Một số sự kiện liên quan đến Hội An vào năm Thìn qua các tư liệu lịch sử

Chủ nhật - 14/01/2024 22:22
      Với vị thế địa lịch sử - văn hóa, Hội An từ rất sớm là nơi giao thương, buôn bán của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vào thời kỳ Lâm Ấp - Champa, Hội An đã là một thương cảng có thuyền buôn nước ngoài đến thường xuyên và đã có một số tác phẩm mô tả, giới thiệu nhiều thông tin quý giá về Hội An trong Tấn thư, Đường thư, một số thư tịch cổ Ả Rập. Đặc biệt lúc Hội An là thương cảng quốc tế phát triển cực thịnh vào thời kỳ các chúa Nguyễn, rồi đến thời kỳ Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn đã có nhiều tác phẩm trong nước và nước ngoài liên quan/đề cập đến Hội An được dịch thuật và xuất bản như Xứ Đàng Trong năm 1621, Hải ngoại ký sự, Hành trình và truyền giáo, Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục,... Bên cạnh đó, một số tư liệu Hán Nôm liên quan đến Hội An như châu bản triều Nguyễn, tư liệu về các dòng họ, địa bạ, văn bia,… và các tư liệu tiếng Việt, tiếng Pháp lưu trữ tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia đã ghi chép nhiều thông tin quý về Hội An. Tất cả các tư liệu này là nguồn sử liệu độc đáo, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung vào thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 20. Trong nội dung bài viết này, xin giới thiệu một số thông tin, sự kiện liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An vào năm Thìn được ghi chép trong trong các nguồn sử liệu, tư liệu sưu tầm được.
 
12
Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật

      Giáp Thìn - năm 1604

      Sau khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, rồi kiêm lãnh xứ Quảng Nam vào năm 1570, Chúa đã bắt đầu thực hiện sự nghiệp khai phá vùng đất xứ Quảng nhằm thiết lập quyền lực chính trị, quân sự, phát triển kinh tế ở vùng đất mới. Đến năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng quyết định tách huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản lãnh 5 huyện gồm Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu, lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi thành phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang[1] thành huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang thành huyện Duy Xuyên[2]. Vào thời điểm này, Hội An thuộc huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn.

      Bính Thìn - năm 1616

      Đầu năm 1616, linh mục Francisco de Pina đến và ở Đà Nẵng, giữa năm 1616, ông đến ở Hội An và ở lại đây cho tới đầu năm 1617, ông đi Quy Nhơn.

      Linh mục Francisco de Pina sinh tại Thành phố Guarda ở miền Đông Bồ Đào Nha năm 1585. Ông gia nhập Dòng Tên từ 19 tuổi, tại Học Viện Macao  của Bồ Đào Nha, ông được trang bị đầy đủ các khoa học và nghệ thuật thời bấy giờ, bao gồm logic học, siêu hình học, vật lý học, âm nhạc, hội họa và cả tiếng Nhật.

      Do ông giỏi tiếng Nhật nên có thể truyền giáo cho những thương nhân Nhật Bản ở Hội An. Trong tất cả những người truyền đạo thì Pina là người duy nhất không cần thông dịch. Ông nghiên cứu tiếng nhờ những người dân địa phương; đến năm 1622, Pina cơ bản hoàn tất việc chuyển hóa ngôn ngữ từ âm tiếng Việt sang chữ viết Latinh. Ông mở trường dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ trong đó có Antonio de Fontes (người Bồ Đào Nha) và Alexander de Rhodes (người Pháp)[3]. Francisco de Pina được xem là một trong những người có vai trò quan trọng đối với sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

      Canh Thìn - năm 1640

      Vào thế kỷ 17 - 18, tên gọi Faifo (và các tên gọi khác như Haiso, Fayfo, Haifo…) được sử dụng phổ biến trong các ghi chép của người phương Tây khi chỉ nơi đến là Hội An. Cho đến giữa thế kỷ 17, tên gọi Hội An chính thức xuất hiện trong bia đá Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật lập năm 1640, bia được khắc trên vách hang động Hoa Nghiêm, chùa Tam Thai - Non Nước (Đà Nẵng), nội dung bia có ghi một số nhà buôn Hội An cúng tiền. Trong bia tên gọi Hội An xuất hiện 3 lần, cụ thể như sau: Nguyễn Văn Triều tự Viên An và Nguyễn Thị Đức hiệu Diệu Ngọc ở xã Hội An cúng tiền 20 quan; Chu Thị Tân hiệu Từ Thức ở xã Hội An cúng tiền 7 quan; Nguyễn Thị Ức hiệu Từ Quế ở xã Hội An cúng tiền 13 quan[4]. Như vậy, đến giữa thế kỷ 17, tên gọi Hội An xuất hiện và bia Phổ Đà Linh Sơn Trung Phật được xem là tư liệu sớm nhất cho đến hiện nay tiếp cận được ghi chép về tên gọi/danh xưng Hội An là xã Hội An.

      Mậu Thìn - năm 1808
      Vào tháng 7, vua Gia Long ban chiếu lấy Quảng Nam làm dinh trực lệ. Quảng Nam là 1 trong 4 dinh trực lệ với 3 dinh khác là Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình[5]. Giai đoạn này, Hội An thuộc huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, dinh trực lệ Quảng Nam.

      Canh Thìn - năm 1820

      Trong bản Chỉ thị của vua Minh Mạng cho Hồ Văn Hòa cho biết: Chuẩn đổi Yến sào đội thành Yến hộ, cho Hồ Văn Hòa làm Hộ trưởng tước Hòa Thuận tử, trật tòng Cửu phẩm xướng suất yến hộ theo lệ thuế phụng nạp. Mọi việc nghe theo sai phái của công đường dinh Quảng Nam. Nếu công vụ biến nhác sẽ bị trị tội theo quốc pháp[6].

      Nhâm Thìn - năm 1832

      Vua Minh Mạng cho đổi trấn Quảng Nam[7] thành tỉnh Quảng Nam, quản hai phủ gồm Điện Bàn, Thăng Hoa và 5 huyện gồm Diên Phúc (Phước)[8], Hòa Vinh, Duy Xuyên, Lễ Dương, Hà Đông[9]. Giai đoạn này, Hội An thuộc huyện Diên Phúc, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

      Bính Thìn - năm 1856

      Có 2 chiếc thuyền buôn của người nước Thanh, nhân gió trội dạt vào đậu tại cửa biển Đại Chiêm và Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam. Quan tỉnh khám xét tâu nói: 2 thuyền ấy bị bạt gió tình hình khổ sở thiệt hại, họ đã xin bổ neo đậu nhờ 1 tháng, sửa chữa xong, đợi thuận gió quay buồm về nước. Duy việc đậu nhờ đến 1 tháng trở lên thì theo lệ phải nộp thuế nhập cảng (thuyền Kim dự nên đánh thuế 1.417 quan 5 tiền; thuyền Vạn xuân nên đánh thuế 812 quan 7 tiền nộp một nửa tiền nửa bạc), mà hiện nay vốn liếng của 2 thuyền ấy không có gì, nên lượng cho giảm hay không xin đợi chỉ. Vua chuẩn cho miễn 6 phần thu 4 phần. Rồi sau 2 thuyền ấy kêu rằng không lấy gì nộp được, lại chuẩn cho gia ân miễn hết[10].

      Nhâm Thìn - năm 1892

      Trong Bằng của Bộ Hộ cấp cho Hồ Văn Phú, Hồ Văn Khải cho biết: Tổ phụ đời trước đã mộ dân lập nên yến hộ thu thuế đệ nạp, nay có người Thanh (người Hoa) tranh lãnh trưng. Vậy nên xin tổng trưng thuế yến 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa lên 10 năm, mỗi năm tiền thuế 6 vạn quan (60.000 quan). Xin nạp tiền cọc trước 1.000 quan. Bộ xét thấy theo mức tiền ấy thuế có tăng. Chỉ có hạn 10 năm hơi lâu cho nên để hết hạn 5 năm sẽ thương nghị với quan Đông Pháp đại thần để quyết định. Nay cấp bằng yến hộ cho Hồ Văn Phú, Hồ Văn Khải để tổng trưng 3 tỉnh thuế yến[11].

      Cũng trong năm này, vào tháng 12, vua Thành Thái ban dụ cho tu sửa cầu đường từ tỉnh thành Quảng Nam tới Hội An. Do tỉnh thành ở xã La Qua, Tòa sứ ở phố Hội An, đường ấy cần tiện cho việc đi lại bàn bạc nên cho tu sửa[12].

      Bính Thìn - năm 1916

      Ngày 10 tháng 8, vua Khải Định ngự giá tới Quảng Nam xem phong tục, trong đó đến Hội An và Bồng Miêu. Vua ban dụ cho các bề tôi nói những việc tháp tùng đón rước trong chuyến đi này phải đơn giản để tránh rườm rà tốn kém. Kế xa giá lên đường, chuẩn cho Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân, Thượng thư Bộ Công Nguyễn Hữu Bài đều sung tháp tùng, đến ngày 13 hồi loan[13].

      Cũng trong năm này, sau phong trào chống thuế năm 1908, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa ở Huế năm 1916 do Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương, Hội An được xem là điểm khởi nghĩa quan trọng của tỉnh Quảng Nam do y sĩ Lê Đình Dương và Quảng Thái chỉ huy[14]. Về vị thế của Hội An, trong cuộc họp năm 1916 tại nhà Thái Phiên, Phan Thành Tài cho biết như sau: “Tại Hội An, do Đốc Dương (tức Lê Đình Dương) chỉ huy, sẽ vận động các đồn lính tập nổi dậy, mục tiêu tấn công là tòa Công sứ và trại lính khố xanh. Cuộc tấn công phải hoàn tất được trước 23 giờ đêm, sau đó lực lượng dân binh và số lính tập chiêu mộ được có trang bị vũ khí sẽ kéo lên phối hợp với lực lượng ở thành tỉnh nổi dậy vào 2 giờ sáng. Sau đó các lực lượng này sẽ cùng tiến lên phối hợp đánh chiếm các mục tiêu ở Đà Nẵng giống như ở Hội An[15].
 
[1] Thuộc phủ Thăng Hoa (sau đổi thành phủ Thăng Bình).
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.36
[3] Dẫn theo Nguyễn Phước Tương, “Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Hội An thời các chúa Nguyễn”, chuyeend Roland Jacques. L’ oeuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne j’us qu’en 1650. Institut national des langues et civilisations orientales. Paris 1995 (chuyên đề thuộc đề tài Nghiên cứu, biên soạn địa chí Hội An).
[4] Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1-Văn bia, tr.130,132.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, tr.733.
[6] Tư liệu nghề yến Thanh Châu, bản sao lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[7] Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), đổi dinh Quảng Nam thành trấn Quảng Nam, bỏ hai chữ “trực lệ”.
[8] Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phúc (Phước).
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2007), Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.393.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.430.
[11] Tư liệu nghề yến Thanh Châu, bản sao lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Đệ lục kỷ phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, tr.177.
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, tr.103.
[14] BCH Đảng bộ thị xã Hội An (1996), Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An 1930 - 1975, tr.26.
[15] Dẫn theo Lưu Anh Rô, tài liệu số 42, hồ sơ 65530. Hồ sơ mang ký hiệu số ANOM_GGI_4199 là 3 Báo cáo tình hình chính trị các quý I, II và IV trong năm 1916 của Khâm sứ Trung kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương. Tài liệu hiện được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence (ANOM).

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây