Hiệu sách ở Hội An thời vang bóng

Thứ năm - 20/04/2023 22:57
Trong ký ức những người Hội An được sinh ra và lớn lên ở thập niên 60 của thế kỷ XX trở về trước, các hiệu sách trong phố là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm về truyền thống đọc sách được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, từ đó, dần hình thành các tầng lớp trí thức tinh hoa nhờ nền tảng văn hóa đọc - niềm tự hào của người dân phố Hội thời vang bóng.
      Những hiệu sách qua tư liệu và tham vấn cộng đồng

      Theo tư liệu trong hồi ký của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hội An xưa cùng Thanh Hà (Huế) là hai nơi cụ Phan Châu Trinh từng đọc tân thư để rồi từ đó khởi sự phong trào Duy Tân. Hội An cũng là nơi các sĩ phu khắp miền Trung cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 tụ tập về “nằm chờ” để đón những cuốn sách mới nhất được nhập về theo đường thủy ở thương cảng Hội An. Một trong những địa chỉ các trí thức yêu nước thường đến trao đổi tân thư ở Hội An thời kỳ này là nhà Đức An.

      Trong buổi tham vấn cộng đồng do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tổ chức năm 2018, ông Thái Tế Thông cho biết, hiệu sách sớm nhất ở Hội An là hiệu Trường Xuân của ông Lê Văn Miên, nằm ở góc đường Trần Phú - Lê Lợi (nay là ngôi nhà số 76 Lê Lợi). Hiệu sách này được hình thành trước năm 1945. Thời đó, ngoài hiệu sách Trường Xuân, trong các hiệu buôn tại Hội An đều có bán sách Hán Nôm được in trong nước hoặc nhập từ Trung Quốc về như Lục Vân Tiên, truyện Kiều hoặc các sách truyện của Trung Quốc như Tam Quốc Chí,…[1]
Cũng theo lời kể của những vị cao niên trong các cuộc tham vấn cộng đồng, vào khoảng thời gian từ 1930 - 1945, hiệu Phi Anh trước khi bán tạp hóa cũng bán sách và đàn guitar. Trước cửa hiệu có ghi dòng chữ “Hiệu sách Phi Anh chuyên kinh doanh sách vở, nhạc cụ[2].
 
Hieu sach Nguyen Thang 72 Nguyen Thai Hoc
Hiệu sách Nguyên Thắng số 72 Nguyễn Thái Học, Hội An - Ảnh: Khiếu Thị Hoài

      Từ năm 1954 đến khoảng năm 1975, trong phạm vi phố cổ đã có đến chục hiệu sách và hai nhà in/hiệu sách (bên cạnh việc in ấn cũng kinh doanh sách, báo), có thể kể tên như: Trên đường Trần Phú (trước là đường Cường Để) có các hiệu sách: Bình Minh, Rạng Đông, Trương Kim Điền, Nam Ngãi. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (đường Duy Tân cũ), đoạn gần Chùa Cầu có nhà in/hiệu sách Đại Đồng. Đường Lê Lợi có hiệu sách Thống Nhất, Châu Trí, Vạn Hòa, đường Nguyễn Thái Học có hiệu sách Nguyên Thắng (sau này là nhà ông Hứa Văn Bân, số 72 Nguyễn Thái Học), hiệu sách Lửa Hồng của gia đình thầy Lê Khuê, đường Trần Quý Cáp có hiệu sách Nhất Tiếu (sau này đổi tên là nhà sách Trùng Dương), đường Phạm Phú Quốc (nay là đường Trần Hưng Đạo) có hiệu sách Khai Trí([3]). Rất nhiều tác phẩm thuộc hàng “kinh điển” của văn học thế giới có thể tìm thấy tại các hiệu sách này. 

      Ông Lưu Văn Tuyến nhớ lại, trước năm 1975, ngoài các hiệu sách, trên đường Cường Để  còn có một cửa hàng chuyên cho thuê truyện (nay là nhà cổ Đức An, số 129 Trần Phú). Truyện cho thuê nhiều nhất lúc bấy giờ là truyện võ hiệp kỳ tình của Kim Dung - dịch giả Hàn Giang Nhạn, truyện của Duyên Anh (Vũ Mộng Long) như “Hoa thiên lý”, “Thằng Côn”, “Bồn Lừa”, “Dzũng Đa Kao”, “Ngày xưa còn bé”, “Chương còm”, “Con Thúy”…

      Kỷ niệm về những hiệu sách trong ký ức của hậu duệ

      Lần theo tư liệu trong những cuộc tham vấn cộng đồng do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, chúng tôi đi tìm hậu duệ của các hiệu sách Hội An một thời vang bóng. Con, cháu của những chủ hiệu sách xưa giờ đây đã sinh sống ở ngoài khu phố cổ hoặc định cư ở nước ngoài, nhiều ngôi nhà/hiệu sách đã đổi chủ hoặc chuyển sang buôn bán mặt hàng khác. Nhưng kỳ diệu thay, trải qua chiến tranh và nhiều biến động của lịch sử, có hiệu sách vẫn còn giữ nguyên bảng hiệu cũ như nhà sách Bình Minh, có hiệu sách dù nay đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác nhưng vẫn lấy tên cũ như nhà sách Trùng Dương. Đặc biệt, kỷ niệm thời ấu thơ gắn với hiệu sách xưa của gia đình vẫn là niềm tự hào của mỗi hậu duệ khi họ nhắc nhớ.

      Nhà sách Trùng Dương ở số 04 Trần Quý Cáp nay kinh doanh vali, túi xách nhưng tấm biển hiệu bằng gỗ, dù mới được làm lại, trên đó vẫn ghi “Dụng cụ, văn phòng phẩm, vali túi xách Trùng Dương”. Bà Trịnh Thị Minh, hậu duệ của nhà sách kể: “Trước đây hiệu sách tên là Nhất Tiếu, ban đầu chỉ là một hiệu sách nhỏ, gần đối diện với hiệu sách Thống Nhất, nằm trên đường Lê Lợi. Nhà sách Nhất Tiếu là ghép tên của ông Tiếu (anh trai của bà Minh) và ông Nhất (bạn của anh Tiếu). Từ năm 1970 trở đi, một phần do ông Nhất không còn hùn vốn kinh doanh với ông Tiếu, nhưng phần nhiều là do khi đó, ông Thảo, người anh thứ nhì trong gia đình của bà Minh quá mê tiểu thuyết kiếm hiệp nên ông đổi tên nhà sách là Trùng Dương - đặt theo tên của Vương Trùng Dương - một nhân vật trong bộ sách kiếm hiệp”.
 
Hieu sach Rang Dong 40 Tran Phu
Hiệu sách Rạng Đông số 40 Trần Phú - Ảnh: Khiếu Thị Hoài
 
      Bà Lê Thị Mỹ Tuyết, hậu duệ của nhà sách Thống Nhất (nay là nhà số 43 Lê Lợi) nhớ lại: Ba của bà người Quảng Trị, mẹ người Huế, ba mẹ của bà đến Hội An sinh sống, lập nghiệp. Khi mới khởi nghiệp, gia đình chỉ có một cái sạp nhỏ ở vỉa hè đường Lê Lợi, ba mẹ bà phải lấy những hòn đá chặn lên các tờ báo để ngăn cho báo khỏi bị gió làm bay. Đến năm 1962, khi mua được ngôi nhà ở đường Lê Lợi để mở cửa hàng bán sách, bố mẹ bà đặt tên nhà sách là Thống Nhất với ước mơ hai miền đất nước hết cảnh chia cắt. Từ lúc mua được ngôi nhà để mở cửa hàng, gia đình bà vừa bán sách vừa bán báo. Sách của các tác giả thuộc nhóm Tự lực văn đoàn bán chạy nhất. Bà Tuyết thích sưu tầm nên dù đã đọc hết các tờ báo trong lúc trông hàng giúp ba mẹ, bà vẫn giữ các tờ báo yêu thích để làm một bộ của riêng mình. Nhiều hôm mẹ của bà biết, bảo “Người ta mua không ra báo, con đọc xong rồi thì bày ra để họ mua chứ cất đi làm chi” nhưng bà Tuyết vẫn lén giữ lại các tờ báo, cất giữ cẩn thận, sắp xếp theo số thứ tự. Sau chiến tranh, bộ sưu tầm ấy đã bị thất lạc và cho đến tận bây giờ bà vẫn không nguôi nuối tiếc. Bà Tuyết kể, tuy thời đó nhà bà trưng biển hiệu “Nhà sách Thống Nhất bán sách, báo, tiểu thuyết, bút chỉ văn phòng” nhưng cảnh hàng ngày người dân đứng xếp hàng mua báo trước cửa nhà diễn ra nhiều lần nên đến nay, khá nhiều người Hội An vẫn nghĩ nhà bà chỉ bán báo. Người ta mua báo, một phần để đọc nhưng bên cạnh đó, họ còn tìm những hình, chữ, số được in ở một góc nhỏ của tờ báo để đoán số, đánh đề. Bà kể, người dân xem hình và đoán trật, mua số bị thua hoài nhưng không hiểu vì sao, như một thú vui hấp dẫn, mỗi ngày họ đều đứng xếp hàng chờ đến giờ báo được chuyển về để mua cho được những tờ báo ấy.

      Đam mê đọc và những kỷ niệm ấu thơ

      Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông có nhiều kỷ niệm ấu thơ gắn với nhà sách Bình Minh bởi hồi đó gia đình ông ở ngay sát vách hiệu sách. Mỗi ngày, khi chiều dần về tối, xe chở sách về đến cửa hiệu, ông thường chạy ra phụ giúp việc bưng sách vào nhà, phân loại và xếp sách lên kệ. Ông thuộc nằm lòng những khu vực trưng bày sách trong cửa hàng nên làm rất nhanh và chính xác. Là một hiệu sách lớn, Bình Minh bán từ sách truyện đến các loại sách giáo khoa, các loại báo, tạp chí. Biển hiệu với dòng chữ “Nhà sách Bình Minh” được đúc bê tông chắc chắn, kiểu chữ ngay ngắn được gắn bóng điện nê ông sáng trưng vào các buổi tối, cho đến khuya. Nhờ ở ngay bên cạnh nhà sách, lại được tín nhiệm, ưu ái nên những buổi trưa, khi trông coi giúp cửa hàng, ông Đông tranh thủ đọc tiểu thuyết, nhiều lần đang đọc dở thì có người mua cuốn đó thành ra sau này ông chỉ chọn đọc truyện ngắn và báo hay những tạp chí giàu hàm lượng kiến thức, văn hóa. Có lẽ, chính nhờ việc đọc sách và tích lũy kiến thức văn hóa từ nhỏ nên mãi cho đến sau này, dù say mê vẽ tranh, chụp ảnh, ông vẫn là người có thói quen đọc sách và trở thành người ham đọc cho đến tận bây giờ.

      Đa số người Hội An ngày đó đọc sách vì đam mê, nên mới có chuyện trẻ con nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách, không có tiền thì đi đọc… cọp (đọc nhờ, đọc mà không phải trả tiền thuê, tiền mua) hay chuyền tay nhau đọc một cuốn sách, một bộ sách cho đã. Nhắc nhớ kỷ niệm về đọc cọp sách, ông Nguyễn Như Vũ, nhà sát cạnh Chùa Cầu vẫn rơm rớm nước mắt vì cảm động. Hồi đó, ông thường đến nhà sách Nam Ngãi đọc cọp, người chủ hiệu sách, là người từ Quảng Ngãi ra Hội An lập nghiệp, hỏi ông vì sao không mua. Ông Vũ nói “nhà con nghèo, không có tiền mua sách”, lúc trả lời cũng có đôi chút lo lắng sẽ bị la. Nhưng không, người chủ hiệu sách Nam Ngãi bảo “lần sau con cứ đến đây đọc, còn cuốn này thì bác tặng cho con”.

      Nhà văn Nguyên Ngọc - người có tuổi thơ của mình ở Hội An - kể rằng ngày ấy hầu như nhà nào ở Hội An cũng có một tủ sách gia đình. Trong chiến tranh bom đạn dữ dội và ngay cả khi gia đình đi tản cư, bố mẹ ông vẫn giữ gìn tủ sách ấy cẩn thận nên 9 năm sau ông trở về, tủ sách vẫn còn nguyên vẹn. 

      Một kỷ niệm có nhiều ảnh hưởng đến niềm đam mê văn chương của nhà văn Nguyên Ngọc sau này chính là lần ông được đọc “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân tại nhà ông Châu Tường Anh. Ông Tường Anh hơn nhà văn Nguyên Ngọc 4 tuổi, thời bấy giờ, hơn nhau 4 tuổi là một khoảng cách khá lớn. Vì quá mê tủ sách của ông Châu Tường Anh, nhà văn Nguyên Ngọc quyết phải làm bạn với ông Tường Anh. Một hôm, ông Tường Anh nhắn ông sang nhà, tới nơi đã thấy ông Tường Anh đốt một lò hương trầm trên bàn và bảo ông ngồi xuống, đặt hai tay dưới gầm bàn chứ không được đặt tay vào cuốn sách trước mặt. Đó là bản đặc biệt của cuốn “Vang bóng một thời”, in bằng giấy dó, nhà in dành riêng 100 cuốn tặng cho tác giả. Ông Châu Tường Anh dùng một con dao làm bằng ngà mở từng trang sách cho ông Ngọc đọc. Ở trang đầu cuốn sách có dòng chữ đề tặng: “Kính tặng Tường Anh Châu Công Tử”, bên dưới là chữ ký bay bổng của Nguyễn Tuân cùng dấu triện đỏ hình cánh buồm. 

      Thời đó, nhà văn Nguyễn Tuân đang nổi tiếng và khoảng cách tuổi tác giữa nhà văn Nguyễn Tuân với ông Châu Tường Anh cũng rất lớn vậy mà giữa hai người lại có sự tâm giao, tương kính đến thế. Điều này khiến nhà văn Nguyên Ngọc vừa kinh ngạc vừa ngưỡng mộ Châu Tường Anh. 

      Sau này, nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự rằng cuộc đời ông có khi đi vào ham muốn viết văn cũng chính từ kỷ niệm đọc “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân trong buổi tối hôm đó tại nhà ông Châu Tường Anh.

      Nhạc sĩ Trần Tiến từng nói: “Ngôi nhà không có sách trông hoang lạnh. Mặt người không có chữ trông vô hồn”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng có lần nói, chỉ khi nào sự đọc trở thành một nhu cầu bình thường của con người, chỉ khi nào con người ta đọc sách một cách vô vụ lợi chứ không phải đọc vì một mục đích nào thì đó mới chính là văn hóa đọc. Một tiêu chí quan trọng để có đời sống văn hóa phong phú chính là văn hóa đọc, được hiểu theo nghĩa việc đọc là một nhu cầu bình thường của mỗi người.

      Hội An trong thời kỳ trước 1975 với lợi thế là trung tâm giáo dục của tỉnh Quảng Nam, từ đây hình thành nên nhiều nhà sách và văn hóa đọc phát triển([4]). Những nhà sách thời vang bóng đã góp phần lớn trong việc hình thành nên một tầng lớp tinh hoa, tiếp cận giáo dục, văn hóa phương Tây, âm nhạc phương Tây…. ươm mầm, góp phần nuôi dưỡng nên những tài năng lớn của đất nước trong nhiều lĩnh vực không chỉ tại Hội An mà còn nhiều người đến từ các huyện thị trong toàn tỉnh Quảng Nam
 
[1] Dẫn theo “Báo cáo tổng kết hoạt động tham vấn ký ức về di sản văn hóa ở Khu phố cổ Hội An” - CN. Trương Hoàng Vinh thực hiện
[2] Báo cáo xử lý tư liệu ký ức về hoạt động buôn bán trong Khu phố cổ (Phòng Quản lý Di sản)
[3] Theo tư liệu tham vấn cộng đồng của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An và nội dung trả lời phỏng vấn của các ông Trần Xuân Mẫn, Đặng Kế Đông, Lưu Văn Tuyến, Trương Duy Trí: Địa chỉ các nhà sách xưa trên đường Trần Phú (hiện nay): Rạng Đông (số nhà 40), Bình Minh (số nhà 45), Trương Kim Điền (số nhà 81), Nam Ngãi (số nhà 93); Trên đường Nguyễn Thái Học (hiện nay): Phi Anh (nhà số 14), Lửa Hồng (số nhà 36), Nguyên Thắng (số nhà 72); Trên đường Lê Lợi (hiện nay): Thống Nhất ( số nhà 43), Vạn Hòa (số nhà 51), Châu Trí (số nhà 53), Trường Xuân (số nhà 76); Trên đường Trần Quý Cáp (hiện nay): Trùng Dương (số nhà 04).
[4] Báo cáo “Tổng kết hoạt động tham vấn ký ức về di sản văn hóa ở Khu phố cổ Hội An” của CN. Trương Hoàng Vinh.
 

Tác giả: Khiếu Thị Hoài

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây