kéo dây lên đến nơi thì khá là lâu, trải qua thời gian dài, cát bên dưới giếng đụn lên làm cho lòng giếng trở nên cạn như hiện nay”.

     Trong các thời kỳ kháng chiến, khu vực ấp Trà Quân là nơi hoạt động của lực lượng cách mạng, do đó trong khi càn quét khu vực này, quân địch đã cho nổ lựu đạn vào trong lòng giếng vì nghi có chiến sĩ cách mạng ẩn nấp, làm hư hại thành gạch giếng (khoảng năm 1964 - 1965). Đến năm 1977, nhân dân địa phương đã tiến hành nạo vét lòng giếng và tô trát xi măng toàn bộ thành giếng như hiện trạng ngày nay.[6]

     Trong tài liệu Quảng Nam xã chí do viện Viễn Đông Bác Cổ thực hiện vào năm 1941 - 1943 cho biết tại làng Thanh Đông lúc này còn 03 cái giếng: “Làng còn 3 cái giếng bằng gạch: 1 ở xứ Trà Quân, hình tròn, đường kính độ 1,5m, sâu độ 8m. Hai ở xứ làng Tròng, hình tròn, đường kính 1,20m, sâu 2,5m. Ba ở xứ này lớn hơn không mấy. Giếng này theo lời kỳ lão thì không ai biết là đời nào để lại cả. Cứ theo mắt xem xét có lẽ là giếng của dân Chăm để lại vì so cái giếng gạch to, dày và cũ kỹ đó đủ rõ. Giếng nước rất ngon, toàn xóm đều thụ ẩm, rất là đẹp lòng cho dân chúng được hưởng cái thú di lưu quý hóa, nhưng thương thay vô chủ”.[7] Có khả năng giếng ở xứ Trà Quân trong tài liệu này đề cập là giếng Đùi (thực tế điều tra thông tin hiện nay không ghi nhận được ở khu vực có giếng cổ/xưa mang tính chất cộng đồng nào ngoài giếng Đùi).

     Căn cứ thông tin tư liệu, thông tin hồi cố, hiện trạng kiến trúc của giếng và lịch sử hình thành vùng đất này có thể đoán định vào đầu năm 1940 của thế kỷ XX giếng Đùi ở ấp Trà Quân đã được xây dựng.

 
gieng dui
Giếng Đùi ở Cẩm Thanh - Ảnh: Trần Phương
 
     Giếng Đùi nằm cách miếu Trà Quân khoảng 27m về phía Bắc. Giếng có dạng hình khối ống tròn, xây bằng gạch thẻ, bề mặt bên ngoài và bên trong giếng tô trát xi măng. Trên thành miệng và trong lòng giếng có lộ ra một số viên gạch thẻ (do lớp vữa xi măng bị bong tróc để lộ). Từ vị trí nền giếng đến thành miệng giếng cao 0,72m, khoảng cách từ thành miệng giếng đến mực nước trong giếng vào thời điểm khảo sát là 1,94m[8], thành miệng giếng dày 0,16m, đường kính miệng giếng rộng 1,09m (khoảng cách mép trong thành giếng).

     Giếng là một loại hình di tích mang tính chất lịch sử, được xây dựng trong một thời điểm, điều kiện nhất định, qua đó phản ánh sự hiện diện của con người cũng như kỹ thuật, phương thức khai thác, sử dụng nguồn nước ngọt phục vụ đời sống của cư dân Hội An xưa. Mặc dù hiện nay chưa có tư liệu xác định chính xác niên đại xây dựng của di tích giếng Đùi, tuy nhiên qua những thông tin tư liệu từ Quảng Nam xã chí và thông tin hồi cố từ một số vị cao niên sinh sống lân cận cho biết được sự hình thành của giếng này đã qua một thời gian dài, từng giữ một vai trò quan trọng nhất định trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân ấp Trà Quân xưa. Sự hiện diện của giếng Đùi còn góp phần phản ánh quá trình hình thành, định cư, sinh sống của cư dân ấp Trà Quân, làng Thanh Đông trong lịch sử. Mặc dù giếng Đùi đã được tu sửa bề mặt bên ngoài và một phần mặt trong giếng bằng vật liệu mới nhưng kiểu dáng, quy mô và vật liệu bên trong tạo thành giếng vẫn còn được giữ nguyên. Đây là tư liệu thực địa có giá trị góp phần cung cấp tư liệu nghiên cứu về loại hình giếng cổ, đồng thời góp phần làm phong phú về kiểu dáng, kết cấu, kỹ thuật xây dựng của loại hình này trên địa bàn thành phố Hội An, đồng thời góp phần cung cấp tư liệu thực địa về phương thức khai thác, sử dụng nước ngọt, kỹ thuật xây dựng và chọn nguồn nước của cư dân Hội An trước đây.

     Với những giá trị đó, giếng Đùi đã được UBND thành phố Hội An ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hoá của thành phố (Thông báo số 161/TB-UBND ngày 17/4/2024), qua đó góp phần tạo điều kiện để các cấp chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, chăm nom và phát huy giá trị của giếng Đùi trong thời gian đến.

Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Chí Trung (1998), Những di tích Champa ở Hội An, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 8/1998.
- Đổng Thành Danh (2016), Bước đầu tìm hiểu về hệ thống giếng cổ Champa, Tạp chí Di sản Văn hóa vật thể số 3/56/2016.
          - Nguyễn Chí Trung, (2019), Cư dân Faifo – Hội An trong lịch sử (tái bản lần thứ 4).
          - UBND thành phố Hội An (2015), Di tích – Danh thắng Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì biên soạn, Nxb Đà Nẵng.
 
[1] Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo – Hội An trong lịch sử (tái bản lần thứ 4), tr74.
[2] Trung tâm quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí. Tr.60.
[3] Nguyễn Chí Trung (2019), Sđd, tr74.
[4] Giếng nhà ông Lê Bé (thôn Thanh Nhì), giếng nhà bà Lương Thị Nhồng (thôn Thanh Đông), giếng nhà bà Lê Thị Tư (thôn Thanh Đông), giếng nhà bà Nguyễn Thị Triện (thôn Thanh Đông), giếng nhà ông Trần Hờn (thôn Thanh Đông), giếng Đùi (thôn Thanh Đông), giếng nhà bà Ngọt (thôn Võng Nhi).
[5] Ông Lê Ni (sinh năm 1944), ông Trần Bê (sinh năm 1954), địa chỉ thường trú: thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh.
[6] Theo thông tin hồi cố của ông Lê Ni (sinh năm 1944), địa chỉ thường trú: thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh (Tổ trưởng Tổ quản lý di tích miếu Ông Tiến).
[7] Trung tâm quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Sđd. Tr.150.
[8] Theo thời điểm khảo sát vào ngày 10/10/2023.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây