Các vị thần được thờ tự trong các làng xã ở Hội An qua tư liệu

Chủ nhật - 17/12/2023 21:38
Làng xã ở Hội An có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, qua các thời kỳ/giai đoạn, các yếu tố địa chính trị - lịch sử - văn hóa các làng xã ở Hội An vừa có những cái riêng, khác biệt nhưng cũng có sự đan xen giữa cái chung, tổng thể, góp phần vào sự phát triển của đô thị - thương cảng Hội An trong lịch sử.
      Bên cạnh các hoạt động chính trị, kinh tế thì những giá trị văn hóa - xã hội, trong đó tín ngưỡng thờ tự tại các làng xã ở Hội An có những đặc trưng, sắc thái riêng. Có nhiều công trình điều tra, nghiên cứu về tín ngưỡng thờ tự trong các làng xã ở Hội An đã được thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên nguồn tư liệu được xem có giá trị để tìm hiểu, nghiên cứu về tín ngưỡng thờ tự trong các làng xã ở Hội An là 2 tập tư liệu Quảng Nam xã chí và Quảng Nam tỉnh tạp biên do Viện Viễn Đông Bác cổ thực hiện điều tra vào nửa đầu thế kỷ 20, về các làng xã ở Quảng Nam, trong đó có 11 làng xã ở Hội An. Qua hai nguồn tư liệu này, cho biết được các vị thần được thờ tự trong các làng xã ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.

      Tư liệu Quảng Nam xã chí điều tra về các làng xã ở Hội An được ghi chép trong tập số kí hiệu AJ.23/7, gồm các làng Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong, Tân Hiệp, Để Võng, Thanh Nam, Thanh Đông, Sơn Phô, An Mỹ, Thanh Hà, Hội An (Điển Hội)[1]. Trong đó, sắc phong các vị thần được ghi chép theo thế thứ các vị vua triều Nguyễn, từ đời vua Minh Mạng đến đời vua Bảo Đại bằng tiếng Việt. Ngược lại, Quảng Nam tỉnh tạp biên ghi chép lại các đạo sắc cho các vị thần bằng tiếng Hán từ bản gốc, trong đó làng Thanh Hà - ký hiệu A3116/1; làng Hội An và Cẩm Phô - ký hiệu A3116/2; làng Minh Hương và Sơn Phong - ký hiệu A3116/3; các Làng An Mỹ, Sơn Phô, Để Võng, Tân Hiệp, Thanh Nam, Thanh Đông - ký hiệu A3116a/4.

      Về tên các vị thần, thống kê có 29 vị thần được thờ tự trong 11 làng xã ở Hội An, trong đó có 5 vị thiên thần, 14 vị nhiên thần và 10 vị nhân thần[2]. Các vị thần được thờ tự trong các làng xã gồm có Bạch Mã Thái Giám, Thành Hoàng, Đại Càn, Bảo Sanh Đại đế, Bạch Thố Kim Tinh, Bích Sơn thạch tượng, Bộ hạ thị nữ nhất Đàn nương, Bộ hạ tam thập lục tướng, Cửu Thiên Huyền Nữ, Ngọc hầu Linh phù, Dương Phi phu nhân, Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân, Đông Hải Cự tộc Ngọc Lân, Huyền Thiên Đại đế, Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân, Ngọc Nữ linh cô, Ngũ Hành Tiên nương, Ngũ Hành Sơn Tinh Chúa Ngọc, Quan Thánh Đế quân, Phi Vận tướng quân, Phiếm Ái phu nhân, Sanh Thai tam vị thánh nương, Thành Đức hầu Linh phù, Thái Giám Mộc Thọ, Thiên Y A Na, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thiên Tiên thần nữ, Thủy Long thần nữ, Tứ Dương.  Trong đó, làng Minh Hương có thờ 12 vị thần, nhiều nhất trong các làng xã; làng Cẩm Phô có 10 vị thần, làng Thanh Hà có 9 vị thần, làng Thanh Đông có 8 vị thần, làng Để Võng và Sơn Phong mỗi làng có 7 vị thần; làng Tân Hiệp và Sơn Phô mỗi làng có 6 vị thần; làng Hội An, Thanh Nam có ít nhất, mỗi làng có thờ 4 vị thần. Ngoài ra, tại một số làng xã ở Hội An có sắc phong cho 36 nhân vật có công trạng, trong đó làng Thanh Hà có 13 người, làng Cẩm Phô có 8 người; làng An Mỹ, Minh Hương và Thanh Đông mỗi làng có 4 người; làng Để Võng, Sơn Phô và Kim Bồng mỗi làng có 1 người.

 
ban tho
Bàn thờ thần Đại Càn tại đình Hội An. Ảnh Trần Phương 
 
      Về số lượng sắc phong thần, tại 11 làng xã ở Hội An có tổng cộng 252 sắc phong thần, gồm làng Hội An (21 sắc phong), làng Cẩm Phô (32 sắc phong), làng Minh Hương (37 sắc phong), làng Sơn Phong (23 sắc phong), làng Tân Hiệp (20 sắc phong), làng Để Võng (17 sắc phong), làng Sơn Phô (18 sắc phong), làng An Mỹ (15 sắc phong), làng Thanh Nam (20 sắc phong), làng Thanh Đông (21 sắc phong), làng Thanh Hà (28 sắc phong). Các vị thần được sắc phong, thờ tự tại các làng xã ở Hội An có sự khác nhau về đối tượng và số lượng. Trong đó, làng có sắc phong nhiều nhất là làng Minh Hương (37 sắc phong), làng có sắc phong ít nhất là làng An Mỹ (15 sắc phong).

      Về niên đại sắc phong, các vị thần được ban sắc phong dưới thời nhà Nguyễn, triều đại quân chủ phong kiến cuối cùng của Việt Nam, trong đó tập trung từ thời vua Minh Mạng đến vua Bảo Đại, sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) và có niên đại muộn nhất vào năm Bảo Đại thứ 18 (1943).

      Qua thống kê cho biết, vị thần được thờ phổ biến trong các làng xã ở Hội An là Đại Càn. Tên dân gian là bà Đại Càn, danh hiệu được triều đình gia phong đầy đủ là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần và chuẩn cho các làng xã ở Hội An cúng tế theo điển lễ. Có 10/11 làng có sắc phong thần Đại Càn (61 sắc phong), trong đó làng có sắc phong nhiều nhất là làng Hội An (13 sắc phong); tiếp đến là làng An Mỹ (8 sắc phong), làng Cẩm Phô (7 sắc phong); các làng còn lại có từ 5 đến 6 sắc phong, làng có ít sắc phong nhất là Để Võng với 2 sắc phong. Có thể nói, Đại Càn là vị thần giữ vị trí đứng đầu trong danh sách các vị thần được thờ tự và là vị chủ thần được thờ trang trọng nhất tại nhiều đình làng tại Hội An cũng như nhiều địa phương. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng biển trong cộng đồng dân cư Hội An. Qua khảo sát, hiện còn một số di tích có thờ Đại Càn như đình Hội An (đình Ông Voi), đình ấp Tu Lễ, đình Sơn Phong, đình Để Võng, đình Thanh Hà, đình Sơn Phô, đình Cẩm Phô, đình An Mỹ,…

      Ngoài thờ thần Đại Càn, một vị thần khác cũng được thờ khá phổ biến ở các làng xã tại Hội An là Thành Hoàng. Thành Hoàng thường được gọi là Thần Bản hay Bổn Cảnh Thành Hoàng, theo quan niệm của dân gian Thành Hoàng là vị thần cai quản, bảo hộ cộng đồng dân cư của một làng xã… Triều đình nhà Nguyễn phong sắc cho thần Thành Hoàng là Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng tôn thần; ban sắc cho thần Bổn Cảnh Thành Hoàng là Quảng hậu Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng chi thần. Theo thống kê, có 10/11 làng xã có sắc phong Thành Hoàng (60 sắc phong), trong đó làng có sắc phong nhiều nhất là làng Để Võng, Thanh Hà, Thanh Đông và Thanh Nam (8 sắc phong); tiếp đến là làng Sơn Phong và Sơn Phô (7 sắc phong), làng có ít sắc phong nhất là làng Cẩm Phô với 2 sắc phong. Hiện một số di tích có thờ Thành Hoàng là đình Tiền hiền Kim Bồng, đình An Mỹ, đình ấp Tu Lễ, miếu Thành Hoàng, miếu Trung Gian,… Có thể nói tín ngưỡng thờ Đại Càn và Thành Hoàng rất phổ biến ở Hội An, có đến 10/11 làng xã thờ tự các vị thần này, riêng làng Minh Hương không có sắc phong cho 2 vị thần này.

Bàn thờ thần Đại Càn tại đình Hội An
Bàn thờ Thành Hoàng tại đình Tiền hiền Kim Bồng. Ảnh Phước Tịnh  
 
  Một vị thần khác cũng được sắc phong và thờ tự nhiều trong các làng xã ở Hội An là Bạch Mã. Thần Bạch Mã hoặc Thái Giám Bạch Mã thường được dân gian gọi là ông Thái Giám. Đây là vị thần giữ vị trí cao và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian địa phương cũng như trong hệ thống phong thần của các vương triều phong kiến Việt Nam. Thần Bạch Mã thường được thờ chung với Đại Càn, Thiên Y A Na và một số vị thần khác tại các đình làng. Triều đình nhà Nguyễn ban mỹ tự cho thần là Lợi vật Kiện thuận Hòa nhu Đoan túc Dực bảo Trung hưng Thái Giám Bạch Mã thượng đẳng thần hoặc Dương uy Ngự vũ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Bạch Mã thượng đẳng thần. Theo thống kê, 8/11 làng xã có sắc thần Bạch Mã (50 sắc phong), trong đó làng có sắc phong nhiều nhất là làng Để Võng và Thanh Hà (8 sắc phong); tiếp đến là làng Hội An và Cẩm Phô (7 sắc phong), làng có ít sắc phong nhất là làng Sơn Phô với 4 sắc phong. Hiện ở một số di tích ở Hội An có thờ thần Thái Giám là miếu ấp Bàu Súng, miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu, miếu ấp Thanh Chiếm, đình Hội An,…

      Ngoài ra, một vị thần liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng cá Ông cũng được thờ phụng khá phổ biến trong các làng xã ở Hội An, đó là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần. Đây là vị thần biển, còn có tên dân gian là Ông Ngư, ông Ngọc, ông Nam Hải,… là vị thần giúp đỡ, cứu nạn những người đi biển khi gặp nạn. Triều đình nhà Nguyễn ban mỹ tự cho thần là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Từ tế Chương linh Trừng Trạm Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần. Theo thống kê, 5/11 làng xã có sắc thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân (22 sắc phong), trong đó làng có sắc phong nhiều nhất là làng Thanh Đông và Thanh Hà (8 sắc phong); tiếp đến là làng Cẩm Phô (3 sắc phong), làng có ít sắc phong nhất là làng Sơn Phong với 1 sắc phong. Hiện ở một số di tích ở Hội An có thờ thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân là lăng Ông Ngư ở Tân Hiệp, lăng Ông ở Cẩm An, lăng Ông ở Cẩm Nam, lăng Ông ở Cẩm Thanh, lăng Tiêu Diện ở Cửa Đại,…

      Ở Hội An, có một số vị thần chỉ được thờ tự duy nhất ở một làng mà không có ở làng khác, như làng Minh Hương thờ vị thần Bảo Sanh Đại đế, Bộ hạ tam thập lục tướng, Ngọc hầu Linh phù chi thần, Huyền Thiên đại đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu,… Tại làng Để Võng thờ vị thần Thái Giám Mộc Thọ và Bích Sơn thạch tượng, hay tại làng Sơn Phong chỉ thờ vị thần Cửu Thiên Huyền Nữ; làng Cẩm Phô thờ vị thần Bạch Thố Kim tinh, Ngũ hành Sơn Tinh Chúa Ngọc, Đông Nam Sát hải nhị đại tướng quân,…

      Có thể thấy, các vị thần được thờ tự trong các làng xã Hội An rất phong phú và đa dạng, qua đó đã phản ánh được những nét đặc trưng về tín ngưỡng thờ tự, nghề nghiệp… ở mỗi làng xã trong lịch sử. Đây là những thông tin tư liệu quý giá để nghiên cứu, làm rõ hơn lịch sử - văn hóa của các làng xã ở Hội An trước đây trong tiến trình phát triển chung của Đô thị - thương cảng Hội An.
 
[1] Vì nhiều tên làng trùng nhau nên năm 1936 được đổi thành làng Điển Hội. 
[2] Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An (2021), Di sản Hán Nôm Hội An , tập 6 – Sắc phong, Nxb Đà Nẵng, tr.13.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây