Nghề mộc chạm ở Hội An

Chủ nhật - 01/10/2023 21:51
      Ngôi nhà gỗ sẽ chẳng biểu lộ được cái đẹp như mong muốn nếu nội thất không được “mặc chiếc áo” của chạm, khảm, thậm chí là hội họa sơn mài, sơn son thếp vàng[1]. Thật vậy, điều đó thể hiện rất rõ khi tham quan các ngôi nhà cổ ở Khu phố cổ Hội An. Các chi tiết chạm trổ trên gỗ xuất hiện khắp nơi, trên nhiều cấu kiện khác nhau với mật độ, hình thức chạm trổ từ đơn giản đến phức tạp. Ấn tượng đầu tiên có thể đến từ mặt tiền ngôi nhà với những đường nét đục chạm ở mắt cửa, đôi sóc nép mình một góc trên đố cửa,… Bước vào bên trong nhà, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi các chi tiết trang trí trên các cấu kiện kiến trúc như vì kèo, trính, trụ đội, con ke,… đến các vật dụng nội thất như hoành phi, liễn đối, tủ kệ, bàn ghế, tượng trang trí, tượng thờ,… Các chi tiết chạm trổ giúp làm “mềm hóa” các cấu kiện kiến trúc thô cứng, tạo ra cảm giác dễ chịu khi quan sát các góc cắt, giao nhau của các cấu kiện. Nơi được chú trọng trang trí nhiều nhất trong nhà là không gian tiếp khách và nơi thờ tự. Du khách cũng sẽ có ấn tượng tương tự khi tham quan các di tích tôn giáo, tín ngưỡng có sử dụng kết cấu gỗ khác ở Hội An. Có thể nói, người thợ mộc chạm đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm đẹp cho các công trình kiến trúc gỗ.

      Mộc chạm là công việc khá vất vả, đòi hỏi người thợ phải có khiếu thẩm mỹ, tính sáng tạo, đôi tay khéo léo, tính cần cù, tỉ mỉ. Ngoài đồ án chính, nếu mảng trang trí còn nhiều chỗ trống thì người thợ sẽ linh động vẽ thêm một số chi tiết trang trí phụ trợ khác (như cuộn mây, cỏ cây hoa lá). Do đó, bên cạnh kỹ năng đục chạm, người thợ cũng phải ít nhiều có kỹ năng vẽ và khiếu thẩm mỹ. Từ lúc học nghề đến khi thành thạo, tùy năng khiếu mỗi người mà có thể nhanh hay chậm, song hầu hết người thợ phải trải qua một thời gian rèn luyện khá dài, do đó, đòi hỏi họ phải có tính kiên trì, tâm huyết, say mê với nghề thì mới có thể theo nghề dài lâu được. Những người thợ mộc chạm ở khu vực Hội An cũng không phải ngoại lệ. Những người thợ này rất đa năng, ngoài việc thi công lắp dựng hệ khung nhà gỗ, họ còn thi công các vật dụng nội thất, đồ thờ tự, thực hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo để trang trí, trưng bày, lưu niệm.

 
cham go o cam kim
Trình diễn nghề mộc chạm trong ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng - Ảnh: Hồng Việt
 
      Để tạo ra một sản phẩm mộc chạm hoàn chỉnh, quy trình thực hiện phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Trước tiên là chọn gỗ và thống nhất đồ án trang trí. Tùy mục đích, vị trí sử dụng sản phẩm, cấu kiện mà lựa chọn chủng loại gỗ với đặc tính thích hợp. Gỗ có thể do xưởng mộc tư vấn và cung cấp, hoặc do chính khách hàng mang tới và nêu lên nội dung yêu cầu cụ thể đối với sản phẩm. Dựa vào mong muốn của khách hàng, người thợ sẽ tiến hành vẽ mẫu, lấy ý kiến khách hàng, hoặc mẫu họa tiết do khách hàng cung cấp luôn. Hiện nay, người thợ lưu một số hình ảnh, mẫu mã sản phẩm mà xưởng mộc đã hoàn thiện trên điện thoại cho khách hàng tham khảo, rất tiện dụng. Khi có được sự thống nhất về mẫu mã, kích thước sản phẩm, người thợ sẽ làm sạch gỗ, ướm canh tỉ lệ trên giấy với bản nền, dán mẫu họa tiết (mẫu photo ra giấy) hoặc vẽ (dùng giấy than) đồ lại họa tiết này lên gỗ rồi thực hiện thao tác phần thô (tức phá gỗ tạo ra hình dáng cơ bản), tiếp đến là đục, chạm tách các chi tiết trên nền hoa văn (phá dáng, phá khối chi tiết), tiếp tục đục chạm chi tiết (loại bỏ chi tiết thừa, nhấn nhá, tỉa tót các điểm đặc biệt), sau cùng là làm nguội (chà giấy nhám, đánh bóng). Công đoạn cuối cùng hoàn thiện sản phẩm là phủ sơn màu, sơn bóng, hoặc đánh vẹc ni để làm đẹp, đồng thời bảo vệ gỗ khỏi mối mọt, nấm mốc.

      Nếu sản phẩm yêu cầu chạm nổi thì người thợ dùng máy rô tơ chạy hạ nền, lấy đường đất (mặt nền của sản phẩm). Chạm bấm thì nhanh hơn, không cần hạ nền. Chạm lủng thì khoan lỗ nhỏ rồi xỏ lưỡi cưa để cưa thủng, chừa lại họa tiết nhưng lưu ý là phải có phần câu thêm (như chi tiết hình tròn, hình vuông…) nhằm giữ họa tiết không bị rơi ra ngoài. Người thợ dùng đục để tách những nét cơ bản, phác thảo lần đầu (lấy phôi, lấy đường đất). Sau đó, dùng đục để phá khối, tạo hình dáng cơ bản, khối cao, thấp trước, sau đó đi vào từng chi tiết.

      Từ một bản vẽ phác thảo trên mặt gỗ, người thợ dựa vào kinh nghiệm, trình độ tay nghề và cả sự ngẫu hứng sẽ tự hình dung hình khối của họa tiết, nhận biết được chi tiết nào ở trên, chi tiết nào nằm dưới,… mà tiến hành đục chạm. Tuy nhiên, những người thợ ít kinh nghiệm hơn có thể không đọc hiểu, xử lý được toàn bộ bản vẽ, do đó trong quá trình đục phá khối, các nghệ nhân, thợ cả sẽ phải đi kiểm tra và hướng dẫn thường xuyên cho các thợ trẻ (gọi là quá trình truyền nghề trực tiếp[2].). Người thợ địa phương khác có thể có cách xử lý, thể hiện khác người thợ Kim Bồng khi đục chạm cùng một họa tiết, sử dụng cùng một bản vẽ phác thảo. 

 
nghe cham go
Bản vẽ phác thảo trên mặt gỗ - Ảnh: Hoàng Phúc.
 
      Tùy thuộc vào tâm trạng của người thợ, cùng một họa tiết nhưng có thể tư thế, thần thái của chi tiết (lá, chim) khác nhau, do họ thổi hồn vào tác phẩm. Ví dụ, trong cùng một ngôi nhà gỗ, chi tiết các đuôi kèo giống nhau về họa tiết nhưng có thể cách thể hiện khác nhau, nếu quan sát thật kỹ sẽ thấy điều này. Thậm chí hai mặt đối xứng của một chi tiết trang trí trên đuôi kèo có thể cách thể hiện đã không giống nhau rồi.

      Đục tượng tròn được cho khó hơn nhiều so với đục chạm thông thường. Với việc đục tượng tròn, ban đầu chỉ có các nét phác cơ bản để định hình trên khối gỗ, ra dáng (tạo dáng), phá khối cơ bản, xong đi vào chi tiết, làm nguội, tách tỉa. Công việc tùy thuộc vào cách xử lý của nghệ nhân. Từ một hình mẫu có sẵn hoặc làm theo yêu cầu của khách hàng, hoặc theo ý tưởng của người thợ, người thợ sẽ làm phần trên trước (đầu tượng), phần dưới sau. Cũng như trên gương mặt, hạ khối xuống cho phần mũi nổi khối lên trước. Điều này giống như theo một khuôn khổ, quy trình nhất định, cái nào phải làm trước, cái nào làm sau tùy thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người thợ.

      Người thợ phải tự hình dung toàn bộ bức tượng trong đầu trước khi tiến hành đục chạm do không có bản vẽ. Ví dụ, làm tượng Phật cùng kích cỡ, kiểu dáng nhưng nếp áo, dáng đứng, nét mặt, gương mặt thì mỗi tượng mỗi khác, hoàn toàn tùy thuộc vào nghệ nhân. Việc điểm nhãn và khuông miệng cho tượng (chi tiết quan trọng nhất trên tượng) rất quan trọng, tùy thuộc rất nhiều vào tay nghề và tâm trạng của người thợ. Không riêng tượng Phật, với các phù điêu đơn giản có họa tiết chim thú, người thợ điểm nhãn nếu không đủ tay nghề thì con thú đó “chết”, không có sự sinh động. Do đó, nghệ nhân đục chạm lành nghề không sợ người khác sao chép sản phẩm, bởi chưa chắc người khác đã có thể sao chép được thần thái, cái hồn của tác phẩm. Điều này đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế của người thợ khi đục chạm.

      Thợ mộc chạm là người có khả năng biến các cấu kiện gỗ chịu lực thô kệch trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn, biến những thanh gỗ xù xì thành các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Ngày trước, các tiền nhân làng mộc Kim Bồng đã có công rất lớn trong việc tạo dựng những ngôi nhà gỗ ở Hội An. Ngày nay, các nghệ nhân làng mộc đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn chúng - loại hình di sản kiến trúc chủ yếu trong Khu phố cổ. Bên cạnh đó, họ còn khiến du khách phải trầm trồ, thán phục với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo được chế tác từ gỗ. Một thực tế đáng buồn là nghề mộc chạm ở địa phương hiện suy yếu dần bởi nhiều người trẻ không mấy hứng thú với nghề truyền thống này. Thời gian học nghề lâu, công việc đòi hỏi khiếu thẩm mỹ và sự kiên trì, khéo léo, tinh tế, thu nhập có thể thấp hơn các ngành nghề dịch vụ du lịch khác,… nên không phải ai cũng có thể theo học nghề. Mong rằng trong thời gian tới, nghề mộc chạm ở Hội An nói chung, làng mộc Kim Bồng nói riêng sẽ có sự chuyển biến khởi sắc, sẽ có thêm nhiều nghệ nhân có tâm, đam mê với nghề, theo nghề, giúp duy trì và phát huy hiệu quả giá trị nghề truyền thống lâu đời này, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể quý giá của địa phương.
 
[1] Nguyễn Hữu Thông (2019), Mỹ thuật Nguyễn, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, trang 175, 176.
[2]
Dẫn theo lời nghệ nhân Huỳnh Sướng, Làng mộc Kim Bồng, thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây