Hình tượng rồng trong văn hóa Hội An

Chủ nhật - 24/03/2024 23:22
Đã từ lâu, người Việt Nam tự hào mình là “con rồng cháu tiên”, họ luôn xem rồng là vật linh, là biểu tượng của sự tôn quý, quyền lực của các bậc đế vương, của sự thần thông quảng đại và may mắn, cát tường.
hinh tuong rong
Hình tượng rồng trang trí trên bức hoành Lai Viễn Kiều - Ảnh: Hồng Việt
 
      Trong đời sống văn hoá vật chất, tinh thần người Hội An cũng xem rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng, chính vì thế hình tượng rồng được người Hội An lựa chọn thể hiện trên lên các công trình tín ngưỡng như mái đình làng, lăng, miếu, nhà thờ tộc… Bên cạnh đó, rồng còn được chọn làm đồ án trang trí trên các bình hoa, đĩa sứ hoặc chạm trổ trên những đồ dùng như bàn, tủ thờ, giá kỉnh…

      Đến Hội An chúng ta dễ dàng bắt gặp hình tượng của rồng trong các di tích kiến trúc từ dân dụng đến di tích thờ cúng, tín ngưỡng. Trên bờ nóc các di tích lớn như Quan Công miếu, đình Cẩm Phô, Sơn Phong hay các hội quán Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Triệu… đều trang trí đồ án về rồng. Thông thường những đồ án rồng trên mái được tạo theo các chủ đề phổ biến như “lưỡng long triều dương(hai rồng đối dầu chầu mặt trời), “lưỡng long tranh châu(hai rồng đối đầu tranh nhau quả trân châu tóe lửa), “hồi long(hai rồng quay ngược đầu lại nhình mặt trời hay quả trân châu)… Đây có thể xem là đồ án chủ đạo, thiêng liêng của di tích. Theo nhiều tư liệu cũng như thông qua truyền thuyết dân gian, những đồ án này có ý nghĩa là “tam dương khai thái” biểu tượng cho sự thái bình thịnh trị, phong điều vũ thuận - mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, theo triết học phương Đông, cụ thể là trong kinh dịch rồng được tôn là “thủ(đầu), “quân vương(vua chúa), là biểu tượng của quẻ càn (trời), do đó mà có các quẻ “càn vi thiên, vi quân”, “càn vi thủ” hay ở hào cửu ngũ cũng cho rồng là biểu trưng ứng nghiệm của thiên tử lên ngôi “phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”… Chất liệu để tạo đồ án rồng chủ yếu là bằng vữa vôi, mảnh gạch vỡ… ngoài cẩn mảnh sành sứ hoặc quét màu. Riêng ở hội quán Triều Châu, đồ án lưỡng long triều dương được tạo khá công phu bằng cách cẩn những mảnh sứ nhiều màu được mang từ Trung Quốc sang, như vậy không chỉ giữ được độ lâu bền mà còn tạo thêm vẻ sặc sỡ, uy nghi sống động của cặp rồng.
 
      Trên mái của rất nghiều các di tích tín ngưỡng cũng thường trang trí đồ án khác liên quan đến rồng đó là đồ án tứ linh “long, lân, quy, phụng” như các di tích đình Cẩm Phô, lăng Ông ở Cẩm Kim… và nhiều nhà thờ tộc họ. Đặc biệt, tại di tích Quan Công miếu (chùa Ông), hình tượng của rồng được sử dụng khá nhiều từ trang trí mái đến chạm khắc trên các đố cửa, trên bông trính, trên diềm các bia đá và “lưỡng long tranh châu” được khắc nổi trên nền sơn đỏ của hai cánh cửa lớn một cách uy nghi, sống động. Độc đáo hơn là hai mắt cửa của Chùa Ông cũng được tạo theo hình mặt rồng với khí phách đầy uy lực của một công trình tín ngưỡng dân gian bậc nhất ở Hội An. Đây có thể xem là đôi mắt cửa thuộc loại đặc biệt trong số hơn 20 loại hình mắt cửa được tìm thấy ở Hội An.
 
hinh tuong rong trang tren cua quan cong mieu
Hình tượng rồng trang trí trên cửa Quan Công miếu - Ảnh: Hồng Việt

      Ngoài Quan Công miếu, hội quán Phúc Kiến cũng là nơi có nhiều đề tài trang trí về rồng. Bên cạnh rồng được trang trí trên mái, ở khu cổng tam quan đồ án về rồng cũng được sử dụng một cách rất phong phú bao gồm “bích long” là 10 bức phù điêu được đắp nổi hình rồng trong 10 tư thế khác nhau rất uyển chuyển, mềm mại và sống động. Nhiều hình rồng, mặt rồng được gắn trên các cửa ra vào, vừa để trang trí mà cũng vừa để tôn vẻ uy nghiêm cho di tích, đồng thời cũng là vật trừ tà, trấn sát giữ của của Thiên Hậu cung. Sau chánh điện của hội quán, trên một hồ nước lớn là một tác phẩm về rồng có thể nói là lớn nhất Hội An, đó là hình tượng rồng theo đề tài “long hý thủy” là hình ảnh một con rồng dài, uốn khúc vờn nước được các nghệ nhân xưa tạo tác khá công phu bằng vật liệu hợp chất, bên ngoài cẩn toàn mảnh sứ của Trung Hoa. Tương tự như vậy, ở khoảng sân rộng của hội quán Quảng Triệu cũng có một tác phẩm về rồng không kém phần hoành tráng đó là tác phẩm “ngư long hý thủy” được tô đắp, cẩn mảnh tạo thế rồng vờn cá chép phun nước đùa vui. Đây là những đồ án gắn với ước mơ mưa thuận gió hòa mà dân gian hằng mong “phong điều vũ thuận”, cuộc sống thăng hoa phát đạt như cá nước rồng mây tha hồ vùng vẫy.

      Trong hậu tẩm của các di tích tín ngưỡng ở Hội An thường thờ chữ “Thần”, nhưng có nhiều di tích lại đắp hình “long ẩn” rất lớn với dáng vẻ uy nghi hùng dũng như ở đình Sơn Phong, đình ấp An Bang, lăng Thành Hoàng Tân Thành… “Long ẩn” là hình đầu rồng trực diện vươn ra phía trước, còn phần thân thì lại ẩn tàng trong các đám mây xanh. Ngoài ra, đồ án “long ẩn” còn được sử dụng nhiều trong việc chạm khắc hoặc vẽ trên các quần bàn, khám thờ, bệ thờ…

      Ở Hội An, rồng còn được đắp nổi uốn khúc quấn mình trên các trụ cột của di tích như Khổng Tử miếu, chùa Pháp Bảo và ở nhiều nhà thờ tộc họ. Bên cạnh đó, rồng cũng được vẽ trên các cột trong điện thờ của các di tích tín ngưỡng như Quan Công miếu, hội quán Phúc Kiến… Trên trán các khám thờ cũng thường khắc hình rồng lá, lưỡng long chầu lưỡng nghi… Ngoài ra, trên các khám thờ, bệ thờ, quần bàn… trong di tích cũng thường được trang trí các đồ án liên quan đến rồng như “đoàn long(rồng cuộn tròn), “long ẩn(rồng ẩn trong mây), “long hý thủy(rồng phun nước), “lý ngư hóa long(cá chép hóa rồng), “lý ngư khiêu long môn(cá chép vượt vũ môn, hóa rồng)… Đây là những đồ án gắn liền với ước mơ cuộc sống thăng hoa phát đạt, tiền đồ quang minh xán lạn.

      Trước các di tích tín ngưỡng, nhà thờ tộc bao giờ cũng có một bức bình phong án ngữ, hầu hết mặt trước các bức bình phong đều đắp vẽ đề tài liên quan đến rồng đó là “long mã phụ hà đồ”. “long mã phụ hà đồ” là hình ảnh một con vật linh mình ngựa, đầu rồng, toàn thân là vảy rồng, trên lưng chở một bức đồ hình. Đây là hình gắn với triết học cổ đại Phương Đông, gắn với tiên thiên bát quái trong kinh dịch. Tương truyền vua Phục Hy Thấy con long mã (còn gọi là con nghê) xuất hiện trên sông Hoàng Hà, trên lưng có chở một bức đồ nên ông đã sáng ra tiên thiên bát quái gọi là “Hà đồ”. Sau vua Văn Vương nhà Chu cũng bắt gặp con rùa trên lưng chở sách nên mới đặt ra “Cửu trù”, sáng ra hậu thiên bát quái gọi là “Lạc thư” để giải thích về vũ trụ truyền mãi cho đến ngày nay. Mặt sau của các bình phong cũng thường đắp vẽ đề tài “lý ngư hóa long”, “long ẩn”, “đoàn long”....

      Không riêng gì di tích tín ngưỡng, ở Hội An, hình tượng con rồng còn được sử dụng khá nhiều trong các công trình nhà ở dân dụng như các nhà Quân Thắng, Tấn Ký, Triều Phát, 48 Trần Phú, 80 Trần Phú… Ở những di tích này rồng thường được chạm trổ ở đầu kèo, vì chồng rường, làm con ke, đầu máng xối… Những hình tượng này một phần làm tăng giá trị thẩm mỹ cho di tích, mặt khác thông qua đây cũng bày tỏ ước mơ của bao thế hệ sống trong ngôi nhà về sự thịnh vượng, phồn vinh. Và đặc biệt đây còn là biểu tượng của công năng trấn hỏa, tiêu trừ hỏa hạn xảy ra với di tích, bởi quan niệm dân gian cho rằng rồng là loại linh vật gắn liền với tứ hải Long Vương, những vị thần được Ngọc Hoàng thượng đế giao cho nhiệm vụ làm mưa tạo thủy, có quyền năng trấn át được hỏa tai đem lại sự bình yên cho gia chủ.

      Nhiều đồ tế tự, đồ dùng trong các di tích, gia đình ở Hội An cũng sử dụng các đồ án về rồng để trang trí như các long đình (dụng cụ hóa vàng mả) ở các hội quán Hải
Nam, Phúc Kiến. Các gậy thờ, lư thờ, giá kỉnh, chân đèn, giá quán tẩy… cũng đều chạm hình rồng, đầu rồng. Nhiều đồ gia dụng như đèn, chén, đĩa, tô… cũng vẽ hình rồng, cá chép hóa rồng, trúc hóa long, mai hóa long…
 
cam pho
Hinh tượng rồng trang trí trên mái đình Cẩm Phô - Ảnh: Hồng Việt
 
      Đặc biệt trong các di tích của Phật giáo ở Hội An, hình tượng con rồng cũng được sử dụng một cách phong phú đa dạng. Ngoài việc sử dụng hình rồng để trang trí mái, trang trí cột, rồng còn được chạm khắc trên các bài bị thờ một cách công phu, sắc xảo để thờ các bậc tổ sư gọi đó là “long vị”, trên phần quai chuông của đại hồng chung các chùa cũng được đúc hình rồng… Tượng thờ các vị Phật, Bồ Tác… cũng liên quan đến rồng rất nhiều như Quan Thế Âm bồ tác cưỡi rồng, tượng Thích Ca cửu long theo tích Phật Thích Ca sơ sinh có 9 con rồng phun nước để tắm cho ngài hay tượng Long nữ… Rồng còn được Phật giáo xem là một trong Bát bộ chúng - Thiên Long bát bộ, là thần hộ pháp của Phật giáo.

      Một đề tài khác về rồng được người Hội An xưa sử dụng phổ biến đó là “rồng dây” để trang trí trên các vách gỗ, các đố cửa, làm con ke đợ kèo, trưng trí trên trán bia, diềm bia… “rồng dây” là hình đầu rồng, còn lại toàn thân là những cành hoa lá, như hoa cúc dây, cành dưa… Đề tài này sở dĩ được sử dụng nhiều bởi hình thức đã được cách điệu đơn giản, dễ chạm khắc mà lại mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Đầu rồng là biểu tượng của sự vinh hoa phát đạt, sự hưng thịnh phồn vinh; Thân là các loại hoa dây gọi là “qua điệt miên miên” cầu chúc cho sự phồn vinh thịnh vượng ấy được trường tồn, được nhiều thế hệ cùng cộng hưởng. Những ước mơ đó cũng chính là việc làm “tích đức lưu tử tôn” - tích phước đức để lại cho con cháu đời sau.

      Ngoài ra, trong tập tục cưới hỏi của người Hội An còn có nhiều vật dụng được in, thêu hình rồng như thiệp cưới, khăn thêu long phụng, đũa long phụng và đặt biệt là cặp đèn long phụng để thắp trong lễ tơ hồng, một nghi thứ quan trong trong lễ cưới.

      Trong hoạt động nghệ thuật dân gian của người Hội An có múa lân sư rồng; trong đó múa rồng được các võ đường thường xuyên tổ chức múa chúc phúc trong các dịp khánh thành, cúng tế và chúc mừng năm mới…

      Hình tượng con rồng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Hội An. Điều này thể hiện rõ qua việc họ sử dụng hình rồng trong những công trình kiến trúc từ trang trí mái, trụ cột, bình phong đến trang trí đầu kèo, con ke, mắt cửa, cho đến đồ dùng tế tự, đồ dùng gia đình và trong nghi lễ… Hình tượng rồng không chỉ là trang trí mỹ thuật góp phần tôn thêm phần mỹ lệ, nghiêm trang cho các di tích, đồ dùng mà đồ án về rồng còn bày tỏ những ước mơ tươi đẹp trong sáng về một cuộc sống hạnh phúc, mưa thuận gió hòa và phồn vinh thịnh đạt.

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây