Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An

Chủ nhật - 24/09/2023 22:22
Người Việt xưa có câu “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”. Ngắm trăng rằm tháng Tám và dự đoán về thời tiết, mùa màng, vận mệnh quốc gia là một thông tục cổ xưa, một nghi lễ hội mùa, cầu mong sự sinh sôi, nảy nở, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an tại nhiều quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
trung thu chua ong
Đội múa Chùa Ông - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
      Tục đón tết Trung thu của nước ta từ xưa đã được ghi lại trong một số sử liệu. Văn bản xưa nhất được phát hiện cho tới nay là tấm bia chữ Hán tại tháp Sùng Thiện Diên Linh, chùa Long Đọi Sơn, Hà Nam, lập năm 1121. Nội dung văn bia có đoạn miêu tả cảnh tết Trung thu tưng bừng, hoành tráng với nhiều màn biểu diễn đặc sắc, nhộn nhịp tại kinh thành Thăng Long. Việc tổ chức lễ Tết Trung thu định kỳ hàng năm còn được triều đình nhà Nguyễn quy định rất cụ thể trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Ở Hội An, dưới triều Nguyễn, các quan niệm tín ngưỡng và nghi thức cúng bái liên quan đến lễ hội Tết Trung thu được người dân thực hiện theo phong tục, tập quán cổ truyền, là một phần không thể thiếu trong hành trình mở mang bờ cõi, khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên vùng đất mới. Trải qua thời gian, cùng với những điều kiện giao lưu, tiếp biến văn hóa hiếm nơi nào ở Việt Nam có được, Tết Trung thu ở Hội An vẫn mang chứa nhiều giá trị văn hóa bản thể, riêng có và bền bỉ sức sống.

      Người Hội An ngày trước đã dành rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị cúng lễ và trang hoàng không gian tín ngưỡng, không gian gia tư để đón ngày rằm tháng Tám, vui Tết Trung thu. Có những việc kéo dài cả tháng.

      Để sẵn sàng cho nghi lễ vào tối 14 âm lịch, các di tích đình, chùa, hội quán, văn chỉ, miếu, lăng,... từ làng xã đến thôn, xóm, ấp,... đều được quét dọn sạch sẽ, trưng bày, trang trí khang trang, lễ vật đầy đủ. Đặc biệt là đều treo đèn lồng trang trí trước cổng hoặc dưới mái hiên. Những kiểu đèn lồng thông dụng ngày trước làm bằng sườn tre, dán giấy dó, giấy gương màu theo hình dáng chiếc bánh ú, cá chép, trái bí đỏ… hay ngôi sao năm cạnh. Đèn lồng ở đình, chùa bao giờ cũng có kích thước lớn hơn nhiều so với đèn lồng treo ở nhà dân.

      Tại các gia đình, trước ngày cúng rằm Trung thu, người dân đều lo quét dọn bàn thờ gia tiên, trang trí nhà cửa và nhất là cố công làm một chiếc đèn lồng thật đẹp để treo trước nhà hay đặt tại một vị trí trang trọng nhất. Phụ nữ trong gia đình, ngoài việc phải lo mâm lễ vật xôi, chè, bánh trái, món chay, món mặn,... cúng ông bà, gia tiên, còn kỳ công sắp đặt, trưng bày mâm cỗ Trung thu sao cho đẹp mà ý nghĩa để cúng thổ thần, cô bác trước sân nhà. Mâm cỗ được trưng bày khéo léo, nghệ thuật theo các đề tài cổ tích như chú Cuội, chị Hằng, thỏ ngọc, cây đa với các loại bánh nướng, bánh dẻo hình tròn tượng trưng cho mặt trăng. Các loại bánh cùng với hoa, trái cây tạo nên những sắc màu ngũ hành sặc sỡ[1].

      Bánh trung thu là một lễ vật đặc trưng trong mâm lễ cúng rằm tháng Tám của người dân Hội An, bên cạnh xôi, chè, trái cây và những loại bánh ngọt khác. Nhân bánh có vị chay hoặc mặn, tùy vào mâm cúng rằm Trung thu của mỗi gia đình. Vang tiếng một thời ở Hội An có tiệm ông Sườn, Xán Thạnh, bà Ba Ịn, Quảng Hòa Lợi… Cách đây non nửa thế kỷ, Hội An vẫn còn trên dưới 10 tiệm bánh Trung thu gia truyền. Con số này hiện nay chỉ còn khoảng 3 xưởng, làm bánh theo yêu cầu của những bạn hàng sành ăn và có chút hoài cổ.
Đặc biệt, nét văn hóa đặc trưng làm nên linh hồn của Tết Trung thu ở Hội An chính là tục múa Thiên cẩu. Đây là nghệ thuật múa linh vật dân gian truyền thống của cư dân phố cổ, được trình diễn trong các dịp tết, khánh thọ, khai trương, khánh thành để xua đuổi tà khí, đem lại phúc lành. Trong thời gian lễ hội Tết Trung thu, hoạt động biểu diễn linh vật này kéo dài cả tuần lễ, trước và sau ngày rằm. Qua tư liệu hồi cố của các vị cao niên sinh sống tại Khu phố cổ Hội An, cho đến nửa cuối thế kỷ XX, ở Hội An chưa có múa Lân, Sư tử mà chỉ quen thuộc với nghệ thuật múa Thiên cẩu[2].

      Thiên cẩu khác biệt với Lân trước tiên về hình dáng linh vật. Đặc điểm về kiểu dáng của những đầu Lân hiện nay là đầu tròn, sừng ngắn, mắt tròn, mi mắt nhô cao, mình ngắn phủ đầy lông, vẩy. Trong khi đó, Thiên cẩu có đầu lớn, trán trài không tròn, mắt xếch đuôi cá, sừng cong không nhọn, mình dài không có lông. Về trang trí, đầu Thiên cẩu sử dụng năm màu theo nguyên tắc ngũ hành. Còn đầu Lân thường dùng màu đỏ hoặc vàng làm chủ đạo. Chính vì vậy, Thiên cẩu toát lên thần thái quyền uy hơn Lân.

 
trung thu
Tết trung thu ở Hội An 1997 - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

      Múa Lân hoặc Sư tử không yêu cầu cao về bài bản, bộ thế võ thuật. Trong khi đó, múa Thiên cẩu mang đặc tính võ thuật rõ ràng, thể hiện qua các bộ tấn cơ bản như lập tấn, đinh tấn, trảo mã tấn, hạc tấn, xà tấn,... Ai cũng có thể tham gia múa nếu có năng khiếu hoặc thể hiện được thần thái của Thiên cẩu qua các động tác biểu diễn. Tuy nhiên, người đảm nhận múa đầu phải nắm rõ các thế tấn cơ bản của võ thuật cổ truyền để biểu diễn có uy và đẹp mắt, linh hoạt áp dụng trong suốt màn biểu diễn. Nếu Lân, Sư tử chỉ do hai người múa, một ở đầu, một ở đuôi tạo thành con vật bốn chân thì múa Thiên cẩu có thể do nhiều người thực hiện, tạo thành một con vật khác thường, nhiều chân. Tính dân dã của múa Thiên cẩu thể hiện ở chỗ có thể dung nạp được nhiều người cùng múa ở phần mình và đuôi, tựa như trò chơi Rồng rắn lên mây của trẻ em.

      Ngoài ra, giá trị cốt lõi làm nên sự độc đáo của nghệ thuật dân gian múa Thiên cẩu chính là chiều sâu văn hóa, những tín ngưỡng dân gian tại vùng đất sản sinh ra nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo này. Động tác biểu diễn múa Thiên cẩu tuân thủ theo bài bản quy ước được trau chuốt qua thời gian. Thông qua hình ảnh một linh vật đầy uy lực nhưng lại mang những nét đời thực gần gũi, đậm tính nhân văn, các màn múa Thiên cẩu dân gian như ăn lá đa, thiên đăng, “đớp trẻ” trừ tà,... đã minh họa sinh động cho ước vọng của cư dân địa phương về một vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, đẩy đuổi tà ma để đón nhận tài vận may mắn.

      Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Tết Trung thu ở Hội An còn có thêm hoạt động biểu diễn múa Lân, Sư tử, Rồng. Cũng theo thông lệ của các đội Thiên cẩu từ xưa, những nhóm bạn thanh thiếu niên ở chung một xóm làng, hoặc cùng lớp, chung trường thường rủ nhau hợp thành đội múa, duy trì đến hết rằm Trung thu. Với đặc thù có nhiều võ đường truyền thống, Hội An còn duy trì nhiều đội Lân, Sư tử, Thiên cẩu hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức hơn như Vạn Xuân Đường, Thiếu Lâm Hồng gia, Lạc Hồng, Kỳ Sơn,... Các đội chuyên nghiệp trình diễn nhiều kỹ xảo, nghệ thuật múa điêu luyện nên thường được các chủ tiệm buôn, cửa hiệu lớn trong khu phố cổ, các nhà hàng, khách sạn ở vùng ven mời đến múa mở đầu mùa Trung thu. Không chỉ vậy, đường phố, thôn xóm nào cũng có bóng dáng các đội múa bé con với những chiếc đầu Lân, Thiên cẩu nhỏ. Các nhóm múa Thiên cẩu, Lân, Sư tử len lỏi đến từng nhà, thôn cùng ngõ xóm, các chợ, cửa hàng, tiệm buôn tạo nên bầu không khí rộn ràng, náo nhiệt nhất trong năm ở Hội An.

      Từ giữa tháng Bảy âm lịch trở đi, khắp các cửa hàng, hiệu buôn trong phố cổ cho đến vùng ven đều đã ngập tràn sắc màu của Tết Trung thu với các món hàng, đồ chơi cho khách lựa chọn, từ những chiếc đầu Lân, Thiên cẩu to kềnh cho đến lồng đèn, mặt nạ, trống, đèn cầy (nến), Trước đây, còn có cả các dây pháo rực rỡ đủ mọi kích cỡ. Những dụng cụ, nhạc cụ của các đội như trống, phèng la, xập xõa, đuốc thắp bằng chai phà, dầu rái,… cũng được tích cực gia cố, tu bổ để sẵn sàng cho nhữngbuổi biểu diễn. Đêm đêm, tiếng trống tập dợt rộn rã khắp xóm, làng, ngõ phố cuốn hút đông đảo trẻ em tụ tập reo hò, cổ vũ; càng như nhắc nhở, thúc giục lòng người chuẩn bị vào mùa lễ hội Trung thu rộn rã.

      Hiện nay, lễ hội Tết Trung thu là một sự kiện văn hóa lớn trong năm ở Hội An. Ngoài các tập tục tín ngưỡng dân gian, thành phố rất chú trọng tổ chức hoạt động cũng như khuyến khích các đơn vị, cá nhân tạo thêm không gian vui chơi cho thiếu nhi trong dịp này như: tổ chức đêm hội trăng rằm, hội thi múa Lân, Thiên cẩu, phát quà bánh cho thiếu nhi, hướng dẫn làm lồng đèn truyền thống, rước đèn đêm trung thu, và dành nhiều quan tâm đến trẻ em khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt.

      Tết Trung thu đối với người dân Hội An không những là nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà đã trở thành một sản phẩm dịch vụ - du lịch văn hóa, thu hút hàng vạn du khách tham gia, đem lại nguồn thu nhập lớn mỗi năm với đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại độc đáo, hấp dẫn như buôn bán các đạo cụ múa vật linh, đồ chơi trẻ em, dịch vụ biểu diễn vật linh phục vụ các tiệm buôn, trình diễn với du khách tại các nhà hàng, khách sạn. Các hoạt động dịch vụ dựa trên văn hóa bản địa độc đáo ngày Tết Trung thu đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của thành phố. Những nội dung hội Tết Trung thu không ngừng được thành phố đầu tư chu đáo, các hoạt động truyền thống được bảo vệ và khôi phục qua thời gian, ngày càng khẳng định giá trị của di sản, tạo cơ hội để cộng đồng cư dân Hội An bảo vệ những quan niệm tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp, các nghề thủ công gắn liền với di sản.

      Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng nổi bật đó, ngày14 tháng 02 năm 2023, Di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống, tín ngưỡng và tập quán xã hội Tết Trung thu ở Hội An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong niềm hân hoan, vui sướng chung của nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, lễ hội Trung thu năm nay đã và sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc biệt để đón mừng danh hiệu cao quý này, đồng thời, quảng bá hình ảnh Tết Trung thu truyền thống ở Hội An đến bạn bè, du khách khắp nơi.
 
[1] Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nhà xuất bản Đà Nẵng, tr.240.
[2] Trần Văn An, Trương Hoàng Vinh (2010), Múa Thiên cẩu, Nhà xuất bản Dân Trí, tr.19.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh & Thái Thị Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây