Vài thông tin về nghệ thuật trang trí tại di tích Chùa Cầu

Chủ nhật - 26/02/2023 20:38
Chùa Cầu còn gọi là cầu Nhật Bản, tên chữ là Lai Viễn Kiều (来 遠 橋) –do Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu ban tặng vào năm Kỷ Hợi (1719) khi tuần du đến Hội An. Trải qua lịch sử gần 400 năm, ngày nay Chùa Cầu trở thành biểu tượng của di sản văn hóa thế giới Hội An, mang dấu ấn của mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa và các quốc gia Tây phương tại Hội An trong quá khứ.
chua cau nhin ngang
Chùa Cầu nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Mặc dù đã trải qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa nhưng Chùa Cầu vẫn bảo tồn được những giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo thông qua các chi tiết trang trí đặc sắc. Chùa Cầu có hai hạng mục chính, gồm cầu và miếu thờ nối liền nhau thành một chỉnh thể kiến trúc độc đáo. Cầu được xây dựng theo kiểu “thượng gia hạ kiều”, hệ mái lợp ngói âm dương, các bờ nóc, bờ chảy được đắp mềm mại, gắn các chi tiết trang trí giàu giá trị nghệ thuật.

      Hệ mái gian hai đầu cầu có kết cấu kiểu 4 mái, bờ chảy được đắp nổi đồ án cụm mây, cuối bờ chảy gắn đĩa sứ men trắng vẽ lam với lòng đĩa trang trí hình cây cải xòe tròn, diềm đĩa trang trí hồi văn. Hệ mái mặt tiền mỗi đầu cầu có 12 vồng ngói, cuối mỗi vồng ngói gắn đĩa sứ men trắng vẽ lam đồ án “Lưỡng long chầu nhật”. Tại vị trí trung tâm của bờ chảy mái trước và cuối bờ chảy mái sau được trang trí qua sự kết hợp của đồ án cụm mây, lá cây và sóng nước cách điệu bằng vữa hợp chất. Hai bên bờ chảy đầu hồi được trang trí đồ án “mây lá”. Đầu bờ chảy mặt tiền gắn đĩa sứ men trắng vẽ lam với lòng đĩa trang trí đồ án cây cải xòe tròn kết hợp hồi văn. Bờ nóc được đắp thẳng, hơi cong nhẹ ở hai đầu, bề mặt chia thành nhiều ô hộc trang trí. Tại vị trí hai bên góc của bờ nóc đắp nổi đồ án cụm mây bằng vữa vôi. Hai đầu bờ nóc được tạo cong dạng hình thuyền, bề mặt được tạo thành 03 ô hộc trang trí, ô hộc chính giữa tạo thủng, gắn các viên gạch thông gió hình đồng tiền bằng gốm, ô hộc hai bên trang trí đăng đối chi tiết cụm mây đắp nổi trên nền vữa, kế bên trong gắn đĩa sứ men trắng vẽ lam tổ hợp các đồ án hoa cúc, hình vân xương cá và dây lá cách điệu. Chính giữa bờ nóc trang trí đề tài nhật và mây thông qua chiếc đĩa sứ men trắng vẽ lam đồ án “Lưỡng long chầu nhật”, bao quanh là hình tượng các cụm mây được cách điệu mềm mại bằng chất liệu vữa.

      Tường hai bên lối vào đầu cầu phía Đông trang trí hình quả Phật thủ kết hợp đồ án hồi văn, cụm mây bằng hình thức đắp vôi vữa. Bằng thủ pháp tương tự, ở đầu cầu phía Tây trang trí hình quả lựu kết hợp với hồi văn và cụm mây.

      Hạng mục thân cầu có kết cấu bảy gian ba lòng, mái lợp ngói âm dương, đầu các vồng ngói gắn đĩa sứ men trắng vẽ lam với lòng đĩa là hình đóa hoa cúc và hình đường vân xương cá, diềm bao quanh là hoa cúc dây. Bờ nóc chính giữa được tạo cong ở hai đầu tựa như một chiếc thuyền, bề mặt chia thành 03 ô hộc trang trí các viên gạch thông gió hình đồng tiền, các đĩa sứ men trắng vẽ lam. Vị trí trung tâm bờ nóc trang trí đề tài mặt trời, mây lửa được đắp bằng vôi. Hai đầu bờ chảy trang trí đồ án dây lá với đường nét mềm mại, uyển chuyển. Tại vị trí hai đầu bờ nóc, ngăn cách phần chính giữa với hai bên được trang trí các đồ án cụm mây, lá cây, sóng nước, đĩa sứ men trắng vẽ lam hình cây cải và hồi văn. Bờ nóc hai bên được đắp cong nhẹ về phía đuôi, bề mặt cũng được tạo ô hộc trang trí với các viên gạch thông gió hình đồng tiền bằng gốm, đĩa sứ men trắng vẽ lam điển tích “Khương Tử Nha câu cá chờ thời[1], một đĩa là điển tích “Đối tọa thanh đàm[2]. Đầu hồi thân cầu được giật cấp, đường nét uốn cong, mềm mại, trang trí các đồ án cụm mây, lá cây cách điệu, các đĩa sứ men trắng vẽ lam đồ án hoa cúc, dương liễu, mặt võng hoa thị, lá cây cách điệu, bát bửu, chữ 卐 (vạn)…

      Hạng mục miếu thờ kết cấu kiến trúc kiểu một gian hai chái, hệ mái lợp ngói âm dương. Bờ nóc được đắp cong nhẹ về hai đầu, bề mặt chia thành các ô hộc trang trí các viên gạch hình đồng tiền bằng gốm. Chính giữa bờ nóc trang trí đề tài mặt trời, mây lửa được tạo tác bằng các mảnh gốm và vữa hợp chất. Đầu hồi được tạo hình mềm mại với đường cong uốn lượn, cuối bờ chảy trang trí đồ án cụm mây.

      Hệ thống các cột, kèo, trính gỗ của Chùa Cầu được trang trí không cầu kỳ và tập trung ở hạng mục cầu với các đồ án như hồi văn, dây lá, khánh, “cành lá hóa long”, sóng nước,… Bên trong miếu chỉ có cấu kiện trính thượng được soi chỉ ở hai đầu.

      Ngăn cách giữa miếu thờ và cầu là hệ thống vách ngăn và cửa đi bằng gỗ. Bộ cửa ở giữa gồm 04 cánh, trong đó 2 cánh giữa không trang trí, 2 cánh bên kiểu pano kết hợp song gỗ và được trang trí bằng hình thức chạm nổi. Cánh bên trái trang trí các đồ án đặc sắc như cây quạt lông hạc kết hợp ngọc như ý và dải lụa, “Lưỡng sư hý cầu”, khóm trúc, dây lá. Cánh bên phải được trang trí các đồ án quạt ba tiêu kết hợp cây bút lông, đầu ngọc như ý, dải lụa, “Lưỡng sư hý cầu”, khóm hoa cúc, hoa lan, dây lá. Vách ngăn bằng gỗ hai bên bố trí ô thoáng dạng hình vuông, bốn góc chạm nổi đồ án hoa sen, lòng ô thoáng trang trí đồ án “mặt võng hoa thị”. Trên đà cửa lối đi vào miếu có 2 mắt cửa tròn, nền màu đỏ, bề mặt chạm nổi các đồ án trang trí tinh xảo như vòng tròn lưỡng nghi, hoa sen, dây lá cách điệu với đường nét mềm mại, thanh mảnh. Phía trên 2 mắt cửa là bức hoành phi sơn son thiếp vàng do chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng vào năm 1719. Bức hoành hình chữ nhật, nền màu đỏ, các chi tiết trang trí được thiếp vàng. Diềm trên và diềm dưới bức hoành cùng chạm nổi đồ án “Lưỡng long tranh châu”, hình tượng rồng được thể hiện theo kiểu thức tả thực, hình thể mạnh mẽ, các chi tiết như đầu, chân (năm móng), vẩy được thể hiện rõ nét, hình tượng quả châu có các đường vân xoáy lên trên, bên dưới quả châu có các cụm mây làm bệ đỡ, bên trên quả châu có hai dải dây lá đối xứng nhau, dưới cằm rồng và gần đuôi rồng bố trí các cụm mây. Diềm hai bên chạm nổi đồ án “Long vân”, hình tượng rồng được thể hiện theo lối tả thực.

      Bên trong đầu cầu phía Đông bố trí hai ban thờ đặt tượng “thiên cẩu” bằng gỗ, cổ đeo lục lạc, đầu phủ mảnh vải đỏ, quần bàn ban thờ để trống. Vị trí tương tự ở đầu cầu phía Tây bố trí hai ban thờ đặt “linh hầu” bằng gỗ, hai tay cầm quả đào đặt trước ngực, đầu quấn khăn vải đỏ. Bên trong miếu, không gian thờ tự được bố trí tại gian giữa lòng nhất để thờ Bắc Đế Trấn Vũ. Bàn thờ bằng gỗ, bên trên đặt khám thờ gỗ được chạm trổ, sơn son thiếp vàng các đồ án giàu giá trị thẩm mỹ như “Lưỡng long chầu lưỡng nghi”, “cành lá hóa long”, “phụng vũ”, lân, dây lá, cụm mây. Quần bàn được trang trí các đồ án đặc sắc như cuốn thư, đầu ngọc như ý, dải lụa, dơi chầu, cổ cầm, chim trĩ và hoa mẫu đơn, điệp, hoa cúc, quả lựu, quả đào, phật thủ, lê. Trước khám thờ bố trí một hương án bằng gỗ, bên trên bố trí các đồ tự khí, đôi tượng “rùa đội hạc” và lỗ bộ bằng chất liệu gỗ.

      Qua hệ thống trang trí tại di tích Chùa Cầu có thể nhận thấy được sự đa dạng, phong phú, sinh động trong việc sử dụng các chủ đề mang giá trị văn hóa phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng để trang trí các chi tiết kiến trúc, hoành phi, xà cò và không gian thờ tự. Hình tượng các linh vật/động vật, hoa lá cây cỏ, bát bửu được thể hiện theo các kiểu thức tả thực, cách điệu uyển chuyển thành các đồ án trang trí mang tính thẩm mỹ cao, vừa mang đến sự linh thiêng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, qua đó cho thấy được kỹ thuật, kỹ năng và cảm nhận nghệ thuật của nghệ nhân trong nghệ thuật tạo hình ở Hội An.
 
[1] Bức họa về hình ảnh Khương Tử Nha râu dài tóc bạc ngồi trên mỏm đá, dưới tán cây tùng to lớn buông cần câu dưới dòng sông tĩnh lặng, góc trên cạnh tán cây tùng đề các Hán tự: 渭 水 投 竿 日 / 岐 山 入 夢 長 (Vị thủy đầu can nhật; Kỳ sơn nhập mộng thìn).
[2] Bức tranh vẽ cảnh hai người ngồi đối diện nhau trên bờ sông, dưới tán cây tùng to lớn, dưới sông có một người chèo đò, bên trên đề Hán tự: 清 談 世 事 / 浅 水 行 舟 (Thanh đàm thế sự; Thiển thủy hành chu).

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây