Các hình thức thờ tự, tục lệ kiêng cữ liên quan đến biển đảo ở Hội An

Chủ nhật - 11/06/2023 23:35
Biển đảo ở Hội An không chỉ tác động sâu sắc đến đời sống vật chất mà còn chi phối mạnh mẽ và để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống tinh thần của người dân vùng biển địa phương nói riêng, toàn cộng đồng dân cư tại chỗ nói chung. Sự chi phối, dấu ấn biển đảo này thể hiện rất rõ trong sinh hoạt tín ngưỡng và trong tâm thức sùng bái, kiêng kỵ các hiện tượng siêu nhiên liên quan đến biển đảo.
cu lao cham
Bến tàu Cù Lao Chàm - Ảnh: Quang Ngọc
 
      1. Các hình thức thờ tự

      Các hình thức thờ tự cộng đồng của những người dân biển so với các thành phần cư dân khác, ngoài những nét chung còn có một số đặc điểm riêng.

      Để thờ ông Ngư, dân đi biển thường lập nên những lăng Ông tại nơi cư trú, hành nghề. Lăng Ông không nhất thiết phải ở ven biển. Các lăng Ông Ngư ở Cẩm Kim, Ngọc Thành, Cẩm Nam (Cẩm Phô cũ) đều nằm lui sâu vào xa biển. Lăng Ông thường có đặc điểm kiến trúc là thấp, cửa vào hình vòm như những hang động. Đây cũng là nơi quàng ngọc cốt (xương) của Ông. Cá Ông lụy người ta đem táng tại một nghĩa địa riêng, như ở Cù Lao Chàm có tên bãi Ông do nằm gần khu chôn cá Ông mà thành địa danh. Ba năm sau khi táng người ta nhặt xương rửa sạch bằng rượu rồi quàng tại hậu tẩm các lăng Ông để tế tự hàng năm. Có thể nói lăng Ông là một hình thức kiến trúc thờ tự, tín ngưỡng đặc trưng của những người làm biển kể cả về đánh bắt, khai thác và buôn bán, dịch vụ.
Cùng với lăng Ông Ngư, mỗi một làng biển còn có một địa điểm có thể là đình hoặc miếu để thờ chung tất cả các vị thần của làng, trong đó vị chủ thần, thường là bà Đại Càn và nhiều vị thần biển, thần sông, thần núi, nhân thần, nhiên thần khác nhau. Địa điểm này gọi là miếu Hội Đồng. Hàng năm trước khi ra khơi mở đầu mùa vụ và khi kết thúc mùa vụ người ta tổ chức cúng Cầu Bông, cầu Ngư linh đình ở những đình, miếu này.

      Tại Cù Lao Chàm các vạn nghề ngoài những địa điểm thờ tự chung của cả làng như đình Đại Càn, lăng Ông Ngư, lăng Tiền Hiền, miếu Thành Hoàng, lăng Âm Hồn, miếu Hội Đồng… họ còn lập nên một số miếu riêng của vạn nghề tại một số hòn đảo để thờ tự, cúng tế hàng năm. Đó là miếu Cây Đông ở hòn Dài của vạn mành cơm, miếu Cây Bàng ở hòn Tai của vạn mành chốt, miếu Mũi Thờ ở bãi Bấc của vạn lưới sòng…

      Ngoài những ngày lễ tết lớn phổ biến ở mọi nơi và các ngày cúng giỗ tổ tiên ông bà, những người hành nghề biển tại Cẩm An, Cửa Đại còn có nhiều lễ cúng trong một năm như Tết thuyền, Cầu ngư, cúng Âm linh, cúng Hội Đồng, cúng Tiên sư,…

      2. Tục lệ kiêng cữ

      Nghề đi biển có nhiều kiêng cữ hơn so với các nghề khác, nhất là ở các thời kỳ trước đây. Hiện nay những kiêng cữ này có phần giảm đi nhưng vẫn không mất hẳn vai trò trong cuộc sống thường ngày và trong đời sống tín ngưỡng của những người dân biển.

      Nhiều người dân biển cho rằng khi cầm dầm đi làm mà có người đi ngang qua thì không tốt, hoặc khi chạy ghe xuất bến làm ăn mà có một ghe khác chạy ngang cũng không tốt, như vậy là “hớt mũi” làm ăn. Khi vác lưới ra ghe, gặp đàn bà thì dừng lại chờ họ qua khỏi thì mới đi tiếp.

      Khi đang ra nghề mà làm rớt dao, chén bát, muỗng vá xuống biển là điềm xấu, sẽ gặp trở ngại trong công việc vì vậy phải quay về, sắm lễ vật đem ra nơi làm rớt cúng xin. Lại có tục một người ngồi sau ghe giả vờ đánh rơi dao, vá xuống biển rồi vớt lên và nói “tôi vớt được dạo, vá rồi”. Cái dao, vá đó là đồ giả, làm bằng vật nhẹ để nổi trên mặt nước, dễ vớt.

      Cữ những người có tang, bị phong long, người hốt mã, người dơ nhớp không được bước xuống ghe. Lại cữ mang vịt xuống ghe hoặc vịt chạy ngang đầu ghe. Đối với ghe đi biển phần quan trọng nhất là mũi ghe và mắt ghe. Mắt ghe không để cho bị mờ vì mắt mờ thì không thấy đường làm ăn, không để những vật dơ nhớp chạm vào mắt ghe. Khi đánh bắt nhiều ngày không có cá thì hái các loại cây có gai như chanh, chông chông, kim quất, tre… nấu nước xông ghe, lưới và kẻ lại mắt ghe. Những ghe làm ăn được nhưng cũ kỷ, hư hỏng thì khi gia cố, không được cạo sửa phần mắt ghe.

      Trên ghe chia làm 2 bên, phía bên trái ghe gọi là lái, phía bên phải ghe gọi là đốc. Bên lái là bên thả kéo lưới và để dây miệng của mành lưới. Tất cả các hoạt động như đi lại, tiểu tiện đều ở bên phải, bên đốc và ở phần đuôi ghe.

      Hàng ngày cữ ăn thịt chó, trâu, vít (dích), khi ra biển không được nói tục tiểu, cữ nói thẳng các tiếng như chó, mèo, khỉ… Lại có tục gọi chệch một số hiện tượng, sự vật như cá gọi là “rau”, nước gọi là “rào”, cá chuồn gọi là “mồi”, ăn gọi là “chíp”, gàu tát gọi là “mo”, gạo là “cấu”, một chục cá gọi là “”, 100 cá gọi là “lằm”, 1000 cá gọi là “thiên”, một vạn gọi là “ngón”…

      Làm nghề biển kiêng cữ nhiều điều. Mỗi lần ra khơi đánh bắt phải thắp hương hoặc cúng vái cầu mong thần linh cô bác cho được nhiều tôm cá và hơn hết là được bình an trên biển. Khi đến khu vực đánh bắt tùy thuộc vào hướng gió, nước mà neo mũi thuyền. Những người trên thuyền khi ngủ phải cử một người thức canh và luôn thắp hương trên ghe.

      Đi mở hàng đầu năm được cá lớn khi nấu ăn không cắt đuôi, vì sợ sẽ không được cá nữa. Khi ăn cá hết một bên thì không được lật con cá lại vì kiêng chữ “lật” sợ bị lật ghe. Khi đi làm ngoài biển mà ban đêm ngủ mơ thấy củi thì sẽ được nhiều cá, mơ thấy khăn trắng phải tức tốc kéo lưới quay về nếu không sẽ gặp tai họa. Khi làm nước ghe thì ai đòi gì cũng không trả. Những ngày đầu năm ai đến xin nước, lửa thì không cho, mượn thứ gì cũng không cho.

      Đất Cù Lao Chàm rất linh thiêng cho nên người dân sống ở dây kiêng cữ nhiều điều, nhất là ăn nói và đồ mặc (trang phục). Buổi tối thấy gì cũng không được quở, chỉ trỏ. Lúc chạng vạng ra đường, nhất là qua các miếu lăng không được mặc đồ trắng, đội nón lá trắng, xỏa tóc dài. Nếu đi núi gặp trái gì ăn được trước khi ăn phải cúng cô bác trước. Nếu không cúng mà hái ăn liền thì sẽ gặp bất trắc, bệnh tật. Nếu ăn cây trái trên núi mà bị nấc cụt thì phải đến gốc cây đó cầu cúng, hái một chiếc lá nhai thì mới hết. Đi lên rừng hái rau lá về ăn cũng vậy phải vái xin cô bác trước và không được nói bậy, chỉ trỏ lung tung. Đi núi mà bị lạc đường (mà dấu) thì đái nước đái rửa mặt hoặc rắc quanh thì người khuất mặt mới chỉ đường ra. Làm nhà thì không được thọc cây đòn đông vào núi và phải theo quy định “gốc biển ngọn nguồn”…

      Có thể thấy, các hình thức thờ tự, tục lệ kiêng cữ liên quan đến biển đảo ở Hội An rất phong phú và đa dạng, phản ảnh đầy đủ mọi khía cạnh đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của dư dân làm nghề biển ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.
 

Tác giả: Trần văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây