Công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Hội An năm 2023

Thứ hai - 04/12/2023 03:24
      Trong năm 2023, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An diễn ra trong điều kiện có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Song, được sự quan tâm, yêu mến, hỗ trợ tích cực bằng nhiều hình thức từ các cơ quan Trung ương, của tỉnh Quảng Nam, của các tổ chức và cá nhân quốc tế; lãnh đạo thành phố, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, tổ chức hội, đoàn thể, cộng đồng, chủ di tích, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp… ở Hội An đã đồng hành nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện được nhiều hoạt động giúp cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An đạt được nhiều thành quả.
 
bao ton van hoa
Khảo sát, đánh giá mức độ xuống cấp tại các di tích trên địa bàn thành phố

      Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, khảo sát, sưu tầm

      Công tác nghiên cứu, biên tập, xuất bản ấn phẩm tiếp tục được duy trì với các tập Thông tin nghiên cứu bảo tồn Di sản, bản thảo tập sách về làng Thanh Hà, 01 quyển kỷ yếu tọa đàm về di tích nhà lao thực dân, đế quốc ở Hội An - Giá trị bảo tồn và phát huy. Hoạt động hội thảo, tọa đàm, tập huấn cũng được tổ chức đạt chất lượng khoa học cao. Đặc biệt là đã xúc tiến công tác biên tập và xuất bản Địa chí Hội An. Đây là công trình biên soạn, xuất bản rất quy mô, gồm 5 tập về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội và chính trị với tổng số trang dự kiến khoảng 2.800 trang, phấn đấu ra mắt bộ sách này vào dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030. Công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến Hội An được chú trọng đẩy mạnh hơn với việc tiếp nhận hơn 1.500 đơn vị tư liệu, 26 hiện vật thu thập ở trong và ngoài thành phố.

      Trên lĩnh vực quản lý di sản văn hóa

      Sau hơn 20 năm thi hành Luật Di sản văn hóa (năm 2001, được điều chỉnh, bổ sung năm 2009), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xúc tiến xây dựng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để ban hành vào năm 2024. Từ thực tiễn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cả nước nói chung, ở Hội An nói riêng, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề pháp lý, quy định nhiều điểm mới để chúng ta bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt là sau nhiều năm kiên trì thực hiện, Hội An được Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030. Nghị quyết này là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố có định hướng nhiều năm cho công tác bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa Hội An và tiếp nối Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025” đã được thực hiện từ năm 2012, thành phố cũng đã tham mưu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 trình UBND tỉnh cùng các Sở ban nghành góp ý để trình cho Chính phủ thông qua trong năm 2023.

      Trong năm qua, công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá tình hình di tích trên địa bàn Thành phố được tiếp tục duy trì định kỳ; qua đó kịp thời chấn chỉnh những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đối với di tích; đồng thời đánh giá, xác định mức độ xuống cấp và có giải pháp chống đỡ, tu bổ các di tích xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ trong và ngoài khu phố cổ. Công tác giám sát tình hình xây dựng, sửa chữa, tu bổ di tích/nhà ở, trật tự kinh doanh trong khu phố cổ thường xuyên được duy trì với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng; nhất là các đợt ra quân lập lại trật tự kinh doanh, buôn bán, trưng bày hàng hóa trên các tuyến đường trong khu phố cổ.

      Mạng lưới cộng tác viên bảo tồn di sản trong khu phố cổ trong năm qua cũng đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, điều tra tình trạng buôn bán chuyển nhượng, sở hữu của các di tích trong khu phố cổ, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn di sản… 

      Một số di tích có giá trị được đầu tư đo vẽ hiện trạng bổ sung hồ sơ lưu trữ; một số di tích như: Di chỉ cổ học Bãi Ông ở xã Tân Hiệp, khu vực di tích lăng Thành Hoàng ở phường Cẩm An, bến đò thôn Thanh Tam xã Cẩm Thanh… được nghiên cứu, xây dựng các phương án để đầu tư bảo tồn, phát huy.

      Công tác kiểm kê, nhận diện các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được triển khai lồng ghép vào các đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Công tác lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh. Trong năm qua đã xây dựng và trình 03 hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Tết Trung thu ở Hội An, nghề làm tre dừa Cẩm Thanh, nghề đan võng ngô đồng, trong đó  hồ sơ Tết Trung thu ở Hội An đã được công nhận, 02 hồ sơ đang được xem xét. Trong quá trình xây dựng hồ sơ các di sản này, cộng đồng liên quan đã rất tích cực hỗ trợ cung cấp thông tin, tham gia các buổi tham vấn cộng đồng cùng cơ quan chuyên môn để hoàn thiện hồ sơ đảm bảo chất lượng khoa học. Phương án quản lý phát huy các di sản phi vật thể Quốc gia cũng được đang xây dựng và sớm trình cho UBND thành phố phê duyệt triển khai trong năm 2024.

      Các lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống do thành phố tổ chức diễn ra thành công, an toàn, tiết kiệm. Trong đó hoạt động dựng cây Nêu ngày Tết đã thu hút 44 đơn vị tham gia. Nhiều lễ hội truyền thống ở các địa phương, tại các di tích: Lễ hội Cầu Bông, lễ hội Cầu Ngư, lễ giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng, lễ giỗ Tổ nghề gốm Thanh Hà… thu hút đông đảo sự quan tâm tham gia của cộng đồng và du khách. Đặc biệt qua 2 sự kiện lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu ở Hội An và Tết Trung thu ở Hội An là những hoạt động mang tính cộng đồng rất cao, thể hiện vai trò tích cực của cộng đồng Hội An trong việc chung tay quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.

      Trên lĩnh vực đầu tư tu bổ di tích

      Nhiều dự án đầu tư đã được xúc tiến, triển khai; trong đó có nhiều dự án trọng điểm của thành phố được đầu tư bài bản, khoa học. Đặc biệt là Dự án PCCC cho khu phố cổ cơ bản hoàn thành các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư; dự án Tôn tạo di tích Cây Thông Một đã được thông qua phương án trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy; dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu đã triển khai thi công; dự án trưng bày di tích Nhà lao Hội An đã hoàn thành; triển khai thi công tu bổ 02 công trình là Văn Thánh miếu Cẩm Phô và Khu lăng Ông ở Cẩm Nam; hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và đã triển khai thi công 06 công trình khác theo kế hoạch từ nguồn vốn chi thường xuyên. Ngoài ra, đã bàn giao đưa vào sử dụng 04 công trình; phê duyệt quyết toán 03 công trình; xây dựng hồ sơ quyết toán 02 công trình. Công tác hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích tư nhân - tập thể cũng được tích cực thực hiện với 11 di tích đã được hỗ trợ hoặc có chủ trương đầu tư, như: Nhà số 41 Trần Phú; nhà số 46 và 10/17 Nguyễn Thị Minh Khai; nhà thờ tộc Trương (Cẩm Kim); nhà thờ tộc Huỳnh (Cẩm Nam)Nhiều di tích vùng ven cũng huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư tu bổ, tôn tạo, trong đó đáng quý là nhiều di tích cộng đồng dành được sự quan tâm ủng hộ về vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân tham gia, như di tích lăng Ông ở Cẩm An, nhà thờ tộc Nguyễn Viết ở Thanh Hà...

      Đối với công tác tu bổ di tích nhà ở trong khu phố cổ, mặc dù điều kiện kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các chủ di tích cũng đã có sự quan tâm đầu tư kinh phí để bảo vệ di tích của mình. Tính đến ngày 30/11/2023 đã có 126 hồ sơ được cấp phép triển khai.

      Về lĩnh vực tuyên truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa

      Trung tâm đã thực hiện 48 chuyên mục phát thanh Bảo tồn Di sản hàng tuần với hàng trăm bài viết và tin tức kịp thời thông tin về hoạt động bảo tồn và phát huy di sản với công chúng. Các thông tin sự kiện, bài viết nghiên cứu được đầu tư phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh trên Website Hoianheritage.net, cập nhật thường xuyên hàng trăm bài viết, tin tức trên zalo Trung tâm, facebook Di sản Hội An, facebook Bảo tàng Hội An. Tổ chức trưng bày trực tiếp và trực tuyến về cây Nêu ngày Tết ở Hội An, sách Di tích - Danh thắng Cẩm Kim, mối quan hệ hợp tác hữu nghị Hội An - Nhật Bản... 24 di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố được gắn mã QR và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên thanh niên như trưng bày trực tuyến, triễn lãm lưu động, thi tìm hiểu. Công tác giáo dục di sản học đường tiếp tục được đầu tư với việc hoàn thiện chỉnh sửa nội dung 8 chủ đề của bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An” dành cho cấp THCS, tổ chức hàng chục đợt hoạt động chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng thu hút hàng trăm lượt học sinh ở các trường học tham gia. Các điểm bảo tàng, di tích thường xuyên được đầu tư nâng cấp trưng bày nhằm nâng cao chất lượng, thu hút du khách đến tham quan, hướng đến xây dựng điểm du lịch xanh; trong đó Bảo tàng Văn hóa Dân gian đã đạt được tiêu chí này. Nhìn chung, các điểm bảo tàng, di tích đã phát huy tốt giá trị về tham quan, tuyên truyền di sản. Đặc biệt hình thành được điểm tham quan mới là di tích Nhà lao Hội An với 1.005 lượt người đến tham quan, trải nghiệm.

      Công tác đối ngoại trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đạt được nhiều kết quả với nhiều tổ chức, cá nhân của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... qua đó thu hút được sự đầu tư, hợp tác tham vấn các chuyên gia, tổ chức Nhật Bản trong dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu; với thành phố Wernigerode - CHLB Đức liên quan đến dự án “Con đường sinh thái - Hội An và thiết kế, thi công hình thành “Khu vườn Hội An tại thành phố Wernigerode”. Đặc biệt, sau thời gian xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian, vào ngày 31/10/2023, thành phố Hội An đã được tổ chức UNESCO thống nhất đưa vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu. Cùng với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, việc được gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO đã mở ra cho Hội An nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy hoạt động bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa sáng tạo, công nghiệp văn hóa ở Hội An, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố trong thời gian đến.

      Nhìn chung, di sản văn hóa Hội An trong năm qua được quản lý, bảo vệ và tiếp tục phát huy tốt giá trị, khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá cộng đồng cũng như phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Những kết quả này cũng là khá nổi bật so với những năm trước đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một số vấn đề dù không mới nhưng còn tiếp diễn trong hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy cần sự quan tâm của của các cấp, các ngành, nhất là đối với các chủ di tích và cộng đồng.

 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 Từ khóa: văn hóa, di sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây