Một số thông tin về Hội An qua Châu bản triều Nguyễn

Chủ nhật - 14/05/2023 21:22
Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính được hình thành trong hoạt động quản lý bộ máy nhà nước của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (1802 - 1945). Những văn bản này do các quan lại hoặc các cơ quan trong bộ máy triều Nguyễn soạn thảo đệ trình lên nhà vua xem để phê duyệt.
Minh Mạng thứ 6 (1825)
Bản phụng chỉ thưởng ngân cho miếu Quan Thánh và miếu Thiên Hậu ở phố Hội An năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Nguồn: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
      Nhà vua phê duyệt trên văn bản bằng mực son, nhằm truyền đạt ý chỉ, hoặc giải quyết công việc hành chính nhà nước về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao,.... Cũng được kể vào châu bản là những chiếu, chỉ, các bản thượng dụ và các văn bản khác phát xuất từ văn phòng của vua. Với những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu, độc đáo và ảnh hưởng mang tầm khu vực và quốc tế, vào năm 2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

      Hiện nay, Châu bản triều Nguyễn là nguồn tài liệu rất có giá trị để nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam, trong đó có Hội An, Quảng Nam. Trong những năm qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã sưu tầm được 74 văn bản Châu bản triều Nguyễn (gồm 24 tờ trình/truyền, 44 tấu/bẩm, 6 công văn/đơn) với hơn 250 trang tư liệu liên quan đến Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I - thành phố Hà Nội.

      Qua kết quả xử lý tư liệu cho biết, có 53 văn bản sưu tầm được liên quan đến đến lịch sử - văn hóa Hội An. Các văn bản này có khung niên đại từ thời vua Gia Long đến Khải Định, trong đó văn bản có niên đại sớm nhất là năm Gia Long thứ 4 (1805), văn bản có niên đại muộn nhất là năm Khải Định thứ 2 (1917).

      Về hình thức phê trên văn bản, đa số các văn bản này ít nhất có sử dụng 6 loại bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn như châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Trong sáu cách phê trên, châu điểm là một nét son được chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề thể hiện sự đồng ý của nhà vua. Các cách còn lại có những chữ, câu, ý, đoạn được nhà vua đồng ý hoặc không đồng ý, hoặc đề nghị chỉnh sửa nhằm thể hiện quan điểm, ý kiến chỉ đạo.
 
yến Thanh Châu năm Gia Long thứ 4
Truyền của Công đồng quan cho phép Cai đội Trần Văn Huyên lập đội yến Thanh Châu năm Gia Long thứ 4 (1805). Nguồn: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
      Bên cạnh hình thức phê thì loại hình văn bản được sử dụng trong Châu bản cũng khá đa dạng và phong phú, loại hình xuất hiện trong các văn bản liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An chủ yếu là trình, truyền, tấu, bẩm,… trong đó có 36 tấu, 12 tờ trình, truyền còn lại là bẩm, đơn thư.

      Về nội dung, các văn bản phản ánh hầu hết mọi khía cạnh liên quan đến quá trình điều hành, quản lý nhà nước của triều đình nhà Nguyễn trên các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao,… của vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. Liên quan đến ngoại giao đó là các chính sách cứu nạn, cứu hộ, miễn thuế thuyền buôn nước ngoài gặp nạn trên biển xin neo đậu tại cửa Đại Chiêm,…

      Về kinh tế, đó là những quy định về giá tiền hàng hóa buôn bán của các tàu buôn khi đến Hội An, giá thuế chở gạo vào các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, giá thuế buôn quế tại phố Hội An, thuế mỏ than, khai thác khoáng sản ở vùng núi Quảng Nam; các khoản chi phí, lệ phí khai khẩn đất hoang, đắp đường tỉnh thành Hội An và huyện Hòa Vang, hỗ trợ kinh phí xây đình hóng gió, bến đò; thành lập đội yến Thanh Châu, thưởng ngân lượng cho miếu Thiên Hậu và Quan Thánh,…

      Các vấn đề chính trị, xã hội như huấn luyện pháo binh tại phố Hội An, chống trộm cắp súng, đạn,… tiếp đón Phó Công sứ và Toàn quyền Bắc Kỳ du ngoạn tại Hội An và Ngũ Hành sơn.

      Các vấn đề y tế như tiêm chủng đậu mùa ở Hội An, các huyện Duy Xuyên, Hòa Vang,… hay cấp thuốc ký ninh và diệt trừ dịch bệnh cho nhân dân một số xã thôn thuộc tỉnh Quảng Nam.

      Ngoài ra, còn có các hoạt động liên quan đến thăng trật, khen thưởng cho quan lại, người có công như thăng hàm cho các Phó quản lính khố xanh ở Hội An; bổ nhiệm, thăng chức cho các tập binh, tinh binh tại Tòa sứ Hội An và tỉnh Quảng Nam, đề cử người vào làm Ký lục tại Tòa sứ Hội An, thăng thọ cho Thủy Vệ nhị đội Tinh binh Chánh đội,…

      Ngoài giá trị về mặt tư liệu, các văn bản châu bản liên quan đến Hội An còn mang những giá trị nghệ thuật độc đáo, thông qua các dấu ấn triện rất phong phú, đa dạng; nghệ thuật thư tháp thể hiện, các hình thức ngự phê,... Đây là những thông tin quan trọng để nghiên cứu văn bản Hán Nôm loại hình châu bản từ thời vua Gia Long đến vua Khải Định ở vùng đất Hội An.

      Bên cạnh những nội dung thông tin chung về Hội An, nhận thấy những giá trị hết sức đặc biệt của nguồn tư liệu gốc, quý này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức lựa chọn, dịch thuật, biên soạn và xuất bản tập sách Hội An qua Châu bản triều Nguyễn vào năm 2021. Tập sách giới thiệu 53/74 văn bản châu bản sưu tầm được, và được trình bày với kết cấu gồm tiêu đề, kèm theo trích yếu nội dung, theo thứ tự từng thể loại văn bản và niên đại; nguyên văn bản chữ Hán - Nôm được sao/chụp từ bản gốc và cuối cùng là phiên âm và dịch nghĩa. Tập sách ra đời là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị khoa học cao, đảm bảo sự xác thực, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu của độc giả, nhà nghiên cứu.

      Có thể nói, những thông tin về Hội An qua Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu, sử liệu có giá trị đặc biệt, đây là nguồn tư liệu gốc, quý để nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hội An, Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung dưới thời nhà Nguyễn. Mặt khác, nguồn tư liệu này góp phần bổ sung, bổ khuyết những thông tin về Hội An, Quảng Nam lâu nay chưa được giải đáp, qua đó tạo cơ sở dữ liệu đa dạng, phong phú để nhận diện, làm rõ hơn những giá trị lịch sử - văn hóa cũng như vai trò, vị thế đặc biệt của vùng đất và con người Hội An trong thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.
 
 
 
* Tài liệu tham khảo:
          1. Nguyễn Thu Hoài (2019), “Châu bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới”, https://archives.org.vn/chau-ban-trieu-nguyen/gioi-thieu.htm
2. Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), Hội An qua Châu bản triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng.
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây