Thông tin về di sản văn hóa phi vật thể ở Cù Lao Chàm

Thứ hai - 31/07/2023 22:25
      Cù Lao Chàm là một cụm đảo ven bờ cách đất liền Hội An, tỉnh Quảng Nam chừng 18km về phía Đông, gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ với các tên gọi lưu lại trong câu ca lâu đời tại địa phương: Ra Lao đốn Lụi thật Dài, Chờ cho Khô, Lá xuống Tai chực Nồm[1].

      Cù Lao Chàm không những mang những giá trị đặc biệt về địa - kinh tế - văn hóa, địa - chính trị, về đa dạng sinh học trên rừng dưới biển, về di sản văn hóa vật thể bao gồm các di tích lịch sử - văn hóa lâu đời[2], các cảnh quan thiên nhiên nên thơ, hùng vĩ,… mà Cù Lao Chàm còn là nơi lưu giữ những giá trị hiếm có về văn hóa phi vật thể gắn với môi trường biển đảo.

      Về tiếng nói, chữ viết, cư dân Cù Lao Chàm hiện vẫn giữ được một số tập quán phát âm và sử dụng ngôn ngữ khá xưa cổ. Ai đó lần đầu mới tiếp xúc với người dân nơi đây sẽ cảm thấy cách phát âm của họ khó nghe. Giữa thanh hỏi, ngã và thanh nặng có sự chuyển hóa lẫn nhau, “củi” biến thành “cụi” và ngược lại, âm sắc khá nặng và nghe giống cách phát âm vùng Thanh Nghệ. Có lẽ là do một cụm đảo ngăn cách với đất liền, điều kiện giao lưu về lời ăn tiếng nói hẹp nên cư dân nơi đây còn giữ được thói quen phát âm gắn với những lớp cư dân cổ trước đây. Thực tế này là cơ sở để Cù Lao Chàm trở thành một địa chỉ lý tưởng khi nghiên cứu về lịch sử ngữ âm nói riêng, tiếng Quảng nói chung. Về từ vựng, người dân nơi đây hiện vẫn sử dụng một số từ địa phương thuộc những lớp từ cổ trong các thế kỷ trước đây như “kìn” có nghĩa là uống (nước); “gộc” là củi; “ót”: bó; “cấu”: gạo; “rào”: nước; “tố”: gió lốc,… Một số từ này đã được ghi lại trong Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre De Rhode xuất bản vào đầu thế kỷ XVII. Ngay danh xưng Cù Lao Chàm đang dùng hiện nay cũng đã thể hiện sự ảnh hưởng từ một tên gọi gốc Mã Lai Nam Đảo là Pullo Ciam.

      Về lễ lệ, lễ hội, hiếm nơi đâu với địa bàn cư trú hẹp chừng 16km2 và trước đây có khoảng chừng 50 đến 60 hộ, gần đây khoảng hơn 400 hộ sinh sống nhưng lại hình thành, bảo lưu được một bề dày văn hóa lễ hội, lễ hội như ở Cù Lao Chàm. Tại đây đã ghi nhận được 23 địa điểm thờ tự và kèm theo đó là các lễ lệ, lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm. Lễ hội mang sắc thái biển đảo rõ nét nhất và được tổ chức quy mô nhất là Lễ Cầu ngư được tổ chức hàng năm tại lăng Ông Ngư vào ngày 04 tháng 4 âm lịch. Ngoài ra, còn có các lễ cúng của các vạn nghề tại các ngôi miếu nằm ở các vách đá hiểm trở mà nếu không có một niềm tin sâu sắc và lòng nhiệt thành nhất định thì không thể nào tổ chức, duy trì được. Cùng với các lễ lệ, lễ cúng liên quan đến biển đảo và nghề làm biển, tại đây còn có các lễ lệ liên quan đến nông nghiệp, đất đai và tín ngưỡng đa thần. Các lễ lệ, lễ hội ở đây có quy mô không lớn nhưng được tiến hành hết sức trang nghiêm, thành kính tạo thành không khí linh thiêng và sự cộng cảm cao trong cộng đồng.

 
le hoi cau ngu tan hiep
Diễn xướng bả trạo trong lễ hội Cầu ngư ở Tân Hiệp - Ảnh: Phước Tịnh
 
      Về nghệ thuật trình diễn dân gian, vào các dịp lễ hội, lễ lệ hàng năm, vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan, Hành đàn bạt độ cư dân địa phương thường tổ chức các hình thức trình diễn như hát Bả Trạo trong Lễ Cầu ngư, lễ cúng Ông Ngư, Hô hát bài chòi trong tết Nguyên Đán, tổ chức các đêm văn nghệ tái hiện các sự tích của Phật giáo như Phật xuất gia; Mục Kiền Liên cứu mẹ,… Các đêm hát hò khoan đối đáp cũng được tổ chức khi có hội hè hoặc trong các dịp lao động cộng đồng như xây nhà, xây lăng miếu. Ngoài ra còn có một số hình thức múa hầu đồng được thực hành tại một số di tích như miếu Bà Bạch, miếu Âm Hồn,… Cùng với các hình thức trình diễn, do sống ở một vùng đảo xa cách với đất liền, phương tiện đi lại không phải lúc nào cũng thuận lợi nên để thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí tại chỗ, cư dân Cù Lao Chàm từ lâu đã lưu truyền, tổ chức nên những trò chơi, những hình thức giải trí khác nhau. Trẻ em ở đây ngoài các trò chơi phổ biến ở nhiều nơi như trốn tìm, chuyền nẻ, ô làng, cờ gánh, tán tiền, đánh tổng,… còn có một số trò chơi gắn với biển đảo như bơi thi, lặn thi, câu cá, nuôi chim, sóc, chơi ấp gà, đánh củi,… Người lớn trong những lúc rảnh rỗi thường thả thuyền câu cá ven đảo, cạy vú sao, vú nàng ở các ghềnh đá để chuẩn bị các món ẩm thực dân dã giao lưu cùng bạn bè, hàng xóm - một hình thức giải khuây, thư giãn phổ biến của cánh đàn ông biển đảo sau những giây phút ra khơi đánh bắt trở về. Vào những đêm trăng sáng, những dịp lễ Tết thì tổ chức hát hò khoan, hát bội. Hàng ngày ngoài giờ lao động thì tụm đôi tụm ba chơi cờ tam cúc, tứ sắc, đánh lú,
 
vong ngo dong
Nghề đan võng Ngô đồng - Ảnh: Hồng Việt
 
      Về ngành nghề truyền thống, mô tả sau đây về xã Tân Hiệp - Cù Lao Chàm trong tài liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông Bác cổ thực hiện vào những năm 1942 - 1943 cho thấy bức tranh tổng thể như sau: “… Tân Hiệp xã có 20 mẫu ruộng một vụ, có rừng, dân số được 300 nhân mạng. Thổ sản của làng này đặc biệt hơn hết là gỗ, cây, củi, mây, lá tơi cùng nhiều nhất là yến, đồi mồi, xà cừ. Làng có ruộng nên dân làng chuyên về nghề nông một ít. Nghề đánh cá cũng thịnh hành. Nghề làm củi trong những tháng mà không làm ruộng và không đánh cá. Trừ ba nghề này ra hầu hết dân làng không làm nghề gì khác. Nhưng về thương mãi bằng ghe buồm với các chỗ khác cũng đơn sơ thôi…[3]. Qua mô tả này ta thấy cư dân ở đây có 3 nhóm nghề truyền thống: Nhóm khai thác đánh bắt hải sản; nhóm khai thác các nguồn lợi của núi rừng; nhóm dịch vụ, buôn bán đường biển. Về khai thác đánh bắt hải sản, ngoài các nghề như lặn gỡ ốc biển, bào ngư, hải sâm, nhum; câu mực, câu cá hố; nghề lưới, mành, cư dân Cù Lao Chàm còn có một nghề đặc biệt đó là khai thác yến sào tại các hòn đảo thuộc Cù Lao Chàm và trước đây còn ở một số hòn đảo khác tại Bình Định, Khánh Hòa, Côn Đảo. Các nghề khai thác nguồn lợi của núi rừng, ngoài nghề nông còn có nghề đốn củi, hái rau rừng, đốn lá Lao, làm mây, làm tranh lá mây, làm áo tơi, đan võng ngô đồng, trong đó nghề đan võng ngô đồng và đốn lá Lao làm thức uống là hai nghề đặc trưng của cư dân Cù Lao Chàm. Cùng với hai nhóm nghề này, trước đây cư dân Cù Lao Chàm cũng tham gia các nghề buôn bán bằng ghe bầu, chế biến hải sản và tổ chức một số hoạt động dịch vụ liên quan đến biển đảo như làm đại lý, đậu nậu hải sản, cung ứng nhiên liệu, phương tiện đi biển,… Gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch người dân địa phương đã chuyển sang cung ứng một số dịch vụ cho khách du lịch như homestay, thuê ghe thuyền ngoạn cảnh, ăn uống đặc sản biển, hàng lưu niệm,…

      Về ngữ văn dân gian, tuy chưa được sưu tầm, tập hợp đầy đủ nhưng kết quả thu được bước đầu cho thấy trữ lượng của chúng rất phong phú. Đó là những đơn vị ca dao, tục ngữ nói về đặc điểm của vùng đảo Cù Lao Chàm, về kinh nghiệm khí hậu thời tiết biển, kinh nghiệm ngành nghề, về tâm tư, tình cảm của người dân đảo thẳng thắn, bộc trực nhưng rất đỗi mộc mạc, chân tình. Những truyền thuyết, truyện cổ, giai thoại khá đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực lịch sử - văn hóa của địa phương như truyền thuyết về ông Cụt, truyền thuyết về Nàng Yến, truyền thuyết của cha con Ông Sóng,… Cùng với các truyền thuyết là những giai thoại, những mẩu chuyện liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đến các khu vực, địa điểm cư trú, đến các nhân vật khác thường, đến đời sống tâm linh và những niềm tin siêu nhiên.
Quá trình cư trú của các lớp dân cư tại Cù Lao Chàm hơn 3000 năm trở lại đây đã tích lũy nên một hệ thống tri thức dân gian, tri thức bản địa phong phú, đa dạng liên quan đến nhiều lĩnh vực biển đảo. Đó là tri thức về phát hiện, quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên biển; tri thức về phát hiện, quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên núi rừng; tri thức về tổ chức và quản lý đời sống cộng đồng tại một vùng biển đảo xa cách đất liền; tri thức về nông nghiệp và các nghề thủ công tại một địa bàn có tính đặc thù; tri thức về y dược và chăm sóc sức khỏe; tri thức về ăn uống và sử dụng, dự trữ các nguồn thức ăn để đối phó với tình trạng xa cách đất liền, khó khăn về đi lại và sự bất trắc của thời tiết biển đảo,

      Có thể nói, các hình thức, loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Cù Lao Chàm rất đa dạng, phong phú và mang những sắc thái riêng. Cùng với các giá trị về đa dạng sinh học, về di sản văn hóa vật thể, các hình thái, loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở đây góp phần quan trọng tạo nên sự riêng có và sức hấp dẫn đặc biệt của Cù Lao Chàm - Hòn ngọc trên biển Đông.
 

[1] Bao gồm hòn Lao, hòn Lụi (còn gọi là hòn Mồ), hòn Dài, họ Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai và hòn Nồm (còn gọi là hòn Ông).
[2] Tại đây đã thống kê có 3 di tích khảo cổ học, 27 di tích kiến trúc nghệ thuật, 4 di tích lịch sử, 4 danh thắng.
[3] Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây