Đốn cây lá Lao - Ảnh: Hồng Việt
Với hệ động, thực vật trên rừng, dưới biển đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều loại quý hiếm, có giá trị kinh tế, bên cạnh đó, tập quán xã hội, đời sống sinh hoạt của cư dân Cù Lao Chàm thể hiện nét đặc trưng văn hóa vùng biển đảo.
Một trong những nghề gắn liền với hoạt động khai thác biển đảo từ rất sớm ở Cù Lao Chàm của cư dân xứ đảo đó là nghề đốn lá Lao. Những kinh nghiệm, tri thức dân gian của cư dân về việc tìm đốn và sử dụng cây lá Lao được xem là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng ở Cù Lao Chàm, góp phần làm phong phú, đa dạng di sản văn hóa của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo người dân sống trên đảo Cù Lao Chàm, từ xa xưa cư dân địa phương đã tìm đốn cây lá Lao trên rừng về nấu nước uống hàng ngày và chữa một số bệnh thông thường như đau bụng, ho, cảm, sốt… Ông Nguyễn Từ, ở Bãi Làng, năm nay 86 tuổi cho biết, từ đời ông nội đã đốn lá cây trên rừng về nấu uống. Như vậy, việc người dân xã đảo sử dụng cây lá Lao đã có từ thế kỷ 19 trở về trước. Tuy nhiên, trước đây người địa phương chỉ đốn lá Lao vào dịp Tết Đoan Ngọ để sử dụng cho cả năm.
Từ năm 2000 trở lại gần đây, những kinh nghiệm, tri thức dân gian trong việc tìm đốn và sử dụng cây lá ở Cù Lao Chàm đã được đúc kết, lưu truyền và trở thành một nghề vì sản phẩm lá Lao đã bắt đầu có sự tiêu thụ rộng rãi không chỉ trên địa bàn thành phố Hội An mà sang các địa phương lân cận.
Công việc tìm đốn cây lá Lao được thực hiện quanh năm, chỉ trừ những ngày mưa, gió. Theo kinh nghiệm của những người trong nghề, trời mưa hoặc không có nắng thì không phơi lá được vì thế chất lượng lá không ngon nên hạn chế đốn vào mùa mưa. Mùa khai thác cây lá chủ yếu từ mùa xuân cho đến đầu mùa đông. Địa bàn hoạt động của nghề dàn trải trên khắp núi Hòn Lao, hầu như nơi nào cũng có cây lá mà người dân có thể sử dụng được.
Không như những ngành nghề khác, công việc khai thác cây lá thực hiện đơn giản. Tuy nhiên, để thực hiện nghề đòi hỏi người thực hành phải có sức khỏe, kinh nghiệm trong việc đi rừng, cách nhận biết từng loại cây lá. Thường những người đàn ông có kinh nghiệm sẽ đi xa, khuân vác, leo trèo dễ dàng nên sẽ tìm được những cây lá có giá trị mọc ở khu vực trên cao, những nơi khó khăn, hiểm trở.
Với kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, sử dụng cây lá Lao, giúp cho người làm nghề biết được vị trí phân bố của từng loại cây và cần đốn trong thời gian nào là đảm bảo chất lượng. Khi đốn phải giữ lại gốc và nhánh còn nhỏ. Hơn nữa, với kinh nghiệm của những người thực hành nghề lâu năm có thể phân biệt được từng loại cây khác nhau một cách dễ dàng, ngoài việc nhận biết qua hình dáng của lá, thân cây, còn nhận biết qua mùi vị của lá cây,…
Công cụ để thực hiện đốn lá Lao tương đối đơn giản. Công cụ cần và đủ của nghề này là cái rựa được rèn bằng sắt. Ngoài ra, còn có những vật dụng khác liên quan như găng tay, bao tời, cuốc, xà beng, cây 3 cháng,…
Trong quá trình thực hành nghề, người dân không đi rừng đốn lá vào ngày rằm và mồng một. Tuy nhiên, nếu đi vào những ngày này thì kiêng cữ không chặt cây to, nói tiếng lớn,…
Qua thời gian làm nghề, người dân ở đây nhận biết được công dụng của từng loại cây lá phù hợp với mục đích sử dụng. Từ kết quả điều tra, khảo sát qua các năm cho biết, người dân ở Cù Lao Chàm sử dụng khoảng 80 loại cây lá rừng để uống, chữa bệnh. Trong đó, dùng để nấu nước lá uống hàng ngày có khoảng từ 10 đến 20 loại cây lá như riềng núi, ngũ gia bì, bồ đề núi, mù tru, quế hương, cam thảo, sâm núi, đây chiều, chè núi, tỳ tà, bù gia, trâm nổ, ngà voi trắng, bạc đầu, đậu muồng. Một số loại cây lá dùng để chữa các bệnh thông thường như ho, đau bụng, đau lưng, hạ sốt,… có rau răm trời, dây lăn, chỏng bỏng, dây tơ hồng, sơn dĩ, cây đuôi chó, cỏ xước, ổi tàu,… hoặc dùng để uống trong những trường hợp khác, như loại nấu nước uống dành cho người sinh nở, uống để đen tóc, dẹp da, chữa bệnh về xương khớp,… có lá vằn, bồ đề núi, bướm bướm, bù quân, cây sanh, hà thủ ô,…
Công đoạn sơ chế lá cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm trong thực hành nghề. Cây lá được bằm nhỏ khoảng từ 8 à 10cm rồi đem phơi khô chừng 3 nắng, riêng đối với những loại thân cây hoặc rễ thì phơi lâu hơn. Sau đó các loại cây lá góp chung vào trộn đều rồi bỏ vào bao bảo quản nơi khô ráo để tránh bị ẩm mốc.
Sơ chế lá - Ảnh: Hồng Việt
Số liệu thống kê của Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế vào năm 2005, ở Cù Lao Chàm có 07 người thường xuyên đi đốn lá Lao để cung cấp cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ hiện nay có 25 hộ thường xuyên thực hiện việc đi đốn lá để bán. Bên cạnh đó, có một số người không trực tiếp đi đốn lá để bán mà mua lại rồi phân lẻ ra bán tại chỗ cho khách du lịch hoặc bán sỉ vào đất liền Hội An. Do tính chất của công việc nên hiện nay nghề này ít thu hút lớp trẻ theo nghề, chủ yếu từ độ tuổi trung niên trở lên. Có những người dù đã lớn tuổi nhưng cho đến nay vẫn gắn bó với nghề như ông Nguyễn Từ, ông Lê Duy Mãi, ông Nguyễn Hoàng Sinh,…
Qua khảo sát sơ bộ, hiện tại ở Cù Lao Chàm, đa số người dân địa phương đều uống nước lá Lao. Tại các hàng quán ở Cù Lao Chàm đều sử dụng nước lá Lao để phục vụ du khách và đây là một đặc trưng trong ẩm thực của người dân nơi đây, góp phần tạo nên thương hiệu cho nước lá Lao ở xã đảo.
Có hai cách để nấu nước uống, một là bỏ lá vào ấm rồi đổ nước vào nấu cho sôi hoặc cũng có thể pha như pha trà, bỏ lá vào ấm rồi đổ nước sôi vào. Điều khác biệt nhưng cũng rất đặc biệt của nước lá Lao là có thể để lâu mà không bị ôi thiu như một số loại nước uống khác.
Với đặc tính thổ nhưỡng của vùng biển đảo Cù Lao Chàm nên các loại cây lá ở đây có mùi vị và giàu dược tính hơn các cây lá cùng loại ở nơi khác. Khi nấu, nước lá Lao có vị chát, tỏa mùi thơm đặc trưng, uống vào tốt cho tiêu hóa, kích thích ăn ngon... Việc phát hiện và sử dụng các loại cây lá trên đất đảo để nấu nước uống hàng ngày hoặc dùng trong chữa bệnh dân gian là sự sáng tạo về ẩm thực gắn với môi trường biển đảo của cư dân Cù Lao Chàm.
Mặc dù với sự phát triển của khoa học nhưng những bài thuốc, những kinh nghiệm dân gian trong việc chữa trị những bệnh thông thường từ cây lá ở Cù Lao Chàm vẫn được cộng đồng cư dân địa phương sử dụng. Hiện nay, sản phẩm cây lá Lao được tiêu thụ rộng rãi tại Hội An và các địa phương lân cận, thậm chí đến những nơi xa xôi như Sài Gòn, Hà Nội, Huế. Thỉnh thoảng, những thầy thuốc nam cũng mua lá Lao để sử dụng trong chữa bệnh.
Từ quá trình thực hành đốn lá rồi sơ chế, đến việc sử dụng trong các phương thức chữa bệnh dân gian, người dân địa phương đã đúc kết nên kinh nghiệm, tri thức dân gian trong việc sử dụng cây lá Lao để chữa một số bệnh thông thường mà không cần thuốc, phù hợp với điều kiện cách trở của đất đảo và đặc biệt cho ra một sản phẩm nước lá Lao với công dụng tốt cho sức khỏe được nhiều người ưa chuộng. Quá trình thực hành nghề đã góp phần làm đa dạng, phong phú di sản văn hóa phi vật thể của Hội An nói chung, của xã đảo Tân Hiệp nói riêng. Đồng thời cũng tạo nên công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thiết thực cho sự bền vững để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh giá trị về dưỡng sinh, chữa bệnh và gắn liền với giá trị kinh tế thì những tri thức trong việc tìm đốn và sử dụng cây lá ở Cù Lao Chàm đã tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng không thể thiếu cho du khách khi đến với hòn đảo quyến rũ này.