Các lễ cúng đầu xuân ở Hội An qua tài liệu lưu trữ Hán Nôm

Thứ tư - 06/03/2024 03:13
Trong những năm qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Hội An đã triển khai nhiều hoạt động trong công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm về Hội An. Với kết quả đã thu thập được hàng ngàn trang tài liệu lưu trữ có giá trị, bao gồm cả bản gốc và bản sao.
      Những tài liệu Hán Nôm sưu tầm được thuộc nhiều thể loại khác nhau như văn bia, gia phả, sắc phong, khế ước, địa bạ, kinh kệ… và được thể hiện ở nhiều dạng chất liệu từ bản rập, giấy gió, mộc bản gỗ… Hệ thống tư liệu này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lịch sử, văn hóa, sự di dân, nhập cư của các tộc họ, làng xã, quá trình hình thành nên các vùng đất của khu vực Hội An…. Bên cạnh đó, còn có thông tin về tập tục, tín ngưỡng thờ tự, việc cúng tế trong các dịp đầu xuân, năm mới cũng được ghi chú cụ thể, việc thờ thần tự của mỗi đình làng được chú trọng, quan tâm hơn bao giờ hết.
 
      Trong tâm thức của người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ là ngày hội cổ truyền lớn của dân tộc mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc, là dịp để mọi người tri ân gốc tích, cội nguồn của mình. Trong đó, phong tục thờ cúng đã trở thành một nghi thức tâm linh.Việc kết nối tinh thần của một cộng đồng dân cư, làng xã trong vấn đề thờ tựtheo lệ làng, quy ước các ngày lễ lớn, các loại lễ vật dùng trong các tiết, các địa điểm thờ tự, số ruộng đất, thổ phố chung cho thuê để thu tô dùng vào việc hương hỏa… được ghi chép cụ thể trong Tam bửu vụ. Trong tài liệu lưu trữ có các bản kê về lễ lệ, các khoản chi của Lý Tam bửu vụ qua các năm, thì Bản định lệ lễ tiết tại các miếu, đình vào năm 1765 được xem là văn bản sớm nhất của thể loại này. Đây là nguồn tài liệu cung cấp những thông tin cần thiết về phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng của một bộ phận cộng đồng dân cư tại Hội An. Trong đó, có nhiều lễ tiết được ghi chép lại như lễ Nguyên đán, Khai hạ, lễ Hoa đăng, tiết Thượng nguyên, lễ Túc yết, tiết Thanh minh, lễ tế Thần Nông…

      Về những lễ tiết, đặc biệt là tiết Nguyên đán, Thượng nguyên đã được các vua nhà Nguyễn quan tâm, chú trọng. Trong Đại Nam thực lục có ghi chép về chỉ dụ của vua về tết Thượng nguyên như sau: “Vậy sai bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị, tâu lên trẫm nghe. Đến khi lời bàn dâng lên thì vua chuẩn định: từ nay, phàm những tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên, lễ nghi như lễ tiết Đoan dương (duy có tiết Thượng nguyên, gặp ngày đản ở điện Phụng Tiên thì những lễ phẩm cứ chiếu theo lệ, bày đặt như cũ, không phải làm thêm cỗ bàn)… Còn những tiết Thượng nguyên và Trung thu, thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp”.
bai viet
Các lễ vật trong dịp cúng Tiết Thượng nguyên
 
      Tiết Nguyên đán là lễ Tết đầu năm của một năm, được bắt đầu từ lúc giao thừa cùng với lễ trừ tịch. Nguyên đán, trong đó Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai, nghĩa là Tết bắt đầu của năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang. Lễ tiết này được tổ chức hầu hết các di tích ở Hội An. Nên việc cúng kính, kiêng cữ trong dịp này càng được chú trọng. Vật phẩm để cúng trong dịp này như đĩa trái cây, đèn dầu, dầu đốt, ngũ sinh bánh, kim ngân, hương đèn… Tết đến, là dịp để mọi người thăm viếng nhau, chúc nhau với những lời chúc đầy ý nghĩa. Trong dịp tết Nguyên đán này, thường sẽ có thả đèn hoặc treo lồng đèn ngoài cửa ngõ của phố phường, gửi gắm nguyện vọng mong cầu của dân chúng trong năm mới này.

      Lễ khai hạ hay được gọi là lễ hạ nêu, lễ tạ năm mới… là tục hạ cây nêu thường được tổ chức vào mồng 7 tháng Giêng hằng năm. Cây nêu thường được trồng trong năm, khi sửa sọn đón tết được trang trí cùng với các cung tên bằng vôi trắng được vẽ trước cửa nhà nhằm để “trừ ma quỷ” những vận xui, đến ngày này thì hạ xuống, để đón những ngày vui vẻ chào mùa xuân mới, mong cầu may mắn cho cả năm. Đặc biệt, tại Hội An, việc dựng nêu ngày tết đã trở thành thường niên tại các di tích tín ngưỡng, văn hóa, nên lễ khai hạ vẫn được duy trì đều đặn hằng năm.

      Lễ Hoa đăng - lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa, được tổ chức vào tối 12 tháng Giêng. Lễ này được cúng tại các di tích như Lai Viễn kiều, Quan Âm Phật tự, Tụy Tiên đường với các vật phẩm như dầu nến, đèn dầu, pháo, hương liệu, kim ngân, trà tửu, bánh trái, trầu cau. Vào những ngày này, hoa đăng được thắp sáng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa vào những ngày lễ lớn, trong đó có lễ hội đầu năm mới. Mỗi ngọn đèn được thắp sáng là mỗi một ước nguyện đầu xuân.

      Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là tiết Thượng Nguyên bắt đầu từ đêm 14 và ngày 15 tháng Giêng, là một trong những lễ tiết quan trọng của một năm.Hoạt động này diễn ra tại khá nhiều di tích, như Lai Viễn kiều, điện Quan Âm, cung Hải Bình, cung Cẩm Hà, Trừng Hán Cung. Trong lễ cúng Thượng nguyên thường dùng đèn dầu, đèn nến, hoa đăng, cũng như trà, rượu, bánh trái, trầu cau, kim ngân hương liệu, giấy ngũ sắc, giấy liễn,… với những mâm cúng lễ vật tươm tất, cầu mong cho một năm mới an lành, cũng như bày tỏ lòng hiếu kính, cảm tạ ơn trên đã phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi.

      Lễ Túc yết được tổ chức tại Tụy Tiên đường vào ngày đầu tháng 2 âm lịch, là lễ để cho các hương chức ra mắt thần, cúng các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công với làng xã, bảo vệ dân cư, đình làng. Đặc biệt, trong lễ cúng Túc yết sẽ có 1 con lợn sống, cùng ngũ sinh, tam sinh, nến, bánh trái, kim ngân, trầu cau, hương đèn, hương liệu… Đây là một trong những lễ tục thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

      Kế đến là tiết Thanh minh thường được tổ chức tại các đàn cúng tế, các khu mộ của gia tộc, vào những ngày của tháng 3 âm lịch. Lễ vật thường có kim ngân, hương đèn, trà, tửu, pháo, quả bánh, giấy viết liễn Hồng Châu, đèn sáp, cháo… Nhắc đến tiết Thanh minh, người ta thường sẽ nghĩ đến lễ tảo mộ, đây là dịp để con cháu hướng về cội nguồn, nhớ ơn ông bà tổ tiên nên công việc chuẩn bị tế lễ phải được tương tất, những ngày trong tiết Thanh minh càng trở thành một ngày tết để sum vầy, để con cháu thể hiện sự hiếu kính đối với những người đã khuất.

      Lễ cúng Thần Nông được tổ chức vào cuối tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ đến vị thần trông coi về nông nghiệp.Các lễ vật trong lễ cúng này gồm có đèn sáp, bánh hộp, kim ngân, ngũ sinh, tấm vải đỏ, kim ngân, hương đèn, trầu cau, trà tửu, pháo, xôi… Việc tế lễ Thần Nông được tổ chức ở cả triều đình, và các địa phương trên cả nước, nhằm coi trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp, cũng như bày tỏ sự kính trọng, biết ơn đối với vị thần, và cũng mong được thần phù hộ, chở che trong nghề nông, phù hộ cho quốc thái dân an trong năm mới.

      Nguồn tư liệu Hán Nôm ở Hội An đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hội An, lịch sử các làng xã, quá trình di nhập cư, lịch sử quy dân lập ấp, về đời sống, phong tục tập quán của cộng đồng cư dân Hội An, việc giao lưu thượng mại, giao thương hội nhập với các nước trên thế giới…. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài cùng với sự tàn phá của chiến tranh, ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, việc bảo quản nguồn tư liệu cổ xưa, quý hiếm đang ngày càng mai một, gặp nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy mà việc sưu tầm cần được triển khai kịp thời, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tư liệu này là việc làm vô cùng cần thiết, khẩn trương ở hiện tại và sau này.

 

Tác giả: Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây