Sản phẩm quế trong hoạt động thương mại ở thương cảng Hội An

Thứ năm - 29/06/2023 22:08
      Dẫn nhập

      Hiện nay, đặt trang trọng trong sân Thế Miếu ở Hoàng thành Huế là bộ Cửu đỉnh được đúc từ năm 1835 - 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Trên Cửu đỉnh có chạm khắc danh lam thắng cảnh sông núi, phương tiện, vật dụng và cây cối, sản vật của các địa phương trong cả nước. Trong 17 hình ảnh được chạm khắc trên Nghị đỉnh (đúc năm 1835) có hình cây quế (桂). Đây là loại cây được trồng/ mọc phổ biến ở vùng rừng núi Việt Nam, đặc biệt là từ Thanh Hóa trở vào Nam, cung cấp nguồn thổ sản (gỗ và hương liệu) sử dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống người dân cũng như nơi cung đình như chữa bệnh, ẩm thực, xuất khẩu… Dưới góc độ về chỉ dẫn địa lý, quế Quảng Nam được đánh giá là một trong những loại quế tốt nhất (cùng với quế Thanh Hóa), thường dùng để cung tiến cho triều đình và xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Thư tịch cổ cho biết dưới thời vương quốc Champa, và đặc biệt là thời Trung - Cận đại, quế là một trong những mặt hàng chính cùng với trầm hương, kỳ nam, hồ tiêu, cau… xuất khẩu ra thị trường thế giới mà thương cảng Hội An là cửa ngõ giao thương quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực.

      I. Quế Quảng Nam

      Quế, tên khoa học là Cinnamomum sp., thuộc họ Long não (Lauraceae). Đây là loại cây nhiệt đới lâu năm để lấy tinh dầu và làm thuốc. Theo Từ điển Bách khoa Nông nghiệp do Trung tâm quốc gia Biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản năm 1991, ở Việt Nam, quế có 3 loại chính là: (1) quế Thanh, quế Quỳ[1]; (2) quế Quan[2] và (3) quế Đơn (còn gọi là quế Trung Quốc, quế Bi)[3]. Quế mọc tự nhiên hoặc được trồng, từ 5 đến 7 năm tuổi trở lên có thể bóc vỏ, tuy nhiên càng lâu năm thì vỏ càng tốt. Các nghiên cứu cho biết vỏ quế Việt Nam có từ 1-5% tinh dầu, trong khi đó quế ở các nước chỉ có 1-2%. Ngoài dùng làm gia vị, quế còn được dùng làm thuốc. Đông y coi quế là một vị thuốc bổ nhiều công dụng. Tây y coi quế là vị thuốc kích thích tuần hoàn, hô hấp, gây co mạch, tăng bài tiết và sát trùng[4]. Với những giá trị cao về hương liệu và dược liệu, từ xa xưa, quế Việt Nam đã trở thành thương phẩm nổi tiếng, được thương nhân nhiều nước ưa chuộng, đặc biệt là thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản.

      Quảng Nam/Xứ Quảng là vùng đất trù phú, rất giàu sản vật cả trên nguồn lẫn dưới biển, có nhiều thổ sản quý, chất lượng thượng hạng. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn vào giữa thế kỷ XVIII nhận xét: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc đoạn, lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, lúa gạo tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đây[5]. Về lâm thổ sản, Quảng Nam nổi tiếng với trầm hương, hồ tiêu, quế, cau,... Về thủy hải sản có yến sào, đồi mồi,... về khoáng sản có vàng. Vì vậy, “…thuyền từ Thuận Hoá về cũng chỉ có một thứ hồ tiêu; còn từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có, các nước phiên không kịp được. (…) Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được[6].
 
dinh que
Hình ảnh cây quế trên Nghị đỉnh. Ảnh: Hồng Việt

      Có rất nhiều tư liệu ghi chép, mô tả về quế ở Quảng Nam/Xứ Quảng/Đàng Trong. Vào cuối thế kỷ XVIII, trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793, J. Barrow đã có những ghi chép về Quảng Nam, Đàng Trong, trong đó có đề cập đến quế: “Đàng Trong - Nam Hà sẽ cung cấp nhiều loại gỗ hương liệu khác nhau như hồng đào, trầm hương, kỳ nam, tất cả đều rất được tán thưởng ở thị trường Trung Quốc, được trả với giá cực kỳ cao. Quế chi xứ Nam Hà, mặc dù hơi thô và hương vị cay nồng nhưng người Trung Hoa vẫn thích nó hơn thứ quế Cassia…[7]. Quế là 1 trong 46 thổ sản/sản vật của Quảng Nam được liệt kê trong sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và cũng qua tư liệu này cho biết tại Quảng Nam, quế có ở huyện Quế Sơn và huyện Hà Đông, việc trồng/khai thác quế phải nộp thuế cho nhà nước hằng năm bằng loại quế thượng hạng: “Quế, có thuế, nguồn Thu Bồn huyện Quế Sơn mỗi năm nộp một thanh quế vào hạng thượng thượng, nặng 8 lạng. Nguồn Chiên Đàn thuộc huyện Hà Đông mỗi năm phải nộp 3 thanh quế thượng hạng.”[8] Hiện nay, Tiên Phước, Phước Sơn và Trà My[9] (thuộc huyện Hà Đông xưa) ở Quảng Nam là những địa phương có nhiều quế (quế tự nhiên và quế vườn).

      Do quế Quảng Nam là thổ sản có giá trị kinh tế cao nên để đảm bảo lợi ích của người trồng quế/bóc quế, dưới triều Nguyễn đã ban nhiều lệnh cấm lấy trộm quế và những chế tài, hình thức xử phạt liên quan. Trong sách Minh Mạng chính yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn hay Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn đều ghi lại những quy định cấm trộm quế và một số sản vật khác ở tỉnh Quảng Nam cũng như ở các tỉnh khác. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), “vua sai bộ Hình bàn định việc cấm kẻ lấy trộm quế, kỳ nam, trầm hương, tổ yến và sâm Quảng Nam, chép thành luật lệ. Lời bàn dâng lên, vua lại sai đình thần bàn lại để thi hành, cứ tang vật lấy trộm nhiều hay ít mà định phạt. Kẻ bắt trộm và tố cáo thì có thưởng. Kẻ nào mượn cớ vu cho người ta lấy trộm, cùng là trái lệnh cấm, hoặc là nói mua của cũ và nhận là của người ta gởi, đều trị tội như luật định[10]. Theo lời nghị của bộ Hình, vua Minh Mạng chuẩn định rằng: “Phàm kẻ nào bóc trộm vỏ quế, lấy trộm kỳ nam, yến sào, trừ chỗ nào số người đến 40 tên, số tang đến 40 lạng bạc, cứ theo luật nhà Thanh về lệ đào trộm nhân sâm, đều theo số người đi hái sâm, số tang về sâm đã lấy được, chiểu theo nhiều hay ít, phân biệt nặng nhẹ mà định tội... còn như các hộ quế ở Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, các đội đi lấy hương thơm ở Bình Định, Phú An, các yến hộ ở thành Gia Định, đạo Long Xuyên các trấn Quảng nam, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Bình Hòa hàng năm đi bóc lấy vỏ quế, nhặt lấy kỳ nam, yến sào, theo lệ chọn lọc hạng tốt sung làm của công, và phải nộp thuế thân, thuế cù lao, xong rồi còn thừa lại bao nhiêu kỳ nam, yến sào và vỏ quế về trả tiền công chia cho được bao nhiêu, đều cho được thông đồng mua bán, không được vào lệ cấm[11].

      Do những giá trị về mặt dược liệu và hương liệu nên quế Quảng Nam cùng với một số thổ sản khác được nhà nước ưu tiên mua để sử dụng trong cung đình, ban tặng cho quan quân có công, thăm hỏi hoàng tộc hay quan quân bị ốm đau cũng như làm quà ngoại giao[12]. Hằng năm triều đình thường cho mua quế thượng hạng ở Quảng Nam để sử dụng. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), chuẩn y lời tâu cho Quảng Nam kiếm mua quế thượng hạng nguồn Thu Bồn, mỗi cân 3 quan 5 tiền, quế hảo hạng nguồn Chiên Đàn, mỗi cân 2 quan 5 tiền[13].

      Từ năm 1822 trở đi, triều đình đều có Chỉ mua quế Quảng Nam với giá như sau:
 
Năm Quế tạ hàng đầu Quế tạ (thường)
Trọng lượng (cân) Giá mua (quan) Trọng lượng (cân) Giá mua (quan)
1822 100 52 100 24
1823 100 55 100 25
1824 100 65 100 29
1829 1 1 quan 2 tiền 1 3 tiền
 
 
      Theo ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, dưới thời Minh Mạng, quế Quảng Nam có các loại: Quế hạng nhì, quế hạng 3, quế tạ hạng đầu, quế tạ, quế sa[14], quế bì, quế chi[15]. Ngoài việc mua quế với số lượng lớn[16], triều đình cũng có nhiều chính sách trong việc mua quế ở Quảng Nam như trả trước tiền, trả bằng tiền hoặc bằng thóc theo nhu cầu của hộ buôn quế, hộ khai thác quế. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836),  dụ rằng: các hạng quế ở hai tỉnh Nam, Ngãi, cũng cho phép phát trước tiền, thóc để đến kỳ khấu thu, cần cho đủ số 2 vạn cân. Những hộ buôn quế, khai thác quế ở hai tỉnh ấy, ai tình nguyện lĩnh tiền thời chiếu theo giá quế cao hạ châm chước giá mà cấp trước tiền cho họ; ai tình nguyện lĩnh thóc, cho phép chiếu gạo thị trường chầu này liệu mà cấp thóc. Nếu ai tình nguyện để đến kỳ đem nộp quế sẽ chiếu giá cũ (lúc đặt quế) mà lĩnh tiền, lĩnh thóc cũng cho. Đến kỳ, chiếu số mà khấu thu; số quế còn thừa lại bao nhiêu cũng chuẩn cho được chiếu giá mà mua thêm[17].

      Những thương nhân khi mua được quế thượng hạng của Quảng Nam cũng cung tiến cho triều đình. Đại Nam thực lục cho biết, vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), “Nguồn Thu Bồn dinh Quảng Nam, có người lái buôn được 50 cân quế tốt, nhờ dinh thần tiến lên. Vua khen lòng thành, cho 1.000 quan tiền và 5 cái áo sa, sai lấy quế chia cho các quan”[18]

      Bên cạnh việc thu mua, triều Nguyễn còn quản lý quế Quảng Nam qua việc định giá thu thuế bằng tiền hoặc bằng quế. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), “chuẩn y lời tâu có 6 nơi đầu nguồn ở hạt ấy về giá thuế năm sau, thời nguồn Thu Bồn, tiền thuế các hạng là 778 quan, trong đó về tiền thuế là 678 quan, về quế thượng thượng hạng 1 cân 8 lạng nộp thay bằng tiền là 168 quan; ... ; nguồn Chiên Đàn tiền thuế 3.000 quan, quế thượng thượng hạng 3 cân,...[19]. Đến năm Thành Thái thứ 1 (1889), quế ở Quảng Nam được giao cho Nha Thương chính Đông Dương và Nha Ngoại ngạch thuế khai thác, bao thầu mua bán toàn bộ, mỗi năm đóng thuế 5 vạn đồng bạc, cứ 6 tháng thì giao một nửa số thuế. Triều đình Thành Thái đã lập và ký 2 bản điều khoản, một bản về việc thiết đặt đồn cục chọn phái quan quân chuyên trách loại thuế này, một bản về việc tuần tra nghiêm ngặt để đề phòng thuế quế thất thoát[20].

      Theo hồ sơ địa phương chí tỉnh Quảng Nam, đến trước năm 1956, quế Quảng Nam được chia thành 3 hạng: nhất, nhì, ba, đều do Hoa kiều làm trung gian thu mua và trữ ở Hội An, Tam Kỳ, sau đó chở vào Nam để bán dùng làm dầu cù là, lấy essence hoặc đem bán ở ngoại quốc[21]

      Trong Quảng Nam xưa và nay, tập di cảo được soạn thảo năm 1962 cho biết “Quế là một sản phẩm xuất cảng của Quảng Nam. Quế hoang (mọc ở rừng) ít có, nên quý, giá đắt hơn quế vườn người ta thường trồng ở Trà My, Quế Sơn và Tiên Phước. Quế là một môn thuốc trị bịnh hàn, và bán ra ngoại quốc để nấu dầu. Quế có 6 hạng:

      1) Quế kẹp: Quế này do người Thượng lột dày vỏ, thợ chuyên môn ở Quảng Nam đem ngâm nước rồi uốn nắn thành quế kẹp, có thanh tre ngáng ở trong phiến quế. Nhứt hạng mỗi ký 200 đồng, nhị hạng độ 150 đồng, tam hạng độ 100 đồng.
      2) Quế nách: là những phiến quế lột ở thân cây quế, không cần uốn nắn. Quế này có nhiều dầu, giá từ 30 đồng đến 50 đồng, mỗi một ký-lô.
      3) Quế chống: là những phiến quế dày, thợ chuyên môn ngâm nước cho mềm, rồi lấy que tre nhỏ chống bên trong, cho quế khỏi tóp lại, giá mỗi ký lô 15-20 đồng.
      4) Quế chạc: là quế lột ở gần gốc cây quế. Quế này vỏ dày nhiều cát, ít dầu, giá mỗi ký từ 10 đến 20 đồng.
      5) Quế thảo: là những phiến quế lột ở cành quế cũng gọi là quế chi, giá mỗi ký từ 5 đến 6 đồng.
      6) Quế xe: thứ này lột ở cành quế, dài hơn quế thảo, sau ngâm nước thợ lấy ống nứa xe tròn. Thứ quế này ở Quảng Nam ít làm. Giá mỗi ký từ 6 đến 9 đồng.”[22]

      II. Quế trong hoạt động thương mại ở thương cảng Hội An

      Với vị trí địa lý thuận lợi cũng như nhờ vào chính sách phát triển thương mại của chúa Nguyễn, Hội An vào thời kỳ Trung đại trở thành một cảng thị quốc tế sầm uất khu vực, quế cùng nhiều sản vật Quảng Nam/Xứ Quảng/Đàng Trong được xuất khẩu qua thương cảng này. Theo GS. Nguyễn Văn Kim,dưới thời chúa Nguyễn, hàng năm cảng thị Hội An đã bán cho người nước ngoài 2.000 tấn quế các loại[23]. Tư liệu xã Minh Hương vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) ghi chép về việc cân quế cho trưởng tàu Tiêu Tín Mậu, trưởng tàu Lâm Thọ Hiệp vào các ngày 13, 23, 27 tháng 6. Ghi chép cho biết quế xuất khẩu qua thương cảng Hội An lúc này chia thành 5 loại với giá mua khác nhau, giá mỗi tạ đối với quế hạng 1 là 44 quan, quế hạng 2 là 280-289 quan, quế hạng 3 là 170 quan, quế đầu tạ là 70 quan, quế tạ là 30 quan. Thuế quế phải nạp khoảng 5% giá mua. Châu bản triều Nguyễn thời vua Thành Thái cho biết vào năm 1890, Công sứ Đà Nẵng có yết thị thu thuế buôn quế tại phố Hội An: “Vào ngày 19 tháng này (tháng 11), Công sứ trú tại Đà Nẵng có niêm yết rằng hễ ai là người làm nghề buôn bán ngọc quế tại phố Hội An thì vẫn cho phép như trước đây. Riêng, từ nay về sau phải nộp thuế như giá quế xuất khẩu”.Tập Hồi ký xứ Đông Dương của Paul Doumer[24] cho biết vào đầu thế kỷ XX Hội An vẫn là một trung tâm xuất khẩu quế sang Quảng Châu, Hương Cảng (Trung Quốc): “Chúng ta đang ở trên vùng đất Quảng Nam giàu có(…), tỉnh lỵ của nó là Hội An (Faifoo). Đây là một thành phố thương mại với nhiều ngôi nhà kiểu Trung Hoa, và là một trung tâm xuất khẩu quế, do người Mọi [Thượng] bóc được trên các vùng núi cao của Lào và Trung Kỳ. Quế được vận chuyển trực tiếp từ Hội An sang Quảng Châu bằng những thuyền mành lớn hoặc trên những chiếc thuyền tam bản được phái đến Đà Nẵng. Đó là nơi có một chiếc tàu nhỏ chạy máy hơi nước cắm cờ Đức đến chuyển hàng hóa theo định kỳ tới Hương Cảng, Quảng Châu.[25]

      Văn bia tại các di tích tín ngưỡng ở Hội An có niên đại từ năm 1848 đến 1936 cho biết có khoảng 332 hiệu buôn cúng tiền để tu bổ sửa chữa di tích. Trong 57 hiệu buôn thổ sản được thống kê, có 1 hiệu buôn chuyên về buôn quế là Lâm Huy Ký (chủ là Lâm Ngọc Như thuộc bang Gia Ứng)[26]
 
tu lieu que
Một trang tư liệu về việc cân quế ở Hội An năm 1822. Tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

      Thổ sản nói chung, quế nói riêng được thương nhân mua về Hội An rồi sơ chế, đóng kiện để xuất khẩu. Nguyễn Bội Liên trong bài Chuyện trăm năm cũ, Hội An chừng 1 thế kỷ trước đây mô tả:“Từ ngã ngang chùa Bà đi lên, các nhà của Hoa thương đều là kho hàng (gọi là tào khậu) nào quất, cau, chè đường từ Quảng Ngãi ra hoặc từ Tam Kỳ, Trà My, Tiên Phước đến. Phu khuân vác lên đi vào cửa ngõ, một Hoa Kiều bụng phệ mặc may ô (maillot) ngồi ngang ngõ tay cầm một bó thẻ, miệng ngậm điếu dài, cứ mỗi vác hàng đi qua thì trao 1 thẻ. Dọc bờ lề các bao hàng, bó quế chi, giỏ cau khô nằm phơi nắng và thỉnh thoảng được lật qua đủ mặt hay (...). Quế chia từng bó rất đều gọn và bó chặt với hai vòng lạt, cau vô giỏ rất kỹ. (...). Do những “tào khậu” ấy mà những nhà phía Nam đường Nguyễn Thái Học ngày nay, ngày xưa người Hoa thường gọi đó là “Quế Trang” (xóm quế) vì ở sát bờ sông mặt xây về Nam là nơi làm kho hàng, mặt xây về Bắc ra đường Quảng Đông (Rue des Cantonnais) là cửa hàng buôn bán[27]. Các loại thổ sản, trong đó có quế được các ghe vợi chở ra Đà Nẵng cho các hiệu xuất cảng hoặc chở thẳng ra tàu đậu ở Vũng Thùng[28]

       Nguồn quế tốt ở Quảng Nam và cảnh buôn bán quế tấp nập ở Hội An vào thế kỷ XIX là nguồn cảm hứng cho những thi gia trong sáng tác của mình. Trong Gió trăng cố quận được xuất bản năm 1996 do nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên sưu tầm và dịch có giới thiệu 04 bài thơ, vịnh của Diệp Ngộ Xuân và một số tác giả khác vào thế kỷ XIX liên quan đến quế. Về nguồn quế tốt ở các địa phương tỉnh Quảng Nam: Thanh hoa, quan quế lưỡng tư nghi, Giá trĩ thiên kim vô định kỳ, Nhơn đạo Phước Sơn hành quế hảo, Du đầu nguyên bất cập Trà My (tạm dịch: Thanh hoa, quan quế giá giống nhau, giá đến ngàn đồng chẳng định đâu, người nói Phước Sơn đều quế tốt, Trà My hơn hẳn bởi nhiều dầu)[29]. Hoạt động buôn bán quế rộn ràng tại thương cảng Hội An được thể hiện trong bài Chúng thương phiến quế: Bát nguyệt quế hoa mãn uyển thương, Lữ nhơn phần thiết cấp mang mang, Niên niên sổ xuất vô sa số, Khứ tận hoàn lai phiến quá dương (tạm dịch: Đầy hàng tháng tám ngát mùi hương, Sửa quế người xem khá rộn ràng, Số chở hàng năm khôn xiết kể, Bán xong lại đến lấy thêm hàng).[30]

      III. Thay lời kết

      Với điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi đã tạo cho Quảng Nam trở thành vùng đất giàu có về thổ sản, sản vật mà trong đó có nhiều thứ được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Quế là loại thổ sản có giá trị cao, nhà nước quản lý thông qua việc ưu tiên thu mua để dùng việc công, quy định thuế khai thác mua bán, ban các lệnh cấm trộm cắp,... Các thương nhân, đặc biệt là Hoa thương cũng xâm nhập sâu vào hoạt động thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc đem lại lợi nhuận lớn. Quế đã trở thành mặt hàng dự nhập mạnh mẽ vào mạng lưới thương mại trong và ngoài nước, không chỉ kết nối giao thương giữa miền ngược, miền xuôi ở Quảng Nam mà còn giữa Quảng Nam với thế giới qua thương cảng Hội An. Hoạt động xuất khẩu quế ở Hội An cũng thúc đẩy một số nghề thủ công ở vùng ven Hội An phát triển như nghề mộc ở làng Kim Bồng. Ký ức dân gian cho biết vào nửa đầu thế kỷ XX về trước, làng mộc Kim Bồng chuyên đóng thùng cho các thương nhân người Hoa để làm bao bì đựng quế xuất khẩu đi các nơi
 
[1] Quế Thanh, Quế Quỳ (Cinnamomum laureiri Nees). Ở Việt Nam, quế này gọi tên theo địa phương sản xuất: Quế Thanh của Thanh Hóa, quế Quỳ của Quỳ Châu (Nghệ An). Cây cao 10-20m, cành non có 4 cạnh, dẹt, nhẵn. Lá dài, hình trứng hẹp hai đầu,có 3 gân chạy dọc cuống đầu đến lá. Hoa trắng mọc thành chùy ở đầu cành hay kẽ lá. Quả hạch hình trứng dài 1cm, lúc non màu xanh lục, khi chín màu nâu tím, mặt quả bóng, phía cuống còn sót đế hoa có lông. Quế Thanh mọc thành rừng ở vùng Trịnh Vạn (huyện Thường Xuân) được coi là thứ quế tốt nhất. Ngoài ra, quế đã được gây trồng, sinh trưởng và phát triển tốt ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình. Các huyện trồng tập trung có nhiều sản phẩm hàng hoá là Vân Yên (Yên Bái), Quế Phong (Nghệ An), Trà Mi (Quảng Nam - Đà Nẵng), Trà Bồng (Quảng Ngãi). Đặc điểm tự nhiên của các vùng trồng quế: có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm vùng núi với hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa, lượng mưa 2000mm/năm trở lên, ở độ cao 300-700m so với mặt biển, nhiệt độ trung bình năm 22-24°C, độ ẩm trung bình không khí 85-86%, đất có tầng sâu, ẩm, thoát nước, thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, tỉ lệ mùn khá,vv., đất phát triển trên các loại đá mẹ phiến thạch, sa thạch, granit, riolit với các dạng đất feralit màu vàng hay đỏ vàng, dưới thực bì rừng ở kiệt sau nương rẫy hay rừng thứ sinh. Trồng quế có thể gieo hạt hoặc chiết cành hoặc đào cây con mọc hoang ở rừng về trồng. Sau 5 năm, có thể bóc vỏ nhưng để càng lâu năm càng tốt (10-30 năm trở lên). Bóc vỏ tháng 4-5 và tháng 9-10. Vỏ quế Việt Nam có 1-5% tinh dầu (Quế ở nhiều nước khác, chỉ có 1-2%).Theo Từ điển bách khoa Nông nghiệp do Trung tâm quốc gia Biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1991, tr.336-337.
[2] Quế Quan (cinnamomum zeylancium Nees), sản xuất chủ yếu ở Xri Lanca, phổ biến trên thị trường quốc tế. Cây cao 20-25m, cành non hình 4 cạnh, có nhiều lông ngắn và thưa. Lá mọc đối, dài cứng, hình trái xoan, hay thuôn dài, nhẵn bóng. Hoa trắng vàng nhạt, mọc thành chuỳ ở kẽ lá hay đầu cành. Quả hình trứng thuôn, phía cuống có đài và đế tồn tại. Ở Việt Nam, trồng rải rác ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hoà, Tây Ninh, Côn Đảo. Công dụng chủ yếu của quế quan trên thị trường quốc tế là làm gia vị. Theo Từ điển bách khoa Nông nghiệp, sđd, tr.336-337.
[3] Cây trung bình cao 12-17m. Lá mọc cách, có 3 gân nổi rõ ở mặt dưới, cuống lá to, mặt trên có rãnh. Hoa mọc thành chuỳ ở kẽ những lá phía ngọn. Được trồng chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Ở Việt Nam, mọc rải rác chỉ thu hoạch khi cây được 7 năm trở lên. Theo Từ điển bách khoa Nông nghiệp, sđd, tr.336-337.
[4] TheoTừ điển bách khoa Nông nghiệp, sđd, tr.336-337.
[5] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, tr.337
[6] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, tr.234
[7] J.Barrow (2011) (bản dịch), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb Thế Giới, tr.107.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, tr. 462.
[9] Thanh Bình Tôn Thất Sa trong bài ca về nông sản của Quảng Nam cho biết: Quảng Nam sản phẩm muôn ngàn/ Trà My rừng quế, kho vàng Bồng Miêu,...(theo Hồ Ngận (1962), Quảng Nam xưa và nay (di cảo), Nxb Thanh Niên, năm 2004, tr.147)
Ca dao: Nông Sơn than đá thiếu chi/ Bảo An đường tốt, Trà My quế nhiều; Quế Trà My thứ cay thứ ngọt/ Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh/ Phàn du, Bạch chỉ đành rành/ Cân tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới nên.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2010), Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, tr.1454.
[11] Nội các triều Nguyễn (Bản dịch 2005), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb Thuận Hóa, tr.384-385.
[12] Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua sai sứ đi Xiêm La là Nguyễn Kim Truy và Ngô Văn Trung, có mang 3 cân quế để tặng cho Phật Vương. Một số lần khác có khi tặng đến 20 cân.
[13] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr.617.
[14] Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), chuẩn y lời tâu cho Quảng Nam mua quế hạng nhì mỗi cân 4 quan 5 tiền 30 đồng, quế hạng ba mỗi cân 2 quan 7 tiền 36 đồng; quế tạ hạng đầu mỗi cân 1 quan 2 tiền, quế sa mỗi cân 1 quan 12 đồng, quế tạ thường mỗicân 3 tiền (theo Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, bản dịch đã dẫn, tr.618)
[15] Năm Minh Mạng năm thứ 12 (1831), chuẩn y lời tâu cho Quảng Nam mua cân 8 lạng quế bì, mỗi 100 cân giá 110 quan; 1019 cân 8 lạng quế chi, mỗi 100 cân giá 55 quan (theo Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, bản dịch đã dẫn, tr.618)
[16] Năm 1835 mua Quảng Nam 2 vạn quế và quế chi (theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.794). Năm 1837 mua 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi là 2 vạn cân; năm 1837 mua Quảng Nam 2 vạn cân, Quảng Ngãi 2 vạn cân (theo Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, sđd, tr.618)
[17] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, sđd, tr.618.
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.360
[19] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, sđd, tr.321.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 3, sđd, tr.37-38.
[21] Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1954 - 1963), Hồ sơ số 58, Hồ sơ địa phương chí tỉnh Quảng Nam năm 1956. Bản sao lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[22] Hồ Ngận (1962), Quảng Nam xưa và nay (di cảo), Nxb Thanh Niên, năm 2004, tr. 147-148.
[23]Nguyễn Văn Kim (2011), Các nguồn hàng và thương phẩm của Đàng Trong, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4.2011, trang 12-13.
[24] Toàn quyền Đông Dương năm 1897-1902.
[25] Paul Doumer (2020), Hồi ký xứ Đông Dương, Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy dịch, Nxb Thế giới, tr.347.
[26] An Lợi hiệu, Bác Hương hiệu, Can Thành Hưng, Cẩm Phát hiệu, Cẩm Thành hiệu, Công Bình hiệu, Dương Đức ký, Đông Ký hiệu, Hiệp Hòa hiệu, Hậu Lợi hiệu, Hiệp Phát hiệu, Hoàn Thoại Phong, Hoàn Thoại Xương, Huy Ký hiệu, Hưng Phát hiệu, Hữu Tài hiệu, Hỷ Nguyên hiệu, Khai Phát, La Thiên Thái hiệu, Lâm Huy ký, Lâm Thoại Hiệp hiệu, Lê Tấn ký, Lợi Nguyên ký, Lương Toàn ký, Nam Thái hiệu, Nam Ích hiệu, Nghiệp Thanh hiệu, Nghinh Ký hiệu, Ngưỡng Ký, Phước Xuân, Phương Lan, Qoách Hiệp ký, Quang Hiệp hiệu, Quảng An Thái, Quảng Dũ Lợi, Sanh Hiên hiệu, Tạ Trường Lợi, Tài Lợi hiệu, Tăng Dục ký, Tăng Thành hiệu, Tấn Hưng công ty, Thái Thạnh hiệu, Thái Thuận thắng, Thái Trung ký, Thái Vĩnh Xương, Thánh Hưng Minh ký, Thạnh Đức hiệu, Thạnh Lợi hiệu, Thoại Long hiệu, Thoại Xuân hiệu, Thuận Ký hiệu, Vi Ký, Vĩnh Ký hiệu, Vương Cẩm Thái hiệu, Xuân Ký hiệu, Xuân Sanh, Xương Thắng hiệu (theo Trần Ánh (chủ biên), Trần Văn An, Tống Quốc Hưng, Lê Thị Tuấn (2014), Nghề buôn và tên hiệu buôn trong đời sống văn hóa Hội An, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.91-132.)
[27] Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Chuyện trăm năm cũ, Hội An chừng 1 thế kỷ trước đây, Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, sđd, tr.61-62
[28] Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Chuyện trăm năm cũ, Hội An chừng 1 thế kỷ trước đây, Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, NXB Đà Nẵng, tr.60.
[29] Nguyễn Bội Liên (1996), Gió trăng cố quận, Nxb Đà Nẵng, tr.40
[30]Nguyễn Bội Liên (1996), Gió trăng cố quận, sđd, tr.30

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây