Nghệ thuật múa thiên cẩu ở Hội An một vài ý kiến đề xuất bảo tồn và phát huy

Thứ ba - 08/08/2023 21:47
      1. Nghệ thuật múa Thiên cẩu - Giá trị và thực trạng

      Múa Thiên cẩu là một loại hình múa linh vật rất phổ biến tại Hội An từ xa xưa, gắn liền với các hoạt động lễ tiết quan trọng hàng năm của cư dân như lễ cầu an, tết Trung thu… Hình thức múa Thiên cẩu như là một phần không thể thiếu, yếu tố làm nổi bật màu sắc huyền bí, chiều sâu văn hóa tâm linh trong các dịp lễ hội như thế. Trong quá trình định hình và phát triển, hình thức múa này cũng đã có những lúc trầm lắng do nhiều yếu tố tác động như chiến tranh, chính trị xã hội, rồi lại được phục hồi sôi nổi như khoảng thời gian 15-20 năm sau 1975. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, nghệ thuật biểu diễn dân gian này lại dần rơi vào thoái trào trước sức ép mạnh mẽ của các hình thức trình diễn lân, sư tử từ nơi khác du nhập đến Hội An, với lối phô diễn về kiểu dáng, kỹ thuật bắt mắt, hấp dẫn, sôi động hơn.

      Trước nguy cơ biến mất của hoạt động biểu diễn múa Thiên cẩu, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan đã tham mưu UBND thành phố thực hiện nhiều biện pháp can thiệp nhằm phục hồi loại hình múa linh vật dân gian độc đáo này của địa phương như các hoạt động tuyên truyền, giáo dục di sản học đường (khối Tiểu học), nghiên cứu và in ấn xuất bản, tổ chức các hội thi thường niên… Đóng vai trò to lớn trong các hoạt động phục dựng này là đội ngũ những người đam mê nghệ thuật dân gian múa Thiên cẩu, nhất là các võ sư, võ sinh của một số lò võ truyền thống trên địa bàn thành phố, một số nghệ nhân thủ công mây tre am hiểu cách chế tạo đầu linh vật Thiên cẩu. Đó là những người có truyền thống gia đình theo nghiệp múa Thiên cẩu như võ sư Trần A Hồng (con trai cố võ sư Trần A Hòa chủ một đội múa Thiên cẩu từ trước năm 1975) đứng ra tái phục dựng đội múa Thiên cẩu của võ đường, kêu gọi các võ sinh đủ mọi lứa tuổi tham gia; là võ sư Trần Xuân Mẫn và nhiều anh em cùng chí nguyện đã kỳ công sưu tầm các bài bản cũ, luyện tập, truyền dạy và sáng tạo nhằm tăng thêm tính hấp dẫn cũng như hiệu quả lan tỏa của nghệ thuật múa dân gian này; là nghệ nhân Nguyễn Hưng làm đầu linh vật và lồng đèn gắn bó với công việc tạo tác đầu Thiên cẩu từ thời cắp sách đến trường… Từ năm 2014, khi lực lượng của nghệ thuật trình diễn múa Thiên cẩu được gầy dựng lại khá tương đối, UBND thành phố Hội An đã đưa nội dung này vào hội thi múa lân dịp Tết Trung thu hàng năm. Từ đấy đến năm 2018, tên hội thi đổi thành “Hội thi múa lân, múa Thiên cẩu”. Từ năm 2019 đến nay thành phố tạm ngừng tổ chức Hội thi sôi nổi này do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Lúc ban đầu, Ban tổ chức mời các câu lạc bộ võ đường thi thố, về sau có giải riêng cho các trường Trung học cơ sở. Đây là một trong số các hoạt động nhằm đẩy mạnh mức độ truyền dạy kỹ năng, các bài múa Thiên cẩu, kỹ thuật chế tác đạo cụ, linh vật… và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các võ sư, võ đường, nghệ nhân cùng nhiều người yêu mến văn hóa Hội An.

 
thie cau 2
Múa Thiên Cẩu trong Lễ gắn biển tên cầu Nguyễn Duy Hiệu - Ảnh: Hồng Việt

      Tuy nhiên, mức độ lan tỏa, ảnh hưởng từ hoạt động này chưa rộng khắp, vẫn còn nhiều tiềm lực chưa được huy động, phát huy. Cụ thể là: Hoạt động múa Thiên cẩu vẫn còn mờ nhạt trong dịp Tết Trung thu trên khắp địa bàn thành phố, nhất là Khu phố cổ so với các màn trình diễn lân, sư tử đang chiếm ưu thế, thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả. Ngay trong hội thi múa lân, múa Thiên cẩu những năm qua, cũng chỉ một số võ đường và một đến hai trường Trung học đăng ký nội dung múa Thiên cẩu, số đông còn lại tham gia với tiết mục múa lân, sư tử; nhiều người dân của phố cổ Hội An hiện nay thật sự chưa biết rõ nghệ thuật trình diễn dân gian này vốn chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh gì, chuyển tải những thông điệp, nguyện ước gì của ông bà thuở trước và cũng chưa phân biệt được đâu là sự khác biệt giữa múa lân với múa Thiên cẩu - một hình thức múa linh vật đặc trưng, riêng có trên địa bàn thành phố Hội An.

      2. Một vài ý kiến đề xuất bảo tồn và phát huy

      Qua trao đổi, tiếp thu ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa Hội An, các nghệ nhân múa Thiên cẩu và bậc cao niên sinh sống tại địa phương, chúng tôi đề xuất một số biện pháp cần đẩy nhanh thực hiện với quyết tâm phục hồi mạnh mẽ nghệ thuật trình diễn dân gian múa Thiên cẩu như sau:

*Về nghiên cứu, nhận diện

- Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu liên quan đến nghệ thuật trình diễn dân gian múa Thiên cẩu trên địa bàn thành phố Hội An.

- Hỗ trợ công tác sưu tầm của các tổ chức, cá nhân nhằm bảo tồn, phục hồi di sản múa Thiên cẩu.

- Hỗ trợ, động viên các nghệ nhân, nhà nghiên cứu đầu tư cho công trình nghiên cứu và in ấn, xuất bản những đầu sách giới thiệu, quảng bá về múa Thiên cẩu.

* Có cơ chế khuyến khích hoạt động truyền nghề, trình diễn

- Tạo cơ chế tốt cho hoạt động truyền nghề, truyền tình yêu đối với di sản.

+ Nghệ thuật múa Thiên cẩu đang được truyền dạy tại 3 võ đường lớn của thành phố là Kỳ Sơn, Hoàng Lộc, Liên Hoa Huyền Linh. Việc nhận diện, chọn lọc, bảo vệ, phát huy các yếu tố cổ truyền trong những điệu múa Thiên cẩu là rất quan trọng, đòi hỏi phải có sự liên kết, thống nhất giữa các võ đường.

+ Đối tượng tiếp nhận các tri thức dân gian về múa Thiên cẩu cũng cần được mở rộng hơn, để ngoài các đội của võ đường, hội thi múa Thiên cẩu của thành phố sẽ rôm rả nhiều đội, nhóm tham gia hơn nữa; đường phố Hội An trong những dịp Trung thu về lại thấy bóng dáng Thiên cẩu từng đoàn với đèn đuốc lung linh. Thành phố cần tập trung đầu tư, mở rộng đối tượng được truyền dạy cũng như tăng thêm cơ hội thực hành, biểu diễn và thi thố những màn múa Thiên cẩu đẹp mắt.

Hiện nay, thông qua bộ tài liệu di sản trong học đường dành cho cấp tiểu học, học sinh ở Hội An đã được phổ biến kiến thức về một số di sản văn hóa phi vật thể giá trị của cư dân phố cổ, trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian múa Thiên cẩu. Tuy nhiên, để bồi đắp thêm tình cảm yêu mến đối với một loại hình biểu diễn dân gian từng rất hấp dẫn và gần gũi với trẻ em Hội An, học sinh cần có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc, thực hành biểu diễn múa Thiên cẩu ở trường học, trong các hoạt động văn hóa văn nghệ vào thời gian hè và những sân chơi khác.

- Tạo thêm cơ hội để nghệ thuật múa Thiên cẩu góp mặt trong các sự kiện, lễ hội văn hóa của thành phố.
Từ những mầm non gắn bó, hiểu biết và yêu mến nghệ thuật múa Thiên cẩu, chúng ta sẽ có được đội ngũ kế cận giàu nhiệt huyết, có thể tham gia biểu diễn, duy trì nghệ thuật này trong không gian văn hóa xã hội đương đại.

+ Nhiều thời kỳ trước đây, tại Hội An đã từng có những đêm hội Trung thu tổ chức tại không gian sân vận động rộng lớn. Học sinh các trường tiểu học tụ tập làm đèn lồng từ nhiều ngày trước, những bạn nhỏ có chiếc đèn lồng tinh xảo nhất được chọn ra dẫn trước đoàn trong bầu không khí tưng bừng, náo nhiệt của đội Thiên cẩu trường mình. Hoạt động này rất cần được tái diễn, tổ chức hằng năm để trẻ em thành phố có thêm sân chơi bổ ích, có môi trường được trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về tập tục truyền thống bao đời của ông cha truyền lại.

+ Múa Thiên cẩu không những cần thâm nhập sâu rộng trở lại vào đời sống dân gian mà còn cần được sân khấu hóa để giới thiệu, “lăng xê” ngay tại quê hương của nghệ thuật này. Với nhiều nội dung tín ngưỡng dân gian độc đáo thể hiện qua từng điệu múa, Thiên cẩu cũng có thể được tổ chức biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật của thành phố như một số loại hình nghệ thuật dân gian khác đã được khai thác, phục vụ du khách, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa của di sản. Vì đây là nghệ thuật dân gian gắn với tín ngưỡng truyền thống nên sân khấu cũng cần được thiết kế không gian văn hóa phù hợp. Ngoài vẻ đẹp của linh vật và các trình thức biểu diễn, đoàn múa Thiên cẩu còn đẹp cuốn hút, truyền cảm bởi lối sắp đặt vừa bài bản, trật tự lại tôn vinh được sự linh thiêng của linh vật. Vốn dĩ trước đây, đội Thiên cẩu di chuyển theo đội hình rất ấn tượng. Dẫn đầu là người cầm long bảng (một dạng lồng đèn hình hộp có đề tên và biểu tượng của đội), tiếp theo sau là ông địa dẫn đường cho Thiên cẩu đi, nối đuôi Thiên cẩu là đội trống, thanh la, chũm chọe, đội rước đèn đi sau cuối với những chiếc đèn lồng nhiều hình dáng, rung rinh theo từng bước chân các bé gái, thả từng chùm màu sắc lung linh trên đường. Đi kèm hai bên Thiên cẩu sẽ là đội cầm đuốc và đỡ thang tre, thang tre nằm dọc theo mình của Thiên cẩu, tạo thành lối đi riêng của linh vật để không bị xô lệch hay các thành phần khác pha trộn vào. Từ xa nhìn lại, một đoàn Thiên cẩu sẽ tạo thành một vùng sáng lập lòe huyền ảo dưới trăng rằm. Những ai đã từng tham gia trong đoàn rước Thiên cẩu dù chỉ một lần thì cảm giác lung linh ấy cứ theo mãi trên đường đời.

 
thien cau
Múa Thiên Cẩu trong Lễ hội Trung thu năm 1997. Ảnh tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

+ Cho phép múa Thiên cẩu trở lại trong khu vực Khu phố cổ vào dịp Tết Trung thu hằng năm cũng là một việc cần được nghiên cứu thực hiện nhằm bảo tồn không không gian văn hóa của 2 di sản, Khu phố cổ và nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống múa Thiên cẩu.

Nếu thực hiện tốt công tác tuyên truyền và đào tạo, rồi đây, thành phố sẽ có đủ nguồn lực để mở ra hẳn một hội thi dành cho nghệ thuật múa Thiên cẩu vào những đêm hội Trung thu, vừa tôn vinh nghệ thuật dân gian đặc sắc của địa phương, vừa tô đậm hơn bản sắc văn hóa Hội An trong mắt bạn bè, du khách bốn phương.
* Quan tâm xây dựng chính sách tôn vinh nghệ nhân đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy di sản trình diễn dân gian Thiên cẩu

- Để thực hiện được những bước đi quan trọng trên, các cơ quan văn hóa của thành phố rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, các võ đường hiện đang nắm giữ tri thức múa Thiên cẩu và đặc biệt là cơ quan giáo giáo dục, trường học trong việc phối hợp, tổ chức truyền dạy kỹ thuật múa, tạo hình linh vật cùng những vật dụng vui hội Trung thu khác như trống, lồng đèn, mặt nạ ông địa,… cho học sinh.

- Thành phố cần bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho những hoạt động phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể đã và đang có nguy cơ mai một, trước tiên là đầu tư mở lớp đào tạo các kỹ năng thực hành. Múa linh vật truyền thống, chế tác đạo cụ múa là một trong những di sản mang đậm yếu tố văn hóa, tín ngưỡng địa phương, hiện đang có nhiều nguy cơ mai một nên rất cần được quan tâm kịp thời. Hơn nữa, lĩnh vực này có nhiều tiềm năng quảng bá du lịch, đem lại thu nhập cho nghệ nhân và nhân dân lao động, về lâu dài có thể vận động công chúng, cộng đồng tham gia tự nguyện, tự giác để cùng duy trì, bảo vệ di sản.

Nghệ thuật múa Thiên cẩu của Hội An đã và đang nhận được sự quan tâm, theo dõi của một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa ở địa phương và Trung ương. Với tất cả những nỗ lực, quyết tâm của chính quyền cùng nhân dân thành phố trên hành trình bảo vệ, phục hồi di sản văn hóa phi vật thể này, Hội An sẽ đón nhận thêm nhiều sự ủng hộ đắc lực từ những tấm lòng bè bạn khắp nơi

Tác giả: Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây