Vì thế, trong tâm thức của những cư dân này đều xem cá Ông là vị thần bảo hộ tính mạng và tài sản, là chỗ dựa tinh thần cho họ khi mà quá trình hành nghề luôn phải đối diện với bao hiểm nguy rình rập trên biển cả bao la. Khi cá Ông lụy
(chết), ngư dân vớt xác lên bờ và thực hiện các nghi thức rất trang trọng, từ mai táng, làm lăng thờ, đưa xương cốt về lăng và tổ chức cúng tế hàng năm. Nhà nước phong kiến Việt Nam cũng đã công nhận vai trò quan trọng của cá Ông đối với ngư dân thông qua ban tặng sắc phong, gia tặng mỹ tự là
“Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần” và cho ngư dân khắp nơi xây lăng lập miếu để thờ. Qua thời gian, tín ngưỡng tôn sùng được biểu hiện qua tục thờ cúng cá Ông đã dần ăn sâu vào đời sống văn hóa của cư dân làm nghề đi biển; tạo nên những giá trị văn hóa tiêu biểu và riêng có của bộ phận cư dân này. Xét về giá trị di sản, tục thờ cúng cá Ông không chỉ có giá trị về di sản văn hóa phi vật thể qua loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội
(nghi lễ thờ cúng), nghệ thuật trình diễn dân gian
(hát bả trạo),… mà còn có giá trị về di sản văn hóa vật thể là các công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo nhằm tạo ra không gian văn hóa để thực hiện tục lệ này.
Những công trình xây dựng đó có chức năng là nơi bảo quản xương cốt cá Ông, nơi thể hiện lòng thành kính của cư dân đối với cá Ông qua việc dâng hương thường xuyên hay tổ chức lễ lệ, lễ hội hàng năm. Mỗi địa phương có tên gọi có khác nhau nhưng nhìn chung những công trình này đều được gọi chung là lăng thờ cá Ông
[1]. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược một số lăng thờ cá Ông có giá trị đã được kiểm kê, nhận diện đưa vào danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An.
Theo danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An năm 2015
(và theo số liệu thống kê đến nay), hiện có 05 di tích liên quan đến tục thờ cúng cá Ông của ngư dân ở Hội An, gồm: Lăng Ông Ngư ở xã Tân Hiệp, lăng Ông An Bàng ở phường Cẩm An, lăng Ông
(trong cụm lăng Năm Sở) ở phường Cẩm Nam, lăng Ông ở xã Cẩm Thanh, lăng Tiêu Diện ở phường Cửa Đại.
*
Di tích lăng Ông Ngư: Lăng nằm trong khu dân cư thuộc xóm Đình, thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, là di tích khá tiêu biểu cho tục thờ cúng cá Ông của ngư dân vùng biển đảo ở Hội An, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin
(nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006.
Chưa có tư liệu xác định chính xác thời gian khởi dựng lăng nhưng qua hình thức kiến trúc, mô típ trang trí và dấu vết lưu lại ở lăng
[2] đoán định lăng được xây dựng muộn nhất vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong sách
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi chép một số thông tin về Cù Lao, trong đó cho biết trên núi
(Cù Lao Chàm) có nhiều đền thờ, như đền thờ 3 vị Phục Ba Tướng quân, đền thờ Cao Các, đền thờ thần Bô Bô và các đền thờ thần: Ngọc Lân, Thành Hoàng, Chúa Lồi, Bạch mã, Ngũ Hành... Đền thờ Ngọc Lân được nhắc đến ở đây là lăng Ông Ngư. Mặc dù đã qua nhiều lần tu bổ nhưng kiểu thức kiến trúc truyền thống của lăngvẫn còn được bảo lưu rõ nét. Hiện trạng lăng quay mặt tiền về hướng Tây Nam, nhìn ra biển với diện tích khoanh vùng bảo vệ là 149,4m
2. Lăng được xây bằng vôi, gạch, san hô với kiểu mái cuốn vòm thấp, lợp ngói âm dương, trên trang trí con giống đề tài tứ linh. Lăng thờ có cấu trúc tiền đường và hậu tẩm. Tiền đường làm kiểu ba gian; hai gian bên thờ những vị tả hữu ban, thị tùng bộ hạ; gian giữa đặt bệ thờ trước hậu tẩm, ở trên có 12 bài vị bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng ghi các thần hiệu của cá Ông
[3]. Hậu tẩm là nơi cất giữ các hòm đựng xương cốt cá Ông. Trước lăng có bình phong dạng cuốn thư, mặt trước đắp nổi hình long mã, mặt sau đắp hình cá chép uốn lượn uyển chuyển. Theo điều tra của Viện Viễn Đông Bác Cổ những năm 1941-1943 về làng xã ở Quảng Nam, trong đó có làng Tân Hiệp ghi nhận
“trong lăng Ông Ngư có một cái lư khá lớn bằng gang rất xưa, cái nầy dùng để đốt vàng bạc” nhưng hiện nay đã thất lạc. Hàng năm vào ngày 4/4 âm lịch tại di tích, trước khi ra khơi đánh bắt cá vụ nam, ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm tổ chức lễ cúng cầu ngư tại lăng rất linh đình nhằm cầu mong cho làng xóm được bình yên, ra khơi được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản.
Di tích lăng Ông Ngư, xã Tân Hiệp - Ảnh: Quang Ngọc
*
Di tích lăng Ông An Bàng: Lăng nằm cạnh khuôn viên nhà văn hóa khối An Bàng, phường Cẩm An, đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2011.
Về thời điểm xây dựng lăng hiện vẫn chưa có tài liệu xác định chính xác, chỉ mới biết được lần tu bổ sớm nhất là vào tháng 4/1926 do nhân dân xã Đại An
(xã hiệu cũ của khối An Bàng hiện nay) tu bổ qua thông tin ghi lại trên xà còn đang được lưu giữ ở lăng. Theo điều tra dân gian, vào năm 1968, sau khi đình đá An Bàng bị phá hủy, nhân dân phối thờ thêm tiền hiền tại lăng. Năm 1993, lăng được tu bổ lớn và đến nay cũng đã có một số lần tu bổ, tôn tạo từ sự đóng góp của nhân dân và đầu tư kinh phí của nhà nước, gần nhất là vào năm 2019, lần tu bổ này cũng đã mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ lăng thành 1680m
2 để có điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Hiện trạng lăng quay mặt về hướng Đông Bắc, nhìn ra biển. Án ngự trước lăng là bình phong xây kiểu cuốn thư, mặt ngoài đắp nổi hình con nghê, mặt trong xây bệ thờ âm linh có mái che. Lăng thờ có cấu trúc tiền đường và hậu tẩm với kiểu thức kiến trúc cuốn vòm đặc trưng của vùng biển và khá tương đồng với kiến trúc của lăng Ông Ngư ở xã Tân Hiệp. Tiền đường làm ba gian, hệ đỡ mái theo kiểu cuốn vòm, lợp ngói âm dương, trang trí con giống đề tài tứ linh bằng nghệ thuật đắp mảnh sành rất công phu, sắc sảo. Không gian bên trong còn lưu lại tên xã hiệu làng Đại An
(cũ) qua bức hoành chữ Hán: 大安
(Đại An) và câu đối chữ Hán:
“Đại đức thâm niên thực mộc khai điền di hậu duệ/An cư vĩnh thế ẩm hà thực quả niệm tiền công”. Tổng cộng trong tiền đường và hậu tẩm có 6 bệ thờ xây; trong đó hậu tẩm là nơi đặt các hòm xương cốt của cá Ông được bảo quản kỹ lưỡng. Hàng năm, vào ngày 15/1 và 04/9 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ cúng cá Ông cầu mong phù hộ bình an, đồng thời cúng bái các bậc tiền nhân đã có công khai mở làng xã, mong được mưa thuận gió hòa, được hưởng một vụ mùa bội thu, cuộc sống đủ đầy.
Lễ hội cầu ngư tại di tích lăng Ông An Bàng, phường Cẩm An - Ảnh: Hồng Việt
*
Di tích lăng Ông Cẩm Nam: Lăng tọa lạc ở khối Hà Trung, phường Cẩm Nam, là một trong 5 công trình tín ngưỡng nằm cạnh nhau, gồm: Lăng Ông, Miếu Ngũ Hành, Miếu Thổ Địa, Miếu Vạn Ghe bầu và Miếu Âm Linh; được nhân dân địa phương thường gọi tên là lăng Ông Năm Sở. Đây là cụm công trình tín ngưỡng có quy mô lớn ở ấp Hà Trung thuộc xã Cẩm Phô trước đây, nay là thôn Hà Trung, phường Cẩm Nam với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ gần 670m
2. Qua các tư liệu điều tra cho biết trước đây cụm công trình nàyở một vị trí khác nhưng do quá trình sạt lở bờ sông nên được dời về vị trí hiện nay và đã qua nhiều lần tu bổ. Riêng tại lăng Ông còn lưu giữ xà cò cho biết vào năm Khải Định thứ 2
(1917), nhân dân ấp Hà Trung, xã Cẩm Phô đã xây dựng lại lăng này. Sự xuất hiện của lăng Ông
(cùng với đó là miếu Vạn Ghe bầu) cho thấy cư dân ở đây từ lâu đã sự gắn bó mật thiết với môi trường sông, biển như khai thác đánh bắt thuỷ hải sản, mua bán bằng đường sông biển bằng các phương tiện ghe thuyền. Năm 2011, cụm công trình này đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Nhìn từ đường giao thông hướng vào cụm công trình, theo chiều kim đồng hồ, lăng Ông ở vị trí thứ hai. Thần chủ được thờ ở lăng Ông là cá Ông. Lăng quay mặt tiền về hướng Bắc, cấu trúc gồm tiền đường và hậu tẩm. Tiền đường làm kiểu ba gian, hai chái, có hiên trước. Tiền đường lợp ngói âm dương, trên trang trí con giống đề tài:
“Lưỡng long tranh châu”. Trong lăng lưu giữ một số hiện vật có giá trị: 1 xà cò gỗ, 3 bức hoành gỗ, 1 cặp liễn gỗ, 1 bộ lỗ bộ và 1 ngai thờ gỗ. Tổng cộng có 04 bệ thờ xây, trong đó hậu tẩm đặt một số hòm gỗ đựng xương cốt và thờ cá Ông. Từng di tích trong cụm di tích này đều có ngày cúng tế theo lệ hàng năm, trong đó lăng Ông được cúng vào các ngày 28/2 và 20/8 âm lịch.
*
Di tích lăng Ông Cẩm Thanh: Lăng hiện nằm trên địa bàn thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh, được UBND tỉnh Quảng Nam ghi vào danh mục đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2024.
Cũng như ngư dân ở các địa phương khác, ngư dân ở làng Thanh Nhất
(nay là thôn Thanh Nhất, xã Cẩm Thanh) cũng đã xây dựng lăng thờ cúng cá Ông nhằm cầu mong sự bình an mỗi khi ra khơi hành nghề. Qua thông tin điều tra cho biết lăng Ông được xây dựng vào năm 1820 với quy mô khá lớn. Đến những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, lăng bị hư hại do chiến tranh. Năm 1992, cư dân xóm Vạn Lăng hợp sức làm lại lăng trên nền của lăng Ông cũ. Vào năm 2011, lăng được nhà nước tu bổ lớn định hình nên quy mô tổng thể kiến trúc như hiện nay. Lăng quay mặt tiền về hướng Đông nhìn ra biển. Tổng thể kiến trúc có bình phong và lăng thờ. Bình phong xây gắn với bệ thờ âm linh có mái che, hai bên làm 2 trụ biểu vuông, đầu trụ gắn hình búp sen. Cấu trúc lăng thờ gồm tiền đường và hậu tẩmvới tổng diện tích xây dựng khoảng hơn 24m
2. Tiền đường chia thành 3 gian, có hiên, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc gắn con giống đề tài
“lưỡng long tranh châu”, các đuôi mái gắn con giống hình cá. Không gian bên trong tiền đường và hậu tẩm bố trí tổng cộng 6 bệ thờ xây, trong đó bệ thờ ở hậu tẩm đề bức hoành và cặp câu đối chữ chữ Hán thể hiện rõ thần chủ thờ tự ở đây là thần Nam Hải
(mỹ tự được phong cho cá Ông): Bức hoành ghi:
“Nam Hải tự”, cặp câu đối ghi:
“Nam khuyết doanh tri thủy quốc tiềm linh chương cự tộc/Hải quan trấn thủ ba lãng tịnh thiếp hộ quần sinh”. Hàng năm vào ngày 10/2 âm lịch, cộng đồng làm nghề đi biển ở xã Cẩm Thanh, chủ yếu là thôn Vạn Lăng tề tựu về lăng tổ chức cúng cầu ngư rất linh đình.
*
Di tích lăng Tiêu Diện: Lăng hiện tọa lạc tại khối Phước Thịnh, phường Cửa Đại, được UBND tỉnh Quảng Nam ghi vào danh mục đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2024. Lăng còn có tên gọi khác là lăng Tứ chánh vạn. Tại đây có lăng chính thờ cá Ông và một lăng nhỏ xây trước bình phong thờ Tiêu Diện Đại Sĩ. Chưa có tài liệu xác định chính xác thời điểm xây dựng lăng. Theo thông tin điều tra hồi cố từ các cụ cao niên địa phương thì lăng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Một thông tin điều tra hồi cố khác cũng cho biết rằng trước đây ở Cẩm An
(bao gồm cả địa phận phường Cửa Đại ngày nay) có một cụm lăng Ba Sở
(3 lăng thờ), trong đó có lăng Nghĩa Trủng thờ âm linh và lăng thờ cá Ông. Sau đó cụm lăng này bị sạt lở không còn dấu vết gì, nhân dân chuyển sang các vị trí khác để thờ tự, trong đó thờ cá Ông đưa về lăng Tiêu Diện cho đến nay
[4], lăng Nghĩa Trủng đã được chuyển sang một số nơi trước khi xây mới cố định tại vị trí hiện nay ở khối Thịnh Mỹ của phường Cẩm An vào năm 2003. Tại lăng Nghĩa Trủng còn lưu giữ tấm bia đá đề 4 chữ Hán lớn là:
“Đại Phước Nghĩa Trủng” có niên đại Tự Đức năm thứ 27 (1873), tấm bia được dời về đây khi cụm lăng Ba Sở bị sạt lở. Những thông tin này cho thấy muộn nhất vào thế XIX ở đây đã có công trình xây dựng phục vụ tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của nhân dân địa phương.
Di tích lăng Tiêu Diện - Ảnh: Nguyễn Cuòng
Lăng Tiêu Diện bị nhiều lần xuống cấp qua thời gian và đã được nhân dân tu bổ vào các năm 1949, 1956, 1968, 2005, đến năm 2009 tu bổ riêng lăng Tiêu Diện Đại Sĩ, năm 2016 nhà nước đầu tư kinh phí đại tu lăng chính. Lăng quay mặt tiền về hướng Đông Bắc nhìn ra biển với diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 790m
2. Tổng thể kiến trúc lăng bao gồm các hạng mục xây dựng: Bình phong, lăng thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, lăng thờ cá Ông. Bình phong làm kiểu cuốn thư, chỉ trang trí mặt ngoài hình con nghê. Liền kề bình phong là lăng thờ Tiêu Diện Đại Sĩ với diện tích xây dựng gần 5m
2, quay mặt vào trong lăng chính, kiến trúc kiểu 1 gian 4 mái, không gian bên trong xây bệ cao đặt tượng thờ Tiêu Diện Đại Sĩ ở giữa. Lăng chính có diện tích xây dựng 45m
2 với cấu trúc tiền đường và hậu tẩm. Tiền đường có hiên, mái lợp ngói âm dương, trên trang trí đề tài tứ linh bằng nghệ thuật đắp cẩn đẹp mắt và gắn lại một bảng bê tông của ngôi miếu cũ trước khi tu bổ vào năm 2016, bên trong đề 3 chữ quốc ngữ:
“Tứ chánh vạn”. Không gian bên trong tiền đường và hậu tẩm bố trí tổng cộng 6 bệ thờ xây; trong đó trước lối vào hậu tẩm đề 2 chữ Hán là
“Đại Hải”, hai bên đề 2 câu chữ Quốc ngữ
“Đại Càn quốc gia cự tộc/Ngọc Lân Nam Hải cự tộc”, trong tẩm có các hòm đựng cốt cá Ông đã thể hiện rõ thần chủ thờ tự ở đây. Trong khuôn viên lăng còn có một số khu đất trống đang chôn cất nhiều hài cốt cá Ông đã được ngư dân mai táng trong thời gian qua. Hàng năm, nhân dân địa phương duy trì cúng tế cá Ông và Tiêu Diện Đại Sĩ theo lệ vào ngày 16/2 và 16/8 âm lịch. Đặc biệt từ năm 2014, lễ hội cầu ngư tại lăng Tiêu Diện đã được UBND thành phố Hội An đưa vào chương trình các sự kiện văn hóa - du lịch thường niên của thành phố. Từ đó đến nay, lễ hội được tổ chức trong hai ngày 16 và 17/2 âm lịch; bên cạnh lễ tế truyền thống còn có các hoạt động hát bả trạo, đua thuyền thu hút đông đảo bà con và du khách đến tham gia, thưởng lãm.
Có thể thấy các di tích liên quan đến tục thờ cúng cá Ông đều được phân bố ở các địa phương có truyền thống ngư nghiệp và hiện còn được duy trì trong hoạt động kinh tế của địa phương. Đây là giá trị văn hóa rất đặc trưng, riêng có của cộng đồng cư dân làm ngư nghiệp. Các di tích này đều có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Về lịch sử, đó là tư liệu thực địa để nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển của các làng xã ở Hội An nói chung, ở các địa phương nói riêng. Về văn hóa, đó là những giá trị văn hóa phi vật thể về lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, trình diễn dân gian,... được bảo lưu trong đời sống văn hóa của ngư dân qua nhiều thế hệ, là chỗ dựa tinh thần, tạo ra sợi dây cố kết cộng đồng cả trong hoạt động làm ăn cũng như tại địa bàn cư trú; trong đó lễ hội cầu ngư và hát bả trạo là những giá trị văn hóa tinh thần khá tiêu biểu, đặc trưng và hiện đang được phát huy tốt giá trị. Về kiến trúc nghệ thuật, đó là những công trình xây dựng bảo lưu được kiến trúc truyền thống, góp phần làm phong phú cho loại hình kiến trúc tín ngưỡng ở Hội An; hơn nữa mỗi công trình là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc cả về tổng thể lẫn từng chi tiết, trong đó dưới góc độ mỹ thuật có thể nhận thấy qua con giống, các đồ án trang trí, bài vị, vật tế tự,.. dưới góc độ văn học có thể nhận thấy qua các hoành phi, liễn đối. Những giá trị này gắn với các di tích đang được nhà nước và cộng đồng chăm lo quản lý, bảo tồn và phát huy trên cơ sở pháp lý quan trọng là đã được các cấp thẩm quyền xếp hạng và bảo vệ
[5]. Đây là một tài nguyên văn hóa quý báu, bảo tồn và phát huy tốt sẽ góp phần xây dựng thành công thành phố Hội An theo định hướng sinh thái, văn hóa và du lịch.
Tài liệu tham khảo:
- Các hồ sơ di tích lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[1] Trong bài viết này, các di tích có liên quan đến tục thờ cúng cá ông ở Hội An chúng tôi gọi chung là lăng thờ cá Ông.
[2]Ở đỉnh vòm thứ hai của lăng còn lưu lại hai chữ Hán 成泰 (Thành Thái), niên hiệu xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
[3]Như: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Đại Tướng Quân, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Ông Mực tôn thần, Nam Hải Cự Tộc Ngọc lân Ông Hổ tôn thần...
[4]Theo thông tin điều tra hồi cố thì lăng Ba Sở bị sạt lở vào khoảng năm 1983, như vậy cá Ông được đưa về thờ cúng tại lăng Tiêu Diện cũng vào khoảng thời gian này.
[5]1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là lăng Ông Ngư ở xã Tân Hiệp; 2 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là lăng Ông An Bàng ở phường Cẩm An và cụm lăng Năm Sở, trong đó có lăng Ông ở phường Cẩm Nam; 2 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê bảo vệ của tỉnh giai đoạn 2019-2024 là lăng Ông ở xã Cẩm Thanh và lăng Tiêu Diện ở phường Cửa Đại.