Dọc dài khắp đất nước ta từ miền ngược cho đến miền xuôi, từ vùng núi, trung du cho đến vùng đồng bằng châu thổ, vùng cửa sông ven biển và biển đảo, ở đâu cũng có các loại ghe thuyền đặc trưng gắn với môi trường sông nước, biển đảo của địa phương. Trong số đấy, có một loại phương tiện đi lại đánh bắt thủy hải sản trong sông rạch, ngoài biển đảo rất độc đáo và lâu đời, đó là thúng chai.
Thúng chai là từ địa phương được sử dụng phổ biến từ Quảng Bình vào đến các vùng sông nước Nam Bộ, dùng để chỉ một loại phương tiện đi lại ở môi trường sông nước, biển đảo, có hình dáng tròn như chiếc thúng đựng lúa gạo được đan bằng tre, nứt bằng mây, cước và trét bằng dầu rái, chai phà, phân trâu bò theo kỹ thuật truyền thống.
Cho đến nay, không có tư liệu nào khả dĩ để xác định nguồn gốc ra đời của chiếc thúng chai độc đáo này. Người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ có truyền thuyết về ông Trần Ứng Long thời Đinh (960 - 980) là xảo thủ làm ra chiếc thuyền có vỏ bằng tre đan, trét nhựa cây để làm phương tiện đưa quân ra sông. Có lẽ, đây là chiếc thuyền nan hình ô voan hoặc nhọn hai đầu hiện đang được sử dụng rộng rãi ở một số vùng sông nước châu thổ Bắc Bộ, mà họ gọi là thuyền thúng, thuyền mủng chứ không phải là chiếc thúng chai của ta. Vả lại thúng chai thì chở được bao nhiêu quân qua sông? Có ý kiến cho rằng, thúng chai xuất phát từ người Chăm, nhưng không có tư liệu xác đáng và một thực tế là hiện nay người Chăm rất ít sử dụng thúng chai. Có người lại nói thúng chai ra đời vào thời các chúa Nguyễn để ứng phó với việc ra khơi đầy sóng gió. Lại có ý kiến cho rằng thúng chai ra đời từ thời Pháp để đối phó với việc đánh thuế ghe thuyền tính theo chiều rộng lòng ghe. Do có nhiều ý kiến khác nhau cũng như trong khi chờ đợi những nguồn tư liệu xác thực, đáng tin cậy hơn, chúng ta tạm thời chấp nhận rằng thúng chai là một phương tiện, công cụ đi lại, đánh bắt sông biển lâu đời của Hội An, xứ Quảng nói riêng, Đàng Trong, Việt Nam nói chung. Thúng chai có cùng cội nguồn văn minh lúa nước, văn minh tre nứa như thúng, mủng, giần, sàng. Và đến lượt mình, thúng chai đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, nhu cầu đánh bắt thủy hải sản mang tính cá nhân, gia đình. Thúng chai là phương tiện, công cụ sông biển độc đáo, lâu đời thể hiện sự thông minh sáng tạo, kỹ năng đan đát khéo léo cũng như khả năng thích ứng với môi trường sông nước biển đảo và truyền thống đi biển của người Việt.
Cư dân Cù Lao Chàm dùng thúng Chai đánh bắt cá - Ảnh: Hồng Việt
Vào những buổi sớm mai, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh hòn Lao ở Cù Lao Chàm, tại bãi biển An Bàng, Phước Trạch, chúng ta sẽ được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục khi những chiếc thúng chai nhỏ nhắn nhấp nhô vượt qua bao con sóng bạc đầu để cập bờ, mang theo bên trong nào là cá, mực, ghẹ tươi rói, kết quả của chuyến ra khơi đêm vừa rồi. Những chiếc thúng chai ấy trông như những chiếc lá cưỡi lên sóng biển để an toàn vào bờ, bên trên chỉ có một ngư dân và một cây dầm nhỏ. Hoặc cũng rất lạ mắt khi nhìn thấy những chiếc thúng chai nhanh nhẹn len lỏi giữa các gềnh đá để tìm bắt hải sản hoặc nhẹ nhàng, thong thả bơi trên ao hồ, sông lạch để buông câu, thả lưới. Thúng chai trong quá khứ từng làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, phương tiện, con người từ đất liền ra các ghe bầu, tàu buôn và ngược lại. Thúng chai còn được chở theo các con tàu đánh bắt xa bờ để tham gia câu ngừ, câu mực, theo các ghe giã để bủa lưới, đựng cá muối… Thúng chai còn là phương tiện phòng hộ hữu hiệu khi có thiên tai bão lụt hoặc trong những trường hợp khẩn cấp. Gần đây, thúng chai đã có thêm một công dụng mới, khi được sử dụng để phục vụ các hoạt động du lịch liên quan đến sông nước. Đây là sự kế thừa, phát huy truyền thống rất hữu hiệu và đầy sáng tạo. Ở Cù Lao Chàm, An Bàng, Phước Trạch, Cẩm Thanh, Cẩm Châu, thúng chai trở thành công cụ để du khách trải nghiệm các hoạt động buông câu, thả lưới, thu hoạch thủy hải sản cùng ngư dân địa phương. Biểu diễn lắc thúng chai đã được đưa vào chương trình du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh và là một tiết mục gắn với sông nước lạ mắt, thu hút đông đảo du khách tham gia. Chỉ riêng xã Cẩm Thanh, năm 2018 đã có 400 hộ dân với 918 thúng chai hoạt động du lịch. Năm 2019, con số này lên đến 1200 thúng, góp phần đáng kể cải thiện sinh kế của người dân.
Vừa mới đây, vào ngày 25/11/2023, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức ra mắt ấn phẩm Thúng chai ở Hội An. Tham dự có nhiều nhà chuyên môn, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp du lịch cùng một số người từng thực hành đan và sử dụng thúng chai. Tại buổi ra mắt, anh Trần Quý, chủ một doanh nghiệp du lịch ở Rừng dừa Bảy Mẫu bày tỏ nguyện vọng muốn tổ chức một địa điểm để giới thiệu và trình diễn về những nét độc lạ của thúng chai và nghề đan thúng chai tại địa phương. Ông cũng cho biết, đa số các thúng chai tại Cẩm Thanh đều được đan bằng tre, chỉ một số ít được làm bằng nhựa công nghiệp. Đây là điều đáng mừng vì hiện nay rất nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam, ngay cả ở Cù Lao Chàm, ngư dân đã chuyển sang sử dụng đa phần thúng nhựa, dẫn đến tình trạng nghề đan thúng chai truyền thống không còn chỗ đứng. Tại Tam Thanh vào cuối năm 2020 khi đến khảo sát, chúng tôi vẫn còn thấy một số hộ đan thúng chai để bán nhưng đến nay thì đã ngừng hẳn vì ngư dân ở đây đã chuyển sang dùng thúng nhựa.
Thiết nghĩ, trong tình trạng nghề đan thúng chai đã mai một như hiện nay, việc thiết lập một địa điểm để thực hành, trình diễn nghề này là hết sức cần thiết, trước mắt nhằm giới thiệu những nét độc lạ của thúng chai, sau nữa, cơ bản hơn, nhằm bảo tồn nghề truyền thống độc đáo của địa phương. Đây cũng là một công việc, chương trình hành động thiết thực nhằm phát huy sáng tạo giá trị văn hóa bản địa, cụ thể ở đây là thúng chai và nghề đan thúng chai truyền thống, tích cực tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO mà Hội An vừa mới gia nhập trên phương diện thủ công và nghệ thuật dân gian.