Tín ngưỡng Thiên Y A Na trong văn hóa dân gian người Việt ở Hội An

Thứ hai - 18/09/2023 04:00
Tín ngưỡng Thiên Y A Na là một dạng thức tín ngưỡng - văn hóa độc đáo khá phổ biến ở các tỉnh thành duyên hải miền Trung nước ta. Từ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar của người Chăm đã hiện thân thành vị Thánh Mẫu với tên gọi Thiên Y A Na - một vị phúc thần của người Việt.
      Nguồn gốc vị Thánh Mẫu/ nữ thần Thiên Y A Na

      Tín ngưỡng thờ Mẫu - nữ thần của người Việt có nguồn gốc, ảnh hưởng từ các tín ngưỡng, tôn giáo sơ khai (vạn vật hữu linh, Tô-tem giáo, Shaman giáo), ảnh hưởng Hindu giáo, Phật giáo, Đạo giáo… Tại miền Bắc, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoại và Mẫu Thượng Ngàn) mang sắc thái văn hóa cổ xưa của người Việt từ bao đời. Trong quá trình người Việt di dân vào Đàng Trong, miền Trung, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ đã tiếp xúc và ảnh hưởng khá sâu sắc tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm là Pô Inư Nưgar (Mẹ xứ sở người Chăm). Người Việt đã tiếp thu tín ngưỡng này thành mô thức tín ngưỡng của người Việt dưới thần hiệu là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, vị nữ thần này được triều đình nhà Nguyễn xếp vào hạng thượng đẳng thần.

 
Bản sao sắc phong thần Thiên Y A Na xã Đông An, huyện Diên Phước năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trong tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên
Bản sao sắc phong thần Thiên Y A Na xã Đông An, huyện Diên Phước năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trong tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên
 
      Một số tài liệu cho rằng nguồn gốc của Pô Inư Nưgar là nữ thần Devi/ Shakti của Hindu giáo, hoặc còn là Uma (tiếng Phạn), dịch ra tiếng Chăm là Uroja. Có ý kiến khác lại cho rằng nữ thần Uma chính là nữ thần Kali, vợ của thần Siva. Nữ thần Kali có màu da đen nên bà cũng chính là Neang Khmau (Bà Đen) của người Khmer Nam Bộ và nữ thần Mariama (gốc Hindu giáo) của người Ấn[1].

      Theo sách Thần người và đất Việt của tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: “Thiên Y A Na là thần bảo vệ vương quốc Chàm, thế nhưng đã được Lý Thánh Tông đưa về làm một vị thần bảo trợ nước Việt[2] và “đã được Việt hoá vừa theo cách diễn âm, vừa theo cách chuyển nghĩa, lẫn lộn hơi ngượng nghịu: Po Yan Ino Nưga/ Thiên Yana Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi/ Chúa Ngọc Diễn Phi…[3].

      Tín ngưỡng Thiên Y A Na khá phổ biến ở các tỉnh thành duyên hải miền Trung nước ta (từ Quảng Nam, Đà Nẵng cho đến Bình Thuận). Thiên Y A Na được nhân dân tôn thờ dựa trên những thần tích, thánh tích dạy dân cày cấy, làm ruộng, kéo sợi dệt vải, làm gốm… Bà được xem là vị nữ thần bảo trợ cho mọi nghề nghiệp và thường hiển linh, cứu nhân độ thế.       Đặc biệt, Thiên Y A Na là vị nữ thần cai quản biển cả, các cù lao, chuyên độ trì cứu người trên biển, điều này có sự tương đồng với Mẹ xứ sở người Chăm Pô Inư Nưgar[4].

      Triều đình nhà Nguyễn đã ban nhiều sắc phong cho vị nữ thần này. Trong các sắc phong, thần thường được định danh là Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc (thời Minh Mạng), Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi (thời Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại). Về đẳng trật, thần được phong cấp bậc thượng đẳng và được ban các mỹ tự là “Hồng nhân Phổ tế Linh Cảm” (thời Minh Mạng), “Hồng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy (thời Tự Đức), đến thời Đồng Khánh gia tặng thêm “Dực bảo Trung hưng[5].

      Tín ngưỡng Thiên Y A Na trong văn hóa dân gian ở Hội An

      Ở Hội An, các vị nữ thần có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân và được nhân dân tôn thờ ở nhiều đình làng, lăng miếu, hội quán... Các vị nữ thần người Việt thường được tôn thờ với danh xưng là Bà như Bà Bô Bô, Bà Phiếm Ái, Bà Đại Càn (Đại Càn Tứ Vị thánh nương), Bà Ngũ Hành (Ngũ Hành tiên nương) ở đình làng Cẩm Phô, Hội An, Để Võng; miếu Ngũ Hành, miếu Hiệp Hòa, miếu Bà xã Tân Hiệp… Đối với các vị nữ thần có nguồn gốc từ Trung Hoa được thờ chính ở các hội quán người Hoa như hội quán Phước Kiến (Thiên Hậu Thánh Mẫu) và phối thờ ở các đình làng của người Việt như Cửu Thiên Huyền Nữ (đình Cẩm Phô, đình Sơn Phong)…

      Về vị nữ thần Thiên Y A Na, qua thống kê có đến 7/11 làng xã ở Hội An thờ vị nữ thần này. Theo tư liệu điều tra về các làng xã ở Hội An ghi chép trong Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện từ năm 1941 đến năm 1943 cho biết: “Vị Thiên Y Diễn Ngọc và vị Sát Hải tướng quân, theo phong tục của miền này, làng nào cũng có thờ các vị ấy, thần tích không còn gì lưu lại cho những hậu sinh bây giờ[6].

      Tổng số sắc phong của vị nữ thần này gồm có 43 sắc phong. Sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924). Những làng xã được phong sắc thờ thần Thiên Y A Na như làng Cẩm Phô, Tân Hiệp, Thanh Hà, Thanh Đông, Sơn Phong… Đây là những làng xã có lịch sử hình thành lâu đời và có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của vùng đất Hội An trong lịch sử.

 
      Bảng kê các đạo sắc phong thần Thiên Y A Na ở Hội An trong tư liệu Quảng Nam xã chí[7]
STT Tên làng xã Số lượng sắc phong
1 Làng Cẩm Phô 7
2 Làng Tân Hiệp 8
3 Làng Thanh Hà 2
4 Làng Thanh Đông 2
5 Làng Thanh Nam 8
6 Làng Sơn Phong 8
7 Làng Sơn Phô 8
Tổng số 43
 
      Hiện nay tại khu miếu Lùm Bà Dàng (Thanh Chiếm, phường Thanh Hà) vẫn còn một bệ đá Chăm có niên đại khoảng thế kỷ 5-11 và nhiều mảnh sa thạch, gạch Chăm. Về sự tích về sự ra đời của khu miếu Lùm Bà Dàng: “vào một ngày mưa giông của tháng ba, tháng tư, có một nữ thần ẩn hiện theo gió mây, đi từ hướng núi Trà Kiệu ngang qua khu vực Lùm Bà Dàng và phán truyền rằng: Ta là Cổ Nương chi thần, đi ngang qua đây thấy cảnh đẹp mà lưu lại. Tại đây, Bà đã ở lại khoảng 5 - 10 năm để phát thuốc và chữa bệnh cho dân lành…”.
      Qua những hiện vật, sự tích, tên địa danh (Bà Dàng/ Bà Yàng) cho thấy, nơi đây trong lịch sử đã từng có một công trình tín ngưỡng Champa[8]. Danh xưng vị nữ thần tại miếu Lùm Bà Dàng là Cổ Nương chi thần, phải chăng đây chính là vị nữ thần
Pô Inư Nưgar/ Thiên Y A Na (?).


      Trong những dịp cúng tế xuân thu tại các đình làng, lăng miếu ở Hội An, nữ thần Thiên Y A Na được nhắc đến trong các văn tế. Vào dịp này, bà con nhân dân cùng nhau tổ chức lễ cúng, dâng hương, lễ vật nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ, giúp đỡ dân làng có được cuộc sống bình an, làm ăn thuận lợi.

      Cùng với các vị thần được thờ tự ở các đình làng, lăng miếu, hội quán ở Hội An, sự hiện diện của Thiên Y A Na đã góp phần tạo nên giá trị đặc sắc trong hệ thống tín ngưỡng thờ thần nói chung, nữ thần nói riêng, thể hiện dấu ấn sâu đậm của quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa Việt - Chăm ở Hội An, Quảng Nam trong lịch sử, đồng thời còn góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
 
[1] Phan Thị Yến Tuyết (2016), Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.376.
[2] Tạ Chí Đại Trường (2014), Thần người và đất Việt. Nxb Tri thức & Nhã Nam, tr.33.
[3] Tạ Chí Đại Trường (2014), sách đã dẫn, tr.260.
 
[4] Phan Thị Yến Tuyết (2016), sách đã dẫn, tr.377.
[5] Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan (2013), Sắc phong ở Đà Nẵng, Nxb Thuận Hoá, tr.28.
[6]  Bản sao tư liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện những năm 1943-1944. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (năm 2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn & Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, tr.198.
[7] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (năm 2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn & Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng.
[8] Trương Hoàng Vinh, Khu miếu lùm Bà Vàng một di tích liên quan đến nhiều thời kỳ lịch sử ở Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, Bản tin số 03 (07)-2009).

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây