Tết Nguyên tiêu ở Hội An

Thứ bảy - 04/02/2023 03:10
Tết Nguyên tiêu ở Hội An có nguồn gốc từ nhiều quan niệm khác nhau, ở mỗi cộng đồng địa phương có tục lệ cúng tế riêng nhưng có cùng một đặc điểm chung đó là nhân ngày rằm đầu tiên của một năm, người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, các vị thần, tiền nhân... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự, cầu tài xin lộc đầu năm ở nhiều di tích tín ngưỡng trên địa bàn thành phố và hội quán trong Khu phố cổ Hội An.
nguyen tieu
Tết Nguyên tiêu tại Hội An - Ảnh: Hồng Việt
 
      Thời gian diễn ra hoạt động lễ hội Nguyên tiêu trên địa bàn thành phố Hội An bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng, lễ chính vào ngày 16 tháng Giêng.

      Sinh hoạt tín ngưỡng chính là lễ cúng Nguyên tiêu, giỗ Tiền hiền tại các hội quán, đình, miếu, gắn liền với một số tập tục như xin lộc, vay lộc làm ăn, cầu phước, cầu tài lộc… Ở các chùa, ngoài việc cúng các chư vị Phật, còn cúng vong hồn vô chủ, các vị tinh tú để giải trừ các sao hạn nặng. Ngoài ra, còn có một số hoạt động phụ trợ như đêm phố cổ, đêm thơ Nguyên Tiêu, hô hát Bài chòi, trò chơi dân gian… thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng cư dân.

      Ở Hội An, hầu như gia đình nào cũng cúng vào dịp Tết Nguyên tiêu để thực nguyện những điều phước thiện, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, an lành, may mắn đến với gia đình. Khác với nhiều nơi, Tết Nguyên tiêu ở Hội An diễn ra trong một không gian rộng lớn bao gồm cả nội thị và các vùng nông thôn phụ cận. Đặc biệt, trong khu vực phố cổ, vào ngày 16 tháng Giêng, từ tờ mờ sáng, đường phố Hội An đã đông người hơn hẳn ngày thường. Đối với những người ở xa như Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, nhất là những người buôn bán đến Hội An từ đêm rằm Nguyên tiêu để đi dạo phố cổ và chuẩn bị cho buổi lễ cầu tài, xin lộc đầu năm vào sáng sớm ngày mai.

      Đặc trưng Tết Nguyên tiêu ở Hội An là những tập tục, nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng trong việc cúng tế các vị Thần, Tiền hiền, các đối tượng được thờ tự tại di tích tín ngưỡng liên quan. Cách bày trí, trang hoàng bàn thờ trong lễ tế, cờ hội, nhạc khí, lễ phục, ẩm thực… cùng với những nghi thức cúng tế truyền thống của từng địa phương, từng bang hội có sự khác nhau, ngoài ra có những tập tục đặc trưng như xô cộ, xin lộc, vay lộc làm ăn đầu năm, cầu may mắn, cầu bình an, cầu tài lộc… Ngoài những phần lễ tục, trong Tết Nguyên tiêu ở Hội An có đặc trưng về sự đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác như diễn xướng múa thiên cẩu, múa lân, hát, múa nhạc Trung Hoa, nghệ thuật sắp đặt - trang trí lồng đèn, thả hoa đăng, tống long chu… cũng được diễn ra trong lễ tết Nguyên tiêu, đây là những tục lệ có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử và được duy trì cho đến hiện nay. Điều đặc sắc trong Tết Nguyên tiêu ở Hội An còn là dịp cộng đồng người Hoa phô diễn những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của từng bang.
 
nguyen tieu 01
Tết Nguyên tiêu tại Hội An - Ảnh: Hồng Việt
 
      Phần hội trong Tết Nguyên tiêu có tính cộng đồng rộng lớn, gắn với các hoạt động du xuân đầu năm. Trong không khí mát mẻ, thanh tân của mùa xuân, dòng người đi cầu tài, xin lộc, đi chùa lễ Phật, trong đó có những người đi du xuân, thưởng lãm… tạo nên không khí vui tươi, sôi động không những trong phố cổ mà trên cả địa bàn thành phố, như là ngày hội đặc trưng của cộng đồng cư dân Hội An nói riêng, cư dân trong tỉnh Quảng Nam và các vùng phụ cận như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi nói chung cùng tề tựu về dịp Tết này.

      Tết Nguyên tiêu ở Hội An được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa từ rất sớm, sự giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa trong lịch sử, được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ và tổ chức các hoạt động lễ hội định kỳ hàng năm tạo thành một lễ hội đặc trưng của địa phương. Trải qua thời gian, các tập tục, lễ nghi trong Tết Nguyên tiêu ở Hội An ít nhiều có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn còn bảo tồn, gìn giữ được những yếu tố cơ bản, riêng có. Cho đến hiện nay, Tết Nguyên tiêu là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An.

      Về mặt lịch sử, Tết Nguyên tiêu ở Hội An là tập quán xã hội, lễ hội truyền thống được hình thành từ lâu đời, là sự kế thừa sáng tạo của bao lớp cộng đồng cư dân Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay. Là lễ tục chứa đựng nhiều vấn đề về lịch sử - văn hóa, về giao lưu - tiếp biến văn hóa, gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị - thương cảng Hội An.

      Về mặt văn hóa, Tết Nguyên tiêu ở Hội An là sản phẩm của quá trình giao lưu các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế, góp phần minh chứng cho giá trị nổi bật toàn cầu của Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới. Là sự kế thừa sáng tạo các giá trị văn hóa của cộng đồng. Tết Nguyên tiêu ở Hội An là một tập quán, tín ngưỡng có nét giao lưu, tiếp biến, dung hòa giữa hai nền văn hóa Việt - Hoa, được sáng tạo qua các thời kỳ và được lưu truyền, gìn giữ cho đến ngày nay.
 
phuoc kien
Tết Nguyên tiêu tại Hội An - Ảnh: Hồng Việt
 
      Hiện nay, Tết Nguyên tiêu ở Hội An đang dần trở thành lễ hội quan trọng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Di sản văn hóa thế giới Hội An vào dịp mùa xuân. Với tiết trời mùa xuân mát mẻ, bên cạnh việc du xuân, thưởng lãm các điểm di tích, bảo tàng trong Khu phố cổ, du khách còn có thể hòa vào không khí Tết Nguyên tiêu cùng với dòng người đi viếng hương, xin lộc đầu năm thông qua các hoạt động tín ngưỡng ở các hội quán, đình, chùa, miếu, với nhiều tập tục truyền thống, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian… giới thiệu tại lễ tết, cùng với việc thưởng thức những sản vật đặc sắc, ẩm thực đặc trưng của Hội An… Trong các năm qua, Tết Nguyên tiêu đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia, qua đó thưc đẩy các loại hình du lịch dịch vụ phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân địa phương.

      Tết Nguyên tiêu là lễ hội truyền thống, là tập quán xã hội ở Hội An, mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn người khai sáng, lập dựng làng xóm, những người đã hy sinh bản thân mình để bảo vệ quê hương, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm phố yên vui, cầu may mắn, phát tài, phát lộc… Từ đó, tập tục, lễ hội này tập hợp mọi người có chung một khát vọng sống, một niềm tin gắn bó thành một khối đoàn kết và mỗi thành viên bằng thái độ hưởng ứng và tinh thần tham dự đã bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của mình với cộng đồng. Vì vậy, Tết Nguyên tiêu có vai trò rất lớn đối với đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay trên nhiều phương diện, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cố kết cộng đồng, vai trò vui chơi giải trí và tạo môi trường để cá nhân và cộng đồng sáng tạo nên những giá trị về văn hóa, nghệ thuật và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng.

      Trải qua quá trình hình thành, nuôi dưỡng và phát triển, hiện nay Tết Nguyên tiêu ở Hội An vẫn được duy trì tổ chức theo định kỳ hàng năm và vẫn giữ được những giá trị đặc sắc riêng có. Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An có tác động lớn và sâu sắc đến đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân và được cả cộng đồng trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy tích cực. Qua đó, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung, của Hội An, Quảng Nam nói riêng.

      Với những giá trị văn hóa nổi bật tiêu biểu và những đặc trưng riêng có, vào ngày 02/02/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 147/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó ghi danh Tết Nguyên tiêu ở Hội An, tỉnh Quảng Nam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ năm của thành phố Hội An được vinh danh.
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây